Câu hỏi ở Hongkong: Trung Cộng uýnh hay không uýnh

Câu hỏi khó nhất hiện nay trước tình hình Hongkong là ‘Trung Cộng uýnh hay không uýnh?’

Nếu Trung Cộng uýnh thì chỉ cần 10 phút xe tăng của quân đội nhân dân ủi sập phi trường Hongkong và cán nát bạn trẻ biểu tình. Quân đội nhân dân sẽ ầm ầm vượt qua biên giới Thâm Quyến hay âm thầm đang đêm đổ quân vào Hongkong? Quyết định này không phải từ viên tướng chỉ huy trận tiền mà đang bí mật bàn định ở một căn phòng nào đó bên trong Trung Nam Hải – cách xa Hongkong ngót ngét 2 ngàn cây số đường chim bay.

Người thì bảo: Trung Cộng đã từng làm thế ở Thiên An Môn thì cũng có thể làm thế ở Hongkong. Kẻ thì lo lắng: Hongkong sẵn sàng đón bộ đội Cộng Sản do Bắc Kinh sai tới đàn áp chưa? Với Bắc Kinh, Hongkong là một phần của ‘đất mẹ’ và đang trên đường trở về ‘đất mẹ’. Bắc Kinh nghĩ thế vì nắm trong tay thỏa thuận năm 1997 với chính phủ Anh. Ngược lại với người Hongkong – hay ít ra với bạn trẻ xuống đường – Hongkong là một nơi thật nhỏ bé nhưng khác hẳn so với vùng đất không lồ mang tên ‘Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa’. ‘HongKonger’ nói tiếng khác với ‘Chinese’: không Quan Thoại mà tiếng Quảng. ‘HongKonger’ sống theo nếp sống khác: không răm rắp như đàn cừu ở xứ Cộng Sản phương Đông mà từng người ý thức lịch lãm như kiểu Ăng-lê.

Có thể Hongkong đã tính tới nước cờ khi Bắc Kinh rầm rộ đẩy cặp xe ra và kéo dốc pháo sang bên kia bờ. Từ hai tuần này, Bắc Kinh đã diễu võ gương oai. Hongkong dư biết. Vậy mà vẫn không chùng bước. Hongkong tự nhận là chỗ đứng cuối cùng của chiến tuyến tự do. Hongkong không đánh đuổi ai mà chỉ ngăn ngừa cõi tự do sắp bị xâm phạm.

Bạn trẻ biến hóa

Người ta chưa biết mưu mô của Cộng Sản thâm độc chừng nào. Người ta cũng chưa biết bạn trẻ ở Hongkong biến hóa chiến thuật ra sao. Nói về thâm độc của Cộng Sản thì chỉ cần ôn lại vài ngón của đàn em Hà Nội là thấy rùng rợn. Ngược lại, bạn trẻ Hongkong biết phận mình nhỏ như châu chấu địch với voi thớt nên họ dùng nhiều tiểu xảo biến hóa khôn lường.

Thủa đầu, người biểu tình ở Hongkong xách dù xuống đường để che mưa nắng. Tới trước ống kính thu hình của cảnh sát, chiếc dù che mặt họ lại. Cảnh sát có khiên vững chắc, người biểu tình có dù che thân. Khi chiếc dù không còn dùng được với bàn tay sắt của cảnh sát thì người Hongkong chuyển ‘Cách mạng Dù, Umbrella Revolution’ sang ‘Cách mạng Nón cứng, Hard-hat Revolution’.

Họ đội nón an toàn như người thợ xây cất không chỉ những lúc xuống đường mà ngay cả khi đi shop, lúc nhâm nhi cà phê hay ngồi ở bàn giấy. Chiếc nón cứng thành biểu tượng cho cường quyền đang đập mạnh trên đời sống của người Hongkong. Người Hongkong hôm nay tự nhận biến hóa như dòng nước: ‘Be Water’. Một biểu ngữ ghi rõ:

Be Water!

We are formless.

We are shapeless.

We can flow.

We can crash.

We are like water.

We are

Hongkongers!

Hãy là nước!

Chúng ta không hình không dáng.

Chúng ta biết biến hóa.

Chúng ta biết đối đầu.

Chúng ta như dòng nước.

Chúng ta là người Hongkong!

