Thông qua những cơ quan của Mặt Trận Chính Hiệp Trung Cộng và các cá nhân có thiện cảm, Đảng Cộng Sản Trung Hoa đang cố gắng chi phối cách mọi người hiểu về lịch sử Trung Hoa và thúc đẩy việc kểlại những sự kiện có thể tin được về vị thế của Trung Hoa trong lịch sử của nước Úc. Tuy diễn ra âm thầm, một số điều đã được phơi bày ra.
Cần phải lưu ý rằng, một số sử gia Úc đã bỏ công sức trong suốt 2, 3 chục năm qua tìm hiễu về vai trò bị lãng quên của di dân Trung Hoa trong lịch sử Úc từ lúc đầu cho đến thời đại ngày nay. Tuy nhiên, trong mấy năm qua, một số sử gia Úc đã trở nên bối rối với việc Bắc Kinh chiếm đoạt công trình của họ cho mục đích chính trị và ý thức hệ của Trung Cộng. Tiếp theo là một quyết định của Bắc Kinh vào khoảng năm 2008 nhằm tích cực đề cao lịch sử của người Hoa ở hải ngoại qua các bảo tàng viện dành cho họ được xây dựng khắp Trung Quốc. Vào năm 2013, khi Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước, Văn phòng Thông tin của Hội Đồng Nhà nước (còn được biết đến là Văn phòng Trung ương về Tuyên truyền Đối Ngoại) được giao nhiệm vụ mới là kể cho người ngoại quốc biết về câu chuyện tốt đẹp của người Trung Hoa.
Năm 2015, Giám đốc Cơ Quan Tình báo ASIO của Úc là Duncan Lewis đã cảnh báo lãnh đạo các đảng phái chính trị lớn về việc nhận các khoản tặng dữ của thương gia tỷ phú Châu Trạch Vinh (Chau Chak Wing và Hoàng Tương Mạc (Huang Xiangmo). Trong khi các số tiền tặng hậu hĩnh cho các Đảng phái chính trị của họ đã gây ra sự chú ý của quần chúng, họ cũng tích-cực ảnh-hưởng lớn đối với lịch-sử và văn-hóa của nước Úc.
Vào tháng 9 năm 2015, Viện Bảo Tàng Chiến Tranh (VBT) ở Canberra đã tổ chức lễ đặt vòng hoa để công nhận những quân nhân Úc gốc Hoa đã phục vụ trong Lực Lượng Quốc-Phòng Úc. Người ta đã dễ dàng nhận ra Châu Trạch Vinh tại buổi lễ. Ông ta đứng giữa Giám đốc Viện Bảo tàng Brendan Nelson và Chủ-tịch RSL Liên bang là Đô đốc Ken Doolan, để đặt vòng hoa, đại diện cho người Úc gốc Hoa. Truyền thông Trung Cộng và trang mạng của Công ty ông ta mô tả Châu là Chủ tịch của Hội Trao đổi Hũu nghị Úc-Trung (ACFEA). Hội này là một bộ phận của Mặt Trận Chính Hiệp phụ-trách tổ chức các buổi lễ cho các viên chức cao cấp của Đảng Cộng Sản Trung Hoa tham dự.
Tại sao Châu Trạch Vinh lại được Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Úc dành cho vai trò nổi bật này? Bằng cách nào mà ông này lại trở thành người đại diện cho Cộng Đồng Người Úc gốc Hoa? Theo điều tra thì ông ta không đóng góp tiền bạc gì cho buổi lễ cũng như những Lễ Truy Điệu hàng ngày của Viện Bảo Tàng. Tuy nhiên, ông Châu lại được trường Đại-Học Keuka trao bằng tiến-sĩ danh-dự về nhân văn, một Đại học ít ai biết, ở ngoại ô thành phố New York mà Viện Bảo Tàng Chiến Tranh ở Canberra biết rất rõ. Công ty của ông ta còn tài trợ và mua lại quyền đặt tên cho một phòng thu âm và thu hình trong tòa nhà có tên là Trung-
tâm Truyền-thông Kingold. Trung tâm này được khánh thành cùng ngày lễ đặt vòng hoa, một sự kiện được phổ biến rầm rộ tại Trung Cộng.
Châu còn tài trợ cho việc nghiên cứu về tính đa sắc tộc trong Quân Đội Úc. Chủ đề của dự án này hóa ra là trả tiền cho một học giả tại một Đại học ở Trung Cộng để viết về lịch sử của quân nhân Úc gốc Hoa. Sự hào phóng của ông Châu đã được ghi nhận qua việc tên ông được khắc trên bia đá bên trong cửa ra vào của Viện Bảo Tàng, cùng với tên của một số nhà hảo tâm lớn của Úc, được chọn lọc kỹ càng. (Viện Bảo Tàng sẽ không cho biết ông ta đã tặng bao nhiêu tiền). Theo như báo điện tử Thanh Hoa mô tả, sau khi đặt vòng hoa để tưởng niệm sự hy sinh của những quân nhân có nguồn gốc Trung Hoa, Tiến sỉ Nelson và bà Ngoại trưởng Julie Bishop đã trao tặng một giấy chứng nhận ông là một “thành viên của Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Úc” được lộng kính, dành cho những nhà hảo tâm hậu hỉ. Khi tôi hỏi nhân viên Viện Bảo Tàng để hiểu rõ hơn về vai trò tích cực của Châu Trạch Vinh thì được trả lời rằng: “đây là vấn đề hồ sơ công cộng, chúng tôi không có gì phải nói thêm”.
