Hồ sơ phơi bầy chương trình nghiên cứu vi khuẩn dơi của Trung Quốc

Sharri Markson
Cymbidium dịch

Trung Quốc đã cố tình che dấu hoặc phá hủy bằng chứng về sự bùng phát của coronavirus, “một sự chà đạp lên sự minh bạch của quốc tế” đã tước đi cả chục vạn sinh mạng, một hồ sơ được soạn thảo bởi các quốc gia Tây phương quan tâm về vụ lây nhiễm COVID-19 cho biết.

Báo The Saturday Telegraph đã có trong tay một tài liệu nghiên cứu dài 15 trang làm cơ sở cho cáo buộc Trung Quốc đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tài liệu viết rằng các quốc gia khác bị vạ lây khi chính phủ Trung Quốc che đậy tin tức về virus này bằng cách bịt miệng hoặc “làm biến mất” các bác sĩ đã lên tiếng, phá hủy bằng chứng trong các phòng thí nghiệm và từ chối cung cấp mẫu sống cho các khoa học gia quốc tế đang chế tạo vắc-xin.


Phòng thí nghiệm P4 tại Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán. Ảnh: Hector Retamal/AFP

Tài liệu cũng tiết lộ chính phủ Úc đã đào tạo và tài trợ một nhóm các khoa học gia Trung Quốc thuộc một phòng thí nghiệm, nơi tiến hành biến đổi gen cho loại coronavirus chết người, loại virus có thể truyền từ dơi sang người và không có thuốc chữa, và phòng thí nghiệm này hiện nay là tầm ngắm của một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.

Trong khi các cơ quan tình báo đang điều tra xem phòng thí nghiệm Vũ Hán có vô tình làm lọt virus ra ngoài hay không, hồ sơ của các chính phủ Tây phương soạn thảo đặt chú trọng vào một số nghiên cứu của nhóm này dưới sự dẫn dắt của khoa học gia Shi Zhengli.

Hồ sơ đề cập đến nhóm khoa học gia này đã khám phá ra các mẫu coronavirus từ một hang động ở tỉnh Vân Nam hầu như có cùng gen với COVID-19 và họ cũng làm nghiên cứu để tạo một loại coronavirus đến từ dơi mà không thể chữa trị được.

Các cáo buộc chính trong hồ sơ bao gồm “[Trung Quốc] chối rằng virus không lây truyền từ người sang người”, bịt miệng hoặc “làm biến mất” các bác sĩ và nhà khoa học đã lên tiếng, sự tiêu hủy bằng chứng virus từ các phòng thí nghiệm nghiên cứu bộ gen, và “tẩy sạch các quầy hàng ở chợ thú hoang” cùng với việc từ chối cung cấp các mẫu virus sống cho các khoa học gia quốc tế đang nghiên cứu vắc-xin.

Theo hồ sơ của các chính phủ Tây phương, các nhân vật chủ chốt trong nhóm đến từ Viện Nghiên Cứu Vi Khuẩn Học Vũ Hán đã được đào tạo hoặc làm việc trong Phòng thí nghiệm Thú y thuộc về Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Kỹ nghệ Liên hiệp Anh của Úc (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation, CSIRO), qua mối quan hệ hợp tác giữa CSIRO và Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc vào lúc đó để làm nghiên cứu cơ bản về vi khuẩn chết người trên dơi sống, bao gồm cả SARS.

Theo trang mạng của Viện Nghiên Cứu Vi Khuẩn Học Vũ Hán, sự hợp tác này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay bất chấp quan ngại là các nghiên cứu này quá rủi ro.

Các chính trị gia trong chính phủ Úc đang quan tâm về khía cạnh an ninh quốc gia và an toàn sinh học của sự hợp tác này khi nghiên cứu về virus đến từ dơi đầy tranh cãi hiện đang là chủ tâm trong cuộc điều tra của các liên minh tình báo Five Eyes giữa Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Canada và Anh Quốc.

NGHIÊN CỨU NGUY HIỂM VỀ DƠI

Tại Vũ Hán trong tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc, không xa chợ thú hoang Vũ Hán khét tiếng hiện nay, Tiến sĩ Shi và nhóm của cô mặc quần áo bảo vệ tối đa để làm việc trong các phòng thí nghiệm giới hạn sinh học cấp ba và cấp bốn để nghiên cứu về các loại coronavirus chết người có nguồn gốc từ dơi.

