Tiểu luận thoát Tàu (2) Thời kỳ tự chủ và xây dựng văn hoá dân tộc

     

Suốt thời gian dài từ cuộc thành công ngắn ngủi của Hai Bà Trưng và Lý Nam Đế, các cuộc đấu tranh thoát Tàu của dân tộc ta càng trở nên khó khan. Khi kinh nghiệm đô hộ của các Thái thú Tàu càng tích lũy và thủ đoạn càng tàn độc hơn. Thủ đoạn trán áp vừa bạo lực vừa tinh thần của các tái thú đời Dường, tiêu biểu là Cao Biền, nó cho người dân Giao Chỉ mà đời Dường gọi là An nam đô hộ phủ phải dựa vào những biến động ở bên chính quốc, cùng tâm ly khiếp nhược của những quan lại thái thú, ở xứ đô hộ ít khi được an ổn. Những phong trào nổi dậy, tuy không do các truyền nhân của những phong trào giành độc lập trong lịch sử, nhưng vẫn là ý thức chống lại chính quyền đô hộ. Chính vì những nổi loạn thường xuyên này của dân địa phương, vẫn bị sử Tàu gọi là “làm loạn”, nên bọn quan lại lo vơ vét để có dịp là về chính quốc. Hãy nghe một ông được phong Thái Thú An nam mà cố từ không đi, đến nỗi phải bị vua chém đầu: “Người tôn thất nhà Đường là Lý Thọ làm đốc Giao Châu, tham ô phải tội. Đường đế thấy thứ sử Doanh Châu là Tổ Thượng có tài gồm văn võ, gọi vào triều dụ rằng: “Ở Giao Châu lâu nay không được người giỏi, các đô đốc trước sau đều không xứng chức, khanh có tài lược dẹp yên biên giới, vì ta sang trấn đất ấy, chớ lấy đường xa mà từ chối”. Tổ Thượng lạy tạ, rồi lại hối (chắc có thuộc hạ bàn ra tán vào) lấy ốm mà từ chối. Đường đế sai Đỗ Như Hối bảo cho Tổ Thượng biết ý vua, Tổ Thượng vẫn cố từ. Lại sai Chu Phạm là anh vợ của Tổ Thượng đến dụ rằng: “Người thường đã hứa với nhau cũng còn giữ lời, khanh đã bằng lòng nhận đi ở trước mặt trẫm lại trái lời hứa thế nào được. Nên sớm đi đi, ba năm sau tất gọi về, trẫm không nói sai.” Tổ Thượng trả lời rằng: “Đất Lĩnh Nam lam chướng dịch lệ, đã đi không có lẽ về.” Đường đế tức giận nói: “Ta sai ngươi không đi, còn làm chính lịnh thế nào được nữa”. Sai chém ngay ở triều đường. Rồi sau lại hối, cho khai phục quan tước và ấm phong.”(1)

            Nếu theo dòng lịch sử thì dân bị nội thuộc càng bị Hán hoá lại càng có những cuộc nổi dậy quan trọng và trưởng thành hơn, các thái thú lại càng phải tổ chức guồng máy cai trị hung bạo và đa dạng hơn. Ở thời nhà Hán, Mã Viện đắp “Kiển thành” bên Đông Anh; đến đến đời Dường lại chọn được nơi “long bàn hổ cứ”(2) là thành Đại La có sông nước vây bọc, dễ trấn áp các cuộc nổi dậy ở đồng bằng: “Trương Chu làm đô hộ Giao Châu (trước Chu làm Kinh lược phán quan, đến nay thăng làm đô hộ) đắp thành Đại La, đóng 300 chiến thuyền dài, mỗi chiếc thuyền có 25 ngưới chiến thủ, 23 người tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, đi nhanh như gió. Lại đắp hai thành ở châu Hoan, châu Ai, vì các thành ấy trước bị Hoàn vương (tức là vua Chiêm Thành) phá hủy”.

            Các cuộc nổi dậy ở đời Đường nơi các xứ bị đô hộ cho thấy đời sống văn hoá của dân đô hộ đã thay đổi nhiều, càng làm cho những người đi đô hộ thêm nản lòng và sợ hãi. Nếu ở bên chính quốc có những cuộc chống phá nhà Đường quy mô như “giặc Hoàng Sào”, “giặc An Lộc Sơn” đã suýt làm khuynh đảo ngai vàng của vua Đường. Một cuộc nổi dậy ở Giao Châu mang tầm vóc lớn vì có sự liên kết của nhiều cộng đồng, khiến có lực lượng lớn. Đã có lần người Giao Châu (gốc gác Lạc Việt) hợp tác với quốc gia lân bang để đánh phá chính quyền đô hộ: “Tướng của Tượng Cổ là Dương Thanh, đời đời làm tù trưởng Man. Khoảng năm Khai Nguyên nhà Đường làm Thứ Sử Hoan Châu, Tượng Cổ vẫn e dè, gọi cho làm nha tướng, đến đây sai đi đánh người Man ở Hoàng động (đem người Man đi đánh người Man – chính sách của bọn đô hộ Tàu rất khôn ngoan và đểu cáng). Thanh Nhàn thấy lòng người oán giận Tượng Cổ, ban đêm quay về đánh úp lấy châu, giết Tượng Cổ (Thanh là người Giao Châu, Tượng Cổ là người tôn thất nhà Đường). Đường đế chiếu cho Quí Trong đánh Thanh không được. Thanh vào trong người Man, Lão để làm loạn, cướp phá phủ thành. Đô hộ là Lý Nguyên Gia đánh không được, dụ không đến. Do đấy người Man Hoàng động dẫn người Hoàn Vương (Chiêm Thành) vào cướp.”(3)

            Kinh nghiệm liên hệ giữa tình hình của chính quốc, với chính sách tàn bạo của chính quyền địa phương, đã giúp những cuộc khởi nghĩa càng ngày càng có tầm vóc và hiệu quả, để cho đến lúc có lực lượng và nhân sự (có chí khí và tài năng). Dấu hiệu trưởng thành về tâm lý đã làm chính quyền trung ương bên Tàu phải đổi chính sách, không thể coi Giao Chỉ là một thứ Man di mọi rợ, chỉ cần đem binh đánh dẹp và khủng bố: “Vua Hán (Nam Hán thời kỳ Nam Bắc triều bên Tàu) sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân đánh Giao Châu, bắt được Tiết độ sứ là Thừa Mỹ (dân Giao Chỉ) đem về. Cho tướng là Lý Tiến thay Khắc Chính đóng giữ châu, bị tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ người Ai Châu đánh đuổi. Vua Hán trao cho Đình Nghệ tước vị, cho Lý Tiến (Giao Chỉ) làm Thứ sử Giao Châu cùng với Lý Khắc Chính giữ thành. Vua Hán bảo người tả hữu rằng: “Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ nên rành buộc mà thôi.””(4)

