Lời tòa soạn: Ông Đoàn Viết Hoạt tốt nghiệp đại học Sư Phạm Sài Gòn năm 1965 rồi đi dạy tại các trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho, Chu Văn An – Sài Gòn. Năm 1966 ông được học bổng Asia Foundation đi du học tại Hoa Kỳ từ 1967-1971 và lấy bằng tiến sĩ về giáo dục và hành chánh. Sau khi về nước ông giảng dạy và là phó Viện trưởng của Đại học Vạn Hạnh từ năm 1971 cho đến ngày mất nước.
Sau tháng 4 năm 1975, vì không chấp nhận chế độ độc tài Cộng sản, cho nên vào ngày 29/7/1976 ông bị bắt với cáo trạng “Tuyên truyền tư tưởng phản động chống phá Nhà nước CHXHCHVN” với bản án 12 năm tù. Sau khi ra tù vào tháng 2/1988 ông vẫn tiếp tục tranh đấu qua tạp chí Diễn Đàn Tự Do với quan điểm đòi hỏi chính quyền chấp nhận đa đảng và quyền tự do tư tưởng.
Vào ngày 17/11/1990 ông bị chính quyền bắt giữ qua những bài viết trên Diễn đàn Tự do và bị kết án 20 năm tù.
Ngày 29/8/1998 nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức nhân quyền thế giới ông được thả và bị trục xuất qua Mỹ vào ngày 1/9/1998.
Kể từ khi đến Mỹ cho đến nay ông vẫn tiếp tục tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự do dân chủ. Nhân dịp ông Đoàn Viết Hoạt đến Úc để thăm thân hữu và gia đình, Việt Luận có cuộc tâm tình dưới đây và ghi lại để chia sẻ với độc giả.
Việt Luận (VL): Thưa ông, chúng tôi được biết ông đang tới Úc để thăm viếng gia đình và bạn bè, ngoài việc đó ông có ý định gặp gỡ đồng hương ở Úc Châu không?
Ông Đoàn Viết Hoạt (ĐVH): Vì đây là chuyến đi thăm thân nhân trong gia đình và vài người bạn thân, và phải đi 2 nơi là Sydney và Melbourne trong một thời gian quá ngắn, nên tôi không dự định gặp đồng hương trong cộng đồng. Tuy nhiên do thân hữu thu xếp nên cũng có dịp gặp và trao đổi với vài nhân sĩ trong vùng, và do đó, có dịp đến thăm tòa báo Việt Luận.
VL: Ông có thể cho độc giả Việt Luận biết tình trạng sức khỏe và cuộc sống, sinh hoạt hiện tại của ông ở Mỹ hiện nay?
ĐVH: Tôi đến Mỹ năm 1998, trực tiếp từ nhà tù Thanh Cẩm. Sau thời gian hồi phục sức khỏe và cập nhật thông tin về tình hình VN và thế giới, tôi tiếp tục công việc vận động dân chủ hóa Việt Nam theo phương thức thích hợp với điều kiện hải ngoại. Tôi đã được tổ chức cộng đồng liên bang Úc mời qua thăm các cộng đồng tại Úc năm 2000. Tôi cũng đã được một vài đại học Mỹ và các tổ chức nhân quyền Mỹ và quốc tế mời đến nói chuyện. Tôi cũng có dịp gặp nhiều vị lãnh đạo các nước để trình bầy về chế độ độc tài cộng sản và tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, và yêu cầu họ ủng hộ phong trào đòi dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, và tạo áp lực để chính quyền cộng sản phải thay đổi. Nhân đó tôi cũng có dịp đến thăm tất cả các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Ở tất cả những nơi này tôi đều có cơ hội tiếp xúc, trao đổi quan điểm với tất cả những cá nhân và tổ chức có chung mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam để đạt đồng thuận, sau đó cùng nhau bàn bạc về các công việc có thể cùng thực hiện. Chúng tôi đã cùng nhau thành lâp Họp Mặt Dân Chủ, tập họp tất cả những cá nhân thuộc nhiều tổ chức khác nhau khắp nơi trên thế giới, và ra mắt năm 2002 tại Đức, từ đó đến nay mỗi năm liên tục tổ chức Tĩnh Hội (retreat) một lần, năm ngoái, 2018, tại Stuttgart, Đức, năm nay, 2019, tại Houston, Hoa Kỳ, để gặp nhau thảo luận tình hình trong nước, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, và đưa ra các dự án hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây tôi tập trung vào việc hỗ trợ phong trào ở trong nước, từ những nhóm đã có tổ chức cho đến những nhóm và cá nhân còn hoạt động âm thầm để xây dựng xã hội dân sự độc lập với chính quyền, và gây dựng phong trào trong nhiều lãnh vực khác nhau. Tôi cho rằng cuộc vận động dân chủ hóa cần đặt trên nền tảng một xã hội dân sự vững mạnh, với sự quan tâm và tham gia của mọi tầng lớp dân chúng, từ trí thức thành thị đến nông dân và công nhân, trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ nâng cao dân tri đến các vấn đề môi sinh, lạm quyền, tham nhũng, và các vấn đề xã hội. Tôi rất mừng vì thấy phong trào ngày càng lan rộng, dù chính quyền không ngừng đàn áp, bắt bớ và tìm mọi cách để tống xuất những người hoạt động ra khỏi nước. Phong trào không những không bị ngăn chặn mà còn gây tác động vào ngay bên trong đảng cộng sản khiến chính họ phải lên tiếng cảnh báo về hiện tượng “tự chuyển hóa” của các cán bộ đảng viên cộng sản –một hiện tượng đã bộc lộ công khai không còn che dấu được. Tình hình khu vực và thế giới đã chuyển biến, sự lộng hành của chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Đại Hán đang tạo ra nguy cơ mới cho khu vực ĐNÁ, Á châu và toàn thế giới– tất cả bối cảnh đó chính là cơ hội để thúc đẩy những biến chuyển chính trị xã hội tại Việt Nam theo hướng có lợi cho dân chủ và đặt ban lãnh đạo cộng sản Hà Nội vào thế bế tắc, khó thể cưỡng lại được xu thế tiến bộ chung của thời đại và của dân tộc.
VL: Là một nhà hoạt động tranh đấu dân chủ cho Việt Nam ngay sau tháng 4, 1975 và bị chính quyền CSVN bỏ tù 20 năm, một cách ngắn gọn ông có thể trình bày cho độc giả biết quan điểm chính trị của ông và yếu tố nào đã giúp ông giữ vững được tinh thần, chịu đựng được 20 năm trong nhà tù tàn bạo của Cộng Sản mà vẫn không bỏ cuộc?
ĐVH: Từ thời còn là sinh viên tôi đã có niềm tin vững chắc vào tiền đồ của dân tộc và vào xu thế tiến hóa hướng thượng của nhân loại. Trong cả ngàn năm trước đây dân tộc ta đơn độc một mình vẫn tồn tại trước bao cố gắng tiêu diệt và đồng hóa của bạo quyền bành trướng phương Bắc. Ngày nay dân tộc ta đã hòa nhập vào khu vực ĐNÁ và vào nhân loại toàn cầu. Mà nhân loại và thế giới đã vượt qua được những giai đoạn khủng hoảng tưởng như diệt vong với hàng trăm triệu nhân mạng bị hy sinh trong thế chiến II và trong chế độ cộng sản. Nhân loại đang và sẽ ngày càng tỉnh thức để tìm mọi cách tiến về phía trước, và tôi cũng tin rằng vị trí địa lý chính trị của đất nước ta khiến vận mệnh dân tộc ta không tách rời khỏi vận mệnh chung của khu vực và thế giới. Vấn đề lớn nhất của khu vực và thế giới trong những thập niên tới đây là sự lớn dậy của Trung Quốc. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đối với dân tộc ta không có gì là mới. Trước đây khi chưa có thế giới toàn cầu mà dân tộc ta còn đề kháng được tham vọng bành trướng này huống chi ngày nay trong một thế giới toàn cầu, Đại Hán lại là hiểm họa chung cho cả khu vực và thế giới. Chế độ cộng sản tại Trung Quốc và tại VN sẽ theo với sự băng hoại của giấc mơ Đại Hán mà tan vỡ theo. Điều chúng ta cần làm là giữ vững niềm tin vào truyền thống Tiên-Rồng của dân tộc, vào sức mạnh và tinh thần dân bản tương trợ cộng đồng của người Việt, và vào sự phát triển hướng thượng, nhân bản và tiến bộ của toàn nhân loại. Đồng thời chuyển tiếp ngọn lửa niềm tin đó vào các thế hệ thanh niên Việt, làm vô hiệu hóa những chính sách phản dân tộc và phi nhân bản của chinh quyền cộng sản, ngay khi chế độ cộng sản còn tồn