Chiếc iPad trong vụ án Nguyễn Đức Chung

Dương Ngọc Thái

31-12-2021

Tòa Việt Nam sử dụng chứng cứ số (digital evidences):

Quá trình tranh tụng hai ngày qua, luật sư Nguyễn Văn Tú, một trong bốn người bào chữa cho cựu chủ tịch Hà Nội, một lần nữa đề nghị HĐXX xem xét “vật chứng quan trọng” được ông giao nộp từ ngày làm việc đầu tiên – chiếc iPad của bị cáo Chung.

Luật sư Tú đề nghị HĐXX tiếp nhận chiếc iPad này và trưng cầu giám định của cơ quan điều tra về mốc thời gian, lịch sử cụ thể việc mở và dùng iPad. Việc này nhằm làm rõ, trong khoảng thời gian trước khi đóng thầu, ông Chung có thực sự dùng thiết bị để tiếp nhận email của Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bỏ trốn) qua đó can thiệp dừng thầu trái quy định.

Yêu cầu của luật sư được HĐXX chấp thuận. Chiếc iPad được làm thủ tục niêm phong ngay tại toà. Phản hồi về vật chứng, ông Chung xác nhận đó là tài sản của mình song chỉ sử dụng trong năm 2016, “có thể không nhớ password”. Ông nói: “Lấy danh dự là một con người, không xem các email anh Huy gửi”.

Sáng nay, truyền đạt phản hồi của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, HĐXX cho biết, theo chính sách bảo mật của Google, chỉ xem xét được lịch sử truy cập trong 28 ngày kể cả đăng nhập email nên không thể xác minh được lịch sử đăng nhập email trên. “Trường hợp có mật khẩu chiếc iPad cũng không có căn cứ ông Chung đã đọc email của Huy hay chưa”, chủ tọa nói.

Có khá nhiều thông tin lý thú ở đây:

* Ông Chung xài Gmail. Trên tấm danh thiếp của ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng có một địa chỉ @gmail.com. Ông Dũng từng phụ trách chính phủ điện tử đấy, nhưng tôi đoán ông ấy cũng không dám xài hàng nội.

* Có vẻ như cơ quan điều tra không có bằng chứng ông Chung đã đọc email của Bùi Quang Huy. Vậy làm sao họ lại biết ông Huy gửi email cho ông Chung? Tôi đoán họ vào được tài khoản email của Bùi Quang Huy. Các máy chủ của Nhật Cường đã chết, tôi không biết Bùi Quang Huy xài email gì.

* Mặc dù luật sư của ông Chung cho là iPad là vật chứng quan trọng, nhưng ông Chung lại nói “có thể không nhớ password”. Có vẻ như ông Chung vẫn chưa chắc có nên cho người ta khám chiếc iPad hay không, vì có thể trong đó còn có những thông tin bất lợi cho ông ấy.

* Có vẻ như Tòa không yêu cầu ông Chung cung cấp mật khẩu. Trường hợp Tòa yêu cầu nhưng ông Chung nói không nhớ thì sao? Câu hỏi tưởng đơn giản này nhưng kỳ thực là một vấn đề pháp lý phức tạp. Không biết luật là có tội, nhưng không (còn) biết mật khẩu thì có tội hay không?

* Ông Chung không nhớ mật khẩu iPad nhưng còn mật khẩu email thì sao? Ông Chung nói không quen biết Bùi Quang Huy, nếu có toàn bộ mailbox, cơ quan điều tra có thể xem hai bên đã có email cho nhau trước đó hay không.

* A05 có lý khi cho rằng bây giờ có mật khẩu iPad cũng không có căn cứ ông Chung đã đọc email của Bùi Quang Huy hay chưa. Tôi đoán vì ông Chung hoàn toàn có thể “unread” những email mà ông ấy đã đọc.

* Không rõ A05 đã gửi yêu cầu cho Google về trường hợp của ông Chung hay họ chỉ nói từ kinh nghiệm, nhưng dường như Google chỉ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam lược sử truy cập chung chung trong vòng 28 ngày gần nhất.

* Xài Gmail và iPad (nhớ đặt mật khẩu dài) thì công an Việt Nam sẽ không xem được email của bạn, ngay cả khi bạn bị bắt. Nhưng tốt nhất nếu muốn người khác không biết thì đừng ghi vô máy tính hay điện thoại.

* Ông Chung rất tùy tiện, thoải mái dùng điện thoại rồi email trao đổi những chuyện tày trời. Quan chức Việt Nam được thể chế nuông chiều nên từ “nhỏ” đã quen thói ông trời con, không coi pháp luật ra gì. Đến khi chẳng may “lớn” lên, cứ ngỡ hồi xưa quyền bé mà đã không ai làm được gì bây giờ quyền to tổ bố đố ai làm được gì, nhưng không ngờ vấn đề chỉ là có bao nhiêu “đồng chí” mà thôi.

Related posts