            Thái độ thức thời của vua Hán, tạo nên niềm tin cho dân Việt để tạo nên phong trào thoát đô hộ Trung Hoa. Tuy trong thời đại phong kiến, những người khởi nghĩa theo ý thức “tranh bá đồ vương”, nhưng vẫn phải dựa vào tinh thần dân tộc để làm sức mạnh đấu tranh. Ý thức quốc gia ấy các sử gia gọi là “chính thống”, nếu có người lãnh đạo biết vực dậy ở trong thời nội thuộc, và nuôi dưỡng nó, thì sẽ có lúc bùng lên xác quyết bản sắc độc lập của dân tộc. Trong “lời bàn” của Lê Văn Hưu đã nói rất đúng về tinh thần này được Ngô Quyền vận dụng mà đánh tan quân Ngô, xây dựng nền tự chủ cho nước Việt: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới hợp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo* mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được.”(6)

            “Chính thống” theo lời của Lê Văn Hưu là người dân Giao Chỉ từ khi bị Triệu đà xát nhập thành một quận thuộc nước Nam Việt, đã nổi lên dành độc lập nhiều lần, mà lần thành công đầu tiên phải kể là Trưng Vương. Hai Bà Trưng đã tự lập làm vua. Tuy thời gian độc lập chỉ có 3 năm, nhưng tinh thần tự chủ, đấu tranh giành độc lập ấy thể hiện chính quyền thuần túy người Việt để cai trị người Việt đã được mở ra và nuôi dưỡng qua nhiều thời kỳ nội thuộc Tàu thì nay đã sống qua hàng ngàn năm và trở thành “chính thống” khi Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán mà xưng vương. Rồi từ đấy nước Việt trở thành một nước độc lập có kỷ cương để đối kháng trực tiếp với nước Tàu. Tuy trên danh nghĩa có việc “cầu phong”, “xưng thần”, nhưng không hề có bàn tay người Tàu nhúng vào việc cai trị người Việt. Mỗi khi Tàu nhân cơ hội, đem quân đánh Việt Nam, thì lại rước lấy thất bại, và vẵn phải miễn cưỡng chấp nhận sự độc lập của một nước Việt ở phía Nam nước Tàu, dù vẫn được an ủi bằng danh nhĩa “Thiên Triều” phong vương cho vua nước Việt và nhận cống phẩm. Những cóng phẩm này cũng tùy theo tình hình an ninh của hai nước Việt, Tàu mà “cò kè bớt một thêm hai”*: “Trịnh Tùng sai bọn Hoàng Đình Ai, Nguyễn Hữu Liêu đem một vạn quân đi hộ giá, đưa vua sang phó hội. Sang đến nơi, quan nhà Minh lại đòi phải nộp người vàng và ấn vàng như tích cũ, rồi không chịu đến hội. Vua chờ lâu, không xong việc lại phải trở về.

            Đến tháng Tư năm sau, sứ nhà Minh lại sang mời vua Thế Tông lên hội ở Nam Quan. Triều đình sai quan Thái úy Hoàng Đình Ai đem 5 vạn quân đi hộ giá sang hội ở Nam Quan.

            Đến khi xa giá về, Trịnh Tùng đem các quan đi đón mừng, rồi về sai Công Bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ, quan Thái thừa tự khanh Nguyễn Nhân Triệm làm phó sứ, đem đồ lễ sang Yên Kinh cống nhà Minh và xin phong.

            Vua nhà Minh chỉ phong cho vua Thế Tông làm Annam Đô Thng sứ. Ông Phùng Khắc Khoan dâng sớ tâu rằng: “Đô Thống sứ là chức cũ của họ Mạc, chứ vua nước Nam là gng dõi họ Lê, mà phong cho chức ấy thì không xứng đáng”. Vua nhà Minh nói giả lờ rằng: “Vẫn biết họ Lê không ví như họ Mạc, nhưng lúc đầu mới phong, hãy tạm cho chức ấy, rồi về sau sẽ phong Vương.”(*)

            Ông Phùng Khắc Khoan phải chịu mà về. Từ đó nhà Minh với nhà Lê lại thông sứ như trước”.(7)

            Khi người Giao Chỉ đã thoát được Tàu về mặt trực trị, tinh thần độc lập tự nhiên được phát huy và thể hiện ra ở ngoại giao. Bây giờ không phải là dân nội thuộc đối diện với quan binh đô hộ nữa, mà là dân hai nước giao tiếp. Trên danh nghĩ chính trị vẫn phải nhún nhường là nước nhỏ cầu phong; nhưng trên thực tế lại có những hành vi xuất phát từ tiềm thức kể từ huyền thoại lập quốc của tổ tiên phát triển về phương Nam. Xin xem thái độ quật cường kể cả dọa nạt của vua Lê Đại Hành đối với các sứ thần Trung Quốc thời ấy. Tinh thần tự chủ càng thêm mạnh mẽ giải thích hành vi xem như “bắt nạt” sứ Tàu sau khi vua đã thắng đội quân rất mạnh của Tống: “Mùa Xuân tháng Ba, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng chống giữ, sai binh sĩ đóng cọc ngăn sông, quân Tống rút lui. Lại tiến đến sông Chi Lăng. Vua sai binh sĩ giả hàng để dụ Nhân Bảo, bắt được, chém đi. Bọn Khâm Tộ nghe tin thủy quân thua, đem quân về. Vua đem các tướng đuổi đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng. Bắt được tướng là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đấy trong nước Yên Tĩnh. Giang Nam chuyển vận sứ nước Tống là Hứa Trung Tuyền đem việc Nhân Bảo thua chết, tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về. Sai sứ quở trách bọn Lưu Trường, Giả Thực, Vương Soạn. Trường ốm chết, Soạn bị giết ở Ung Châu, Tôn Toàn Hưng cũng bị giết bỏ chợ”.(8)

            Hẳn rằng đây là lần đầu, một đạo quân lớn với cả chục tướng lãnh tên tuổi của nhà Tống đã bị thua, kéo theo sự suy yếu của triều đình Tống, khiến phải đổi chính sách đối với Giao Chỉ. Trở lại lịch sử ta thấy sự thất bại của những cuộc nổi dậy ở Giao Chỉ của ta đều do bị những đội quân chuyên nghiệp của Tàu “chinh phạt” như Mã Viện, Trần Bá Tiên, Cao Biền; vì thế những thời gian độc lập ngắn ngủi chỉ đủ để nuôi dưỡng tinh thần độc lập của người dân Lạc Việt.

