Cộng sản và côn đồ

Đêm ngày 21/7/2019, tại ga xe điện ngầm Nguyên Lãng (Yuen Long) một đám đông đeo khẩu tranh kín mặt mặc toàn áo trắng đã bất ngờ xông vào tấn công đánh đập những người biểu tình, và tất cả những ai đang có mặt lúc ấy –kể cả những hành khách vô can.

Theo tờ South China Morning Post, không hề có bóng dáng cảnh sát nào khi đám đông hung hãn đẩy bật tung các cánh cổng sắt và tràn vào ga tàu điện ngầm khoảng nửa đêm. Hình ảnh từ các đoạn video được tải lên các mạng xã hội cho thấy cảnh tượng kinh hoàng của những người dân Hong Kong ôn hòa, tay không bị bọn côn đồ dùng gậy gộc, roi sắt đánh đập thẳng tay. Chúng tấn công luôn cả những hành khách bình thường đang đi trên thang cuốn cũng như trong các toa tàu.

Cảnh tượng thật vô cùng hỗn loạn và kinh hoàng khi các hành khách tìm cách chạy trốn, một số người loay hoay dùng dù bảo vệ mình, trong khi những người khác cố gắng đánh trả. Tiếng kêu la của các nạn nhân và giọng hung hãn, hò hét của bọn côn đồ náo loạn cả ga Yuen Long. Hình ảnh cho thấy cả phụ nữ cũng bị đánh đạp không thương tiếc, một phụ nữ ngã xuống vẫn bị mấy tên côn đồ xông vào quật roi, đấm đá cả vào đầu, ngực và bụng…

Đến khi Cảnh sát chống bạo động xuất hiện thì bọn côn đồ đã ung dung giải tán, bỏ lại những người bị thương nằm la liệt khắp các lối ra vào của g axe điện ngầm. Các nạn nhân hết sức phẫn nộ, họ phản đối các nhân viên công lực đã bỏ mặc để họ bị côn đồ hành hung.

Đến 2 giờ 30 rạng sáng 22/7, ít nhất 36 người đã phải vào bệnh viện.

Sau đó, vào khoảng nửa đêm, nhà cầm quyền Hong Kong ra thông cáo lên án vụ tấn công rằng “Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được tại một xã hội tôn trọng luật pháp như Hồng Kông”.

Những nạn nhân của bọn côn đồ còn có cả các phóng viên người Hong Kong. Ít nhất 4 phóng viên địa phương cũng bị bọn côn đồ tấn công (kể cả 2 phóng viên của một tờ báo tiếng Hoa). Một nữ phóng viên bị hành hung khi đang trực tiếp tường trình, cô bị đánh sung đầu, bị thương nặng ở 2 tay và một bên vai phải vào bệnh viện chữa trị.

Tin cập nhật của báo South China Morning Post cho biết có 45 người bị thương và Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 11 người bị cáo buộc thuộc nhóm côn đồ tấn công người biểu tình. Cảnh sát Hong Kong cũng tuyên bố sẽ điều tra đến cùng vụ côn đồ hành hung này.

Cảnh sát Hong Kong xác nhận một số nghi can bị bắt vì tấn công người biểu tình là thành viên của băng đảng xã hội đen khét tiếng là Tam Hoàng Hội.

Trong cuộc họp báo ngày 23/7, một viên chức cao cấp của Cảnh sát HK cho hay các nghi can tuổi từ 24 đến 54, làm nhiều nghề khác nhau, từ lái xe, bán hàng rong tới công nhân xây dựng. Những nghi can này hầu hết sống tại các khu vực nông thôn ở Yuen Long, phía tây Tân Giới (New Territories), giáp ranh lãnh thổ Hoa lục, một trong ba khu lớn nhất Hong Kong.

Hội Tam Hoàng là tổ chức xã hội đen từng một thời hoành hành ở Hong Kong và khu vực quanh ga Yuen Long là lãnh địa của hai nhóm côn đồ thuộc Tam Hoàng Hội là Wo Shing Wo và 14K kiểm soát. Theo 1 chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở Đại học Hong Kong, hầu như không còn nghi ngờ gì là băng đảng côn đồ Tam Hoàng đã được trả tiền để chủ xướng và kích động, lôi kéo người dân khu vực nông thôn Hong Kong phản đối và tấn công những người biểu tình tối 21/7. Ông Wing Lo nhận định rằng “Hội Tam Hoàng Hong Kong như truyền thống bao đời nay hoàn toàn hoạt động vì tiền chứ không phải vì ý thức chính trị, chúng sẽ làm việc cho bất kỳ người nào trả tiền”.

Hành động của nhóm côn đồ chắc chắn được thuê mướn này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ mới ở Hong Kong.

