Chương trình “QandA” của Úc đã bị Trung Quốc xâm nhập?

Lời người dịch: Những ai theo dõi tình hình chính trị của Úc đều biết đến Chương trình “Q&A” của đài ABC mỗi tối thứ Hai do Tony Jones điều họp.
Đây là một chương trình tranh luận thời sự giá trị nhất của Úc, mời tham dự toàn những người nổi tiếng: các nhà lãnh đạo/đại diện, các chính trị gia cao cấp, các chuyên viên, học giả trong và ngoài nước…
Đáng tiếc là trong cuộc tranh luận về chủ đề “dân chủ” vào tối thứ Hai 12 tháng 8 vừa qua đã không diễn ra đúng với ý nghĩa của nó khi một thành viên trong chủ tọa đoàn đã công khai bênh vực chính quyền độc tài Trung Quốc, cáo buộc những người biểu tình ở Hồng Kông là khủng bố và cho rằng dân chủ không phải là thể chế chính trị tốt như người ta mong đợi….
Qua bài bài viết dưới đây, Joe Hildebrand – một nhà báo, cũng là người phụ trách chương trình Studio 10 của đài số 10, đã phản bác mạnh mẽ quan điểm của Li Shee Su và AC Grayling, cũng như thái độ thụ động của những thành viên khác như Dân biểu đương nhiệm Alan Tudge, Dân biểu đối lập Terri Butler trong ban chủ tọa trước những lời phát biểu phản tinh thần dân chủ của hai vị nêu trên. Và tác giả đặt câu hỏi phải chăng chương trình tranh luận thời sự có uy tín nhất của Úc đã bị Trung Quốc xâm nhập?

Từ trái: Li Shee Su, Terri Butler, Bộ trưởng đối lập về Môi trường,
AC Grayling, triết gia người Anh (hình ABC)

Một trong những vấn đề lớn nhất khi tranh luận về dân chủ là – dân chủ là một đề tài tranh luận không có hồi kết.
Vào tuần này tôi chứng kiến một biến cố quan trọng, không chỉ trong lịch sử truyền thông mà còn trong hệ thống chính trị của Úc: bằng một cách nào đó chính quyền Trung Quốc đã lọt vào được trong chủ tọa đoàn của Chương trình Q&A của đài ABC.
Chủ đề của buổi tranh luận này là “Dân chủ tốt như thế nào?” (How good is Democracy?). Tôi cho rằng đây là câu hỏi không chính đáng. Bởi vì đối với những ai không thích dân chủ vì quan điểm cá nhân, vì quyền lợi, hay vì bị áp lực… có thể đưa ra hàng trăm lý do để chê bai, rồi cho rằng dân chủ không phải là một thể chế chính trị tốt như người ta nghĩ.

Thật ra câu hỏi này đã được Winston Churchill – người có công lớn nhất gìn giữ nền dân chủ của Phương Tây tồn tại đến ngày hôm nay – trả lời từ nhiều năm trước: “dân chủ là thể chế chính trị tồi tệ nhất nếu không tính đến các chính thể khác đã từng được thử nghiệm qua.” (Democracy is the worst system of government in the world, except for all the others).
Nói một cách khác, dân chủ không hoàn hảo, không hữu hiệu, thậm chí đầy mâu thuẩu,… nhưng nó vẫn tốt hơn so với các thể chế khác.
Lý do là vì dân chủ là một thể chế chính trị duy nhất có thể tự sửa chữa chính nó. Có thể ví như một cửa tiệm duy nhất trong khu thương mại cho phép khách hàng mua xong không vừa ý được quyền trả lại (return policy).
Kết quả quan trọng nhất của quá trình dân chủ không phải bên thắng cử mà là bên thua. Đó là hệ thống chính trị không đặt nền tảng trên sự chiến thắng mà trên thiện chí của mọi người.
Dân chủ là một thỏa ước dân sự, trong đó luật lệ là luật lệ, kết quả là kết quả và những luật lệ và kết quả sẽ được tôn trọng bởi bên thất cử.
Nói một cách khác, cột trụ của chính quyền dân chủ được dựng lên bởi sự đồng thuận của người dân cho dù nhiều người trong số đó muốn có một kết quả khác.

Điều này dẫn chúng ta trở lại cuộc tranh luận trên Q&A vừa qua trong đó có một người trong chủ tọa đoàn phát biểu giống như một thành viên của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.
Người đó là Li Shee Su, được giới thiệu là một giám đốc IT rất thành công, sinh ở Mã Lai gốc Hoa: “Li Shee thích thảo luật về vai trò của Úc ở Á châu, về ban giao quốc tế, an ninh quốc gia, quyền công dân, tị nạn chính trị, du trú, tội phạm và trừng phạt, về sự thất bại của hệ thống chính trị và các chính đảng của Úc”.