tại. Hãy cùng nhau xây dựng một xã hội của dân (chỉ vì dân và thât sự do dân, xã hội duy dân) ngay trong lòng cái xã hội do đảng và cho đảng, ngày càng thu hẹp dần không gian của xã hội duy đảng, phát triển vững mạnh cái xã hội duy dân. Khi chưa thể có được một lực lượng đối lập chính trị trước sức mạnh bạo quyền thì càng cần tạo lập được một không gian dân sự đối lập tinh thần và đạo lý, gây dựng sức mạnh dân tộc và nhân loại như một thế đối lập tinh thần, kiềm tỏa lại và vô hiệu hóa tác hại của chính sách cộng sản phản dân tộc và phi nhân loại. Để làm được việc này cần một tầm nhìn toàn dân và toàn diện. Toàn dân là đến với mọi thành phần dân chúng, từ công nhân, nông dân đến thương gia và trí thức, nhất là tri thức trẻ và trung niên, và cả trong đảng và ngoài đảng cộng sản. Toàn diện là từ kinh tế thương mại, đến văn hóa giáo dục, thông tin, xã hội và chính trị, không chỉ chú ý đến chính trị. Chúng ta cần giúp người dân có khả năng chủ động và tự động lấy lại quyền tự quyết định vận mệnh của mỗi gia đình mình, họ hàng mình, bạn bè mình, làng xóm mình, không chờ đợi chính quyền độc tài ban ơn. Hiện nay người dân đã lấy lại được chủ quyền về sinh sống hàng ngày, không cần trông nhờ chính quyền như thời bao cấp. Nay cần tiếp tục lấy lại chủ quyền trong các hoạt động xã hội, tương trợ lẫn nhau để cùng sống, và để cùng tiến, giúp nhau nâng cao dân trí, tiếp nhận và phổ biến thông tin, kiến thức của thời đại, qua phương tiện thông tin điện tử toàn cầu tự do hiện nay. Làm được điều này chính là xây dựng được dân chủ từ nền tảng xã hội và từ chính người dân. Để từ đó làm vô hiêu hóa và làm suy yếu sức mạnh của bạo quyền, chờ cơ hội lấy lại chủ quyền về chinh trị. Đó là quan điểm và phương pháp vận động mà tôi đã chủ trương và tích cực phổ biến. Tôi vững tin vào những điều đó trên con đường hành động, và luôn vận động cho đường lối đó, dù trong tù hay ngoài xã hội, hoàn cảnh nguy khốn khó khăn nào cũng không làm tôi nao núng và thay đổi.
VL: Ông đánh giá thế nào về các tổ chức, phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam ở trong và ngoài nước hiện nay?
ĐVH: Một điều thấy rõ là ý chí của người dân Việt trong và ngài nước ngày càng đến gần nhau và rõ ràng, đó là chống lại chế độ cộng sản và mong muốn một nước Việt tự do và phồn vinh. Các tổ chức và phong trào đấu tranh ở trong nước hiện nay đều rất tích cực, dù gặp khó khăn, đàn áp, vẫn kiên trì hoạt động. Đó là thế mạnh của phong trào. Tuy nhiên thế yếu là nhiều người, nhiều nhóm vẫn còn tự giới hạn trong một lãnh vực là chính trị, nên chưa hòa nhập được vào cuộc đấu tranh đòi dân sinh và dân quyền rộng lớn của nông dân và công nhân. Đồng thời chưa phối hợp hành động được, vẫn riêng lẻ từng tổ chức hay từng nhóm, từng cá nhân. Hiện nay đang có những cố gắng khắc phục 2 điểm yếu này, và tôi tin rằng thời gian tới sẽ có điều kiện để thành công. Tại hải ngoại, hiện nay chúng ta đang đóng đúng được vai trò là hỗ trợ trong nước và vận động quốc tế áp lực Hà Nội và ủng hộ cuộc đấu tranh ở trong nước. Chỉ cần tìm ra các phương thức hỗ trợ trong nước hữu hiệu hơn, bảo đảm được sự an toàn cho những người hoạt động. Chúng ta hoạt động trong môi trường tự do công khai nên nếu không hết sức cẩn thận kín đáo thì vô tình làm lộ tung tích và hoạt động của những người mà chúng ta đang hỗ trơ.
VL: Ông có lạc quan tin tưởng là đất nước Việt Nam sẽ sớm có tự do dân chủ? Và ông ước mơ một đất nước Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào?
