Chụp ảnh là thú vui ai cũng thích. Trước kia muốn tự tay chụp ảnh, người ta phải mua máy chụp ảnh nhưng nay thì dễ dàng hơn, nếu không phải tay chơi sắm chiếc máy Canon, Nikon chuyên nghiệp thì đa số mọi người từ trẻ đến già đều đều dễ dàng sở hữu một chiếc ipad, smartphone rất tiện lợi để xem báo, xem phim, chơi game, chat, và chụp hình bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Bởi vậy từ lâu, thợ chụp dạo buồn hiu vì chẳng mấy ai còn nhờ tới họ, thậm chí thấy ông thợ đứng vơ vẩn ngáp ruồi gần đó, khách du lịch còn nhờ cầm máy giùm bấm vài pose.
“Mình đã đẹp rồi” nên khi gặp cảnh đẹp, lạ từ dàn hoa leo, chậu cây lạ, phong cảnh hữu tình thậm chí bối cảnh là ao rau muống, cái cầu tre, xe thổ mộ… thậm chí con khỉ, con chó… Do ai nấy lại thủ sẵn facebook, instagram, vlog… nên luôn trong tư thế sẵn sàng rút máy ra chụp ảnh, quay clip, livestream… Nhất là chụp ảnh tự sướng (selfie) nhấp nháy up lên khoe ảnh “độc” với thiên hạ chứ.
Nghe đồn đâu đó có hội hè đình đám, triển lãm hoa, cánh đồng cỏ, hội chợ trang trí nội thất… là không những các cô các cậu nà cả các mợ, các dì cũng í ới gọi cho đồng nghiệp, đồng bọn, đồng chí… đi chụp ảnh.
Nhất là dịp tết Nguyên đán có nhiều cảnh hoa lá, dịp tết Trung thu có nhiều đèn đuốc…
Nam thanh nữ tú đi chụp ảnh hào hứng cứ từng đôi hoặc từng bọn, từng đám đến sát vào cửa hàng để vịn tay vào món hàng trưng bày, vít cành hoa sát mặt, nhoẻn miệng cười đến cả phút để ra tấm ảnh OK. Bất kể “rừng” người đứng kế cận chờ “tông” vào chỗ đắc địa ấy. Có cô thiếu nữ đã lọt vào “vị trí” rồi bỗng khựng lại như sực quên chuyện gì- té ra cô rút ví lấy thỏi son tô lại môi. Có bà còn lôi cái khăn voan ra mất cả phút để thắt thành cái nơ quàng cổ…
Hết chụp kiểu một người, kiểu hai người, kiểu bốn người, kiểu gia đình, kiểu đại gia đình… Cứ người này xông vào cửa hàng đến người khác. Hết cửa hàng này sang cửa hàng khác mà chẳng có lời xin phép chủ hàng hay “biết điều” mua một món.
Một ông chủ than:
-Coi đông khách vậy chứ toàn lượn lờ chụp hình không à, chứ có ai mở hàng đâu.
Chưa kể dí sát máy quay vào từng món hàng để livestream.
Vì ai cũng dễ dàng chụp hình cho mình và chụp hình cho nhau nên nảy ra thái độ chụp hình như thế nào cho phù hợp, bây giờ VN gọi là “văn hóa chụp hình” giống như văn hóa ăn uống, văn hóa đọc, văn hóa xem phim, văn hóa giao thông… Chuyện gì cũng đòi hỏi phải có văn hóa.
Thời buổi thành phố lớn đất chật, người đông nên dễ xẩy ra chen chúc, va chạm rồi đến cãi nhau, đánh nhau, giết nhau. Nên làm việc gì cũng phải có nền nếp, trật tự…
Có cảnh, mới sáng sớm dọn hàng một youtuber dí sát máy quay vào mặt bà chủ quán bánh canh:
-Mọi bữa quán của dì đông khách lắm mà sao bữa nay vắng dữ vậy. Thôi kệ, dì lớn tuổi rồi, bớt khách cũng hay để dì nghỉ ngơi cho khỏe.
Nghe thiệt muốn cầm chổi mà rượt.
Dịp tết Nguyên Đán, cửa hàng hoa cất công tỉa hoa lá, trái cây thành hình con vật tượng trưng cho năm như cặp rồng, cặp gà, cặp heo… để gây chú ý, quảng cáo. Thế là từng đoàn người toe toét đứng án ngữ hết cửa hàng. Rốt cuộc, người chủ phải treo tấm bảng “cấm chụp hình” hay “chụp hình 5K” (tức 5 ngàn đồng) để bớt người làm phiền.
