Người Úc thường tin rằng nước Úc là nơi mà mọi người đều có cơ hội như nhau để có một cuộc sống đầy đủ về vật chất và hạnh phúc về mặt tinh thần. Thêm vào đó từ trước đến nay người Úc đa số đều tin rằng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Úc không quá cách biệt như trong xã hội Mỹ.
Không những người Úc mà cả thế giới cũng từng tin như thế. Đầu những năm 1880 những du khách đến Úc đều lấy làm ngưỡng mộ khi thấy mức sống giữa người giàu và người nghèo không quá cách xa, không có những người quá nghèo đến nỗi đói cơm rách áo và vô gia cư. Thời đó nước Úc có rất ít những nhà triệu phú.
Cuối năm 1967 thủ tướng Úc là Harold Holt tuyên bố rằng ông chưa hề thấy tại một quốc gia giàu có nào như nước Úc, mà trong đó của cải xã hội được chia đồng đều cho tất cả mọi người như ở nước Úc.
Tuy nhiên từ năm 1980 trở đi những nhận thức như trên không còn đúng đắn nữa. Người ta bắt đầu nhận ra sự cách biệt giữa những người Úc giàu và những người Úc nghèo. Thật ra phân định khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Úc là một công việc phức tạp và kết quả khó mà chính xác. Ví dụ sự so sánh chủ yếu dựa vào mức lương cao nhất và thấp nhất, tiếp đó là dựa vào mức thuế đóng hàng năm. Do đó sự so sánh này chủ yếu dựa trên cá nhân người Úc chứ không dựa trên gia đình.
Kể từ năm 1981 chính phủ liên bang Úc bắt đầu thu thập những số liệu về lợi tức hàng năm của các gia đình Úc. Những dữ liệu này ban đầu được thu thập cứ năm năm một lần. Tuy nhiên hiện nay thu nhập của các gia đình Úc được thu thập mỗi hai năm một lần. Những số liệu này được các chuyên gia của cơ quan xã hội quốc gia Úc NATSEM nghiên cứu nhằm hổ trợ chính phủ liên bang hình thành những chính sách xã hội của nước Úc.
Những nghiên cứu nói trên cho thấy càng lúc thu nhập bình quân hàng năm của gia đình Úc càng có sự cách biệt lớn giữa những gia đình có thu nhâp cao nhất và những gia đình có thu nhập thấp nhất. Càng về những năm sau này, sự chênh lệch càng lớn.
Tuy nhiên sự gia tăng này nếu tính trong một giai đoạn ngắn ngủi nào đó thì lại cho thấy có sự giảm thiểu hố ngăn cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo.Ví dụ trong những năm cuối cùng của thập niên 1980, khoảng cách giàu nghèo có sự thu hẹp. Tương tự như thế, có sự giảm thiểu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo tại Úc những năm cuối cùng của thập niên 1990.
Nhưng nói chung tất cả con số thống kê đều cho thấy rằng trong ba thập niên vừa qua , nhận định rằng người giàu tại Úc càng ngày càng giàu, trong khi đó người nghèo tại Úc càng lúc càng nghèo không hẳn hoàn toàn đúng. Sự thật những yếu tố làm thay đổi khoảng cách giữa người giàu và người nghèo tại Úc rất nhiều khi không thể dự đoán được.
Những nghiên cứu cũng lưu ý sự khác biệt trong số những gia đình gồm những người đã về hưu, những gia đình vợ chồng trẻ có trẻ con, hay những gia đình không con và những người sống một mình. Sự cách biệt về thu nhập trong những gia đình cha hay mẹ đơn chiếc nuôi con thấp hơn trong những gia đình hai vợ chồng và con cái hay vợ chồng không con. Sự cách biệt lên cao nhất trong số những gia đình chỉ có một người.
