Việt Luận: (1) Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông đã bước sang tuần lễ thứ 14, có lúc số người tham dự lên đến hơn 2 triệu người, ông có thể chia sẻ tại sao người Hồng Kông xem luật dẫn độ là quan trọng đối với họ?
Tập hợp biểu tình đòi dân chủ có lúc lên đến 2 triệu người tại Hồng Kông trong 3 tháng kê từ ngày 09.06.2019
Lưu Tường Quang: Dân chúng Hồng Kông đã bắt đầu biểu tình kể từ ngày 09.06.2019 để chống đối Dự Luật Dẫn Độ mà Bà Carrie Lâm (Lâm Nguyệt Nga), Đặc Khu Trưởng Hành Chánh đệ trình Nghị Viện Hồng Kông. Ngay từ khởi điểm, chúng ta cần nói rõ vài điều. Kể từ năm 1997, khi Chính phủ Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Cộng theo Thỏa Hiệp gọi là “Một Nước, Hai Hệ Thống – One Country, Two Systems”, thì Hồng Kông được tiếp tục duy trì trong vòng 50 năm (1997-2047), những quyền dân chủ căn bản thừa hưởng từ Nước Anh. Tuy nhiên, với tư cách là một Đặc Khu Hành Chánh, Hồng Kông không hoàn toàn được tự-trị. Đặc Khu Trưởng nắm quyền hành pháp, thực tế do Bắc Kinh bổ nhiệm và Nghị Viện không phải là một quốc hội của một quốc gia độc lập mà đa số thành viên là do Bắc Kinh kiểm soát. Chúng ta đều biết rằng Trung Cộng – cũng như cộng sản Việt Nam – là một chế độ độc tài đảng trị mà ngành Tư Pháp chỉ là một bộ phận của Đảng Cộng Sản.
Bởi vậy, nếu Dự Luật Dẫn Độ được Nghị Viện thông qua, những nghi can sinh sống hoặc có mặt tại Hồng Kông có thể bị dẫn độ về Hoa Lục để bị truy tố và xét xử trước Tòa Án bù nhìn theo luật lệ Trung Cộng. Những nghi can này không nhất thiết phải là thường phạm mà rất có thể thuộc thành phần đối kháng tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền.
Vào thời điểm khởi đầu, công chúng Hồng Kông đòi hai việc: Thứ nhất là Dự Luật Dẫn Độ cần được rút lại và Bà Carrie Lâm phải từ chức. Sau nhiều ngày tuyên bố giữ vững lập trường, và nhất là sau cuộc biểu tình vĩ đại khi khoảng hai triệu công chúng tham dự (trong tổng số 7 triệu rưỡi cư dân Hồng Kông), Bà Carrie Lâm chỉ đồng ý tạm đình chỉ tức là không để Nghị Viện tiến hành thảo luận và biểu quyết Dự Luật, hay nói khác hơn Dự Luật nầy vẫn còn nằm trong Chương Trình Nghị Sự và có thể được phục hoạt. Bà Carrie Lâm cũng tuyên bố không từ nhiệm.
Tin mới nhất ngày 03.09.2019, căn cứ vào một tài liệu thu băng, Bà Carrie Lâm đã bày tỏ hối tiếc và coi việc đệ trình Dự Luật Dẫn Độ là một sai lầm. Cũng theo nguồn tin này, Bà còn tâm sự là nếu có thể làm được thì Bà đã sẵn sàng từ chức. Nếu nguồn tin nguyên thủy này chính xác (mặc dầu đã được cải chánh, sau khi bị tiết lộ), chúng ta có thể hiểu là trong vòng 3 tháng nay, Bắc Kinh luôn bày tỏ ủng hộ Bà Carrie Lâm và sự ủng hộ nầy cũng có nghĩa là Bà Carrie không thể từ chức trừ phi có sự đồng ý của Bắc Kinh.
Việt Luận: (2) Có lẽ ngoài luật dẫn độ, còn có một yếu tố khác quan trọng hơn, đó là người Hồng Kông lo ngại sẽ có một ngày phải sống dưới chế độ độc tài Trung Quốc, cho nên phản đối luật dẫn độ chỉ là cái cớ để đòi hỏi tự do, dân chủ giống như ở Thiên An Môn 30 trước? Ông có nghĩ vậy không?