            Sự thành công có tính chất quyết định sang trang lịch sử của Lê Đại Hành đã cho nhân dân ta xây dựng vững chắc một quốc gia độc lập về mặt thực tế. Sự hãnh diện này thể hiện ở thái độ Vua Lê Đại Hành đối xử với các sứ bộ nhà Tống như sau: “Vua cám ơn nhà Tống (ngoại giao ngang hàng, đâu có còn như các thái thú trước phải về Yên Kinh tâu trình chính sự ở các nước đô hộ), sai sứ sang tạ ơn, lại nói rằng đã bắt được bọn giặc biển 27 người giao cho chuyển vận sứ, và đã cấm các khe động không dám lại làm rối nữa. Nhà Tống lại sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Vua. Khi Nhược Chuyết đến, Vua ra đón ngoài giao, không chịu làm lễ để tỏ là cao, bảo Nhược Chuyết rằng: “Việc cướp Trấn Như Hồng là bọn giặc biển ở cõi ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, rồi đánh đến Mân Việt, há chỉ có trấn Như Hồng mà thôi ư? Nói xong rồi cúi đầu tạ lỗi.”(9)

            Sứ thần của Tàu sang cũng không còn dám có thái độ hống hách trước sự lớn mạnh của nước Việt. Việc dùng các định chế giống như ở triều đình nước Tàu ở thời gian đó giúp đem lại trật tự, kỷ cương cho một quốc gia tân lập. Trong thời Phong Kiến, gần như phổ biến khắp thế giới, tổ chức guồng máy cai trị với triều đình và các quan lại địa phương là giải pháp tốt nhất ở thời ấy; dù vẫn có những hạn chế ở tinh thần là sự áp chế về giai cấp. Trước những áp chế về chính trị của Trung Quốc tự cho mình là Thiên Triều, vua là Thiên Tử chăn dắt con dân khắp nơi trong thiên hạ. Các thủ lãnh ở địa phương phải nuôi dưỡng kết hợp dân chúng để tạo nên sức mạnh đủ để Trung Hoa e dè không dám dùng binh xâm lược để đặt để chế độ nô lệ; mà chỉ vừa lòng với cái danh ảo là Thiên Tử để ban tước cho các nước chư hầu.

            Khuynh hướng xâm lăng luôn luôn đè nặng trong tâm hồn của những vua quan Tàu. Họ vẫn không muốn các nước xung quanh Trung Hoa mà họ gọi một cách trịch thượng là man di có chính quyền độc lập tự chủ, mà phải bị đồng hoá như những nước xưa trong thời Chiến quốc đã bị Tần Thủy Hoàng diệt mà thống nhất thành nước Tàu to lớn của đương thời. Dù các thời vua cai trị Trung Hoa đã do các dân tộc không phải Hán tộc cai trị, nhưng bất cứ vua nào cũng đều rập khuôn chính sách áp bức chư hầu. Thí dụ như Mông Cổ khi đã chiếm được Trung Hoa rồi, thì không hề nghĩ đến thân phận man rợ ngày trước các vua Tống dành cho họ, mà cũng lại đem quân đi đánh chiếm các nước xung quanh để mở mang đế quốc. Bản chất đế quốc này làm cho nước Trung Hoa càng ngày càng mở rộng.

            Ý thức được mối nguy thường xuyên ấy, nên tổ tiên người Việt ở Giao Châu cũng phải tìm một sự thống nhất dân tộc cho tất cả các bộ tộc cư ngụ trên địa bàn Giao Châu, kể cả những biện pháp cưỡng bức. Phải chăng huyền thoại Sơn Tinh, Thủy tinh là một ẩn dụ dùng hôn nhân để kết thân với các bộ tộc ở miền núi và miền biển. Hành động cụ thể là vua Lý Thánh Tôn gả Công chúa cho châu mục vùng núi biên giới với Trung Hoa để làm phên giậu, đề phòng sự xâm lược của Tàu phương Bắc: “Tháng Ba đem công chúa Kim Thành gả cho châu mục châu Phong là là Lê Thuận Tôn. Mùa thu tháng 8, đem công chúa Trường Ninh gả cho châu mục châu Thượng Oai(*) là Hà Thiện Lãm”(10).

            Ngoài việc mở rộng thế lực bằng cách thu phục các bộ lạc khiến đất nước càng mở mang, nhất là phát triển về phương Nam, các vua đầu đời Lý còn muốn gây sức mạnh tâm linh bằng việc tôn thờ hay phong thần cho các anh hùng của những thời trước có công, có đức và nhất là có tinh thần chống xâm lược Tàu. Các sử thần nặng về Nho giáo khi bàn về công nghiệp của vua Lý đều chê vua sùng đạo Phật, nhưng lại không chê việc phong thần cho các anh hùng này. Như thế phải hiểu rằng các nhà Nho hoặc làm quan trong triều, hoặc trí sĩ ở thôn quê đều thấy sự tạo dựng sức mạnh tâm linh trong việc dựng nước và giữ nước là cần thiết để đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà: “Người trong châu thương cảm (Hai Bà) lập miếu ở cửa sông Hát Giang để phụng thờ. Phàm những người gặp tai họa tới cầu đảo đều ứng nghiệm. Thời Lý Anh Tôn gặp đại hạn, vua sai Cảm Tĩnh thiền sư cầu mưa. Một hôm mưa xuống, mát lạnh thấu người. Vua mừng ra xem, tự nhiên ngủ thiếp đi, mộng thấy hai người con gái đội mũ phù dung, mặc áo xanh, thắt lưng đỏ, cưỡi ngựa sắt theo gió lướt qua. Vua lấy làm lạ bèn hỏi. Hai người trả lời rằng: “Chúng ta là hai chị em họ Trưng vâng mệnh Thượng Đế làm ra mưa”. Vua muốn hỏi thêm cặn kẽ. Hai người bèn giơ tay ngăn lại. Vua tỉnh mộng, cảm kích, ra lệnh tu sửa đền, đem lễ đến dâng. Về sau Hai Bà lại thác mộng cho vua lập đền ở bãi Đồng Nhân. Vua nghe theo, phong làm Trinh Linh nhị Phu Nhân.”(11)

            Lại có chuyện đắp tượng, làm đền thờ Lý Phục Man, là một vị tướng giúp Lý Nam đế đánh nhau với Tàu. Khi chết thành thần giúp đỡ các vua quan đời sau chống giặc. Sách “Toàn Thư” đã mô tả công nghiệp của Lý Phục Man, để tạo nên một biểu tượng chống xâm lăng từ phương Bắc, gìn giữ non sông gấm vóc cho dân Giao Chỉ: “Vua nhân đi xem ngắm núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động mới làm rượu rót xuống đất và khấn rằng: “Trẫm xem địa phương này núi lạ, sông đẹp, nếu có nhân kiệt địa linh thì nhận lấy lễ này”. Đêm ấy Vua chiêm bao thấy có một người kỳ dị đến cúi đầu lạy hai lạy nói: “Thần là người làng này, họ Lý, tên Phục Man, làm tướng giúp Nam Đế. Nam Đế biết tiếng là người trung liệt, giao cho trông coi hai dải sông núi Đỗ động và Đường Lâm (hai vùng rất gần và che chở cho Thăng Long (*) bọn Di Lão không dám xâm phạm biên giới, một phương yên tĩnh. Đến khi chết, Thượng đế khen là trung trực, sắc cho giữ chức như cũ. Cho nên phàm giặt Man di đến cướp đều chống giữ được cả. Nay mong đợi Bệ hạ thương đến, thần giữ chức này đã lâu lắm rồi”. Rồi lại thung dung nói: “Thiên hạ khi mờ tối. Trung thần dấu họ tên. Giữa trời đôi vầng sáng, ai chẳng thấy hình dung”. Khi Vua thức dậy, đem việc ấy nói với Ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn. Nhậm Văn nói: “Đó là ý thần muốn tạc tượng”. Vua sai bói xin âm dương, quả nhiên đúng như thế. Bèn sai người trong châu lập đền, đắp tượng đúng như hình dung người trong chiêm bao, tuế thời cúng tế.” Khỏang đời Nguyên Phong nhà Trần, người Thát Đát vào cướp, đi đến cõi châu ấy, ngựa khụy chân xuống không đi được. Người thôn ấy đem quân chống đánh chém được đầu giặc, bọn giặc chạy tan. Khoảng đời Trùng Hưng, người Thát Đát lại vào cướp, đến đâu cũng đốt phá, duy ấp ấy hình như được sự che chở, không mất tí gì. Quả đúng như lời Thần nói.”(12)