 Hongkong đang trở thành dòng nước – nước chỉ có một dạng: tượng thủy nhất dạng, như Lý Tiểu Long tả quyền cước của mình. Hình dạng của nước là vô hình, vô dạng. Đầu tiên dòng nước Hongkong trắng xóa vây kín tòa nhà lập pháp khi bà Carrie Lâm tính chuyện dẫn độ người Hongkong qua Bắc Kinh. Tuần lễ sau đó, không ai bảo ai người biểu tình đồng loạt mặc áo đen. Nhớ lại vào thủa năm 2014, người Hongkong cầm dù xuống đường. Năm 2019, ngoài dù, họ còn đội nón cứng.

Trò chơi mèo bắt chuột

Với nhiều sáng kiến như trên, người ta đoán khi Bắc Kinh ‘uýnh’ thì có thể người Hongkong không ngây thơ như tiền bối ở Thiên An Môn năm nào. Sẽ có một trò chơi mèo bắt chuột ở khoảnh 1,108 cây số vuông. Mèo Trung Cộng rón rèn hay rầm rộ kéo vào thì người Hongkong rút êm vào những căn nhà ổ chuột. Một thủ lãnh của phong trào Dù Vàng nói ‘Khi lính tráng tụi bây kéo vào đây, tụi tao về nhà ngủ hết’.

Trong những căn nhà ổ chuột, một Hongkong bị chiếm đóng sẽ tiếp tục nung nấu ngọn lửa đấu tranh. Lửa bén cháy chưa biết về hướng nào. Nhớ lại, vào ngày 11.8 vừa qua khi máu trên mắt của một cô gái biểu tình bị đạn của cảnh sát làm ứa ra. Thật nhanh chóng, đoàn cứu thương ‘phe ta’ băng bó lại. Miếng băng bị thấm máu đã được chụp hình, in ra trăm ngàn bản…Từ đó, người biểu tình ở Hongkong, Melbourne, Sydney, Adelaide hay ở Luân Đôn thường đeo miếng băng trắng thấm màu đào ấy.

Trong lúc người Hongkong ngủ thì bộ đội Bắc Kinh sẽ sùng sục bắt bớ: người thì có tội trốn thuế, người thì có tội quấy rối trị an, người thì tàng trữ tài liệu của ‘xê-i-a’ và ‘xê-i-bê’, người thì bị thế lực nước ngoài quyến rũ, người thì ăm mưu lật đổ chính quyền…. Toàn là những tội nghe quen quen ở quê ta. Trong hoàn cảnh này, trò chơi mèo bắt chuột sẽ kéo dài ở Hongkong vì không phải chỉ có bạn trẻ ‘nhẹ dạ’ mới xuống đường mà thầy cô, lớp làm ăn buôn bán đã ủng hộ họ.

Người Hongkong dám hy sinh mới lợi trước mắt để nghĩ tới tương lai lâu dài. Có những lúc, hàng loạt cửa tiệm dọc theo Hoi Sham Park, bên bờ Victoria Habour, ở về phía đảo Cửu Long đóng sập cửa vì nghe tin phái đoàn ‘tham quan và mua sắm’ từ Trung Cộng sắp đổ bộ.

Mụt nhọt đau điếng trên mông

Hongkong không là Thiên An Môn mà sẽ là một Sài gòn thứ nhì. Người Sài gòn đã bỏ phiếu bằng chưn khi quân chiếm đóng tràn vào. Hongkong có làm vậy không? Chưa ai biết. Nhưng người Hongkong đã nhắn tới Bắc Kinh ‘Tụi tao không biết uýnh giặc nhưng tụi tao sẽ thành cái mụt nhọt đau điếng trên mông của tụi mày’. Hongkong từng đóng vai cửa ngỏ cho Bắc Kinh tiếp xúc với phương Tây. Hơn nữa, Hongkong đã làm thủ đô tài chính cho toàn nước Trung Hoa vĩ đại. Ấy thế mà Bắc Kinh đọa bóp cổ con gà đẻ trứng vàng. Người Hongkong trả lời: Đừng có dọa! Chúng mày đốt cháy tao thì bàn tay chúng mày cũng bị thiêu rụi. Nếu người Hongkong không thể có một Hongkong như hôm nay, thì ngày mai Trung Cộng cũng không kiểm soát được Hongkong đâu. Đừng hòng!