Lưu Tường Quang: Dự Luật Dẫn Độ là chất xúc tác trong bối cảnh rộng lớn hơn là quyền tự do dân chủ tại Hồng Kông mỗi ngày một bị sói mòn. Bởi vậy trong 3 tháng qua, chúng ta có thể nhìn thấy đối tượng tranh đấu của cư dân Hồng Kông biến đổi từ Dự Luật Dẫn Độ chuyển sang quyền tự do dân chủ – nhưng chưa, hoặc có thể sẽ không bao giờ là quyền độc lập – và gần đây là chống đối bạo hành của cảnh sát và kêu gọi vận động sự ủng hộ quốc tế dưới hình thức chiếm đóng phi trường. Một phái đoàn đại diện Hồng Kông cũng đã đến Úc với mục đích này. Một phái đoàn khác gồm Joshua Wong / Hoàng Chí Phong đã đến Đài Bắc để vận động ủng hộ với Tổng Thống Thái Anh Văn, các chính đảng và quần chúng Đài Loan. Họ cũng dự định đến Mỹ và Anh Quốc với mục đích tương tự.
Đây không phải là lần đầu tiên mà cư dân Hồng Kông đòi hỏi cải tổ để tái lập mức độ dân chủ. Phong Trào Dù Vàng 2014 (Yellow Umbrella Movement) mà một trong số những lãnh tụ trẻ là Yoshua Wong (Hoàng Chí Phong), đã chiếm đóng Trung Tâm Hồng Kông 79 ngày, nhưng sau cùng đã thất bại, một phần vì sự thiếu thống nhất trong hàng ngủ lãnh đạo.
Từ bài học của Phong Trào Dù Vàng, các cuộc biểu tình trong 3 tháng nay – và có thể tiếp tục kéo dài – được tổ chức tinh vi hơn mặc dầu không có ban chỉ đạo chính thức, nhưng với phương tiện truyền thông hiện đại (điện thoại di động và các trang mạng xã hội) họ có thể tụ họp nhanh chóng hàng chục ngàn người, phản đối và khi đạt mục đích có thể giải tán nhanh chóng trước khi lực lượng cảnh sát có thể can thiệp. Đây là chiến thuật “Theo Dòng Nước – Be Water”mà người Việt có thể nghiên cứu học hỏi.
Tất nhiên, cư dân Hồng Kông lo ngại sẽ phải sống dưới chế độ độc tài cộng Sản. Điều này có tránh được hay không là một câu hỏi rất lớn vào năm 2047. Trong năm 2019 – và cũng là thời điểm kỷ niệm 30 năm thảm sát tại Quảng Trường Thiên An Môn – họ đã phải lo ngại là chế độ độc tài ấy đến sớm hơn. Thiên An Môn là khát vọng tự do dân chủ của giới trẻ – mà phần lớn là tập thể sinh viên. Cuộc tranh đấu cho dân chủ tại Hồng Kông ngày nay bao gồm nhiều thành phần quảng đại quần chúng, kể cả thành phần trẻ sinh viên học sinh.
Việt Luận: (3) Cuộc biểu tình tại Hồng Kông bắt đầu bằng ôn hòa đang có khuynh hướng chuyển sang bạo lực khi cảnh sát bắt đầu nổ súng và phun vòng rồng vào người biểu tình. Ông có nghĩ đây là âm mưu của Bắc Kinh để tìm lý do chính đáng đàn áp người biểu tình?
Lưu Tường Quang: Cảnh sát là một bộ phận của chính quyền Hồng Kông dưới quyền điều động của Đặc Khu Trưởng, Carrie Lâm. Cảnh sát đã và đang sử dụng biện pháp mạnh như bắn lựu đạn cay, phun vòi rồng, đánh đập hành hung và sử dụng ngay cả súng bắn mực tàu để nhận diện, đàn áp, bắt bớ người biểu tình mà hiện nay nhân số bị bắt giam là khoảng ngàn người. Theo ý tôi, Bà Carrie Lâm cần chứng tỏ với Bắc Kinh là bà không mất quyền kiểm soát tại Đặc Khu Hành Chánh. Ngược lại, người biểu tình đôi khi cũng có hành vi bạo động, nhưng họ có kế hoạch lúc nhu lúc cương để duy trì sự ủng hộ rộng rãi của cư dân Hồng Kông.
Có lẽ Bắc Kinh không cần phải trực tiếp ra lệnh, nhưng họ theo dõi và đánh giá diễn tiến tình hình Hồng Kông để quyết định nếu và khi nào họ phải can thiệp quân sự. Trong tài liệu thu băng mà tôi đã đề cập phần trên, Bà Carrie Lâm đã than thở là bà phải phục vụ hai “chủ nhân ông” theo hiến pháp: Đó là chính quyền trung ương Bắc Kinh và tập thể dân chúng Hồng Kông.
