Trưởng toán bắn tỉa kiện Cảnh sát NSW

Trưởng toán bắn tỉa thuộc Biệt đội Cảnh sát chống khủng bố tham gia vụ giải cứu con tin Lindt Cafe ngày 15.12.2014 đã kiện Cảnh sát NSW ra Tòa Trung thẩm NSW, viện cớ cảnh sát đã không cho phép họ thực hiện những gì đã được huấn luyện, hậu quả là hai con tin bị thiệt mạng để rồi tạo nên những dư chấn từ ám ảnh tâm lý cho mình.

Nguyên đơn được tòa ra lệnh giữ kín danh tính, chỉ gọi là Sierra 3-1 và trong đơn kiện trình lên tòa ngày 12.4.2019 đã đưa ra bản khai hữu thệ dày đến 30 trang, cho biết ông ta đã bị chấn thương tâm lý do chính những quyết định của cấp trên trong chiến dịch giải cứu, sau khi chứng kiến cảnh nạn nhân Tori Johnson bị tên bắt cóc Man Monis dùng súng shotgun bắn thẳng vào đầu.

Ông cũng cho biết là đã từng khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban hạnh kiểm của lực lượng chấp pháp (Law Enforcement Conduct Commissioner), cho rằng nhiều sĩ quan cao cấp đã dẫm lên pháp luật trong chính cuộc điều tra sau đó, tuy nhiên đơn khiếu nại này bị bác bỏ.

Cần nhắc lại là những sự thật đau lòng trong chiến dịch giải cứu đã được phơi bày phần nào trong phiên tòa nghiệm tra khai mạc vào cuối tháng 1 năm 2015. Dù toán bắn tỉa tuyên bố sẵn sàng siết cò nhưng cấp trên mãi chần chừ, mãi đến khi Man Haron Monis bắt người quản lý quán Tori Johnson qùy gối rồi bắn ngay vào sau ót trong cự ly mà không thèm cảnh cáo khiến nạn nhân chết ngay lập tức.

Ngay sau khi nhân viên bắn tỉa báo động thì cấp trên mới quyết định hành động và hai nhân viên mai phục gần quán cà phê nhất đã ập vào quán bắn hạ kẻ bắt cóc.

Tuy nhiên hành động này đã khiến một nạn nhân khác chết oan là nữ luật sư Katrina Dawson” cô đã trúng miểng đạn của cảnh sát trước khi qua đời trong bệnh viện vì bệnh tim.

Theo một nhà phân tích vũ khí cho rằng sự thể đáng tiếc này là do cảnh sát sử dụng loại súng không thích hợp trong một môi trường chật chội, khiến đạn của nó có thể thối lại gây văng miểng.

Trước khi ập vào, cảnh sát đã ném vào đây 11 quả “distracter”, vừa phát tiếng nổ để gây choáng vừa phát ánh sáng để gây lóa mắt.

Kết quả giảo nghiệm cũng cho thấy Monis bị ít nhất 13 phát đạn: ít nhất hai viên đạn ghim vào đầu và 11 viên khác ghim vào thân thể. Tuy nhiên miểng đạn đã gây hại cho nữ con tin Dawson.

Tuyên bố tại phiên tòa, Luật sư Jeremy Gormly SC, phụ tá của Nghiệm tra viên, cho biết nữ luật sư đã bị trúng 6 miểng đạn, những miểng này có thể vỡ ra từ một viên đạn hay nhiều viên đạn của cảnh sát.

Hiện tòa đã chấp thuận thỉnh cầu của hai nhân viên cảnh sát chống khủng bố là giữ kín danh tính của họ.

Theo Mitchell McAlister, một cựu thành viên Biệt đội chống khủng bố của Úc, thì việc các nhân viên cảnh sát sử dụng loại súng M4A1 có thể gây ra cái chết của luật sư Dawson.

Viết trên tạp chí trực tuyến SOFREP của Mỹ, ông cho rằng đạn của súng tiểu liên này khá nặng, và có nguy cơ bị thối lại hay vỡ khi chạm vào mục tiêu cứng trong một không gian chật chội.

Tòa cũng nêu ra những thông tin chi tiết về vụ bắt cóc, theo đó Monis bước vào quán cà phê vào khoảng 8.33 giờ sáng và đặt bánh, tại đây y ăn một cái bánh chocolate, uống một tách trà rồi yêu cầu đổi đến cái bàn có thể quan sát vị trí cả quán. Sau đó yêu cầu được nói chuyện với người điều hành Johnson.

Không rõ y nói gì, tuy nhiên các nhân viên cho biết có thể thấy vẻ mặt ông Johnson rất căng thẳng. Tuy nhiên chẳng bao lâu thì họ hiểu. Monis yêu cầu họ khóa hết cửa quán lại và tuyên bố “Đây là một vụ tấn công. Ta có mang theo bom” và dọa giết sạch cả quán!

Lực lượng tấn công vào quán cà phê chấm dứt vụ khống chế con tin kéo dài 16 tiếng đồng hồ này là “Đơn vị Tác chiến Chiến thuật” (Tactical Operations Unit: TOU), trực thuộc Cảnh sát NSW.

Từ năm 1978 Chương trình Chống khủng bố Quốc gia của chính phủ liên bang yêu cầu mỗi tiểu bang phải thành lập một đơn vị đặc biệt nhắm vào các hoạt động chống khủng bố và giải cứu con tin, còn có tên khác là SWAT và đến năm 1991 thì đơn vị này chính thức ra mắt.

Tại NSW, đơn vị này cùng các đơn vị đặc biệt khác như State Protection Support Units (SPSU) (Đơn vị Cận vệ Tiểu bang), Negotiation Unit (Đơn vị Thương thuyết), Intelligence Unit (Tình báo), Police Rescue and Bomb Disposal Unit (Đơn vị rà phá bom), Police Armoury (Toán thiết giáp cảnh sát), Dog Unit (Đơn vị cảnh khuyến), được đặt dưới sự chỉ huy của Phụ tá tư lệnh Catherine Burn.

TOU đã tham gia giải cứu rất nhiều tình huống khẩn cấp trước đây, mà nổi bật nhất là vụ đấu súng kéo dài một tuần liên tiếp ở vùng Merrylands vào năm 2012. Các sĩ quan thương thuyết và tác chiến của TOU cần có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành an ninh trước khi được tuyển chọn. Sau đó, các ứng cử viên còn phải thực hiện nhiều bài kiểm tra tâm lý, sức khỏe và kỹ năng. Họ vẫn tiếp tục được đánh giá dựa trên những tiêu chí khác nhau để được phân vào từng nhóm thích hợp. Những sĩ quan TOU đều thuộc hàng “ưu tú” của lực lượng cảnh sát Liên bang.

Theo mô tả của ông Rory Ford, cựu thành viên TOU, những chiến thuật, vũ khí, thiết bị và chương trình đào tạo mà TOU sử dụng đã đạt đến tầm mức và quy mô của quân đội chính quy, chứ không còn đơn giản là các biện pháp cảnh sát thông thường.

Tòa Trung thẩm NSW sẽ xem xét vụ kiện này vào năm tới.

Related posts