Ít nhất một trong khoảng 50 mẫu virus mà TS Shi có trong phòng thí nghiệm của cô có một bộ gen 96% giống bộ gen COVID-19. Khi TS Shi nghe tin về sự bùng phát của một loại virus gây viêm phổi mới, cô đã nói về những đêm mất ngủ mà cô lo lắng liệu phòng thí nghiệm của mình có phải là nguồn gốc gây ra dịch bệnh hay không.

Như cô nói với tạp chí Scientific American trong một bài báo xuất bản tuần này: “Vi khuẩn đã có thể thoát ra từ phòng thí nghiệm của chúng tôi không?”. Kể từ khi sợ hãi lúc ban đầu của mình, TS Shi đã tự mãn khi bộ gen của COVID-19 không giống với bất kỳ vi khuẩn nào của cô đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Tuy thế, dựa theo những lời nói dối, che giấu và giận dữ từ chối cho phép bất kỳ cuộc điều tra nào về nguồn gốc của vụ dịch bùng phát, phòng thí nghiệm của cô hiện đang bị các cơ quan tình báo quốc tế để ý kỹ.

Quan điểm của chính phủ Úc là virus rất có thể đã xuất phát từ chợ thú hoang ở Vũ Hán nhưng chỉ có một xác suất nhỏ 5% là virus vô tình bị lọt ra từ một phòng thí nghiệm.

Về phía Hoa Kỳ, theo các bài báo trong tuần này thì có nhiều khả năng virus đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm nhưng nó cũng có thể đến từ một chợ buôn và bán thịt thú hoang, nơi mà các bệnh khác như cúm gà H5N1 và SARS đã bắt nguồn.

TẠO VIRUS CHẾT NGƯỜI HƠN

Hồ sơ của các chính phủ Tây phương xác nhận điều này.

Hồ sơ có nói đến một nghiên cứu vào năm 2013 được thực hiện bởi một nhóm các khoa học gia trong đó có TS Shi, người đã lấy một mẫu phân dơi móng ngựa từ một hang động ở tỉnh Vân Nam mà sau đó nó được phát hiện có chứa virus giống hệt SARS-CoV-2, một virus gây ra COVID-19 với độ chính xác 96,2%.

Hồ sơ nghiên cứu cũng nói đến khảo cứu được nhóm này thực hiện để tạo các coronavirus giống SARS, để phân tích xem chúng có thể truyền từ dơi sang động vật có vú hay không. Điều này có nghĩa là họ đã thay đổi các gen của virus để thử xem nó có thể được truyền giữa các chủng loài khác nhau hay không.

Bài nghiên cứu vào tháng 11 năm 2015 của họ, được thực hiện cùng với University of North Carolina đã kết luận rằng virus giống SARS có thể truyền trực tiếp từ dơi sang người và không có cách điều trị nào.

Bài nghiên cứu thừa nhận sự nguy hiểm đáng sợ của khảo cứu họ đang làm. Nhóm tác giả viết “Các khả năng để chuẩn bị và giảm thiểu các đợt bùng phát trong tương lai phải được cân nhắc so với nguy cơ tạo ra các vi khuẩn nguy hiểm hơn.”

Dưới dưới đây là đoạn văn mà tài liệu của các chính phủ Tây phương trích lại từ bài nghiên cứu mà người đọc phải là một khoa học gia để hiểu ý.

Bài khảo cứu viết “Để xem xét khả năng phát sinh (nghĩa là khả năng lây qua người) của vi khuẩn CoVs đang có trong dơi, chúng tôi đã tạo được một loại virus mới bằng cách cấy bộ gen từ (vi khuẩn) RsSHCO14-CoV đã được tách ra từ dơi móng ngựa ở Trung Cộng vào mã số của một gai prô tê in từ vi khuẩn động vật CoV – vi khuẩn mới này đã tự biến hóa để gây ra bệnh y hệt như trong trường hợp (vi khuẩn) SARS-CoV khi được thử trên chuột.”

