Cục Quản trị phi hành không gian Mỹ (NASA) đã bắt tay hợp tác với công ty Equatorial Launch Australia của Úc để xây dựng một bãi phóng không gian (spaceport) với mục tiêu nghiên cứu và thương mại:.
Bãi phóng này đặt tại vùng Arnham ở Bắc Úc và dự tình sẽ hoạt động vào năm 2020. Bãi phóng có tên Trung tâm Không gian Arnhem (Arnhem Space Centre) sẽ là địa điểm ngoài lãnh thổ Mỹ đầu tiên trên thế giới được NASA chọn. NASA sẽ sử dụng địa điểm này để phóng các hỏa tiễn nghiên cứu, cao khoảng 15m. Sau khi được phóng lên quỹ đạo trái đất, hỏa tiễn này sẽ hoạt động khoảng 15 phút để thu thập các dữ liệu khoa học và tiến hành các thử nghiệm kỹ thuật.
Ngoài ra đây sẽ là địa điểm phóng hỏa tiễn để đưa các vệ tinh nhân tạo hay phi thuyền lên quỹ đạo không gian.
Trong tuyên bố ngày 31.5.2019, bà Carley Scott Giám đốc điều hành Equatorial Launch Australia cho biết, đây là lần đầu tiên NASA ký hợp đồng hợp tác phóng tàu vũ trụ thương mại với một bãi phóng tư nhân nằm ngoài lãnh thổ Mỹ. Với thỏa thuận quan trọng này, ngành kỹ nghệ không gia Úc sẽ có tên trên bản đồ toàn cầu, mở ra cơ hội phát triển và cơ hội việc làm chưa từng có trong lĩnh vực vũ trụ ở Úc.
Theo Tiến sĩ Megan Clark, Giám đốc Cục Không Gian Úc (Australian Space Agency: ASA), với sự hợp tác với NASA, các hoạt động phóng tàu không gian thương mại từ Úc sẽ có vai trò ngày càng quan trọng. Hiện NASA đang thúc đẩy hợp tác với các đối tác thương mại và có kế hoạch đưa các phi hành gia lên trạm không gian quốc tế trên các phi thuyền thuộc sở hữu tư nhân trong năm tới.
Tháng Năm năm ngoái Chính phủ Turnbull đã chính thức thành lập Cục Không Gian Úc với kinh phí ban đầu $41 triệu. Mục tiêu của chính phủ là bắt cầu cho các công ty Úc tham gia cuộc cạnh tranh trong thị trường kỹ nghệ không gian toàn cầu trị giá hàng tỷ Úc kim và tạo ra 20,000 việc làm.
Tiến sĩ Megan Clark, nguyên là Tổng giám đốc Cục Khoa học và Kỹ nghệ Liên bang (CSIRO), được bổ nhiệm làm giám đốc ASA với nhiệm kỳ 5 năm.
Từ năm 2017 chính phủ Liên bang đã tiến hành xem xét năng lực vũ trụ của Úc và thành lập một ủy ban nghiên cứu kế hoạch vũ trụ nhằm phát triển một chiến lược dài hạn thúc đẩy ngành này. Theo chính phủ thì đây là việc cần thiết trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực không gian, cũng như sự tiến bộ về kỹ thuật đang tạo môi trường khuyến khích đầu tư thương mại vào các hoạt động liên quan tới vũ trụ. Đồng thời, thông qua việc phát triển tri thức kỹ thuật cho lĩnh vực không gian, Úc sẽ phát triển được các kỹ năng giúp thúc đẩy các ngành chế tạo khác.
Các nhà khoa học và giới kỹ nghệ Úc cho rằng việc này là cần thiết và có thể tạo ra những lợi ích khổng lồ về kinh tế và xã hội.
Theo một báo cáo của Chính phủ, doanh thu hàng năm của ngành kỹ nghệ không gian trên toàn cầu đạt tới trên US$323 tỷ và lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 10% kể từ cuối những năm 1990.
Việc xây dựng một cơ quan vũ trụ có thể giúp Úc tạo thêm nhiều việc làm và tiết kiệm khoảng $3 tỷ cho việc thuê nước ngoài phóng các vệ tinh. Cơ quan này cũng có thể giúp Úc tận dụng được nhiều lợi thế của, đặc biệt cho nông gia.