Việt Luận: (4) Quân đội Trung Quốc đang dàn quân ở Thâm Quyến (biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc), ông có nghĩ là trong trường hợp cần thiết Trung Quốc sẽ sẵn sàng đưa quân sang đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông giống như Thiên An Môn 30 năm trước?
Lưu Tường Quang: Bắc Kinh đã hơn một lần gián tiếp cảnh báo can thiệp quân sự bằng cách phổ biến videoclip diễn tập giải tán biểu tình. Bắc Kinh đã chuyển hàng ngàn quân – được coi là lực lượng đặc nhiệm – đến Thành phố Thẩm Quyến (bên kia biên giới Hồng Kông) và rõ ràng đây là thông điệp hù doạ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có một doanh trại quân sự tại Trung Tâm Hồng Kông với một quân số từ 5 đến 10 ngàn. Vài ngày trước đây, Bắc Kinh đã loan báo thay quân tại Hồng Kông, nhưng khác với thông lệ, họ không nói quân số mới đến nầy là bao nhiêu. Theo Hiến Pháp Hồng Kông, lực lượng quân sự này có thể can thiệp tại Hồng Kông, nếu được Bà Carrie Lâm yêu cầu.
Ông Đặng Tiểu Bình đã từng ra lệnh “Quân Đội Nhân Dân” đàn áp và thảm sát nhân dân, sinh viên tại Quảng Trường Thiên An Môn hồi đầu tháng 6 năm 1989. Không ai có thể biết chắc là Ông Tập Cận Bình ngày nay không hoặc sẽ theo gương Ông Đặng Tiểu Bình 30 năm trước. Tuy vậy chúng ta có thể xem vài yếu tố có thể ảnh hưởng đến hành động của Bắc Kinh.
Về mặt kinh tế, vào năm 1997, Hồng Kông đóng góp khoảng từ 1/5 đến 1/3 tổng sản lượng nội địa GDP của Hoa Lục. Ngày nay, Hồng Kông chỉ còn đóng góp 3% tức là ít hơn cả đóng góp của Thẩm Quyến. Vào năm 1997, Thượng Hải không thể so sánh được với Hồng Kông, nhưng ngày nay Thượng Hải là trung tâm tài chánh quan trọng không thua kém Hồng Kông. Tuy vậy, Hồng Kông vẫn còn là trung tâm giao dịch tài chánh thế giới được ưa chuộng hơn, vì luật lệ tại Hồng Kông rõ ràng và Tòa Án tại Hồng Kông hãy còn độc lập. Như vậy, yếu tố kinh tế có thể không đủ để Ông Tập Cận Bình phải liều lĩnh gây một cuộc thảm sát tại Hồng Kông.
Về mặt chính trị quốc nội, nếu Ông Tập Cận Bình thua nặng trong thương chiến Mỹ -Trung và vị trí lãnh đạo “hạt nhân” của họ Tập bị lung lay, biết đâu Ông Tập Cận Bình lại có thể chọn biện pháp liều lĩnh tại Hồng Kông hoặc/và tại Biển Đông để kiểm soát những “đồng chí” có tham vọng trong Bộ Chính Trị. Cũng cần nói thêm là trong năm 2019, chưa chắc Mỹ và Liên Âu có thể áp dụng biện pháp cấm vận như thế giới Phương Tây đã làm sau cuộc thảm sát Quảng Trường Thiên An Môn.
Về mặt toàn vẹn lãnh thổ, hầu như Hồng Kông không thể có cơ hội “thoát Bắc Kinh”. Nhưng trong lịch sử, một diễn tiến nhỏ có thể dẫn đến một cuộc cách mạng lớn. Hồi năm 1773, Mẫu Quốc Anh lâm vào tình trạng thiếu thốn tài chánh nên đã đã ban hành luật đánh thuế Trà (The Tea Act 1773) khiến cư dân lập nghiệp tại Boston phẫn nộ. Họ phản đối và sự phân đối này đã lan rộng thành một cuộc cách mạng dẫn đến sự hình thành độc lập của Hoa Kỳ sau cuộc chiến 1775-83. Cuộc tranh đấu dân chủ của Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến Đài Loan hoặc phần nào tại Tây Tạng và Tân Cương (tập thể hồi giáo Duy Ngô Nhĩ). Tuy vậy, cơ hội một liên minh này thành hình và có thể đe dọa sự tồn tại của chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có thể chỉ là một khát vọng không thể trở thành hiện thực.
