Tuần qua, dân biểu Úc Andrew Hastie đã cho đăng ý kiến về bang giao giữa Úc với Trung Cộng. Bài này in trên nhiều tờ báo do tập đoàn Nine làm chủ, như The Age tại Melbourne và The Sydney Morning Herald tại Sydney.
Ý kiến của ông Andrew Hastie tức khắc làm cho Trung Cộng phản ứng dữ dội. Đồng thời gây ra tranh luận không những trong nội bộ Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia cầm quyền mà lan ra quảng đại công chúng.
Thời sự hôm nay xin trinh bày đôi nét về chuyện đang ồn ào này.
Giới thiệu tác giả bài báo
Trước hết, xin giới thiệu tác giả bài báo gây sóng gió ‘We must see China – the opportunities and the threats – with clear eyes, Chúng ta phải sáng mắt nhìn vào những cơ hội và nguy hiểm của Trung Cộng’.
Ông Andrew Hastie đang làm Dân biểu tại Hạ viện Liên bang Úc. Dân biểu Andrew Hastie đắc cử Dân biểu Đơn vị Canning, Tây Úc vào năm 2015 dưới lá cờ đảng Tự Do. Năm sau, dân biểu này tham gia vào Uỷ Ban An Ninh và Tình Báo tại quốc hội Úc. Và trở thành Chủ tịch Uỷ ban này cho đến nay.
Dễ hiểu vai trò của dân biểu đơn vị Canning trong quốc hội vì quá khứ binh nghiệp của ông. Trước khi bước vào chính trường, ông Andrew Hastie đã 14 năm phục vụ trong quân đội Úc. Từ khi còn làm sinh viên đại học, Andrew Hastie đã gia nhập lực lượng trừ bị. Sau đó, được huấn luyện và thuyên chuyển về trung đoàn thiết giáp. Trong thời gian tại ngũ, Andrew Hastie đã hai lần chiến đấu tại Afghanistan. Lần trước, chỉ huy thiết đoàn tại tỉnh Uruzgan, Afghanistan. Lần sau, trở thành sĩ quan trong lực lược đặc biệt (SAS) của quân đội Úc.
Trong lần tham chiến thứ nhì, một binh sỹ dưới quyền Đại úy Hastie đã cắt tay một số tử thi bị coi là chiến binh Taliban để ‘phòng thí nghiệm xem xét chất nổ nào đã gây ra cái chết’. Chính mắt Hastie đã thấy những tử thi bị chặt tay ấy. Ông đã báo với cấp trên…
Chuyện này từng gây ồn ào một thời ở Úc. Hai năm sau chuyện ồn ào ấy, ông Hastie xin giải ngũ và bước vào chính trường.
Úc ở giữa hai anh lớn
Mở đầu bài báo dài ngót nghét ngàn chữ, dân biểu đơn vị Canning (Tây Úc) cho rằng biến cố làm thay đổi cục diện thế giới không phải chuyện Bin Laden cho máy bay đâm vào tháp Đôi ở New York vào ngày 11.9.2001 mà một ‘tai nạn’ khác xảy ra ở Biển Đông.
Năm tháng trước ngày 9.11, cách đảo Hải Nam 70 cây số một chiến đấu cơ J-8 của Trung Cộng đụng vào máy bay thám thính EP-3 của hải quân Hoa Kỳ. Cả hai hư hại nặng. Phi công J-8 của Trung Cộng tử thương. Máy bay EP-3 lết xuống Hải Nam và 24 nhân viên phi hành của Hoa Kỳ bị Trung Cộng giam 11 ngày.
Diễn biến này xảy ra tại vùng biển ngày nay đang bị tranh chấp – là nơi Trung Cộng đưa hàng không mẫu hạm đi ngang qua những mỏm đá nhấp nhô.
Theo dân biểu chủ tịch uỷ ban an ninh và tình báo Úc, chuyện xảy ra ở Hải Nam cho thấy nước Úc thật chật vật để vừa giữ an ninh trong nước vừa phát triển kinh tế nhờ buôn bán với nước ngoài. Khó khăn này đã có từ 20 năm. Nhưng ngày nay lại càng khó khăn hơn khi các nước ven biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ra mặt tranh chấp nhau. Trong cuộc tranh chấp này, Hoa Kỳ muốn giữ lại thế thượng phong còn Trung Cộng tìm cách hất cẳng Mỹ.