Một trong những đồng tác giả của TS Shi trong khảo cứu đó, Giáo sư Ralph Baric từ North Carolina University tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Science Daily vào lúc đó: “Vi khuẩn mới này gây bệnh rất cao và các phương pháp điều trị chống virus SARS đầu tiên vào năm 2002 và thuốc ZMapp chống lại ebola đều thất bại trong việc vô hiệu hóa và kiểm soát loại virus đặc biệt này.”

Vài năm sau, vào tháng 3 năm 2019, TS Shi và nhóm của cô, gồm cả Peng Zhou, người đã từng làm ở Úc trong 5 năm, đã đăng một bài tóm lược trên tạp chí y khoa Viruses dưới tựa đề Coronaviruses trong Dơi ở Trung Cộng. Trong bài, họ viết rằng “chủ đích của họ là tiên đoán các điểm nóng virus và khả năng lây lan giữa các chủng loài của nó”. Bài viết mô tả “nghiên cứu coronavirus trong dơi ở Trung Cộng là một vấn đề cấp bách để hiểu tiềm năng gây ra cơn dịch khác … Rất có khả năng là trong tương lai các bệnh dịch coronavirus giống SARS hoặc MERS sẽ bắt nguồn từ dơi, và càng có nhiều triển vọng điều này sẽ xảy ra ở Trung Cộng.”

Bài báo nghiên cứu các loại prô tê in để xác định loại nào “quan trọng để lây truyền giữa các chủng loại.”

Mặc dù tình báo đang điều tra về việc liệu phòng thí nghiệm của TS Shi có thể là thủ phạm cho cơn dịch vi khuẩn hay không, cô ta không ngừng nghiên cứu vì đó là điều mà cô cho là quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ngăn chặn đại dịch. Cô dự định dẫn đầu một dự án quốc gia để lấy mẫu virus trong các hang dơi một cách có hệ thống, với ước tính cho rằng có hơn 5000 loại coronavirus đang chờ để được phát hiện trong loài dơi trên thế giới. TS Shi nói với báo Science American “Coronavirus trong dơi sẽ gây ra nhiều cơn dịch hơn, chúng ta phải tìm ra chúng trước khi chúng tìm ra chúng ta.”

LIÊN QUAN ĐẾN ÚC

TS Shi, giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Mới phát hiện tại Viện Vi khuẩn học Vũ Hán của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Cộng, đã sang Úc với tư cách là khoa học gia viếng thăm trong ba tháng từ 22 tháng 2 đến 21 tháng 5 năm 2006 và làm việc trong Phòng thí nghiệm Thú y cao cấp nhất của CSIRO tại Úc. Gần đây phòng thí nghiệm đã được đổi tên.

CSIRO không bình luận về những gì cô ấy đã thực hiện trong lúc làm ở đây, nhưng một tiểu sử được lưu trữ và dịch trên trang mạng của Viện Vi khuẩn học Vũ Hán cho biết cô ấy đang làm việc với virus SARS. Bản tiểu sử viết “Các kháng thể và gen của virus SARS đã được thử nghiệm trong Phòng thí nghiệm về Vi khuẩn học Quốc gia ở Vũ Hán và Phòng thí nghiệm Nghiên cứu về Thú y ở Geelong, Úc (CSIRO.)

Peng Zhou, người được TS Shi bảo trợ, hiện là người đứng đầu Dự án Nhiễm Vi khuẩn Dơi và Miễn dịch tại Viện Vi khuẩn học Vũ Hán đã trải qua ba năm trong nhà cách ly sinh học tại Phòng thí nghiệm Thú y Úc từ năm 2011 đến 2014. Ông được Trung Cộng gửi qua để hoàn tất bằng tiến sĩ của mình tại CSIRO từ 2009-2010.

Trong thời gian này, TS Zhou sắp xếp cho những con dơi bị bẫy trong thiên nhiên được chở sống bằng đường hàng không từ Queensland đến phòng thí nghiệm ở Victoria, nơi chúng bị giết để nghiên cứu các loại virus chết người.

TS Linfa Wang, trong khi là một giáo sư danh dự của Viện Vi khuẩn học Vũ Hán từ năm 2005 đến 2011, cũng đã làm việc trong Văn phòng Giám đốc Điều hành Khoa học về Vi khuẩn học thuộc về CSIRO giữa năm 2008 và 2011.