            Ngoài thần (anh hùng lịch sử) được kết hợp thành một lực lượng siêu nhiên bảo hộ dân chúng và đất nước, lại còn những công cụ cũng được thần hoá để thêm cho sức mạnh siêu nhiên này. Lịch sử đã không để ý tới khía cạnh tâm linh của đền thờ “Đồng Cổ đại vương” vì Đồng Cổ là Trống đồng vốn là sản phẩm đặc thù của Giao Chỉ: “Phong tước Vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu (miếu ở tại thôn đông làng Yên Thái, Vĩnh Thuận đời sau, nay là làng Bưởi ở Hà Nội)(*). Trước đây, trước khi ba vương làm phản một ngày, Vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ, nói với vua về việc 3 vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn mà bảo đem quân đánh ngay đi. Đến khi tỉnh dậy, sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây chiếu cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, liền sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 thánh ấy đắp đàn, cắm cờ xí, dàn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung xin thần minh giết chết.””(13)

            Thần Đồng Cổ cũng là một thần ủng hộ quân sự cho vua: “Khi Lý Thái Tôn còn là Thái tử đi đánh Chiêm Thành, tới Trường Châu, đến quá canh Ba, mộng thấy một dị nhân mặc giáp phục, tự xưng là sơn thần nghe vua Nam chinh xin theo quân vua lập chiến công… Thời Trần được phong làm Minh Linh cảm ứng Bảo hựu đại vương (14).

            Ta có thể suy luận thấy rằng có lẽ trống đồng được dùng trong chiến trận xưa để hỗ trợ cũng như hiệu lệnh cho binh sĩ. Nó đã được thần thánh hoá để mỗi khi tiếng trống vang lên, binh lính thêm tự tin và hăng hái.

            Rất nhiều những tổ chức về văn hoá nhằm xây dựng một quốc gia văn minh độc lập và cường thịnh như Trung Quốc, dù chỉ ở quy mô nhỏ. Khi tổ chức triều chính rập khuôn Thiên triều Trung Hoa, các vua Việt Nam đã khẳng định vị thế văn hiến của mình không còn là một bộ tộc nhỏ bé ở rừng núi. Câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” rõ ràng là một tuyên ngôn độc lập, không kém phần hãnh diện và độc lập tự chủ, khi Trung Hoa chỉ chịu phong Vương cho các vua Việt Nam, còn chữ Đế dành cho vua Trung hoa.

            Điều đáng chú ý nữa là: các vua thời lập quốc của ta nói rất nhiều đến rồng. Rồng là một biểu tượng của vua chính thống. Khởi đầu là Triệu Việt Vương với: “Vua ở trong chằm (đầm Dạ Trạch) thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khấn vái Trời đất, thần kỳ. Bấy giờ được phép lạ mũ đâu mâu, ngù móng rồng dùng để đánh giặc. Từ đấy quân thanh lừng lẫy, đến đâu cũng không ai địch nổi. (Tục truyền rằng thần nhân trong chằm là Chử đồng tử thường cưỡi rồng tự Trời xuống, trút móng của rồng cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu để đánh giặc)”.(15)

            Vua Lê Đại Hành được sử tô vẽ tư cách chính vì Thiên tử cho bằng sự bảo vệ vua do rồng: “Có viên Quan sát họ Lê ở châu ấy thấy cho là người kỳ, nói: “Tư cách đứa trẻ này không phải như người thường”. Lại thấy là cùng họ, mới nhận làm con, sớm tối nuôi dậy không khác gì con đẻ. Từng gặp mùa đông trời rét, vua nằm phục úp cối để ngủ, đêm ấy có ánh sáng lạ đầy nhà, viên quan sát lẳng lặng đến xem, thì thấy con rồng vàng ấp lên trên. Từ đấy viên quan sát càng quý trọng thêm. Đến khi lớn đi theo Nam Việt Vương Liễn.”

            Đến vua Lý Thái Tổ thì ý niệm rồng đã được dùng làm thông điệp tuyên bố Vua và nước Việt chính thống không còn ở tình trạng phụ thuộc vào Tàu nữa.

            Chúng ta cần phân tích quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La cùng với việc đổi tên là thành Thăng Long: ...chọn chỗ ở chính giữa làm kế cho con cháu ở muôn đời, trên kính mệnh Trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, phong tục dần thịnh.Thế mà nhà Đinh, nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh Trời, không noi theo mệnh cũ nhà Thương, nhà Chu, yên ở nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương, không thể không dời đi nơi khác. Huống chi đô cũ của Cao vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam, Bắc đông, Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của 4 phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời.”(16)

            Chiếu dời đô là suy nghĩ của người đương thời, muốn đánh sâu vào tiềm thức các vua sau thời nội thuộc đều là chính vì “Sử” đã dùng hình ảnh “rồng”: “thế đất Long quỳ Hổ phục”, là nơi để đóng kinh đô của Vua. Để rõ hơn, người ta đã dùng biểu tượng rồng: “Mùa Thu, tháng 7, Vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long.”(17)

            Sử gia Trần Trọng Kim bằng óc duy lý đã đổi đoạn văn trên như sau: “Khi ra đến La Thành, Thái Tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại La thành là Thăng Long thành”(18).

            Đối chiếu lại sách cũ là “Việt sử lược” cũng chép đúng như trong “Toàn Thư”: “Xưa Vua thấy thành Hoa Lư chật hẹp, bèn dời đô ra thành Đại La. Lúc dời đô, đỗ thuyền ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, nhân đó gọi là Thăng Long.”(19)

            Cần hiểu ý nghĩa của chữ Thăng Long mà cả hai sách cổ “Việt sử lược” và “Toàn Thư” đều nhấn mạnh ở từ: “có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự” (Sơ thiên thời, bạc chu thành hạ, hoàng long hiện ư ngự bạc, nhân hiệu Thăng Long). Các nhà viết sử mới lúng túng trước những biểu tượng của nền văn hoá cổ, nên đi tìm sự thực ở trong những biểu tượng ấy; hoặc lý giải dựa vào tinh thần khoa học để phê phán, khiến ta nhìn vào sử cũ với nhiều nghi hoặc. Không có vấn đề tượng trưng trong sử cũ mà chỉ có điển tích và biểu tượng. Việc sử gia lồng vào biểu tượng “rồng” ở triều Tiền Lê và Lý không phải là giấc mơ gì cả (như Trần Trọng Kim suy luận), mà là thông điệp để nói với triều đình bên Tàu việc lên ngôi vua của các vua nước Việt là chính thống, dựa theo quan niệm “Chính tà” của Tàu. Biểu tượng rồng ở đây là dùng “Kinh Dịch”, quẻ “Càn” là tượng Vua để nói về việc lên ngôi. Đối với vua Lê Đại Hành thì “con rồng nằm ấp” che chở cho vua là quẻ Càn, hào cửu nhị “Hiện long tại đỉền” (Trông thấy con rồng nằm ấp cối, là rồng đã hiện ra, nhưng vẫn còn nằm). Theo lời giải trong Kinh Dịch thì là: “Ruộng là lớp trên mặt đất, xuất hiện ở trên mặt đất thì tức là đã tỏ, lợi vì sự được thấy ông vua có đức lớn để thi hành đạo thuật của mình. Ông vua chúa cũng lợi về sự được thấy bề tôi có đức lớn để làm thành công nghiệp của mình, người trong thiên hạ thì lợi về sự thấy người đức lớn để gợi ân huệ của họ.”(20)