Tết Trung thu cũng thế, tiểu thương Hàng Mã – Hà Nội đồng loạt treo biển “Cấm chụp ảnh”, khách muốn chụp phải trả tiền. Trước kia những tấm bảng này chỉ treo vài hàng nhưng nay nhiều hàng treo hơn và chủ hàng cũng quyết liệt hơn.
Phố lồng đèn đường Lương Nhữ Học ở SG cũng vậy. Chủ tiệm than thở chẳng phải không muốn cho khách chụp hình nhưng cửa hàng nhỏ hẹp chút xíu, lồng đèn treo kín mít mà các cô cậu trẻ tuổi cứ nhất định len vào tận không gian chật chội trong tiệm, rồi đứng ngồi tạo dáng chụp hàng mấy chục kiểu hình cũng chưa chịu rời đi, khách khứa ghé đến muốn mua không có chỗ chen chân mà lựa. Nhiều thanh niên thiếu nữ hoàn toàn không muốn mua lồng đèn vì đã quá tuổi chơi món hàng đặc biệt này, mà chỉ coi đây là chỗ chụp hình lý tưởng. Các chủ tiệm đồng loạt kêu ca phải chi muốn đứng tới lui chụp hình hoài không biết chán thì mua giúp cho họ một cái lồng đèn lấy may, đằng này cái đèn nhỏ xíu có mấy ngàn đồng bằng tiền gửi chiếc xe gắn máy cũng nhất định không ai mua.
Chợ hoa ngày Tết cũng vậy, nhìn thấy vài ba cây cảnh đẹp, khách đi dạo len vào tựa cây, vin cành mà chẳng hề sợ có thể làm gãy cành nhà vườn rồi sau đó tha hồ năn nỉ xin lỗi hay không thấy ai, nhìn trước sau chuồn lẹ. Tuy nhiên bất tiện nhất chính là cứ say sưa đứng chụp hình đủ kiểu mà không để ý mình đã đứng choán chỗ khiến những người thực sự muốn mua không thể đứng ngắm cây một cách kỹ càng được.
Bởi vậy ở những nơi này dễ gây ra kẹt xe, người đông nghẹt nhưng hàng chẳng bán được bao nhiêu. Tấm bảng để cấm chụp hình treo trước cửa hàng thật chẳng đặng đừng. Cực chẳng đã, chủ hàng đành treo tấm bảng thu tiền chụp ảnh. Thật ra số tiền thu được chẳng đáng là bao, chỉ nhằm hạn chế người mê chụp hình quấy rầy cửa hàng. Quả nhiên, mặc dù chỉ vài ngàn, cao lắm mười ngàn đồng nhưng chẳng ai bỏ ra để được tự do chụp ảnh. Những nơi treo tấm bảng chụp hình thu tiền đều vắng hẳn, không thấy các cô cậu thanh niên lăm lăm giơ chiếc điện thoại lên quấy nhiễu. Nếu thích lắm, người khách cũng chỉ đứng xa xa chứ không dám nhào vào.
Nắm được nhu cầu chụp ảnh nên một số nơi tổ chức cho chụp ảnh thu tiền như cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang, vườn hoa hướng dương ở Thủ Đức (SG). Chỉ sau ba tuần, vườn hoa hướng dương tan hoang, ngập rác rến. Bỏ ra mấy chục ngàn tiền vé, khách cho mình có quyền thẳng tay ngắt hoa, đạp luống, làm sao để cho ra tấm hình đẹp của cá nhân mình.
Tệ hơn nữa là cánh đồng hoa thì là ở Ninh Thuận năm ngoái nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn với những người có sở thích chụp ảnh. Thế nhưng như mọi nơi vãn cảnh khác, vườn hoa mở vỏn vẹn có bốn ngày đã vội vàng đóng cửa do khách vãn cảnh giẫm đạp khiến nhiều luống hoa dập nát, gãy đổ.
Muốn có tấm hình đẹp thì phông phải đẹp, chủ yếu là “độc”. Độc quá cũng dẫn đến nguy hiểm. Dịp Tết, một thanh niên ở Hà Tĩnh cùng nhóm bạn rủ nhau ra thác chơi. Trong lúc chụp ảnh, thanh niên bị trượt chân từ thác xuống dòng nước xoáy, tử vong tại chỗ.