Thượng nghị sĩ Liên bang theo Đảng Tự Do Sarah Henderson nói đó là một điều đáng quan tâm khi các khoa học gia Trung Cộng đã làm nghiên cứu về vi khuẩn dơi tại CSIRO ở Geelong, Victoria qua các dự án được tài trợ chung giữa chính phủ Úc và Trung Cộng. Bà ta nói “Chúng ta cần phải cẩn thận tối đa với bất kỳ dự án nghiên cứu nào có dính líu đến công dân nước ngoài mà có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc an toàn sinh học của chúng ta.”

Mặc dù Hoa Kỳ đã ngưng tất cả tài trợ cho Viện Vi khuẩn học Vũ Hán, CSIRO không trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có còn hợp tác với viện này hay không; họ chỉ nói rằng họ hợp tác với mọi tổ chức nghiên cứu khắp nơi trên thế giới để ngăn ngừa bệnh tật.

Một phát ngôn viên của CSIRO cho biết “Như với tất cả các đối tác, CSIRO rất cẩn thận và rất coi trọng vấn đề an toàn. CSIRO thực hiện tất cả các nghiên cứu theo các quy định nghiêm ngặt về an toàn sinh học và lập pháp.”

NGHIÊN CỨU CÓ ĐÁNG VỚI RỦI RO?

Vào tháng 10 năm 2014, Hoa Kỳ đã ngưng tài trợ các thí nghiệm tạo ra các vi khuẩn thêm độc hại hoặc có thể phát tán các virus nguy hiểm vì họ lo ngại nó có thể dẫn đến đại dịch toàn cầu. Nhưng vào tháng 12 năm 2017, lệnh tạm dừng tài trợ cho 21 nghiên cứu “tăng độc tính” đã được dỡ bỏ. Bất chấp quản ngại, CSIRO vẫn tiếp tục hợp tác và tài trợ nghiên cứu với Viện Vi khuẩn học Vũ Hán.

CSIRO từ chối trả lời các câu hỏi của báo The Saturday Telegraph về ngân khoản được dùng cho hợp tác nghiên cứu chung với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Cộng và Viện Vi khuẩn học Vũ Hán của họ. Viện Vũ Hán vẫn liệt kê CSIRO là đối tác trong khi Hoa Kỳ đã cắt đứt mối liên hệ với họ từ khi dịch coronavirus bùng phát.

Vấn đề bàn cãi nóng hổi hiện nay trong cộng đồng khoa học là liệu có đáng rủi ro để tạo ra các loại virus này để lường trước và ngăn chặn một đại dịch hay không vì con vi khuẩn thoát ra ngoài cũng có thể gây ra một cuộc đại dịch.

Cũng đã có những lo ngại nghiêm trọng về việc thiếu các thực hành an toàn đúng mức tại Viện Vi khuẩn học Vũ Hán khi làm việc với các loại virus chết người. Báo The Washington Post có trong tay một điện tín ”Nhạy cảm nhưng Không Mật” vào ngày 19 tháng 1 năm 2018, bức điện tiết lộ rằng các khoa học gia và nhà ngoại giao của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã đến thăm phòng thí nghiệm và gửi báo cáo cho Washington để cảnh giác về các thực hành thiếu an toàn và quản trị kém cỏi của phòng thí nghiệm khi nghiên cứu về coronavirus từ dơi. Bức điện tín viết “Qua các trao đổi với các khoa học gia của Viện Vi khuẩn học Vũ Hán, họ cho biết phòng thí nghiệm mới đang thiếu trầm trọng những nhân viên kỹ thuật và nhà khảo cứu được huấn luyện kỹ càng mà họ cần có để điều khiển phòng thí nghiệm cách ly hạng cao này một cách an toàn.”

CÁO BUỘC KHÔNG CHẮC VỀ VIRUS ĐƯỢC TẠO TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM

Giới khoa học đều cho là virus đến từ một chợ bán thú hoang. Nhưng cơ quan tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ lần đầu tiên đã xác nhận vào ngày hôm qua rằng ủy ban tình báo Hoa Kỳ đang điều tra xem COVID-19 có phải là kết quả của một sơ suất tại phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không.