Thế là Úc đứng giữa hai anh lớn. Một đàng không thể bỏ đồng minh thân thiết nhất; đàng khác không sao buông mối lợi to lớn từ khách hàng lớn nhất. Cái thế ‘lưỡng đầu’ này chi phối tất cả chính sách về chính trị và kinh tế của Úc; và Úc không sao thoát khỏi thế ‘gọng kìm’ vì Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ còn đối đầu trong vài chục năm nữa.
Đặt lại điều kiện khi giao tiếp với Trung Cộng
Sau khi phân tích vị trí của Úc trong thế trận giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, Dân biểu Andrew Hastie cho rằng: đến lúc Úc đặt lại những điều kiện khi giao tiếp với Trung Cộng để vừa giữ được chủ quyền, nền an ninh và các nguyên tắc dân chủ; vừa hưởng được nhiều mối lợi sung túc nhờ hai nước buôn bán với nhau.
Thật ra, Úc đã từng đặt lại một số điều kiện này khi ra luật ngăn chận nước ngoài do thám hay can thiệp vào chính trường Úc. Dù không nêu rõ tên nước nào nhưng ai cũng hiểu đấy là ‘Trung Cộng’. Bên cạnh đó, Úc vin cớ bảo vệ an ninh không cho phép công ty viễn thông Huawei tham gia đấu thầu lập hệ thống điện thoại 5G. Cùng với mạng lưới viễn thông, Úc để ý nhiều hơn đến cơ sở hạ tầng: mạng lưới dẫn điện, dẫn ga và bến cảng đang trở thành đầu câu chuyện khi công chúng lo sợ rủi chúng rơi vào tay nước ngoài (đọc là ‘TC’).
Kể ra một số biện pháp trên, Dân biểu Andrew Hastie cho rằng các biện pháp này vẫn chưa đủ. Cần phải thay đổi lối nghĩ của chúng ta (our thinking). Chính lối nghĩ hiện thời làm cho chủ quyền và nếp sống tự do của nước Úc bị sứt mẻ.
Cần thay đổi lối nghĩ
Chúng ta đang suy nghĩ như thế nào?
Dân biểu Andrew Hastie trả lời:
The West once believed that economic liberalisation would naturally lead to democratisation in China. Đã có lúc phương Tây tin rằng giúp cho Trung Cộng phát triển kinh tế rồi thì tự nhiên họ sẽ tiến tới dân chủ…
Even worse, we ignore the role that ideology plays in China’s actions across the Indo-Pacific region. Tệ hơn, chúng ta không màng đến chuyện Trung Cộng tung hoành trong vùng Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương là do ý thức hệ (Cộng Sản) thúc đẩy…
Về lối suy nghĩ trước, phương Tây đang lập lại sai lầm đã phạm khi đối phó với Quốc Xã Đức. Về lối suy nghĩ sau, phương Tây cũng sa vào hố lầm lạc khi đối phó với Tập Cận Bình như đã từng sập bẫy Stalin.
Dân biểu Andrew Hastie cảnh cáo nước Úc đã ‘không theo dõi được những bước biến hóa khôn lường của quốc gia độc tài kế cận mình’. Cựu chiến binh trong Lực Lượng Đặc Biệt Úc (SAS) từng chiến đấu tại Afghanistan nay thành dân biểu và có bằng cử nhân về lịch sử, chính trị và triết học tại Đại học NSW đưa bài học lịch sử cho người Úc hôm nay nhìn lại.
Theo đó, vào những năm 1940 phương Tây tưởng chỉ cần dựng lên chiến lũy Maginot ở đường biên giới Pháp Đức là dư sức ngăn chận Đức bành trướng. Bé cái lầm! Maginot đã ‘sụp đổ tan tành’ khi Đức đi đường vòng đánh vào Bỉ rồi dẫn quân đến tận Paris. Cũng thế, ngày nay phương Tây (và Úc) tưởng rằng cứ giúp cho xứ độc tài Cộng Sản giàu lên thì tự nhiên họ chuyển qua thể chế dân chủ.