Mùa xuân có lắm hội hoa xuân. Hoa mai, hoa đào VN, hoa anh đào chính gốc Nhật Bản… Cành hoa mỏng manh, yếu ớt chịu đựng sức nặng của bao nhiêu cái tựa đầu, chưa kể vịn cành và tiện thể… bẻ luôn. Mùa hè thì lùng sục ao sen, bẻ lá sen che nắng, hái hoa che ngực trần… Mùa thu lên cao nguyên đạp nát cánh đồng hoa cải, hoa tam giác mạch. Mùa đông thì lùng sục lên miền cao chụp cảnh tuyết rơi bên cạnh lũ trẻ địa phương mặc phong phanh tấm áo mỏng, đi chân trần…
Hay gặp “người nổi tiếng” nhất là nghệ sĩ ở sự kiện, ở hậu trường sân khấu hay tình cờ ngoài đường thì nhất định phải xin chụp chung một tấm xòe hai ngón tay ngụ ý “hi”
Cảnh đẹp lại còn điểm nào trong cảnh đó đứng chụp đẹp nên bất cứ chỗ nào có thể cho ra tấm hình đẹp, thiên hạ đều đổ xô tới. Đông người quá tất phải xếp hàng. Thế nhưng nhiều người không có thói quen theo thứ tự mà cứ tỉnh queo bang ngang vào. Tại một hồ nước ở Đà Lạt,chỉ vì tranh nhau chỗ để chụp ảnh, hai người phụ nữ đã lao vào “ẩu đả” ai can cũng không được.
Đó chỉ là chụp hình giải trí. Đôi khi có những vụ vi phạm mà nhân chứng chụp hình để đưa ra làm bằng chứng sau này mới gây chuyện to. Chụp hình kiểu này dễ ăn đòn như chơi. Ở Hà Tĩnh, kinh hoàng vì chiếc xe “dù” giả danh xe buýt chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nữ hành khách quá sợ hãi, xuống xe chụp biển số nhằm cảnh báo người dân. Tuy nhiên mới đưa điện thoại lên chụp liền bị tài xế và nữ nhân viên bán vé vây đánh chảy máu mũi.
Mới đây một vụ tương tự. cô diễn viên book xe ôm công nghệ. Không có tài xế, sợ app lỗi, cô đã thoát ra và gọi hãng khác. Vì chưa hủy chuyến, tài xế từ app ban đầu đến đón trong lúc cô đang đợi người thứ hai từ app hãng khác. Cô đề nghị trả ít tiền công cho người đã lỡ đến. Tuy nhiên, tài xế xe ôm công nghệ khó chịu và nặng lời. Tức giận, cô diễn viên đã lấy điện thoại chụp biển số xe người này với ý định báo lên tổng đài. Ngay lập tức, cô bị anh tài xế này túm tóc, đấm liên hồi vào mặt, đập lên cổ, vai. Thậm chí, nữ diễn viên bị đánh đến ngất xỉu nhưng nam tài xế vẫn lao đến đạp vào người khiến mặt cô bị sưng húp, môi chảy máu, lưng hằn vết giày, ngất xỉu và phải vào bệnh viện.
Đúng là chẳng ai muốn bằng chứng là tấm hình hai năm rõ mười sẽ đưa ra làm bằng cớ tố cáo hoặc phóng lên mạng bêu riếu cho cả triệu người coi là không thể. Cần phải ngăn chặn ngay! Người dân xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp thắc mắc vì tấm bảng cấm quay phim, chụp ảnh ngay trụ sở xã. Ngay phía dưới còn đàng hoàng dòng chữ tiếng Anh “No Cameras or phones”. Tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng chụp hình cán bộ phường đọc báo lúc làm việc, dân bị dọa đánh.
Đó là dân chứ ngay cả phóng viên hành nghề, giơ chiếc máy ảnh cũng bị hỏi thăm sức khỏe. Trong lúc làm việc thu hình hàng trăm xe cộ qua trạm thu phí Cai Lậy bị tắc nghẽn cả chục cây số, một phóng viên báo Thanh Niên đã vô cớ bị trưởng công an xã Phú An ném đá.
Đầu năm, một nhóm tám thanh niên thản nhiên dừng hai xe ô tô trên cao tốc rồi dàn hàng ngang tạo dáng chụp ảnh. Một tấm hình đầy thách thức như thế cất đi xem với nhau thật phí. Vì vậy, tấm hình được phóng lên khoe trên mạng gây xôn xao. Chằng đợi lâu, trưởng nhóm đã bị bắt vì một số tôi danh.
Người ta mê chụp ảnh tới nỗi nếu bất ngờ bắt gặp tai nạn trên đường, thay vì cấp kỳ gọi cấp cứu thì ai nấy đều lẹ làng rút điện thoại ra chụp hình lia lịa.
Ngay cả trong các chuyến du lịch, anh hướng dẫn viên nhận xét chẳng ai thèm nghe anh thuyết minh mà chỉ chăm chú mải mê chụp hình. Cái họ mang về đầy thích thú là những tấm hìnhvới nhân vật chính đẹp như diễn viên, còn nơi đó có những đặc điểm gì thì không cần biết.
Có mỗi chụp ảnh giải tri mà nói cả ngày không hết chuyện là vậy!
Saigon Cô Nương