“Mỗi năm hoa Đào nở. Lại thấy Ông Bà già. Ngồi trước sân ngóng cháu. Đường phố đông người qua!” “Cha! Chờ sáng giờ mà sao chưa thấy đứa nào chở đám cháu Nội về thăm mình hết hà?”.
Ông Bà Nội đang ngóng cổ cò, chờ đám cháu về thăm; vì bữa nay là ‘Ngày của Ông Bà’ mà Úc gọi là: ‘Grandparents Day’. Bấy lâu nay, tui chỉ biết Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) và Ngày Từ Phụ (Father’s Day) thôi hè. Còn ‘Grandparents Day’, tui bù trất.
Mình không biết không có nghĩa là không có. Chẳng qua so với hai ngày Lễ dành cho Mẹ, cho Cha tưng bừng nhộn nhịp thì ngày Lễ dành cho ông bà lặng lẽ hơn nhiều.
Lặng lẽ hơn nhiều vì những bậc làm con vô tình hay cố ý quên bẳng mất ngày nầy đi. Nên những người đề xướng ‘Grandparents Day’ đã chọn hoa Lưu Ly (Forget- me-not) để nhắc nhở đám con cháu đừng quên nhe!
Chớ thực ra hoa ‘Forget- me-not’ do thi sĩ, người Scotland, William McGonagall, sống vào giữa thế kỷ thứ 19, qua bài thơ cùng tên làm loài hoa này có tên và trở nên bất tử.
Chuyện rằng: “Edwin dắt em yêu Ellen đi dạo dọc theo bờ sông. Em hỏi chàng có thực sự yêu em không?” Để chứng tỏ cái ‘chân thực’ chớ không phải ‘chân giả’, Edwin nhảy xuống sông bơi qua bờ bên kia để hái cho Ellen một đóa hoa dại mọc ở trên bờ. Hái được đóa hoa không tên đó, chàng bơi trở lại! Đang giữa dòng thì nước cuốn chàng đi. Trước khi bị chết chìm, chàng kịp vụt lên bờ cho em yêu đóa hoa với lời vĩnh biệt “Forget-me-not” (Xin hãy đừng quên!).
Từ đó, để nhắc nhở ai đừng quên ai, người ta hay gởi một cành hoa ‘Forget-me- not’, nhứt là cho những kẻ đi xa đừng quên người ở lại: “Chiều chiều ra ngỏ đứng trông. Ngỏ thời thấy ngỏ mà không thấy người!” Hu hu!
Nước Úc nầy có cái đáng kể và đáng nể là: hồi xưa thấy mẫu quốc Anh Cát Lợi làm gì là ‘a thần phù’ nhắm mắt làm theo. Sau nầy, đế quốc Anh suy tàn, hết thiêng, thì nước Úc nhận đế quốc Mỹ làm ‘đại ca’ để bảo vệ mình trước sự hung hăng của Tàu Cộng.
Do đó chú Sam làm gì là đàn em Úc bắt chước làm theo hè. Chẳng hạn như ngày Lễ dành cho Ông Bà thoạt kỳ thủy là từ nước Mỹ.
Năm 1969, Russell Capper mới 9 tuổi, gởi một bức thơ cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon đề nghị tổ chức Ngày Vinh danh Ông Bà ‘Grandparents Day’ trên toàn nước Mỹ.
Rose Mary Woods, thư ký riêng của Tổng thống, trả lời rằng: “Cái vụ nầy là phải do bên Lập Pháp tức Quốc Hội thông qua dự luật và Tổng thống, bên Hành Pháp căn theo đó mới làm được nhe cháu!”
Cho mãi tới tháng Hai, năm 1977, Thượng nghị sĩ Randolph đệ trình dự luật lên Quốc Hội, đề nghị chọn ngày Chủ Nhựt đầu tiên của tháng Chín, sau ngày Lễ Lao Động hằng năm để làm ‘Grandparents’ Day’ trên toàn nước Mỹ.
Và ngày mùng Ba, tháng Tám, năm 1978, Tổng thống Mỹ, lúc đó, là Jimmy Carter ký ban hành đạo luật vinh danh, tạo cơ hội cho các bực Ông Bà bày tỏ tình thương yêu vô bờ bến với đám cháu Nội, Ngoại của mình và giúp đám cháu biết thêm về sức mạnh, về kiến thức, về kinh nghiệm đời của các bực Ông Bà truyền cho đám con cháu rất quý giá; chớ hổng phải đồ bỏ đi để tụi nó : “Forget- me- not”.
Rồi vào năm 2004, bài: “A Song For Grandma and Grandpa” của Johnny Prill ra đời cho đám cháu nó hát mừng Ông Bà Nội Ngoại của mình đại ý là:
“Ông Bà ơi! Chúng cháu yêu Ông Bà lắm! Vì Ông Bà dắt cháu ra đi chơi ở công viên hay vô Sở Thú xem khỉ. Ông dắt cháu đi chơi đá banh hay câu cá trên Hồ. Bà thì làm bánh quá xá là ngon. Bà dắt cháu đi xem hát xiệc, mua cho cháu kẹo bông gòn vừa ăn vừa cười thỏa thích với mấy chú hề trong đám xiếc.