Sai lầm kế tiếp của phương Tây (trong đó có Úc) khi đối phó với Tập Cận Bình là tưởng họ Tập không còn theo ‘chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông’ nữa. Phương Tây bé cái lầm! Stalin đỏ lòm như thế nào thì Tập ‘lòm-đỏ’ không thua một ly. Tập đã từng nói để củng cố và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa thì cần chiến đấu không mệt mỏi qua nhiều thế hệ. Có khi cần đến 10 thế hệ.
Đứng trước một láng giềng to lớn và đầy tham vọng như Trung Cộng, trong 10 năm sắp tới nếp sống dân chủ, nền kinh tế, các mối bang giao và nền an ninh của nước Úc sẽ bị thử thách như chưa từng xảy ra. Dân biểu Andrew Hastie kết luận bài báo bằng lời cảnh cáo ‘vô tiền khoán hậu’ như trên.
Gây bão tố trên chính trường Úc
Nhanh chóng ủng hộ ‘gà nhà’, Tổng trưởng Nội vụ Peter Dutton vin vào những năm tháng Dân biểu Andrew Hastie phục vụ trong quân đội trước khi bước vào chính trường nên ‘xứng đáng được mọi người trong quốc hội kính trọng’. Ông Peter Dutton từng làm cảnh sát viên tại Queensland nói về cựu chiến binh SAS Andrew Hastie ‘Thiết tưởng, dân biểu Hastie đã xuất sắc phục vụ đất nước và tiếp tục làm thế qua những việc ông đang làm tại quốc hội. Ông Hastie nói lên nhiều tin tức tình báo mà nhiều dân biểu khác không biết’.
Không nói rõ đồng tình với nhận xét của đồng viện Hastie hay không, Tổng trưởng Nội vụ Úc nhắc đến một số biến chuyển tại các quốc gia ở Thái Bình Dương, kể cả ‘thế lực nước ngoài’ đang can thiệp để cho biết ‘không tảng lờ như thể không có chuyện gì xảy ra ở đây, no sense pretending there was nothing to see here’.
Đọc báo The Sydney Morning Herald, Trung Cộng nhanh chóng bác bỏ nhận xét của Dân biểu Úc Andrew Hastie. Tòa Đại sứ Úc ở Canberra ra thông cáo cho rằng Dân biểu Andrew Hastie vẫn còn ‘mang tâm trạng của thời Chiến Tranh Lạnh và nhìn thời cuộc với đôi mắt thiên lệch vì nặng ý thức hệ’. Trung Cộng phê bình ý kiến của dân biểu Úc làm ‘tổn hại’ bang giao giữa hai nước.
Dân biểu Úc đưa lại bài học lịch sử thì Trung Cộng cũng dựa vào lịch sử: ‘Lịch sử đã chứng minh và sẽ tiếp tục cho thấy Trung Quốc phát triển yên vắng là một cơ hội chứ không phải đe dọa cho thế giới’. Sau đó, tòa Đại sứ Trung Cộng tại Úc lên mặt dạy cho người làm chính trị ở Úc phải ‘cởi tròng mắt kiếng màu ra’ để nhìn vào đà phát triển của Trung Cộng với đôi mắt khách quan và hữu lý.
Trong khi đó, một nhân vật trụ cột khác trong chính phủ Liên bang Úc, ông Mathias Cormann – đang ngồi ghế Tổng trưởng Tài chính cho rằng nhận xét của dân biểu Andrew Hastie là ‘vụng về và không phải lúc, clumsy and inappropriate’. Nói cho ngay, ông Tổng trưởng gốc Bỉ này không phê bình những điều Dân biểu Chủ tịch Uỷ Ban An Ninh và Tình Báo tại Quốc hội cảnh cáo nước Úc cho bằng chê bai Andrew Hastie so sánh lối nghĩ hiện nay của phương Tây trước hành động hung hăng Trung Cộng với lập trường của châu Âu ngày trước khi thấy Quốc Xã Đức ngày càng lớn mạnh. Xin nhắc đến cái gốc Bỉ của Nghị sĩ Tổng Trưởng Tài Chính vì nước Bỉ tí teo đã bị Đức dầy đạp khi đi đường vòng khỏi chiến lũy Maginot.