Việt Luận: (5) Ông có thể chia sẻ lý do tại sao biến cố Hồng Kông được cộng đồng người Việt ở hải ngoại đặc biệt quan tâm?
Lưu Tường Quang: Tập thể người Việt chúng ta trong nước cũng như ở nước ngoài luôn luôn mong đợi sự suy yếu hoặc sụp đổ của chế độ cộng sản Bắc Kinh, vì lý do lịch sử cũng như vì lý do đương đại trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Một lý do khác là nhiều người Việt tin rằng khi chế độ Bắc Kinh suy yếu thì chế độ Hà Nội cũng khó mà tồn tại. Bởi vậy, người Việt quan tâm theo dõi diễn tiến tranh đấu dân chủ tại Hồng Kông và ủng hộ cũng như thán phục cuộc tranh đấu này.
Đây không phải là lần đầu tiên mà chúng ta cảm thấy phấn khởi vì một diễn tiến ở nước ngoài. Khi Bức Tường Bá Linh bắt đầu sụp đổ hồi cuối năm 1989 kéo theo sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu và sự sụp đổ của chính chế độ Liên Xô, người Việt chúng ta chờ đợi một sự sụp đổ tương tự tại cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, chế độ cộng sản độc tài tham nhũng cũng biết tìm cách tồn tại và họ đã thay đổi sách lược kinh tế để sống còn trong khi vẫn duy tri chế độ chính trị độc tài độc đảng.
Khi các cuộc “Cách Mạng Màu” hoặc cuộc cách mạng gọi là “Arab Spring” bắt đầu xảy ra trước tiên tại Tunisia, một quốc gia Bắc Phi từng là thuộc địa của Pháp tương tự như Việt Nam, chúng ta cũng cảm thấy phấn khởi và chờ đợi. Đặc biệt là tại Tunisia, cuộc cách mạng đã diễn ra hồi cuối năm 2010 sau một biến cố rất nhỏ khi một công dân tự thiêu để phản đối cảnh sát tham nhũng và đàn áp.
Việt Luận: (6) Nhìn biến cố ở Hồng Kông không khỏi làm cho những người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước cảm thấy buồn lòng. Chỉ để đòi hỏi hủy bỏ luật dẫn độ mà người Hồng Kông đã biểu tình liên tiếp trong 3 tháng qua, số người tham dự từ vài trăm ngàn đến vài triệu, cùng lúc đó Trung Quốc đang xâm chiếm hải đảo Tư Chính của Việt Nam thì gần như không có một cuộc biểu tình nào lớn diễn ra trong nước, ông có thể chia sẻ tại sao người Việt ngày nay thờ ơ với đất nước đến như thế?
Lưu Tường Quang: Có lẽ người Việt trong nước không thờ ơ, nhưng tập hợp nhiều cá nhân và những tổ chức dân sự vào một phong trào tranh đấu hãy còn gặp nhiều trở ngại. Khi giới quan sát phân tích thái độ của du sinh Trung Cộng và du sinh từ Hồng Kông tại các Viện Đại Học Úc, người ta coi sự khác biệt về thái độ và ý thức dân chủ như là hậu quả của hai nền giáo dục khác nhau. Tại Hồng Kông cũng như tại Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, giới trẻ được hưởng một nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong khi tại Hoa Lục và tại cộng sản Việt Nam, đó là chế độ giáo dục nhồi sọ về chủ nghĩa cộng sản và thần- tượng -hóa lãnh tụ.
Về phía giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, lập trường và phản ứng của họ đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông là một thất vọng lớn đối với mọi người Việt, từ vụ HD 981 năm 2014 đến vụ HD địa chất 8 năm 2019 tại vùng Bãi Tư Chính hiện nay. Tuy nhiên về mặt quần chủng, nếu chúng ta ngưỡng mộ phản ứng yêu nước của đồng bào quốc nội hồi năm 2014, thì có thể chúng ta thất vọng phần nào trước sự im lặng hiện nay, đặc biệt là khi diễn tiến cuộc tranh đấu tại Hồng Kông thường được quảng bá rộng rãi bởi các cơ quan truyền thông đại chúng do nhà nước cộng sản Việt Nam kiểm soát. Ngược lại, nhà nước cộng sản Bắc Kinh dấu kín các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông. Biết đâu sự im lặng này tại cộng sản Việt Nam chỉ là một thái độ tạm thời.
*Việt Luận xin cám ơn Luật sư Lưu Tường Quang đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
(Sydney 03.09.2019)