Việc nghiên cứu do ông Châu tài trợ là để soạn một quyển sách hiện được bày bán trong tiệm sách của Viện Bảo Tàng với giá trợ cấp là $2.95 ($4.95 nếu là bìa cứng) có tựa đề là “Lòng Trung Thành Thầm Lặng: Tưởng niệm Quân-vụ của người lính Úc gốc Hoa” do sử gia Tiến sĩ Phi Thạnh (Sheng Fei) của Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Đông tổng-hợp và được xuất bản bởi Quỹ Phát-hành Thế-kỷ Mới liên-kết với Hội Hữu nghị Úc-Trung. Sách được viết bằng tiếng Anh bồi kiểu Tàu (Chinese English), tuy cũng có vài đoạn viết tiếng Anh rất chuẩn. Sách đầy sai sót, ngay cả tựa sách và tên Viện Bảo tàng cũng viết sai.
Nhưng cái đáng lo nhất trong cuốn sách là bóp méo lịch sử, như đoạn mở đầu có câu: “Người Trung Hoa có mặt trong số người định cư đầu tiên trên chiếc tàu đến Úc năm 1788”. Hóa ra là có Hoa kiều phạm tội ở Anh Quốc để bị đày qua Úc chăng? Hay trong thủy thủ đoàn có người Hoa? Họ có nói đùa chăng? (Chú thích: Sử gia Úc Cathy Dunn xác nhận không có người Hoa nào trong đoàn tàu đầu tiên đến Úc cả và sử gia Shirley Fitzgeral nói người Hoa đầu tiên đến Paramatta năm 1818). Chi tiết ngớ ngẩn này vậy mà được viết “trong sách lịch sử “ đấy và có lẽ họ tưởng tượng ra điều này để trong tương lai đi đến đòi quyền hạn chăng?
Đệ nhị Thế chiến, trong cuốn sách nói trên ám chỉ là cuộc Chiến tranh chống Phát xít, được mô tả sinh động là thời kỳ Úc và Trung Hoa chung lưng để chống lại sự xâm lược của Nhật Bản, lúc mà xã hội Úc còn ngại họa da vàng và Úc-Trung đã có mối quan hệ ràng buộc. Giai đọan chống Cộng sản lúc Úc tham gia các cuộc chiến Mã Lai, Triền Tiên và Việt Nam thì quyển sách không đề cập hoặc chỉ phớt qua nhưng hoàn toàn không nói đến yếu tố Trung Cộng chống lưng cho kẻ thù của nước Úc.
Trong quân sử Úc, vai trò của lính Úc gốc Hoa được viết đàng hoàng và được công nhận đầy đủ. Nhưng tại sao Viện Bảo Tàng Chiến Tranh lại giao phó cho học giả Trung Cộng có hiểu biết giới hạn về nước Úc và không có kinh nghiệm của một nhà quân sử để viết về một giai đoạn đầy ý nghĩa của quân sử Úc và còn quảng cáo để bán cho du khách thăm viếng Viện Bảo Tàng. Sách viết về lịch sử của Trung Cộng ngày nay là một mớ tạp nhạp thêu dệt và đầy chất tuyên truyền. Sử gia có tầm vóc được kính trọng đều mô tả Trung Cộng ngày nay là một đất nước có quá khứ bị tẩy xóa và viết lại. Đảng Cộng sản Trung Hoa tuyên truyền bóp méo hoàn toàn hình ảnh về cuộc chiến chống lại Nhật bản (họ viết rằng chính Hồng quân Cộng sản mới đánh đuổi Nhật bản, sự thật thì quân Cộng sản né tránh và để quân đội Quốc gia Tưởng Giới Thạch đương đầu với quân Nhật).
Tại sao Viện Bảo Tàng bán cho công chúng cuốn sách bóp méo một cách lố lăng về giai đọan lịch sử quan trọng của một quốc gia như vậy?
Xây dựng một chiến lược hợp pháp để lấy lòng công chúng Úc của các tỷ phú người Hoa là cho tiền các cơ sở văn hóa, giáo dục và y tế. Nếu nhà đầu tư ngoại quốc hỏi họ làm cách nào để lấy lòng thì đại gia này khuyên (mĩa mai) là bạn nên rắc lên mình chút tro Anzac và được chỉ bình tro lớn nhất là nằm ở Viện Bảo Tàng Chiến Tranh.
Không nên để thế lực ngoại bang lợi dụng nơi tưởng niệm linh thiêng của Quốc Gia.