Nói rõ hơn, Li Shee là một công dân Úc gốc Hoa, luôn gọi thế giới Tây Phương là “chúng ta” và “phe ta” nhưng quan điểm chính trị của ông không đồng hành với “phe ta” mà giống hệt như quan điểm của chính quyền Trung Quốc. Tôi không thật sự cho rằng ông là một nhân viên mật vụ của chính quyền Trung Quốc như tôi đã diễu trong twitter của tôi, nhưng ông hành xử quá rõ ràng như một loa tuyên truyền hoàn hảo của Bắc Kinh đối với những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.
“Những gì đang xảy ra thật sự tại Trung Quốc, bạn cần phải nhìn từ quan điểm của chính quyền Trung Quốc,” ông nói.
“Hãy nhìn vào quan điểm của họ rồi đối chiếu với quan điểm của chúng ta? Bởi vì như chúng ta thấy, chúng ta luôn có cái nhìn khiếm diện. Những gì chúng ta biết được từ truyền thông có thể không trung thực. Trên một số phương diện nó có thể rất thiên vị”.

Tiếp theo đó Li Sheen so sánh những những người biểu tình ở Hồng Kông giống như những kẻ khủng bố, chỉ vì theo “thông tin” cho biết cảnh sát bắt được một người trong số những người biểu tình có mang theo bom tự chế.
“Tại Úc, khi chúng ta bắt được một người có bom tại nhà của họ, chúng ta gọi họ gì?”.
“Khủng bố, đúng không. Tại Hồng Kông, khi bạn bắt được những kẻ có mang bom và những dụng cụ chế bom, chúng ta gọi họ là gì? Là những người biểu tình đòi dân chủ?” ông nói.

Phải nói là tới chỗ này thì tôi không còn đủ kiên nhẫn để kìm chế nữa. Đó là một trong những điều mỉa mai nhất mà tôi đã từng nghe qua.
Gọi những người biểu tình ở Hồng Kông là khủng bố chẳng khác nào nói rằng nhà tranh đấu cho nhân quyền Wesley Snipes có mặt trong buổi họp của tổ chức KKK hay cáo buộc Nữ Hoàng có những hành vi cư xử thô lỗ.

Li Shee tiếp tục nêu ra quan điểm cho rằng dân chủ không phải là thể chế mà người dân mong muốn về lâu về dài, cho nên các nước phương Tây không nên áp đặt quan điểm chính trị của họ lên những nước khác. Điều mỉa mai là chính nhờ thể chế dân chủ của phương Tây mà ông được quyền tự do trình bày quan điểm.
Li Shee đưa ra dẫn chứng:
“Hãy nhìn vào cách mà chúng ta tổ chức bầu cử. Nếu dân chủ hoàn hảo thì ông Trump đã không đắc cử.”
Đây là lập luận vừa ngớ ngẩn vừa thiển cận. Nó phổ biến từ khi các phong trào dân túy nổi lên trong những năm gần đây: Khi một chính trị gia nào mà chúng ta không thích đắc cử thì chúng ta tìm đủ mọi cách để phủ nhận kết quả.
Với lý luận này của Li Shee, bất cứ một người tỉnh táo nào cũng phải lên tiếng phản đối, đừng nói chi đến thành phần trí thức ưu tú nhất trong ban chủ tọa, nhưng đáng tiếc hầu hết đã giơ khăn trắng đầu hàng.

Đáng nói nhất là triết gia người Anh, A.C. Grayling. Trông ông giống nhân vật Doc trong truyện Back to the Future nếu ông có thời gian sửa lại mái tóc.
Ông không phản bác quan điểm của Li Shee mà còn phụ họa thêm bằng một câu nói vượt ra ngoài mọi lý luận bình thường:
“So với Trump, Hillary Clinton được hơn 3 triệu lá phiếu nhưng Trump đắc cử vì được dồn phiếu đúng chỗ cho nên thắng được phiếu cử tri đoàn.”
Tệ hơn nữa khi ông phát biểu tiếp theo như sau: “Cử tri đoàn được dựng lên để bảo đảm những kẻ ngu dốt, thường sử dụng tweeter, lạm dụng tình dục không vào được Tòa Bạch Ốc.” [muốn ám chỉ Donald Trump, lời người dịch].

Những lập luận này cho thấy là thành phần trí thức ngày nay sa sút đến mức nào. Cách bầu cử của Hoa Kỳ đã có hơn hai thế kỷ trước, trước khi tweeter ra đời rất lâu và hệ thống bầu cử theo kiểu cử tri đoàn cũng không nhằm mục đích bảo đảm những kẻ ngu dốt, lạm dụng tình dục có cơ hội được vào Tòa Bạch Ốc.