            Vua Lý Thái Tổ khi đổ thuyền ở sông, có rồng vàng xuất hiện ở thuyền ngự. Thuyền ngự là thuyền để vua đi, mà có rồng vàng xuất hiện túc là nói đến “tướng tinh” vua chính vì thiên tử xuất hiện và bay lên nên mới đặt tên là “Thăng Long”. Đây là ứng vào hào cửu ngũ: “Cửu ngũ long phi tại thiên, lợi kiến đại nhân.”(Hào 9/5, rồng bay ở trời, lợi về sự thấy người lớn). Truyện của Trình Di: đây là tiến lên ngôi trời. Thánh nhân đã được ngôi trời, thì lợi về sự thấy người đức lớn ở dưới, để cùng mình làm việc trong thiên hạ, thiên hạ cũng lợi về sự được thấy ông vua đức lớn”(20 b).

            Những nhà nho viết sử Việt Nam rất thông hiểu Kinh Dịch nên có thể đã dùng sử để nói với triều đình bên Tàu về tính chất chính thống của vua và nước Việt Nam. Sau này đến đời vua Gia Long, vì kinh đô đóng ở Huế, biểu tượng rồng đã ở Huế cho nên Thăng Long phải đổi chữ viết tuy cũng đọc Thăng Long nhưng chỉ còn có nghĩa là mở mang tươi đẹp, phong phú, để rồi đến vua Minh Mệnh thì đổi tên mới là Hà Nội.

            Xu hướng chính trị phong kiến của các vua chúa Việt Nam trong suốt thời kỳ gọi là tự chủ sẽ phải ép mình trong trật tự Phong kiến do Trung Hoa chủ đạo. Các nước tuy độc lập tự chủ, có hệ thống cai trị riêng, nhưng vẫn phải cầu phong với Trung Hoa. Sự cầu phong này như một bảo đảm về tính chính thống. Các vua Trung Hoa vẫn hành xử như vua nhà Chu xưa phong vương, Bá cho các nước chư hầu, dù các nước xung quanh Trung Hoa không hề muốn làm một thứ chư hầu, tuy có hơn “đô hộ”, nhưng vẫn là địa vị thấp kém. Trong nước với nhau, thì có thể mạnh dạn cười nhạo hay thậm chí cả chửi bới Thiên triều; nhưng khi ngoại giao vẫn phải rất nhũn nhặn nhận phận thấp bé để được yên thân mà củng cố nền độc lập tự chủ. Trong thực tế, các nước không thua kém bao nhiêu về quyền lực cũng như cuộc sống xã hội. Tình trạng “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”, tiếng là chư hầu mà hành động chính trị như một nước “Thiên triều” ở địa phương, nên luôn luôn chinh phạt các bộ tộc xung quanh và nhất là đánh về phương Nam. Trong lịch sử Việt Nam có ghi nhận mỗi triều đại Trung Hoa đều tìm dịp để đánh chiếm và thiết lập nền đô hộ, nhưng đều thất bại và đành chấp nhận danh hão là sự cầu phong của các vua các triều đại Việt Nam. Danh hão, vì thật ra trên thực tế các nước chư hầu, điển hình như Việt Nam đều rõ ai là người thắng trận, và những cống phẩm cùng quyền lợi dành cho thiên triều cũng khiêm tốn, nhất là dân của Thiên triều không được hưởng đặc quyền đặc lợi gì ở nước gọi là chư hầu. Thiên Triều cũng tự dối mình khi chấp nhận những lời trần tình rõ ràng là sai sự thật để quên nỗi nhục thua trận của mình mà chấp nhận hoà bình: “Mới đây tôi đã có xin lỗi trước hàng quân, nhưng không ai chịu nghe, bấy giờ người nước tôi sợ phải tai vạ, liền đem nhau ra phòng bị các cửa ải, cũng là một kế giữ mình.

            Ngờ đâu quan quân xa xôi mới đến, thấy voi sợ hãi, tức khắc vỡ tan. Việc đã xảy ra như vậy, dẫu bởi sự bất đắc dĩ của người trong nước, cũng là lỗi của tôi. Nhưng bao nhiêu những quân và ngựa bắt được, đều phải thu dưỡng tử tế, không dám xâm phạm một tí gì.”(21)

            Trong nước nói với nhau thì khác. Bản “Bình Ngô đại cáo” viết bằng Hán văn, hiển nhiên người Tàu đọc được và họ cũng biết đường lối chính trị xử nhũn của Việt nam, dù mới thắng trận. Nhưng như thế cũng che dấu được nỗi nhục đối với dân chúng ở Trung Hoa. Thực ra, đời nhà Minh bên Trung Hoa không phải là đời thịnh trị: “Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài núi đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông phải cạn. Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng xụt toang đê cũ. Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi; Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường; Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước. Gớm ghê thay sắc phong vân cũng đổi; thảm đạm thay sắc nhật nguyệt phải mờ. Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa sợ mà mất mật; quân Mộc Thạnh tan trưng Cần Trạm, chạy để thoát thân. Suối máu lãnh câu, nước sông rền rĩ; thành xương Đan Xá cỏ nội đầm đìa. Hai mặt cứu binh cắm đầu trốn chạy; các thành cùng khốn cởi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về nó đã vẫy đi phục tội; Thể lòng Trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực;Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hoà, ngỏ lòng thú phục, ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.”(22)

            Tính chất Thiên triều và chư hầu của Trung Hoa đối với nước Việt không phải là một thứ nô lệ trá hình. Nó có nghĩa bình đẳng về tư cách cũng như quyền lợi. Câu nói: “Kinh đô cũng có người rồ, Man di cũng có sinh đồ trạng nguyên” khẳng định tư cách bình đẳng về văn hoá cũng như chính trị của nước Nam đối với Tàu phương Bắc. Đã có lúc chính triều đình Trung Hoa phải đối xử với vua nhà Lý như một đồng minh hơn là một thứ Thiên tử quyền uy trách phạt: “Vua Lý Thái Tông rất quan tâm đến việc Trí Cao(*) đánh bại Tống. Thấy quân Tống bị đại bại, biết binh lực Tống ở miền Nam rất kém, Vua mun nhân cơ hội thử thách, bèn xin đem 2 vạn quân đi đường bộ tới Khâm Châu tiếp viện. Vua Tống chưa dám bằng lòng. Dư Tĩnh nóì rằng: “Trí Cao là nghịch thần của Giao Chỉ. Ta nên nhận lời Giao Chỉ xuất quân, chớ trái ý tốt của nó. Rồi nhiều lần, Tĩnh dâng sớ về bàn. Cuối, Tĩnh tâu, Ung Châu và Giao Chỉ tiếp đất. Nay nếu ta không nhận lời, Giao Chỉ giận, sẽ giúp Trí Cao”. Vua Tống bèn ưng thuận cho phép Tĩnh tự liệu.