Tuy nhiên, gió đã đổi chiều. Hongkong dưới quyền cai trị của Anh quả đã sắm vai thủ đô tài chính cho Trung Cộng, Nhưng vai trò ấy đã mờ rồi. Diễn tiến cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ cho thấy như vậy. Chính ông Donald Trump đã phân tán nguồn cung cấp hàng hóa và vốn liếng của Trung Cộng qua các nước đang phát triển. Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Indonesia, Bangladesh, Pakistan và Mexico đã chia phần với Hongkong rồi.

Vì lý do đó, Bắc Kinh dám ‘chơi’ tới bến ở Hongkong lắm đa!

Mang hoa vào Hongkong

Khi bạn đọc cầm trên tay báo Việt Luận số này, người Hongkong bước vào tuần lễ biểu tình thứ 12. Hiển nhiên, người Hongkong không thể biểu tình tới vô tận. Họ sẽ ngưng. Ngưng khi Bắc Kinh đáp ứng năm yêu sách; hay là khi xe tăng từ Bắc Kinh lù lu vượt qua lằn ranh ngăn cách giữa một Hongkong sôi sục với một Thâm Quyến yên tĩnh.

 Điều trước gần như không thể có. Vì thoạt đầu người biểu tình chỉ đòi bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Cộng nay đòi thêm bà Carrie Lâm từ chức và tự do bầu cử hội đồng lập pháp. Đòi vậy khác gì coi Bắc Kinh không ra cái thá gì.

Còn điều sau lại là ẩn số chưa ai tìm ra, kể cả Tập Cận Bình.

Có giải pháp thứ ba không? Bắc Kinh có thể đã có. Giải pháp này Hà Nội đã làm. Đó là thay vì đẩy xe tăng từ Thâm Quyến qua, Bắc Kinh nhờ tay Hà Nội bê chậu kiểng phủ kín Hongkong. Chuyện là thế này, vào năm 2007 Cộng Sản Hà Nội định tâm chia chác mảnh đất số 40 Nhà Chung, Hà Nội là khu vực ở ngay nhà thờ chính tòa Hà Nội. Giáo dân phản đối. Ngàn người kéo tới ‘nhà chung’. Họ lặng lẽ ngồi yên, mở sách kinh ra đọc. Phóng viên Ngô Nhật Đăng ở Hà Nội tả lại cảnh này: ‘Xung quanh khu vực Nhà Thờ Lớn dày đặc vòng vây cảnh sát, an ninh, mật vụ chìm nổi, côn đồ…trà trộn trong đám đông đánh, bắt người, một phóng viên nước ngoài cũng bị đánh và cướp mất máy ảnh. Những người biểu tình ngồi cũng bị đánh, một người máu chảy ròng ròng trên mặt mà anh vẫn coi như không. Về sau tôi được làm quen với anh, đó là Luật sư Lê Quốc Quân.’

Thế trận giằng co kéo dài nửa tháng cho tới một hôm Cộng Sản Hà Nội dọa: Trong hai ngày, giáo dân không giải tán thì ‘thành phố dùng biện pháp mạnh’. Giáo dân không nghe. Lại thêm hàng chục ngàn người kéo lên Bờ Hồ phản đối. Hôm đó, đích thân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới gặp Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Ông Dũng hứa hẹn và xin giáo dân giải tán. Đức Tổng Kiệt nói, giáo dân đã nghe và về nhà.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng kể tiếp:

‘Trong đêm đó, xe tải lũ lượt chạy, chở cây, chở hoa đến đặt ở 40 Nhà Chung, sáng hôm sau thành phố tuyên bố: “Đây là công viên công cộng phục vụ nhân dân”. Người Công giáo cười: “Giá họ nói ngay từ đầu đây sẽ làm vườn hoa công cộng thì chúng tôi đâu phản đối và Nhà Thờ sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức để làm cho nó đẹp hơn”.’

Học trò của Bắc Kinh biết gian manh đến thế thì ông thầy Trung Nam Hải còn gian hơn nữa. Bắc Kinh đang tìm cái cớ rất hào nhoáng để mang hoa vào Hongkong.