Nghị sĩ Mathias Cormann thấy đau khi vết thương trên đất mẹ của mình bị khơi lại. Nhưng ông nhìn nhận điều Dân biểu Andrew Hastie nêu lên ‘thật hợp lý để công chúng bàn luận’. Tổng Trưởng Tài Chính cho biết thêm Úc và Trung Cộng đã có những liên hệ ‘cực kỳ quan trọng’ về kinh tế và chiến lược. Tổng Trưởng Tài Chính đồng ý với ước muốn của dân biểu ghế sau Andrew Hastie mà rằng: Úc luôn luôn vừa bảo vệ chủ quyền của mình vừa ‘đặt những mối liên lạc tốt đẹp, tích cực và hợp tác với các nước lớn trên thế giới’.
Xin chính trị gia tiếp tục lên tiếng
Riêng với Dân biểu Andrew Hastie, đây không phải lần đầu tiên ông lên tiếng về những vấn đề có liên quan đến Trung Cộng.
Năm ngoái, dùng đặc quyền dành cho Dân biểu Quốc hội, Dân biểu đơn vị Canning (Tây Úc) cho rằng đảng Cộng Sản Trung Hoa đang công khai lũng đoạn vào ngành truyền thông, các đại học và chính trường Úc. Đặc biệt, ông Hastie nêu đích danh tài phiệt Trung Cộng Chau Chak Wing có những hành động mờ ám, kể cả hối lộ. Theo đó, tài phiệt Chau Chak Wing âm mưu hối lộ cựu Chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe; và từng biếu cho cả đảng Tự Do lẫn Lao Động số tiền hơn $4 triệu Úc Kim. Ngoài ra, tài phiệt có liên hệ với đảng Cộng Sản Trung Hoa và mặt trận Thống Nhất (của Trung Cộng) còn tặng cho các đại học ở Úc số tiền lên đến $45 triệu.
Đứng trước lời cảnh cáo Úc không lường được Trung Cộng biến hóa thế nào. Tổng trưởng Thương Mại Simon Birmingham dạy dỗ đồng viện ‘phải suy nghĩ trước khi mở miệng’. Ý ông Tổng trưởng khuyên đồng viện có điều gì muốn nói thì nói nhỏ với quan chức trong chính phủ trước khi ‘oang oang’ giữa chợ. Ông Simon Birmingham lo chuyện buôn bán với Trung Cộng nên sợ làm phật lòng khách hàng. Vô hình trung, ổng áp đặt lối suy nghĩ của xứ độc tài Cộng Sản lên nếp sống dân chủ ở Úc.
Cách đây hai tuần, khi thăm Úc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cảnh cáo Úc đừng theo mấy nước khác sợ mất ăn vì không còn xuất cảng hàng hóa sang Trung Cộng nữa. Ông Mike Pompeo ví von mấy nước này ‘bán linh hồn đổi lấy một đống đậu nành’. Chắc là không vì đống khoán sản xuất cảng qua Trung Cộng mà Úc ‘bán linh hồn’!
Hiển nhiên, bang giao giữa hai nước là chuyện phức tạp. Bang giao giữa một nước theo truyền thống dân chủ phương Tây (như Úc) với nước Á châu theo chủ nghĩa Cộng Sản (như Trung Cộng) còn phức tạp vô lường. Dù sao, xin chính trị gia ở Úc tiếp tục nói lên ý nghĩ của mình: nói tại diễn đàn quốc hội và tại nhiều diễn đàn khác. Có thế, công chúng mới được hiểu ý nghĩ của người cầm quyền để góp tiếng vào cuộc tranh luận công khai về những vấn đề liên quan đến đất nước này.
Không thể gọi là dân chủ khi chỉ một dúm nhỏ cầm quyền rỉ tai nhau mà quyết định vận mạng của đất nước.
Cổ Nhuế