            Nhưng ngày Canh Ngọ, tháng 9 (Dl 23/10) tướng Tống là Địch Thanh được chuẩn lời tình nguyện đi đánh Trí Cao. Địch Thanh là một võ tướng có nhiểu mưu kế. Thanh sợ trúng mưu nước ta nên tâu cùng vua Tống rằng: “Mượn binh ngoài dẹp giặc trong, không lợi cho ta đâu. Chỉ vì một Trí Cao mà sức Lưỡng Quảng không chống chế nỗi, đến phải mượn quân ngoài; thì hoặc giả quân ấy nhân đó làm loạn, ta lấy gì để ngăn”. Vua Tống bèn hạ chiếu ngăn không cho quân Lý vào cõi.”(23)

            Hẳn là theo quy luật lịch sử, những vua quan phong kiến đều có khuynh hướng phát triển quốc gia riêng bằng thu phục những cộng đồng dân tộc xung quanh yếu hơn mình. Ngoài việc phát triển còn là phương pháp phòng vệ chống xâm lược của nước mạnh hơn. Thời nhà Lý ở nước ta kế tục của nhiều vị vua mở nuớc, đã thừa hưởng một quốc gia lớn và có kỷ cương, với một dân tộc tương đối đồng nhất. Từ việc dời đô ra Thăng Long đã nói đến nhu cầu phát triển đất nước dân tộc: “mưu chọn chỗ chính giữa làm kế cho con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh Trời, dưới theo lòng dân.” Việc phát triển đất nước trong thời còn là trọng nông là điều cần thiết nó bày tỏ một quy luật “mạnh được yếu thua”. Nhận xét về vua Lý, ông Hoàng Xuân Hãn nói đến “chí lớn” này của vua: “Ta thấy rõ ràng hồi bấy giờ, biên giới miền Bắc nước ta thật là chưa định, mà Tống cũng thường bỏ không phòng bị. Vua Lý trái lại rất có chủ kiến, muốn nhân sự bất định ấy mà bành trướng lãnh thổ về phương Bắc. Muốn vậy, chỉ cần hoặc phủ dụ man dân, hoặc uy hiếp chúng để chúng theo mình, vì hễ chúng theo tức thì lãnh thổ chúng cũng sáp nhập về mình.”(24)

            Cũng cùng lý do tự vệ và phát triển mà Việt Nam phải phát triển về phương Nam. Trong lịch sử ngay từ thời còn bị Bắc thuộc, các quan Thái thú cũng đã phải chống cự Chiêm Thành và Ai Lao quấy phá Giao Chỉ. So thực lực, thời ấy Chiêm Thành mạnh hơn Giao Chỉ. Đến khi nước đã độc lập, Lê Đại Hành cũng phải đánh Chiêm Thành và hành động rất tàn bạo: “Vua sai bọn Từ Mục đi sứ Chiêm Thành, bị bắt giữ. Vua giận dữ, tự làm tướng đi dẹp Chiêm Thành, chém được vua nó là Phê-Mi-Thuế ở trước trận, bắt tù vô kể, bắt được vài trăm ca kỹ trong cung, lấy những vật quý, vàng bạc của báu kể có hàng vạn, diệt thành trì, hủy tông miếu của Chiêm Thành.”(25)

            Hoàn cảnh trớ trêu đã đưa nước Việt nằm giữa hai nước Trung Hoa và Chiêm Thành, khiến vì tự vệ, vì muốn thoát Trung, nước Việt phải phát triển về phương Nam. Người Việt không được may mắn như Nhật Bản có cả một đại dương xung quanh che chở, khiến Trung Hoa dù thèm muốn cũng không làm sao vượt được trở ngại là đại dương mà xâm lăng Nhật. Do đấy, tuy bị ảnh hưởng văn hoá, nhưng Nhật Bản vẫn bảo vệ được dân tộc của mình.

Với cơ cấu kinh tế và xã hội cũ, đại dương không phải là một thuận tiện. Những cuộc hải hành gian nan theo ven biển, dựa vào mùa gió không đắc dụng bằng phát triển trên đại lục. Vì vậy việc bành trướng về phương Nam của tộc Việt mới nhìn thấy là vì để tự vệ, ngăn chận sự tấn công cướp phá của Chiêm Thành hơn là vì vấn đề di dân chiếm hữu đất đai canh tác. Vì thật ra, đất canh tác của Chiêm Thành không bằng vùng châu thổ sông Hồng. Những cánh đồng nhỏ ở Bình, Trị, Thiên với kiểu canh tác của Chiêm Thành không đủ nuôi dân, không phải là miếng mồi cho tộc Việt thèm muốn. Trong những cáo buộc lý do phải đánh Chiêm Thành hầu hết là để trừng trị những gây hấn gọi là “hỗn xược” của nước nhỏ: “Tiên đế mất đi đến nay đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai một người sứ thần nào sang là cớ gì? Hay là uy đức của trẫm không đến họ chăng? Hay là họ cậy có núi sông hiểm trở chăng? Các quan đáp: “Bọn thần cho là bởi đức của bệ hạ tuy có đến, nhưng uy thì chưa rộng thôi”. Sao thế? Là vì từ khi bệ hạ lên ngôi đến giờ, nó trái mệnh không đến chầu, bệ hạ chỉ bố đức ban ân để vỗ về, chưa từng ra oai dng võ để đánh, không phải là cách làm cho người xa sợ oai. Bọn thần e rằng các chư hầu khác họ trong nước, đều như Chiêm Thành cả, không những một người Chiêm mà thôi. “Bấy giờ vua quyết ý đánh Chiêm Thành.”(25)

            Những cuộc chinh phạt Chiêm Thành không những nâng cao uy thế của vua Việt mà đồng thời cũng mở mang đất nước rộng vào miền Nam: “Mùa Thu tháng 7 vua từ Chiêm Thành về đến nơi, dâng tù ở Thái miếu, đổi niên hiệu là Thần vũ năm thứ nhất. Chế Củ xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng tha Chế Củ về nước (Địa Lý nay là tỉnh Quảng Nam)”(26).

            Các triều đại sau triều Lý cũng đều theo chính sách mở mang về phương Nam bằng ngoại giao và quân sự. Như vua Trần Thánh Tôn gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Vua Chiêm dâng hai châu Ô và Lý làm vật dẫn cưới, do đấy mở mang đất đai vào Nam. Rồi đến đời Lê Thánh Tôn, biên giới phía Nam đã vào đến Bình Định, để sang đời các Chúa Nguyễn đã đến Hà Tiên, tiếp giáp với Chân Lạp, nhiễn nhiên thành một nước lớn ở Đông Nam Á.