Richard Grenell của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cho biết virus này đã không được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Ông nói “Toàn bộ Cộng đồng Tình báo đã liên tục cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ và những cơ quan đối phó với virus COVID-19 mà nó bắt nguồn gốc từ Trung Cộng. CĐTB cũng đồng ý với ý kiến chung của giới khoa học là virus COVID-19 không phải do người tạo ra hoặc được thay đổi gen. Như trong tất cả các cuộc khủng hoảng, các chuyên gia trong CĐTB trợ giúp bằng cách gia tăng nguồn lực và cũng cấp tin tức tình báo thiết yếu về các vấn đề quan trọng cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ. CĐTB sẽ tiếp tục kiểm tra kỹ càng các tin tức và tin tình báo mới ra để xác định cơn dịch khởi đầu bằng cách tiếp cận với động vật bị nhiễm vi khuẩn hay đó là kết quả của một vụ sơ suất tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.”

Bất chấp lời tuyên bố của Ông Grenell và ý kiến chung trong giới khoa học rằng vi khuẩn COVID-19 đã không được tạo ra trong phòng thí nghiệm, báo The Telegraph thu thập được một bài khảo cứu của chính phủ ghi nhận một nghiên cứu cho rằng bộ gen của coronavirus cho thấy nó đã được tạo ra.

Qua một nghiên cứu được công bố vào ngày 6 tháng 2, các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nam Trung Cộng kết luận rằng “sát thủ coronavirus có lẽ đã bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Mức an toàn có thể cần phải được tăng cường trong các phòng thí nghiệm sinh học có rủi ro cao”. Hồ sơ của liên minh tình báo Five Eyes cho biết “Theo tác giả Botao Xiano, bài nghiên cứu bị rút lại sau đó vì không có bằng chứng trực tiếp”. Hồ sơ tiếp tục viết “Học giả Yanzhong Huang đã viết vào ngày 5 tháng 3 rằng không có khoa học gia nào xác nhận hay bác bỏ những kết luận của bài báo.”

Tờ Saturday Telegraph không nói bài nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc là đáng tin cậy, tờ báo chỉ viết bài nghiên cứu đã được bao gồm trong tài liệu nghiên cứu của chính phủ (Hoa Kỳ) và được đưa ra như một phần của bằng chứng chống Trung Cộng.

TRUNG QUỐC CHE DẤU MẪU VI KHUẨN BAN ĐẦU

Hồ sơ mà tờ Saturday Telegraph có trong tay nói về việc “ngăn chặn và tiêu hủy bằng chứng” và “các mẫu virus phải được phá hủy tại các phòng thí nghiệm về gen, khử trùng sạch các quầy hàng ở chợ thú hoang, không được chia sẻ công khai các bộ gen, đóng cửa phòng thí nghiệm Thượng Hải để ‘sửa chữa’, các bài viết khoa học phải được Bộ Khoa học và Công nghệ duyệt xét trước và dữ liệu về ‘người mang mầm bệnh im lặng’ nhưng không có triệu chứng phải được giữ bí mật.”

Hồ sơ vẽ nên một bức tranh về những cách chính phủ Trung Cộng cố tình che giấu coronavirus bằng cách bịt miệng các bác sĩ lên tiếng, phá hủy bằng chứng trong phòng thí nghiệm Vũ Hán và từ chối cung cấp mẫu virus sống cho các khoa học gia quốc tế đang làm việc về vắc-xin.

Hoa Kỳ, cùng với các quốc gia khác, đã nhiều lần yêu cầu một mẫu virus sống từ các ca nhiễm coronavirus đầu tiên. Điều này được hiểu là đã không thể xảy ra mặc dù rất quan trọng trong việc phát triển một vắc-xin đồng thời có triển vọng cung cấp một dấu hiệu về nguồn gốc của coronavirus.

NHÂN VIÊN PHÒNG THÍ NGHIỆM MẤT TÍCH

Trong số tất cả các bác sĩ, nhà hoạt động, nhà báo và nhà khoa học mất tích sau khi lên tiếng về coronavirus hoặc chỉ trích cách đối phó của chính quyền Trung Cộng, không có trường hợp nào hấp dẫn và đáng lo ngại hơn trường hợp của cô Huang Yan Ling.