Bất cứ một người có hiểu biết nào cũng biết rằng hệ thống bầu cử theo cử tri đoàn không phải được dựng lên vì hai lý do nên trên. Nó chỉ nhằm mục đích để bảo đảm là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (như tên gọi đúng nghĩa của nó) là một hệ thống liên bang, trong đó mỗi tiểu bang được quyền giữ lại một sự tự trị nào đó.

Một yếu tố quan trọng khác là nó nhằm để đề phòng độc tài, độc tài theo ý nghĩa đa số đàn áp thiểu số. Có nghĩa là một ứng cử viên tổng thống nếu muốn đắc cử không thể bỏ qua những tiểu bang nhỏ để chỉ tập trung vào những tiểu bang đông dân như New York, California.
Chắc chắn đây không phải là một thể chế dân chủ hoàn hảo, nhưng chắc chắn nó không kém dân chủ hơn hệ thống dân chủ đại nghị của Úc. Ngay cả tại Úc cũng từng xảy ra chính phủ đắc cử có tổng số phiếu ít hơn bên thất cử.
Cuộc bầu cử vào năm 2016 không phải là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bên thắng có tổng số phiếu ít hơn bên thua.

Điều đáng nói nhất là mặc dầu được hơn gần 3 triệu phiếu (không phải hơn 3 triệu như ông Grayling nói) – Hillary vẫn thua bởi vì bà không tập trung vào những nơi mà lá phiếu ở đó sẽ quyết định kết quả cuối cùng, đó là tầng lớp công nhân ở những tiểu bang chính giữa nước Mỹ.
Đó không phải là sự thất bại của dân chủ mà đó là lầm lỗi lớn nhất trong cuộc vận động tranh cử của bà Clinton.

Cuộc tranh luận của Q&A lần này thật sự không phải là cuộc tranh luận về thể chế dân chủ mà là về phản ứng của một số người đối với kết quả của bầu cử không như họ mong đợi, rồi họ la làng lên cho rằng luật chơi dân chủ không công bằng cho nên kết quả coi như không có giá trị.

Nếu bạn muốn một nền dân chủ thuần khiết (pure democracy) bạn phải trở về thời Hy Lạp xa xưa. Vào thời đó ở Athens, mỗi quyết định chiến hay hòa đều được quyết định một cách đơn giản bằng lá phiếu của dân. Đây là nền dân chủ trực tiếp (direct democracy) mà ngày nay chúng ta gọi là “trưng cầu dân ý”. Nhưng dân chủ kiểu này cũng đang có vấn đề tại một số nơi khi mà người ta không tôn trọng luật chơi của nó – điển hình như Brexit tại Anh.
Vào năm 2016, sau nhiều tranh cãi là nước Anh có nên ở lại trong Liên Minh Âu Châu (European Union) hay không, cuối cùng chính phủ muốn người dân trực tiếp quyết định bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả hơn phân nửa số người đi bầu quyết định ra đi.
Thật buồn cười là vào tuần này cũng chính ông Grayling cho rằng kết quả này một cách nào đó không có giá trị, bởi vì mặc dầu số người đi bầu cao nhất trong một thế kỷ qua (hơn 72%) vẫn chưa đủ để kết quả có giá trị.
Trong lúc đó tại Úc, nơi mà người lớn bắt buộc phải đi bầu, thì thành phần ưu tú (elites) lại đổ lỗi cho đất nước này quá ngu ngốc để cho Liên Đảng thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
“Thật khó có thể hiểu được một quốc gia, chỉ vì ngu dốt cố hữu, đã làm tiêu tan tất cả niềm hy vọng cho các thế hệ mai sau,” một bình luận gia chính trị có tiếng tăm đã phát biểu như thế.

Cá nhân tôi có thể dễ dàng được cho là thành phần ưu tú mặc dầu Kmart là nơi tôi thích đến. Và tôi cũng không bao giờ nghĩ là Trump, Brexit và Morrison có thể thắng. Nhưng tôi chấp nhận và tôn trọng kết quả và cho rằng kết quả đó có đầy đủ lý do chính đáng để được thực thi.
Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta đả phá dân chủ chỉ vì kết quả bầu cử không giống như chúng ta mong đợi thì chúng ta không nên tin tưởng nó ngay từ đầu.

Joe Hildebrand
Phạm Hoài Nam
dịch

Nguồn: Was QandA infiltrated by China?’ https://www.news.com.au/national/politics/joe-hildebrand-was-qanda-infiltrated-by-china/news-story/b25be508a4b2797bfb170c07729c7bac.

Related posts