Trẻ mồ côi IS sắp về lại Úc

Tám đứa trẻ mồ côi – con cái của những công dân Úc trốn theo IS nay đã chết trận – đã được đưa ra khỏi các trại tị nạn ở Syria vào ngày 23.6.2019 và hiện đang tạm trú tại một địa điểm giữ kín tại Iraq để chờ ngày trở lại Úc.

Trong số đó có ba đứa con của Khaled Sharrouf và tại nơi tạm trú này con gái của Sharrouf đã sinh hạ thêm một đứa trẻ.

Năm 2005 Sharrouf bị phạt bản án gần bốn năm tù can dự âm mưu đánh bom lò nguyên tử Lucas Heights tại Sydney. Đến tháng 12 năm 2013 anh ta bị bắt quả tang tội sử dụng súng bất hợp pháp và bị cáo buộc lập trại khủng bố nên dùng passport của em mình để rời khỏi nước Úc. Anh ta đáp máy bay để bay từ Sydney sang Kuala Lumpur ngày 6.12.2013 và bà Tara Nettleton cũng đã dắt theo 5 đứa con biến theo chồng, đến đoàn tụ với anh ta tại Syria.

Tháng Tám năm 2014 cha con Sharrouf đã làm chấn động thế giới khi đưa hình đứa con trai 7 tuổi bêu thủ cấp bê bết máu của kẻ thù lên Face book. Đầu năm 2015 thì đứa con gái 14 tuổi của Sharrouf vừa khoe trên mạng Twitter về việc mình mới kết hôn với “bạn thân” Mohamed Elomar kèm tấm hình chụp cô ta cùng em trai và “một đứa bé nô lệ người Yazidi” đang qùy gối bên khẩu AK-47s. Elomar mà cô ta lấy làm chồng là bạn của cha cô ta, lớn hơn cô 17 tuổi, có thể đã biết cô ta từ lúc mới chập chững biết đi. Elomar bỏ trốn sang Syria trước và cô vợ Fatima Elomar cùng bốn đưa con đi sau nhưng bị chặn bắt tại phi trường.

Cũng đầu năm 2015 đài ABC đã kể lại cảnh sống trong hai gia đình này qua lời tường thuật của hai phụ nữ Yazidi bị bắt làm nô lệ nhưng bỏ trốn. Họ cho hay gia đình của Sharrouf đang xáo trộn vì trong khi anh ta say mê chém giết và hãm hiếp thì vợ con anh ta kêu khóc, đòi về lại Úc. Một phụ nữ cho biết Sharrouf hãm hiếp cô và nói là cô ta phải lấy hắn, cảnh cáo rằng nếu kể lại cho vợ anh ta biết, anh ta sẽ giết cô!

Sau đó báo chí Úc thông tin cô Tara Nettleton bị thiệt mạng tại Raqqa vào ngày 21.9.2016 do bị biến chứng vì sưng ruột thừa mà không được chữa trị đúng mức.

Năm 2016 bà Karen Nettleton – mẹ vợ của Khaled – đã lên tiếng về tình cảnh bị mắc kẹt và đang bị thiếu ăn của những đứa cháu ngoại tại Syria. Bà cho biết bà đã tìm cách gởi tiền sang Syria cho cháu ngoại nhưng chúng vẫn không nhận được.

Một năm sau (2017) thì Sharrouf cùng hai đứa con trai tên Abdullah và Zarqawi thiệt mạng trong một trận không kích,

Hiện còn lại ba đứa con Zaynab, 17 tuổi; Hoda 16 tuổi và Hamze 9 tuổi. Hai tháng trước bà Karen đã tìm đến trại tỵ nạn ở Syria để thăm cháu với sự hỗ trợ của đài ABC, đi theo để quay phim nhằm gây áp lực để chính phủ phải can thiệp.

Nay thì chính phủ đã ra tay giải cứu các em nhỏ này. Theo kế hoạch, các em sẽ ở đây vài ngày sau đó sẽ được chuyển đến một địa điểm trung chuyển khác trước khi được đưa về Úc. Điều mà chính phủ Úc quan tâm nhất là việc liệu các em có bị bố mẹ nhồi nhét tư tưởng cực đoan hay không.

Thủ tướng Scott Morrison khẳng định “việc hồi hương các em nhỏ này không phải là một quyết định dễ dàng” vì trong vụ việc này “an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân và nhân viên Úc luôn là vấn đề quan trọng nhất được mang ra cân nhắc”.

Ông Morrison cũng cho biết “các giới chức hữu trách của Úc sẽ xem xét nhu cầu hỗ trợ và phúc lợi cần thiết đối với từng em trước khi đưa các em quay trở lại Úc”.

Theo Trung tâm quốc tế nghiên cứu về cấp tiến có trụ sở tại London, Anh, có khoảng 3,700 đến 4,600 trẻ em nước ngoài được đưa đến Syria khi bố mẹ các em tới đây tham gia lực lượng khủng bố IS. Thêm vào đó có khoảng 730 trẻ em có bố mẹ là người nước ngoài được sinh ra tại Syria.

Trong khi đó, tổ chức Save the children cho hay hiện có 3,500 trẻ em của các tay súng nước ngoài đang bị mắc kẹt trong 3 trại tị nạn ở phía Đông Bắc Syria. Hơn 100 em khác đã chết vì suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật kể từ khi được chuyển đến các trại này.

Related posts