Tờ báo South China Morning Post đã đăng những tin đồn tới tấp trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Cộng về Huang Yan Ling, một nhà nghiên cứu tại Viện Vi khuẩn học Vũ Hán. Tin đồn cho cho cô ta là người đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh và là bệnh nhân đầu tiên. Sau đó đến tin cô mất tích với tiểu sử và hình ảnh của cô bị xóa khỏi trang mạng của Viện Vi khuẩn học Vũ Hán. Vào ngày 16 tháng 2, Viện này chối, nói cô không phải là bệnh nhân đầu tiên và thêm rằng cô vẫn còn sống và khỏe mạnh, nhưng từ đó đến nay không thấy bằng chứng nào về cô còn sống làm người ta bàn tán thêm.

THỦ TIÊU BẰNG CHỨNG

Vào ngày 31 tháng 12, 2019, các nhà chức trách Trung Cộng bắt đầu kiểm duyệt tin tức về virus từ các công cụ tìm kiếm, họ xóa các từ ngữ bao gồm “biến thể của SARS, Chợ cá Vũ Hán, viêm phổi Vũ Hán không tên”. Dù không có bất kỳ cuộc điều tra nào về nguồn gốc của virus, Chợ cá Vũ Hán đã bị đóng cửa và khử trùng vào ngày 1 tháng 1.

Báo New York Times đăng rằng các động vật và chuồng riêng lẻ không được lấy mẫu thử, do đó “các bằng chứng về động vật nào đã có thể là nguồn gốc của coronavirus và những người nào đã bị nhiễm vi khuẩn nhưng sống sót đều bị tiêu hủy”. Ủy ban Y tế Hồ Bắc ra lệnh cho các công ty nghiên cứu về gen ngưng thử nghiệm virus mới và phá hủy tất cả các mẫu. Hôm sau, vào ngày 3 tháng 1, Ủy ban Y tế Quốc gia, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Cộng yêu cầu chuyển các mẫu bệnh viêm phổi Vũ Hán đến các cơ sở xét nghiệm được chỉ định trước hoặc phải được tiêu hủy, đồng thời ra lệnh không được in các chỉ thị liên quan đến căn bệnh vô danh này.

Các bác sĩ nào dũng cảm lên tiếng về loại virus mới đều bị giam và kết án. Sự giam cầm của họ được đăng trên khắp các phương tiện truyền thông nhà nước với lời kêu gọi từ Cảnh sát Vũ Hán “tất cả mọi công dân không được bịa đặt tin đồn, không lan truyền tin đồn, không tin vào tin đồn.”

Một tweet từ báo Global Times vào ngày 2 tháng 1 viết: “Cảnh sát ở Vũ Hán đã bắt 8 người lan truyền tin đồn về sự bùng phát của bệnh viêm phổi #pneumonia chưa được xác định. Các bài viết trực tuyến trước cho biết đó là SARS”. Tin này có chủ ý bịt miệng các bác sĩ khác, những người có thể có ý định lên tiếng.

Thế thì sự thật về dịch bùng phát ở Trung Cộng vẫn còn bị giấu kín và Chủ tịch Tập Cận Bình hung hăng từ chối các lời kêu gọi điều tra của thế giới. Hồ sơ lên án Trung Cộng đã chối liên tục về dịch bùng phát qua hai câu viết “Mặc dù có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người vào đầu tháng 12, chính quyền Trung Cộng chối cho đến ngày 20 tháng 1. Tổ chức Y tế Thế giới cũng chối y như vậy. Tuy nhiên, nhà chức trách ở Đài Loan đã nêu quan ngại sớm nhất là vào ngày 31 tháng 12, cũng như các chuyên gia ở Hồng Kông vào ngày 4 tháng 1.”

Hồ sơ phơi trần sự giả dối của Trung Cộng khi họ tự cấm du lịch nhưng lại lên án những lệnh giới hạn du lịch của Úc và Hoa Kỳ. Hồ sơ viết: “Hàng triệu người rời Vũ Hán sau khi bệnh dịch bùng phát và trước khi Bắc Kinh phong tỏa thành phố vào ngày 23 tháng 1. Ngàn ngàn người bay ra nước ngoài. Trong suốt tháng Hai, Bắc Kinh ép Mỹ, Ý, Ấn Độ, Úc, các nước láng giềng Đông Nam Á và những quốc gia khác đừng tự bảo vệ qua các hạn chế du lịch, ngay cả trong khi đó Trung Cộng áp đặt các giới hạn đi lại gắt gao trong nước”. Theo hồ sơ, các chính phủ Tây phương đang chống lại cái mà họ gọi là “cuộc tấn công vào tính minh bạch quốc tế.”