Về mặt địa lý, trong vòng năm năm kể từ năm 2011 trở về trước Tây Úc là tiểu bang có sự chênh lệch giàu nghèo cao nhất nước. Nếu Tây Úc là một quốc gia thì sự cách biệt giàu nghèo lớn tương tự như sự chênh lệch của Bồ Đào Nha và chỉ khá hơn Hoa kỳ chút đỉnh.
Tính trên bình diện toàn quốc, rõ ràng người giàu tại Úc càng ngày càng giàu thêm. 20% những gia đình Úc có mức thu nhập tăng đến 67%. Tuy nhiên tiền dùng để tiêu xài trong số 20% những gia đình có thu nhập thấp nhất là 46%, và 50% trong những gia đình có thu nhập trung bình. Như vậy người giàu tại Úc càng ngày càng giàu thêm nhưng điều đó xảy ra với tất cả mọi gia đình Úc.
Những con số nói trên cho chúng ta hình dung được sự cách biệt về thu nhập của từng nhóm người trong xã hội Úc. Thật ra nhiều cá nhân và gia đình Úc có mức sống thấp hơn hiện nay so với trong quá khứ. Lý do là vì họ về hưu, thất nghiệp, ly dị hay ly thân, bị đau ốm hay tàn phế. Nhiều người khác có thu nhập cao hơn vì được thăng chức hay có doanh vụ riêng. Những con số này cho chúng ta thấy rằng cho dù như thế nào đi nữa, thì mức sống hiện nay của cá nhân và các gia đình Úc nói chung khá hơn trong quá khứ nhiều.
Trong những giai đoạn khác nhau có những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo. Lương tiền là nguồn thu nhập quan trọng nhất trong hầu hết mọi gia đình Úc. Mức lương giữa nam và nữ có sự cách biệt ngày càng lớn, mặc dầu trong một số giai đoạn sự cách biệt này có giảm.
Trong những năm đầu của thập niên 1980 và 1990 sự cách biệt giàu nghèo tại Úc gia tăng do có những cơn khủng hoảng kinh tế. Nhiều gia đình phải nhận trợ cấp của chính phủ, trong khi có những gia đình cả hai vợ chồng đều có lương cao.
Nghiên cứu tại 21 quốc gia trong đó có Úc của các tổ chức thế giới cho thấy rằng giữa năm 2007 và 2009 cho thấy hai năm trước cơn khủng hoảng tài chính năm 2007, thu nhập bình quân của các gia đình Úc hầu như có thay đổi rất ít cho dù tổng thu nhập quốc gia giảm mạnh. Trong giai đoạn này tại hầu hết 21 quốc gia nói trên thu nhập bình quân của gia đình giảm nhẹ, mức độ nghèo khó và khoảng cách giàu nghèo chỉ thay đổi chút ít.
Sở dĩ có hiện tượng này là vì chính phủ Úc đã có trợ cấp an sinh xã hội cho những người thất nghiệp. Tuy nhiên việc chính phủ cắt giảm những chi tiêu công cộng để đối phó với khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự mất ổn định về lâu dài trong thu nhập của gia đình, tỷ lệ giàu nghèo và mất cân đối thu nhập. Sự mất quân bình này ít có khả năng xảy ra trong những quốc gia có hệ thống tài chính ổn định và không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế và cắt giảm an sinh xã hội, ví dụ như Thụy Điển và Đức. Ngược lại là Ireland nơi bị cả hai vấn đề nói trên và Anh quốc là quốc gia nằm giữa hai thái cực.
Tại Úc trong thời gian từ 2007 đến 2008 và từ 2009 đến 2010, tiền tiêu dùng bình quân của một gia đình Úc giảm 11 đô la, tức là có sự sút giảm lần đầu tiên sau 13 năm. Tổng số người có công ăn việc làm bình quân trong mỗi gia đình cũng suy giảm. Số gia đình có nguồn thu nhập chính từ những người làm việc cho chính phủ tăng từ 23.2 đến 25.1%, tức là thấp hơn so với những giai đoạn trước đó.
