Thứ Sáu tuần qua là một ngày xuống đường quá vui. Theo đài ABC, chỉ riêng ở Úc đã có chừng 300,000 người xuống đường. Theo các hãng tin thế giới khác, hình như hôm đó đã có ít nhất 13 triệu người xuống đường.
Phần lớn là cô cậu học sinh, sinh viên hay bạn trẻ. Cô cậu bỏ lớp học mà xuống đường. Tổng trưởng giáo dục liên bang Dan Tehan than phiền lẽ ra cô cậu phải ngồi trong lớp. Chớ xuống đường. Dường như trả lời chính phủ, học sinh trường xịn Melbourne Girls’ cầm biểu ngữ ‘Climate change is worse than homework, khí hậu thay đổi còn tệ hơn cả bài làm’. Còn học trò ở Sydney thì hỏi lại ‘Why should we go to school if you won’t listen to the educated?, Sao học trò phải đi học khi quý ngài không nghe lớp người có học?’.
Biểu ngữ của cô cậu đọc thiệt tếu. Một cô bé mấp mí tuổi biết yêu ở Melbourne đã làm nhiều nữ sinh tuổi ô mai cười nghiêng ngã với tấm bảng ‘The earth is hotter than my imaginary boyfriend’. Ai là bé đến tuổi mộng mơ mà chẳng mơ một chàng / nàng nóng bỏng. Thế mà trái đất bây giờ còn nóng hơn người trong mộng. Trong khi đó, một đám bà bầu xuống đường ngay trước bụng bầu viết hàng chữ ‘It’s getting hot in here, Ở đây đang nóng lên’. Ở Úc, không phải chỉ có con cái trong nhà bạn đọc Việt Luận để phòng ngủ mình dơ dáy, bề bộn. Chắc bẩm ‘dơ dáy’ là phòng của gần hết bọn ‘tiin’. Xin người lớn đừng sai bảo chúng dọn dẹp phòng ngủ khi trái đất vẫn còn ngổn ngang, Why should I clean my room if the world is the mess! Thật vậy, thế giới đã bị ngổn ngang rác rến, có Marie Kondo cũng không dủ sức dọn dẹp! Vì vậy bạn trẻ đòi mọi người (đọc là người lớn) phải ra tay: If we don’t act now not even Marie Kondo could tidy this mess up. Marie Kondo là một người Nhật Bản chuyên dạy người ta sắp đồ đạt trong nhà cho gọn gàng.
Dẫu tếu nhưng cô cậu đã chuyển những lời đanh thép. Cô cậu nhắc nhở người lớn ‘Future not Finance, Lo tương lai chớ có chỉ tính toán tiền bạc’. Nhìn vào lớp người xuống đường, phần lớn là người trẻ. Có cả con nít nữa. Ở Canberra, một đám con nít giương biểu ngữ đầy đe dọa ‘The kids are comming!!, Con nít đang tới, à nghe!!’. Perth nổi tiếng trời nóng. Nóng có thể làm chín quả trứng. Khi khí hậu thay đổi thì còn nóng hơn. Thế là học sinh Perth cầm biểu ngữ ‘Fight climate change or die friyng, Ngăn chận nạn khí hậu thay đổi hay phải chết như trứng rán’. Thật vậy, khí hậu thay đổi đang giết người: Xưa người ta chết vì già, nay bạn trẻ chết vì khí hậu thay đổi, You’ll die of old age, I’ll die of climate change.
Nhưng không thiếu biểu ngữ làm nức lòng người đọc. Sao người lớn vẫn ngồi yên khi đám trẻ thét: ‘Em muốn các ngài ra tay như thể nhà của các ngài đang cháy, I want you to act as your house is on fire’. Biểu ngữ này tương đương lời khuyên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trước hội nghị toàn cầu về khí hậu thay đổi ‘Xin các ngài đừng mang theo diễn văn hoa mỹ mà phải ra tay ngay lập tức’.
Cô cậu thiệt tâm lý khi chế lại những câu nói nghe quen tai bởi vì người ta thường chỉ đọc những chữ đã quen mắt. Nhại lời ông Donald Trump, một biểu ngữ ở Sydney ghi ‘Let’s make the EARTH great again, Nào ta làm cho TRÁI ĐẤT vĩ đại trở lại’. Phải làm cho trái đất vĩ đại trở lại vì không còn trái đất khác. Thay vì ‘plan B’ như người lớn thường nói, cô cậu nhắc nhở ‘There is no Planet B, không có trái đất phòng hờ đâu nghen’. Nghe nhạc Taylor Swift, ai chả từng ngâm nga ‘I promise that you’ll never find another like me’. Cô cậu chôm luôn lời ca ấy mà gán vào miệng của… trái đất. A ha! Chẳng bao giờ chúng ta tìm thấy một hành tinh nào giống như trái đất này đâu. Coi The Wiggles nhiều, cô cậu thấm vào đầu nên viết thành biểu ngữ ‘Do the Propeller’ với hình những chong chóng biến điện ở phía sau.
Ở Hobart, người xuống đường vẽ hình thủ tướng Scott Morrison như con khủng long Deny-o-Saurus Morrisson. Con Deny-o-Saurus này phì phò từ miệng ‘How good is Coal?’ Con khủng long chối bai bải khí hậu thay đổi làm Việt Luận nhớ lại ông Scott Morrison từng khen bà dân biểu gốc Trung Hoa (đang bị nạn) “How good is Gladys?’. Thủ tướng đương nhiệm không mạnh miệng chối bỏ khí hậu thay đổi như tiền nhiệm Tony Abbott nhưng xem chừng không đụng ngón tay trước chuyện mưa nắng thất thường. Vào lúc Liên Hiệp Quốc mở hội nghị về khí hậu thay đổi ở New York và thủ tướng Úc đang có mặt ở Mỹ — ông đã không buồn đến dự. Thế là, có biểu ngữ đặt câu hỏi ‘Where the bloody hell are you?, Ngài đang ở nơi cái con mẹ nào?’ Câu hỏi này nhại lại khẩu hiệu quảng cáo cho ngành du lịch Úc khi ông Scott Morrison còm làm ‘cục trưởng’ cái cục này. Khẩu hiệu lúc đó đặt vào miệng người mẫu Lara Bingle vừa bước đi trên bãi biển vừa hỏi ‘where the bloody hell are you?’.
Sau cùng, dân làm hãng bia ở Úc cũng xuống đường. Họ mang theo biểu ngữ ‘No Beer on a dead planet, không có bia ở trên hành tinh chết’.
Ở Úc, không có bia thì không gì buồn bằng.
Việt Luận