Hồ sơ viết “Khi các nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu soạn thảo một báo cáo về đại dịch, Trung Cộng đã thành công ép buộc Brussels kiểm duyệt ngôn ngữ nói về những thông tin sai lạc của Trung Cộng”. “Khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về đại dịch, Trung Cộng đe dọa cắt đứt thương mại với Úc. Tương tự, Trung Cộng cũng đã phản ứng dữ dội đối với những lời kêu gọi minh bạch của Hoa Kỳ.”

Ông Andrew Hastie, Chủ tịch Đồng Ủy ban Quốc hội về Tình báo và An ninh Úc nói sau chiến dịch che dấu và thông tin sai lạc từ Trung Cộng, cả thế giới cần sự minh bạch và một cuộc điều tra. Ông tiếp “Quá nhiều công dân Úc đã bị thiệt hại vì sự quản lý COVID-19 kém cỏi của chính phủ Trung Cộng, và nếu chúng ta thực sự gần gũi như Bắc Kinh đã gợi ý thì chúng ta cần các câu trả lời về việc tất cả đã bắt đầu như thế nào.”

NHỮNG NGÀY CHE DẤU DỊCH COVID QUAN TRỌNG

Ngày 9 tháng 11 năm 2015: Viện Vi khuẩn học Vũ Hán công bố một nghiên cứu cho biết họ đã tạo ra một loại virus mới trong phòng thí nghiệm từ SARS-CoV.

Ngày 6 tháng 12 năm 2019: Năm ngày sau khi đi chợ cá Vũ Hán, một người đàn ông có triệu chứng giống như viêm phổi, vợ anh ta cũng mắc bệnh này. Điều này gợi ý bệnh lây từ người sang người.

Ngày 27 tháng 12: Với 180 bệnh nhân, Cơ quan Y tế Trung Cộng nói đây một căn bệnh mới do một loại coronavirus mới gây ra.

Ngày 26-30 tháng 12: Bằng chứng về virus mới xuất hiện đến từ dữ liệu bệnh nhân Vũ Hán.

Ngày 31 tháng 12: Trung Cộng bắt đầu kiểm duyệt các chữ trên phương tiện truyền thông xã hội trên mạng như “viêm phổi không tên ở Vũ Hán.”

Ngày 1 tháng 1 năm 2020: Tám bác sĩ Vũ Hán cảnh báo về virus mới bị bắt và kết án.

Ngày 3 tháng 1: Cơ quan y tế hàng đầu của Trung Cộng ban hành lệnh cấm tuyên bố.

Ngày 5 tháng 1: Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán ngừng cập nhật hàng ngày về các trường hợp nhiễm vi khuẩn mới. Tiếp tục cho đến ngày 18 tháng 1.

Ngày 10 tháng 1: Wang Guangfa, quan chức của Trung Cộng nói rằng dịch bệnh nằm dưới sự kiểm soát và hầu hết đều trong tình trạng nhẹ.

Ngày 12 tháng 1: Phòng thí nghiệm của giáo sư Zhang Yongzhen tại Thượng Hải đã bị chính quyền đóng cửa để “sửa sang”, một ngày sau khi họ chia sẻ lần đầu tiên dữ liệu bộ gen với thế giới.

Ngày 14 tháng 1: Ma Xiaowei, giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Cộng cảnh báo riêng với các đồng nghiệp rằng virus có thể trở thành một biến cố y tế công cộng lớn.

Ngày 24 tháng 1: Các chức trách ở Bắc Kinh ngăn Viện Vi khuẩn học Vũ Hán chia sẻ các mẫu phân lập với Đại học Texas.

Ngày 6 tháng 2: Cơ quan giám sát mạng ở Trung Cộng thắt chặt kiểm soát truyền thông xã hội.

Ngày 9 tháng 2: Nhà báo công dân và doanh nhân địa phương Fang Bin mất tích.

Ngày 17 tháng 4: Vũ Hán muộn màng tăng thêm 1290 vào số tử vong chính thức.

Related posts