Như đã nói ở trên mức chênh lệch giàu nghèo cao nhất tại Tây Úc. Nhưng mức chênh lệch cao nhất nằm trong nhóm những gia đình của những người lớn tuổi, nhất là trong những gia đình mà người đứng đầu gia đình trên 65 tuổi. Trong giai đoạn 2007-2008 mức chênh lệch trong nhóm này cao nhất so với mức chênh lệch nói chung trên toàn quốc.
Sự chênh lệch trong nhóm những gia đình của những người già là cao nhất từ năm 2003-2007 có thể là do sự gia tăng mạnh của thị trường chứng khoán ngay trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 mức chênh lệch giàu nghèo lại giảm, nhất là trong số những gia đình của người về hưu. Rõ ràng điều này là do nhiều gia đình đã mất tiền đầu tư trong thị trường chứng khoán. Một lý do khác là do sự gia tăng tiền trợ cấp hưu trí của chính phủ trong tài khóa 2009-2010 sau khi có đề nghị của ủy ban nghiên cứu về trợ cấp an sinh xã hội.
Một nghiên cứu gần đây của Empirica Research, Đại học Duke và Harvard Business School đã cho thấy rằng phân bố tài sản xã hội tại Úc mất cân đối nhiều hơn là người ta tưởng và nói chung người Úc mong muốn thấy khoảng cách giàu nghèo trong xã hội không cách biệt quá xa như hiện nay.
20% những gia đình giàu có nhất của nước Úc chiếm giữ khoảng 62% tổng tài sản xã hội và bình quân mỗi gia đình có tài sản trị giá 2.2 triệu đô la. Trong khi 20% những gia đình nghèo nhất tại Úc sở hữu chỉ có 1% tài sản xã hội và mỗi gia đình như thế chỉ sở hữu 32,000 đô la mà thôi.
Điều này có nghĩa là 20% những gia đình giàu nhất nước Úc có tài sản lớn hơn 20% những gia đình nghèo nhất nước Úc đến 70 lần. 20% những gia đình Úc có tiền dư để tiêu xài cao nhất có đời sống tốt hơn 20% những gia đình nghèo đến 7 lần. Như thế có thể thấy rằng sự phân bố của cải xã hội mất cân đối nhiều hơn là sự mất cân đối về mức lương hay thu nhập bình quân của người Úc.
Theo sở thống kê liên bang Úc thì có hai cách nhận định về sự phân bố của cải xã hội tại Úc. Đó là phân loại theo tổng số tài sản mà họ có được và cách thứ hai là phân loại theo tổng thu nhập của họ. Hai cách nhận thức này mang lại những kết quả rất khác nhau về sự phân bố của cải xã hội. Điều này phản ánh một sự thật là người ta tích lũy sự giàu có của mình qua nhiều năm tháng trong suốt cả cuộc đời của họ. Những người trẻ khi mới bắt đầu làm việc không có tài sản gì. Nhưng càng về sau khi họ trở nên lớn tuổi thì họ bắt đầu mua nhà ở, rồi mua nah2 cho thuê, đóng góp vào quỹ hưu trí và dành dụm. Kết quả là càng về già con người càng có nhiều tài sản hơn nhưng cũng càng về già, người già có thu nhập thấp hơn là những người trẻ.
Khi sở thống kê liên bang Úc phân loại các gia đình Úc theo mức thu nhập của họ, 20% những gia đình Úc có mức thu nhập thấp nhất sở hữu khoảng 435 ngàn đô la mỗi gia đình. Trong khi đó 20% những gia đình giàu có nhất sỡ hữu bình quân 1.4 triệu đô la mỗi gia đình. Điều này có nghĩa là 5% những gia đình giàu nhất nắm đến hơn 39% tổng tài sản xã hội, trong khi 5% những gia đình nghèo nhất chỉ nắm có 12% tài sản xã hội. Sự cách biệt này lớn hơn 3 lần.