            Việc thoát Trung bằng chính trị đi đôi với việc phát triển đất nước để có một thực lực ngang ngửa với Tàu. Tuy về danh nghĩa vẫn phải xưng “thần”, nhưng thực tế thì ngay từ thời Lê, nước Tàu đã rất e dè trong việc gây hấn với nước Việt. Nếu nước Việt không bị cuộc nội chiến giữa Lê Mạc, rồi sau này là Trịnh Nguyễn, khiến lực lượng bị phân chia, thì cuộc diện một cường quốc ở miền Nam Trung Hoa có khả năng lấn áp “Thiên Triều” Tàu không hẳn là không thể có.

 Tin tưởng vào tinh thần tự chủ độc lập và sức mạnh đoàn kết dân tộc, nên khi vua Quang Trung đem quân ra Thăng Long đánh Tôn Sĩ Nghị có tuyên ngôn:Đánh cho để tóc dài, đánh cho để răng đen, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho nó sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

            “Trong vòng trời đất chia theo phận sao Dực Chẩn, Nam Bắc vẫn riêng một non sông. Người nước Bắc (Tàu) không phải nòi giống ta thì tất khác dạ. Từ nhà Hán về sau, họ cướp đất đai ta, cá thịt nhân dân, vơ vét của cải, nông nỗi ấy thật khó chịu quá. Người nước ai cũng phải nghĩ đánh đuổi đi.

            Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. Các cụ không chịu bó tay ngồi nhìn quân ngoài tàn bạo, mà phải thuận lòng người, dấy quân nghĩa, đánh thắng rồi đuổi chúng về. Tuy những khi ấy Nam Bắc đâu lại phận đó, bờ cõi yên ổn, việc nước lâu dài. Từ nhà Đinh tới nay, chúng ta không đến nỗi phải cái thế Bắc thuộc. Đó, lợi, hại, được, thua chuyện cũ rành rành là thế.”(27)

            Như vậy, trong suốt thời kỳ tự chủ tức là từ Ngô Quyền cho đến khi bị Pháp đô hộ, dân tộc Việt Nam đã xác định trước lịch sử ý thức và khát vọng độc lập, tự chủ của mình ít ra là về chính trị với các triều vua song hành với các triều vua bên Tàu: “Sơn hà cương vực đã chia, phong thổ Bắc Nam cũng khác. Từ Đinh Lê, Lý Trần gây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống Nguyên hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau; song hào kiệt đời nào cũng có.”(28)

            Nói đến “phong tục Bắc Nam cũng khác” là nói về mặt văn hoá, nước Việt dù bị Tàu nỗ lực đồng hoá, nhưng vẫn cố gắng giữ bản sắc riêng. Rải rác trong lịch sử có những chuyện tưởng rằng rất thường so với những cuộc chinh chiến chết người hại của, nhưng lại có giá trị xác lập ý thức tự chủ, độc lập của người Việt. Vào thời vua Lý Thái Tôn chính trị trong nước ổn định, Chiêm Thành quy phục, kinh tế cũng phát triển: “Tháng 2 Vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc, tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nhà Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng bằng gấm, từ tứ phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc để tỏ vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa.(29)

            Từ hành động khuyến khích và trân trọng hàng nội hoá dẫn đến ý thức độc lập về văn hoá, các triều đại của vua Việt đã gây nền độc lập cho nước Việt. Trong văn hoá có những yếu tố nhân bản chung, không thể nói sự tử tế là độc quyền của một nền văn hoá nào. Cũng vậy, sự tiến hoá của con người từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ trước sau cũng xảy ra, chẳng phải công lao của các Thái thú Tích Quang, Nhâm Diên. Có sử gia Tàu nào dám nói người Tàu có bản chất lừa lọc, khi trong lịch sử đã xảy ra hậu quả tai hại của phong cách lừa lọc này: Theo Khứ Phi, người Giao vốn thực thà. Chắc vì vậy, người Tống cân hàng một cách gian trá, tuy rằng Khứ Phi chép trái lại. Cho nên, Lý đã ba lần sai sứ sang Khâm Châu để thử lại cân. Vì hay bị lừa, nên người nước ta cũng trở nên dối trá. Khứ Phi nói tiếp:Gần đây, người Vĩnh An rất gian giảo. Vì nhà buôn ta (Tống) bán cho chúng thuốc giả, chúng đúc lẫn đồng vào vàng bạc; hương thì tẩm muối cho nó chìm để giả trầm hương, hoặc đổ chì vào những lỗ hổng trong hương. Nhà buôn ta đều bị lừa.”(30). Vì có bất mãn trong buôn bán mới tích lũy thành mối hiềm thù lâu dài để gây chiến tranh giữa Tàu và Việt.

            Sở dĩ trong thời kỳ tự chủ, quân Tàu không thể dễ dàng dẹp yên các thuộc quốc, vì dân Việt cũng như các nước khác như Cao Ly, Nhật Bản, vì ý thức quốc gia dân tộc đã trưởng thành, cũng như tổ chức chính trị vững mạnh là triều đình với những quan lại địa phương. Cuộc chiến ngày xưa thời Mã Viện dẹp yên Hai Bà Trưng vì thật sự lúc ấy Hai Bà chưa có sức mạnh toàn dân đấu tranh để giữ nước. Cuộc chống xâm lăng ấy không thể kéo dài, để khiến quân xâm lăng mỏi mệt, thiếu thốn lương thực mà phải rút lui như các cuộc chiến ở triều Lý và Trần. Quân Mã Viện vừa đông, lại nhà nghề, chỉ phải đánh với quân bản bộ của Hai Bà nên dễ thắng lợi, không phải Mã Viện tài ba gì hơn Quách Quỳ, hay Thoát Hoan, Toa đô. Cũng chẳng phải người dân Việt ở triều Lý hay triều Trần giỏi dang và có tinh thần chiến đấu cao hơn, mà sự tiến hoá của tinh thần quốc gia phải có thời gian để người dân ý thức được quyền lợi cũng như nảy sinh tình cảm yêu mến đất nước nơi mình sống.. Ở thời Lý và đầu Trần, người ta vẫn động viên nhân dân bằng tinh thần bảo vệ Hoàng Gia “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Đời Trần, không biết người ta nói gì trong Hội Nghị Diên Hồng Toàn Thư chỉ chép và bình luận: Thượng Hoàng cho gọi các phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, cho ăn và hỏi kế. Các phụ lão đều nói là nên đánh, muôn người cùng lời như một. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn:Giặc Hồ xâm lấn là tai nạn lớn của nước, hai Vua hiệp mưu, bày tôi họp bàn, há không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão ư? Là vì Thánh Tôn muốn làm thế để xét lòng yêu nước của nhân dân và để nhân dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi””(31).

Cũng phải kể đến tình hình chiến sự của thời Lý cũng khác với thời Trần. Ở thời Trần, quân Mông Cổ đã tràn lan và uy thế mạnh hơn. Ở thời Lý còn bị cầm cự ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, khiến các vua triều Trần phải động viên tình yêu nước của toàn dân.