Nhiều người biểu tình sáng hôm sau 22/7 và sáng Thứ Tư 24/7 đã cản trở tàu điện ngầm ở nhà ga Yuen Long và các ga Admiralty và cả nhà ga Central, trung tâm Hong Kong, để đòi công ty MTR, vận hành toàn tuyến xe điện ngầm ở Hong Kong, phải chịu trách nhiệm trước việc không ngăn cản được bọn côn đồ tràn vào ga và xông cả lên xe điện tấn công hành khách. Phản ứng này đã khiến các chuyến xe điện ngầm vào giờ cao điểm buổi sáng đã bị đình trệ.

Một số đại biểu thuộc Hội đồng Lập pháp Hong Kong tố cáo trong bọn côn đồ này có nhiều tên thuộc các băng đảng xã hội đen từ Hoa Lục sang, vì nhiều người cho hay một số tên côn đồ sau khi tấn công đã rời khỏi khu vực này bằng xe hơi mang bảng số Hoa Lục!

Khoảng 30 thành viên của Câu lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc (Foreign Correspondents Club -FCC) hôm sau đã tổ chức biểu tình bên ngoài trụ sở câu lạc bộ lên án hành vi bạo động tấn công các phóng viên trong lúc họ đang làm việc tường thuật phong trào biểu tình hồi cuối tuần qua. FCC đưa ra một thông cáo kêu gọi cảnh sát và nhà cầm quyền Hong Kong phải khẩn cấp điều tra, truy nã và truy tố bọn côn đồ này.

Trong khi đó thì bà Regina Ip Lau Suk-yee, 1 đại biểu Hội đồng lập pháp HK (Legco) thuộc phe ủng hộ Bắc Kinh triệt để, từng là cựu giám đốc cơ quan an ninh Hong Kong lại kêu gọi người dân hãy “thông cảm vớilực lượng cảnh sát”. Bà Regina Ip nói: “Cảnh sát đã làm việc đến kiệt sức và nhân lực thì giới hạn với quá nhiều cuộc biểu tình và tấn công quy mô lớn kể từ ngày 9/6 tới nay “.

*

Cho đến nay người dân Hong Kong vẫn tiếp tục phong trào biểu tình kéo dài suốt nhiều tuần qua. Trước tình trạng nhà cầm quyền quyền Hong Kong chưa thể giải quyết để chấm dứt được các cuộc biểu tình trên đường phố vào dịp cuối tuần, nhà nước Trung Cộng vừa tuyên bố có thể đưa quân đội sang Hong Kong để đối phó.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Cộng hôm 24/7 nói luật đồn trú (quân đội tại HK theo hiệp ước với Anh quốc khi lấy lại HK năm 1997) cho phép Bắc Kinh triển khai quân đội để duy trì trật tự nếu nhà cầm quyền Hong Kong yêu cầu.

Trung Cộng từng tuyên bố ‘không tha thứ’ vụ người biểu tình tại Hong Kong tấn công văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại đặc khu này.

Trong buồi họp báo công bố “bạch thư Quốc Phòng” mới ngày 24/7 tại Bắc Kinh, Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ QP Trung Cộng nói “Bắc Kinh đang theo dõi sát các diễn biến ở Hong Kong, đặc biệt là việc người biểu tình (bị gọi là cực đoan) tấn công vào văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương hôm 21/7”.

Ngô Khiêm cảnh cáo rằng “một số hành vi của người biểu tình cực đoan đang thách thức chính quyền trung ương và điểm mấu chốt của mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’. Điều này không thể tha thứ được”, Tuy nhiên khi được hỏi liệu Quân đội Trung Cộng có thể trực tiếp duy trì trật tự ở Hong Kong hay không thì Ngô Khiêm dẫn chứng

“điều 14 của luật đồn trú là

chính quyền Hong Kong có thể yêu cầu chính phủ trung ương hỗ trợ bằng lực lượng đồn trú ở Hong Kong để duy trì trật tự công cộng hoặc cứu trợ thảm họa. Khi yêu cầu của chính quyền Hong Kong được chấp thuận, lực lượng đồn trú tại đặc khu sẽ điều động binh sĩ đến thực hiện nhiệm vụ, sau đó lập tức trở về nơi đóng quân”.

Bắc Kinh đã vô cùng giận dữ khi hàng trăm ngàn người Hong Kong hôm 21/7 tiếp tục tuần hành và lần đầu tiên tiến tới Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh ném trứng vào tòa nhà, phun sơn lên camera giám sát và quốc huy Trung Cộng ở mặt trước tòa nhà.

Giới chức nhà nước Trung Cộng và hệ thống truyền thông quốc doanh ở Hoa lục cáo buộc người biểu tình là “tay sai của các thế lực tù địch bên ngoài đang tìm cách gây tổn hại cho Trung Cộng”. Người đứng đầu Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh Vương Chí Dân đã giận dữ lên án cuộc biểu tình và tuyên bố “cam kết hoàn toàn ủng hộ chính quyền Hong Kong trong việc đưa những “kẻ bạo loạn” ra trước công lý.