Tỷ lệ sở hữu bất động sản cao hơn trong số những người cao tuổi. Cho nên cho dù những người lớn tuổi có thu nhập thấp hơn những người trẻ tuổi, điều này không có nghĩa là những người cao tuổi nghèo hơn những người trẻ tuổi. Bởi vì tuy có thu nhập, ví dụ như lương hàng năm, cao nhưng những người trẻ tuổi thường không có bất động sản. Mà bất động sản tại Úc được coi là chỉ số đánh giá sự giàu có của mỗi gia đình một cách tương đối chính xác nhất.
Trong thực tế, nhiều khi những con số thống kê của sở thống kê liên bang cho thấy có những gia đình có thu nhập cực kỳ thấp, thấp hơn nhiều mức tối thiểu để những gia đình này nhận được trợ cấp xã hội. Nhưng trong khi đó mức chi tiêu của những gia đình này cũng không quá thấp so với mức chi tiêu của những gia đình có lợi tức cao. Cho nên thật ra những gia đình có thu nhập cực thấp nói trên không phải là những gia đình nghèo. Trong khi nghiên cứu vấn đề giàu nghèo, người nghiên cứu cần xem xét rất nhiều yếu tố để xem thử thật sự thế nào gọi là nghèo, thế nào gọi là giàu tại Úc và thành phần nào thực sự gọi là giàu và thành phần nào thực sự gọi là nghèo.
Ví dụ một gia đình có mức thu nhập hàng năm là 120 ngàn đô la. Tuy nhiên gia đình này sống tại những khu vực có giá nhà rất cao, nợ ngân hàng nhiều. Họ phải trả nợ ngân hàng hàng tháng rất nhiều, con cái phải học trường tư chi phí rất cao. Họ có nhiều nợ khiến cuối cùng thật ra họ rất có ít tiền mặt để tiêu xài. Trong khi đó có những gia đình có mức thu nhập hàng năm chỉ có 40 ngàn đô la nhưng không phải trả nợ nhà, nợ xe, nợ credit card do đó họ có nhiều tiền để chi tiêu. Từ đó có thể thấy rằng nếu chỉ dựa trên thu nhập để phân định giàu nghèo là không chính xác.
So sánh với Hoa kỳ thì 20% những gia đình giàu nhất tại Úc chiếm hữu đến 40% tổng thu nhập của toàn bộ các gia đình tại Úc. Trong khi đó tại Hoa kỳ 10% những gia đình giàu nhất chiếm hữu đến 49% tổng thu nhập của toàn bộ các gia đình Mỹ. Như vậy sụ phân hóa giàu nghèo tại Úc dù sao cũng không quá khác biệt như tại Hoa kỳ.
Các thống kê cũng cho thấy rằng 20% những người Úc giàu nhất chiếm hữu 44% tổng thu nhập xã hội trong giai đoạn từ giữa thập niên 1990 đến 2010. Tại Hoa kỳ nghiên cứu của đại học California cho thấy 1% của những gia đình giàu nhất Mỹ chiếm hữu đến 50% tổng thu nhập xã hội trong giai đoạn từ 1993 đến năm 2007. Do đó khoảng cách giàu nghèo tại Hoa kỳ tương phản dữ dội hơn mức chênh lệch tại Úc.
Đã có những sự bất đồng ý kiến liên quan đến những yếu tố nào quyết định sự mất cân đối trong việc phân bố tài sản xã hội dẫn đến việc khoảng cách giàu nghèo quá cách biệt. Một số người biện luận rằng có thể giải quyết bất cứ sự phân biệt giàu nghèo nào bằng cách tái phân bố tài sản xã hội qua hình thức đánh thuế vào người giàu nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực phúc lợi xã hội. Trong khi đó những người khác tin rằng khoảng cách giàu nghèo là một phần của tiến trình kinh tế nhằm tạo ra thu nhập cao hơn cho tất cả mọi người Úc.
Ls Lê Đức Minh