            Khi sức mạnh dân tộc bị phân tán do các xung đột vì quyền lợi cá nhân, nói chung là “tranh bá đồ Vương” khiến người dân ý thức rằng sự hy sinh của mình là vô nghĩa, thì kẻ ngoại xâm rất dễ thành công. Trong cuộc chiến quân Minh đánh Hồ Quý Ly, họ đã dùng tâm lý chiến để phá tan cuộc kháng cự của dân Việt, dù được tổ chức chu đáo với thành Đa Bang và luyện quân tinh xảo: Năng làm trước bảng văn kể tội họ Hồ và nói phao tìm con cháu nhà Trần cho phục lại chức Vương. Đến đây, bọn Phụ. Thạnh viết lời bảng văn ấy cho nhiều miếng gỗ thả xuống dòng sông cho trôi xuôi. Các quân trông thấy cho là tất như lời trong bảng. Vả lại họ chán ghét chính lệnh tàn bạo của họ Hồ, không ai có lòng đánh giặc”.(32)

            Thời nhà Trần chỉ toàn quân sĩ của các Vương Hầu họp lại chống giặc mà thành công; thời nhà Hồ tuy đã chuẩn bị chiến tranh rất kỹ, quân đội tổ chức như là “quân đội Quốc gia”, với tướng lãnh chỉ huy do vua Hồ cắt đặt, không tự phát như ở thời Trần: Hán Thương định quân Nam ban và Bắc ban, chia làm 12 vệ; quân điện hậu Đông và Tây, chia làm 8 vệ, mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân thì 30 đội. Trung quân thì 20 đội. Mỗi dinh là 15 đội, mỗi đoàn là 10 đội; Cấm vệ đô thì 5 đội. Đại tướng quân trông coi cả Như vậy tổng số quân có thể lên đến cả trăm ngàn người; Cùng với thủy quân có các thuyền chiến tối tân đối với thời đó:Làm thuyền đinh sắt để phòng giặc phương Bắc, có hiệu là Trung, tàu tải lương. Cổ lâu thuyền tải lương, chỉ mượn tiếng là chở lương mà thôi, nhưng trên có đường sàn đi thông được để tiện việc chiến đấu, dưới thì hai người chèo một mái chèo.”(33)

            Sự cải cách hành chính đã đưa nhân dân trực tiếp đối diện với quyền lợi và vị thế chính trị của mình, khiến sau thời kỳ bị đô hộ đặt làm quận huyện giống Giao Châu thuở trước được sự lãnh đạo tốt, họ đã giúp Vua Lê Lợi chiến thắng quân Minh và đem lại thời kỳ độc lập mới, với sự thay đổi xã hội khác với thời kỳ quân chủ trước.

                                                                                                Lê văn Ngọc

Chú thich:(1) Đại Việt Sử ký Toàn thư Q i trg 166

(2) Trong chuyến dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ có nói thành Đại La là nơi long bàn hổ cứ: rồng chầu cọp phục.

(3) Toàn Thư QI trg 172

(4) Toàn Thư QI trg 189

(5) Toàn Thư QI trg 194

(*)Xin ôn lại trận đánh phá hải quân củu Tàu diễn ra trên sông Bạch Đằng:Nay mưa dầm mấy tuần, đường bể nguy hiểm xa xôi, Ngô Quyền là người kiệt hiệt, không thể khinh thường được, đại quân đi phải nên cân nhắc thận trọng, dùng nhiều người đưa đường rồi hãy tiến quân”, Nghiễm không nghe, sai Hoàng Thao đem thủy quân theo sông Bạch Đằng tiến vào. Lúc ấy Quyền đã giết được Công Tiễn, nghe tin Hoằng Thao sắp đến, liền nói với tướng tá rằng:Hoằng Thao là một đứa nhãi con ngu dại, mang quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe tin Công Tiễn chết, không có nội gián, cũng đã mất vía trước rồi. Quân ta đang nhàn rỗi mà đánh kẻ mệt mỏi thì tất nhiên sẽ phá tan được. Nhưng lợi khí củu chúng là có thuyền chiến, nếu không phòng bị trước thì tình hình thắng bại cũng không thể biết được. Nếu ta sai người đến đóng cọc ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn mũi và bọc sắt ở đầu, khi nước thủy triều lên, thuyền của chúng vào trong khu vực có cọc, sau đó ta sẽ dễ bề chệ ngự. Không còn kế gì hơn kế này”. Rồi bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa sông. Nước triều dâng lên, Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả vờ thua chạy. Hoằng Thao quả nhiên đem toan bộ quân đuổi theo. Thuyền quân Hán nhân lúc nước triều dâng to, tiến cả vào. Quyền mới đem quân đón đánh, nước triều rút nhanh, thuyền giặc đều vướng phải cọc mà đắm, cuống quýt tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Quyền thừa thắng tiến lên bắt sống Hoằng Thao và giết chết. Nghiễm khóc rống lên rồi thu tàn quân về”. (Tiền Biên trg 139-140).

(6) Toàn Thư QI trg 194

(*) Điển hình là đòi cống người vàng gọi là đền mạng Liễu Thăng

(*) Vua Thái Tổ (Lê Lợi) phong Vương. Thế mà bây giờ lại lươn lẹo giáng cấp phong củu vua nước Nam, mục đích để vòi đồ cống.

(7) Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử lược – trg 283

(8) Toàn Thư QI trg 225

(9) Toàn Thư QI trg 238

(*) Châu Thượng Oai có lẽ ở miền Sơn Tây

(10) Toàn Thư QI trg 292

(11) Lĩnh Nam chích quái – Truyện Hai Bà trinh linh phu nhân họ Trưng – trg 84

(*) Chú thêm của tác giả bài này.

(12) Toàn Thư QI trg 267

(13) Toàn Thư QI trg 278

(14) Lĩnh Nam chích quái – Truyện Thần Đồng Cổ trg 176

(15) Toàn Thư QI trg 154

(16) Toàn Thư QI trg 259

(17) Toàn Thư QI trg 260

(18) Trần Trọng Kim – VNSL trg 97

(19) Việt Sử Lược trg 75

(20) (20 b)Ngô Tất Tố – Kinh Dịch – trg 72

(21) Trần Trọng Kim – VNSL trg 222

(22) Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo – Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim dịch – VNSL trg 231

(*) Năm Tân Tị (1041) Ả Nùng và Trí Cao trở về chiếm lại châu Thảng Do, rồi đổi ra nước Đại Lịch. Lý Thái Tông sai quân đánh, bắt được Trí Cao, nhưng thương tình cha và anh đã bị giết, cho nên tha cho về.

(23) Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt trg 105

(24) nt trg 108

(25) Việt Sử Lược trg 61

(26) Toàn Thư QI trg 323

(27) Hoa Bằng – Quang Trung trg 180

(28) Bình Ngô Đại cáo.

(29) Toàn Thư QI trg 299

(30) Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt – trg 123

(31) Toàn Thư QI trg 501

(32) Toàn Thư QI trg 751

(33) Toàn Thư QI trg 744

Related posts