Lời cảnh cáo này được Bắc Kinh đưa ra khi công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó cáo buộc Hoa Kỳ là “làm xói mòn sự ổn định toàn cầu” và xác định “chủ nghĩa ly khai chính là mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Trung Cộng”.

Báo chí Hong Kong trích lời Ngô Khiêm nhắc lại tuyên bố của giới chức Trung Cộng rằng “việc thách thức thẩm quyền của chính quyền trung ương và nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được””, và rằng Hong Kong không nên “để cho danh tiếng của họ bị vấy bẩn”

Cho đến nay, việc kiểm soát trật tự và đối phó làn sóng biểu tình ở Hong Kong vẫn do lực lượng cảnh sát đảm nhiệm

Tờ SCMP trong bài xã luận hôm 24/7 đã nhận định rằng “việc áp dụng Điều 14 hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Hong Kong theo Điều 18 Đạo luật Căn bản – cả hai tình huống đều cho phép nhà cầm quyền trung ương ở Bắc Kinh điều động quân đội tới Hong Kong, là “cực kỳ nguy hiểm”.

Bài xã luận nói thêm rằng đất nước sẽ phải “trả giá đắt” và việc đưa quân đội đến “sẽ không bảo đảm chấm dứt được tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong”, và khuyến cáo rằng “tốt nhất, Bắc Kinh cần để Hong Kong tự xử trí và giải quyết cuộc khủng hoảng của mình bằng cơ chế đặc biệt mà vùng lãnh thổ này có sẵn”.

Tờ Finacial Times bình luận rằng “Lời cảnh cáo hiếm hoi do Bộ Quốc phòng Trung Cộng trực tiếp đưa ra vào lúc quân đội nước này có vẻ như đang tập trung nâng cao khả năng nhằm đối phó với các mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và xã hội”.

Lời cảnh cáo này của Bắc Kinh khiến công luận nhắc đến làn sóng biểu tình mạnh mẽ ở Hong Kong diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn –khi đảng CS Trung quốc cho quân đội dùng vũ lực nghiền nát phong trào biểu tình đòi dân chủ của giới học sinh, sinh viên ở Bắc Kinh hồi năm 1989. Kể từ đó, trong 30 năm ua, nhà cầm quyền Trung Cộng tránh dùng quân đội vào các việc trấn áp trong nước, như để đối phó với những ngừi bất đồng chính kiến, dân oan hay để kiểm soát đám đông.

*

Vụ côn đồ thuộc giới xã hội đen Hong Kong nay đã được công khai xử dụng vào việc tấn công, đàn áp phong trào biểu tình ôn hòa của người dân nhắc đến vụ đàn áp lớn nhất trogn những năm gần đây là vụ người dân làng Ô Khảm (Wukan) ở phía đông của tỉnh Quảng Đông phản kháng vụ cướp đất từ năm 2011 dẫn đến các cuộc biểu tình, phản biểu tình và đàn áp bằng lực lượng côn đồ kéo dài suốt 5 năm trời và cuối cùng là cả lực lượng an ninh bao vây tấn công vào tháng 9/2016.

Trong 5 năm gần đây, dân làng Wukan đã nhiều lần tranh đấu đòi lại đất đai bị nhà cầm quyền thu hồi cho các dự án gọi là “phát triển”. Các cuộc biểu tình bắt đầu từ năm 2011 sau khi quan chức địa phương ngang nhiên bán đất nông nghiệp cho các nhà phát triển bất động sản mà không tính đến việc đền bù cho dân làng.

Đến năm 2012, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Đông xoa dịu tình hình căng thẳng bằng cách cho phép dân làng tự bầu trưởng làng. Tuy nhiên, Trưởng làng được dân bầu này lại bị bắt giữ và bị kết án vì tội cáo buộc tham nhũng khiến phong trào đấu tranh đòi đất đai tiếp tục gia tăng.

Năm 2016, nhà cầm quyền huy động Cảnh sát bao vây làng, tấn công bắt giữ rất nhiều người nhưng bị dân chúng đồng loạt kháng cự khiến cuối cùng quân đội đã được điều động đến mới kiểm sót được tình hình.

Chuyện Ô Khảm ở Hoa Lục chẳng khác gì với các vụ CSVN đàn áp dân oan trên cả nước, cụ thể nhất là ở Bắc Giang, ở Dương Nội, ở vườn rau Lộc Hưng và nhiều nơi khác nữa.

Chuyện tung côn đồ ra gây hỗn loạn để lấy cớ đưa an ninh và cả quân đội đến đàn áp là sách lược truyền thống của Cộng sản.

Thế nhưng chuyện Bắc Kinh có thể áp dụng biện pháp này tại Hong Kong, nơi cả 3 thế hệ người dân đều đồng lòng xuống đường đòi quyền sống làm người có nhân phẩm hay không là điều chưa ai biết sẽ ra sao!

Phạm Thạch Hồng

Related posts