Cuốn sách Chinese Anzacs của Chau không phải là phương tiện duy nhất để nhập nhằng vào lịch sử của nước Úc. Bạn của Trung Quốc đang được tâng bốc là những di dân người Hoa với nhiệm vụ phát triển quê nhà (Trung Cộng). Những cảm tình viên của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được giao cho vai trò lớn hơn những gì sử gia phổ biến. Tác dụng của những sách lịch sử loại này là thổi phồng quá khứ mâu thuẫn trong giới người Hoa tại Úc và cả ở Trung Hoa. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ký giả Robert Macklin cho ra mắt quyển sách “Con Rồng và Chuột Túi” (Dragon & Kangaroo) do Bob Carr giới thiệu trong ngày phát hành và được ca tụng bởi truyền thông Trung Cộng.
Hoàng Tương Mạc còn chi tiền in cuốn sách về người Hoa di dân trong lịch sử Úc. Vì tôn trọng tinh thần đa văn hóa, một số sử gia địa phương đã bị mắc bẫy, tuy nhiên có một số sử gia Úc khi biết có Hoàng Tương Mạc đứng sau lưng dự án viết sách này, họ đã rút lui.
Trong một màn thận trọng tương tự, nhóm sử gia có tên Đuôi Rồng (Dragon Tails) đồng ý đề nghị của Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Úc-Trung đứng ra tổ chức hội thảo cho nhóm này mỗi hai năm một lần. Khi Ban điều hành của nhóm biết được Viện này do Hoàng tài trợ cho Đại Học Sydney để thành lập, nhóm này tách ra để bảo toàn tính cách vô tư của cuộc Hội thảo. Cuối cùng, Huang Xiangmo đã cho Đại Học Sydney 3 triệu rưởi Úc kim để thành lập Viện Văn Hóa Nghệ Thuật này và Huang nắm một chức vụ trong Ban điều hành của Viện vì có bằng Cử nhân về Chính quyền Địa phương học của Đại Học Kỷ-thuật Sydney. (Chú thích: Huang Xiangmo là Tỷ phú Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Yuhu Group tại Úc).
Giải Phóng Quân Trung Hoa của Úc (The People’s Liberation Army of Australia)
Tháng 8 năm 2015, Hội Cựu Giải Phóng Quân người Úc gốc Hoa được thành lập tên là “Đệ Bát Lộ Quân Úc Châu”, một hội gồm các bộ đội Trung Cộng di dân vào nước Úc. Một năm sau họ tổ chức ăn mừng tại Hurstville Town Hall, các hội viên đều mặc đồng phục, mũ mão, huy hiệu và cờ đỏ. Hình chụp cho thấy một khung cảnh kỳ quái. Họ hát những bài ca yêu nước của quân đội họ và dựng lại cách sống trong doanh trại. Đây không phải là những người lính Úc gốc Hoa đã chiến đấu cho nước Úc mà là những bộ đội phục vụ cho Trung Cộng.
Sự kiện có vẻ thành công và năm sau họ tập họp lại tại Chatswood và hát bài “Đông Phương Hồng” (chú thích: đây là bài hát tiêu biểu của Đảng Cộng Sản do Mao Trạch Đông thành lập). Từ lâu, Quân đội của Mao đã dùng các bài hát và các đoàn múa để hun đúc tinh thần binh sĩ. Theo châm ngôn của Mao là vũ khí chưa đủ, cần phải học tập tinh thần chiến đấu để chiến thắng quân thù. Những người tổ chức Hội Giải Phóng Quân Trung Hoa tại Úc nói thẳng với Cộng Đồng người Hoa là những bộ quân phục và bài hát quen thuộc đó sẽ hun đúc tinh thần quốc gia. Một số người Hoa tại Úc được kêu gọi đoàn ngũ hóa để hổ trợ cho Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Mặt khác, những gợi nhớ quê hương sẽ thôi thúc, gìn giữ tình cảm, tiếng nói cũng như văn hóa gần gũi với Cộng Hòa Nhân Nhân Trung Hoa. Trong chừng mực nào đó, những sự kiện này là một phần trong môi trường văn hóa, đem đến hậu quả là lòng trung thành. Như vậy, nếu xảy ra xung đột giữa Úc Đại Lợi và Trung Cộng, những cựu bộ đội này đứng về phía nào?
Hội Cựu Bộ đội Giải Phóng Quân Trung Quốc đầu tiên tại Úc có tên là Lữ Đoàn 1 tháng 8 (Ngày thành lập Quân Đội Giải Phóng Quân Trung Hoa) trong nội quy có ghi rõ “tất cả hội viên phải nhiệt thành yêu quê mẹ”. Vào tháng 3 năm 2017, thành viên của hội này xuống đường phố Sydney để chào đón Thủ tướng Lý Khắc Cường viếng thăm Úc Châu. Về nhà, ông chủ tịch của hội này viết: “Hôm nay, cả Sydney rợp màu cờ đỏ, hàng ngàn người Hoa đứng chờ dưới mưa. Cả Trung tâm thành phố tràn ngập một biển tóc đen, da vàng và cờ đỏ”.
Người dịch: Nguyễn Việt Long (Melbourne) 27-8-2019
Dịch một phần trong sách: SILENT INVASION, China’s Influence in Australia của Ký giả Clive Hamilton, liên quan đến Quân Lực Hoàng Gia Úc Đại Lợi (trang 244-249).