Ông Bà ơi! Chúng cháu yêu Ông Bà lắm. Vì Bà ôm và hôn khi đưa cháu tới trường. Ông Bà gọi điện thoại chúc mừng, gởi quà Sinh Nhựt cà rem cây có ‘chocolate’, chụp hình kỷ niệm cùng chúng cháu, dẩn đi ‘picnic’ hay đi diển hành nhân ngày ‘Cựu Chiến Binh’”.
Tóm lại làm bực Ông Bà mà muốn đám cháu ‘Forget-me-not’ thì chịu khó móc xỉa tiền hưu còm cõi của mình ra để mua cà rem, mua kẹo, làm bánh cho tụi nó ăn. Dắt tụi nó đi chơi tùm lum tà la từ câu cá, đá banh, đế diễn hành, rồi đi xem xiếc hoặc đi Sở Thú là tụi nó thương yêu mình hè.
(Dù cái chuyện móc xỉa nầy hơi hao xu đó nhe. Nhưng tình yêu mà; nếu ta không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền hơn chắc chắn là phải được).
Chính vì thế nên có chuyện Bà Nội kể cho cháu gái mình nghe là: “Hồi xửa, hồi xưa Bà là hàng xóm của ông Nội. Ông hay rủ Bà đi ra sông để lội, té nước đùng đùng đùng! Rồi Ông kêu Bà leo cây để Ông ở dưới nhìn lên! Ông rủ Bà đi cởi trâu, đi thả diều trên những cánh đồng cuối mùa gặt khi chỉ còn trơ gốc rạ! Đôi khi Ông rủ Bà đi ăn trộm mận của vườn hàng xóm để hai đứa cùng ăn nữa!”
Đứa cháu gái nghe vậy rất lấy làm khoái chí; nhưng mặt xịu xuống tiếc rẻ, nói: “Phải chi con biết Ông Bà hồi đó hé. Chắc vui lắm đa!”.
Đó đó tụi cháu nó ngây thơ vậy đó mà ông bà không yêu sau được nè? Ngây thơ không có nghĩa là khù khờ; vì tụi nó cũng thông mình lắm nhe!
Vì có lần Ông Bà chạy xe đến trường rước hai đứa cháu đi học về. Trên đường về, bổng có chiếc xe chữa lửa có chở theo một con chó, hú còi inh ỏi vượt qua.
Thằng cháu trai hỏi đố em gái mình: “Tại sao mấy chú lính cứu hỏa lại chở theo con chó? Đứa em gái lắc đầu không biết. Thì thằng anh cắt nghĩa là: “Lính cứu hỏa chở theo con chó để tìm biết được trụ nước dành cho chữa lửa chính xác là nó nằm ở đâu? He he!”.
Thấy ‘đại ca’ đế quốc Mỹ bày ra cái vụ Ngày Vinh danh Ông Bà cũng vui nên nước Úc bắt chước theo.
Tiểu bang Queensland ăn mừng ‘Grandparents’ Day’ vào ngày Chủ Nhựt đầu tiên của tháng Mười. Tiểu bang New South Wales thì vào Chủ Nhựt cuối cùng của tháng Mười. Cùng tháng, khác ngày; nghĩa là mạnh đứa nào nấy ăn. Mà cái chuyện nầy mới được tổ chức chưa tới 10 năm trở lại đây.
Còn cái tiểu bang Victoria của tui sao êm ru bà rù hè? Cái vụ nín khe nầy nó giống như Cộng đồng người Việt ở bên Mỹ vậy. Ngày của Ông Bà hầu như ít người biết đến. Mục sư tổ chức Mother’s Day, tổ chức Father’s Day; chứ còn Lễ đó thì không có. Ngay cả trong nhà Dưởng lão cũng không tổ chức ngày này.
Trong khi trong Cộng đồng chính mạch người Mỹ thì ngày nầy mấy đứa nhỏ lớp Một và Mẫu giáo, cô giáo bày cho tụi nó làm thiệp đem về mời Ông Bà đến trường nghe mấy đứa nhỏ lên hát bài ‘I love you Grandparents.’
Mấy đứa nhỏ cũng vẽ những bức tranh màu nguệch ngoạc bán 25 đô la mỗi bức, có khung đàng hoàng bán cho Ông Bà của đứa khác để lấy tiền mua quà cho Ông Bà của mình. He he!”
Còn ở Việt Nam, vốn có cái truyền thống ‘dưỡng nhi đãi lão’, tam đại đồng đường, dưới mắt đám cháu hình ảnh Ông Bà hiện ra trong bài luận văn như vầy.
“Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều lễ hội. Những ngày ấy trên đường có rất nhiều các Ông các Bà tay cầm ô đen, ô đỏ đứng nói chuyện râm ran như bầy chim líu lo gọi Mẹ!”
Rồi: “Nhà em có nuôi một Bà Nội suốt ngày ngồi phe phẩy quạt nhưng ruồi không bay khỏi”.
Và Ông Nội em đẹp lão lắm, hai mắt Ông tròn xoe như hai hòn bi ve, râu Ông dài và mượt như chùm hoa bắp ngô, lúc nào đi Ông cũng chống gậy giống như hề Sác-lô.
Ông Nội suốt ngày chẳng làm gì cả; chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn Ông ló đầu ra hỏi: “Cơm chín chưa bây?”
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.