Không ngán thế giới phản đối

Cái lý của phe nghĩ ‘Trung Cộng không uýnh (Hongkong)’ không phải không vững chắc. Trung Cộng dại gì vấy máu Thiên An Môn lần thứ nhì khi muốn tỏ ra cũng là một cường quốc như ai. Lý này thường kể ra phản ứng của thế giới (đọc là Mỹ, Anh và Úc) rủi Hongkong bị tắm máu. Tuy nhiên, với một cuồng quyền gian manh như Cộng Sản Bắc Kinh thì sá gì mớ giấy lộn ghi điều này khoản kia. Từ ngày Anh trao trả vào năm 1997 đến nay, Anh Quốc coi như phủi tay. Đã có tiếng gào từ Hongkong mong Luân Đôn lên tiếng. Nhưng Luân Đôn vẫn phớt. Luân Đôn quá bận với Brexit. Còn phía Mỹ – có lẽ người Mỹ sẽ không chết cho bất cứ tiền đồn thế giới tự do nào nữa. Ông Donald Trump chả thiết gì sất ngoại trừ tái cử nhiệm kỳ hai. Trong một tiếng hót trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ đem ‘cái tôi’ quá lớn của mình đánh đổi với sinh mạng của 7 triệu người sống ở Hongkong. Ổng mong chính mình và Tập Cận Bình gặp riêng để định số phận người Hongkong! Chắc là người Hongkong không chịu nhục đến thế. Còn Úc thì quá lệ thuộc vào khối quặng mỏ bán cho Trung Cộng nên đừng mong Úc can thiệp gì ngoài cái trò ‘ngậm miệng ăn tiền’. Chỉ trong một ngày: sáng, thủ tướng Úc Scott Morrison lên tiếng ủng hộ người Hongkong tranh đấu cho dân chủ; chiều, kêu gọi phải tôn trọng Trung Cộng.

Trung Cộng dám ‘chơi’ Hongkong bất chấp thiệt hại về kinh tế. Thế giới cấm vận ư? Cấm thì cứ cấm. Khi cấm thì chưa chắc mèo nào cắn miểu nào. Ngay đến Úc Đại Lợi kia vì bán quá nhiều nguyên liệu cho Trung Cộng nên bây giờ sợ Trung Cộng hơn sợ cọp. Không rõ nước khác thế nào. Riêng Úc – nếu có tắm máu ở Hongkong – thì chắc là nhỏ nước mắt đầm đìa như thủ tướng Bob Hawke rồi từng đoàn tàu chở đầy quặng mỏ vẫn tiếp tục ra khơi. Ngày nay, Bắc Kinh không còn lo ngoại quốc bớt bỏ tiền đầu tư vào cho bằng sợ (rất sợ) vốn liếng trong nước chảy ra ngoài.

 Vì lẽ đó, Trung Cộng không muốn diệt Hongkong nhưng chắc vẫn ra tay vì vẫn kham nổi.

Uýnh Hongkong = mất Đài Loan

Rõ ràng, Trung Cộng đang xoay xở giải quyết vấn nạn Hongkong. Khi tính toán có lẽ Trung Cộng ít màng tới phản ứng của thế giới cho bằng e rằng cái bánh vẽ ‘một quốc gia, hai hệ thống’ thành mây khói. Nhớ lại bánh vẽ này do Đặng Tiểu Bình đưa ra khi thương thuyết với thủ tướng Anh Margaret Thatcher để nhận lại Hongkong. Họ Đặng cũng nói thế đối với Macao. Hiện nay, Tập Cận Bình cũng nói thế với Đài Loan.

 Khi Hồng Quân vượt qua Thâm Quyến mà vào Hongkong thì không ai tin bánh vẽ này nữa. Đặc biệt, một Hongkong tắm máu sẽ giúp cho phong trào độc lập ở Đài Loan vũng mạnh hơn và kết quả tuyển cử hội đồng lập pháp và bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng Giêng năm 2020 coi như đã có.

Xin nói theo chữ bình dân: ‘Cử tri Đài Loan phải ‘ăn cứt’ mới bầu cho phe thân Bắc Kinh!’. Thật vậy, ba chữ ‘Thiên An Môn’ luôn luôn là con ma lớn nhất ám vào bọn thân Bắc Kinh ở Đài Loan. Rủi Hongkong thành Thiên An Môn thì Bắc Kinh mất trắng Đài Loan. Ngày nào Bắc Kinh uýnh Hongkong thì ngày đó cũng phải sai lính tráng ‘giải phóng’ luôn Đài Bắc. Bằng không, một Đài Loan độc lập là chuyện đương nhiên.

Cổ Nhuế

Related posts