ĐVH: Tôi lạc quan và tin tưởng vào tiền đồ dân tộc và vào tương lai đất nước sẽ có tự do và dân chủ. Dân tộc ta có một truyền thống rất đặc biệt: hễ khi nào gặp nguy khốn lại biết tạo cơ hội để vươn lên. Như Trịnh-Nguyễn phân tranh cả 100 năm lại có điều kiện để phát triển thêm đất nước về phía Nam; chia đôi Bắc-Nam năm 1954 là cơ hội để gần 1 triệu người miền Bắc vào Nam giúp Bắc-Nam hòa hợp cả về ngôn ngữ và phong tục tập quán, như ăn phở bắc với giá sống. Hay biến cố 30/4/1975 rất đau đớn cho nhân dân miền Nam nhưng cũng là dịp để có được cộng đồng người Việt tự do hải ngoại, mà tôi gọi là cộng đồng Việt quốc tế, người Việt có mặt khắp nơi, vừa hòa nhập vào sự tiến bộ chung của nhân loại, vừa có cơ hôi giới thiệu cho nhân loại nếp sống của dân tộc Việt, khác với các dân tộc Á châu khác mà thế giới đã biết như Tầu, Nhật. Những trường hợp nói trên cho thấy sức sống mãnh liệt của dân tộc luôn tìm cách vươn dậy, không gì có thể làm suy yếu được. Đìều duy nhất chúng ta thiếu hiện nay là một thể chế chính trị xã hội dân chủ, tự do, tôn trọng người dân. Ngay khi có được thể chế này người dân Việt, nhất là tầng lớp trí thức trẻ, sẽ vươn lên nhanh chóng để bắt kịp thời đại.
VL: Ông còn có điều gì muốn trình bày thêm cho đồng hương ở Úc không?
ĐVH: Tôi nghĩ rằng dân tộc ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, sâu rộng hơn thời kỳ 1000 năm trước, cả về cơ hội và về thách đố. Tất cả những nền văn hóa lớn, tôn giáo lớn của nhân loại đều đã đến đất Việt. Một cộng đồng Việt quốc tế đã hình thành. Dân tộc Việt đang và sẽ phải phát triển trong giòng sống chung với các dân tộc khác trên toàn thế giới. Những tiến bộ cùng những nguy cơ của toàn nhân loại cũng là những gì dân tộc ta được chung hưởng và cũng cùng phải chịu. Dân tộc ta có bị hòa tan vào trong giòng sống chung đó không hay còn giữ được bản sắc dân tộc của mình. Trong một thế giới toàn cầu, toàn nhân loại hiện đang mở ra, với tốc độ tiến bộ nano và siêu nano, dân tộc ta liệu có thể nhanh chóng vươn lên, vừa hòa nhập vào mạch tiến hóa chung cùng nhân loại, vừa phát huy được đặc thù văn hóa dân tộc để góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa chung toàn cầu? Độc lập chân chính ngày nay không còn chỉ là độc lập về chính trị, về toàn vẹn lãnh thổ, dù tất nhiên vẫn cần. Độc lập trong thời đại toàn cầu hiện nay là độc lập văn hóa, là trả lời được câu hỏi này: Ta còn là Việt không, và là Việt nghĩa là gì? Trả lời không phải bằng văn, bằng nói, mà bằng xây dựng được một đất nước, một xã hội thật sự và xứng đáng vừa con người vừa Việt, từ phong cách ứng xử với nhau ngoài đường phố đến trong gia đình, từ thành phố đến nông thôn, từ trên chính quyền đến trong xã hội. Sau gần 1 thế kỷ Pháp thuộc, và cũng gần 1 thế kỷ, nếu kể cả miền Bắc, dưới chế độ cộng sản, dân tộc ta đang bị băng hoại toàn diện, những sắc thái và nền tảng dân tộc còn gì và có gì còn cần và còn giữ lại được? Chế độ cộng sản, ngoài việc làm chậm bước tiến hóa của đất nước, đã làm tăng thêm sự suy thoái văn hóa dân tộc. Những thế hệ thanh niên Việt tới đây, ngoài việc gột rửa những tệ hại do chế độ cộng sản gây ra còn phải vừa phát triển đất nước cho nhanh kịp thế giới, vừa phát huy được sắc thái Việt trong công cuộc phát triển đất nước đó. Theo tôi, phát triển về mặt vật chất không khó vì tiến bộ của thế giới là tiến bộ chung, chỉ cần tìm cách ứng dụng cho thích hợp, lại dễ dàng có được sự hỗ trợ quốc tế. Phát huy sắc thái Việt trong phát triển đất nước là công việc của người Việt, vừa khó khăn sau sự băng hoại do chế độ cộng sản gây ra, vừa đòi hỏi nhiều sáng tạo cho phù hợp thời đại mới. Đây là việc cần làm nếu muốn phục hưng dân tộc, và là thách đố lớn nhất cho thời kỳ hậu cộng sản. Nhưng tôi tin rằng các thế hệ thanh niên Việt trong thời đại 2000 hiện nay sẽ thực hiện được điều này.
Việt Luận xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này, chúc ông có một chuyến đi bình an và ước mong ông được nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự do dân chủ.