Từ khi làm Tổng thống đến nay, ông Donald Trump chỉ mở hai bữa quốc yến. Lần trước, khi đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng Tư 2018. Lần này vào cuối tuần qua khi đón Thủ tướng Úc Scott Morrison. Về phía Úc, từ khi Thủ tướng John Howard ‘người thép, man of steel’ dự quốc yến do Tổng thống George W. Bush quảng đãi vào năm 2006 chưa thủ tướng Úc nào hân hạnh như ông Scott Morrison.
Quốc yến lần này diễn ra tại Rose Garden bên cạnh Bạch Ốc với hơn 200 thực khách. Về phía Úc hiển nhiên hàng đầu là Thủ tướng Scott Morrison và phu nhân Jenny cùng với tai to mặt lớn trên thương trường, sân vận động, và chốn hàn lâm. Trong số này, người ta thấy có Kerry Stokes (Seven Network), Gina Rinehart (chủ hầm mỏ), Andrew Forrest (chủ hầm mỏ), Anthony Pratt (công ty thùng giấy), Lachlan Murdoch (News Co.), Greg Norman (đánh golf), Andy Thomas (phi hàng gia), Curtis Stone (đầu bếp), và Michelle Simmons (Người Úc Tiêu Biểu năm 2018). Nhưng có tin đồn Bạch Ốc lại lắc đầu khi ông Scott Morrison muốn đưa mực sư Brian Houston. người sáng lập Hillsong Church, nơi ông Scott Morrison thường đi lễ vào những Chủ Nhật.
Về phía chủ nhà, hiển nhiên là Tổng thống Donald Trump cùng với phu nhân Melania. Bên cạnh đó còn là những Rudy Giuliani (cựu Thị trưởng New York, đang làm luật sư riêng cho Tổng thống Mỹ), Henry Kissinger (cựu Ngoại trưởng) và nhiều nghị sỹ, dân biểu Cộng Hoà phe ta.
Trổ tài ‘tề gia’ lần này là đích thân đệ nhất phu nhân Melania. Biết vàng là ‘quốc sắc’ của Úc, phu nhân Melania đã cho chưng hơn 2,500 hoa hồng màu vàng xen lẫn với những đoá ‘Wattle’ rực rỡ. Không những thế FLOTUS (chữ viết tắt của First Lady of the United States và cũng là danh hiệu truyền tin của đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ) còn ra lệnh dán lại những tấm giấy trang trí trên tường, lột thảm cũ thay thảm mới và đổi luôn những rèm che cửa mới toanh.
Nhìn vào bàn tiệc, Cổ Nhuế thú thật mình… hoa mắt. Ly chén thì lóng lánh và đã từng được hai đời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama bỏ tiền ra mua. Bàn ăn bày biện như mê hồn trận. Nhuế này nghĩ bụng có được mời thì cũng không dám ngồi vào bàn đâu. Nghe đâu muốn ăn thì phải mặc áo đuôi tôm. Đào tiền đâu mà sắm thứ này! Khi ngồi vào bàn, trước mặt là chình ình cái dĩa mạ vàng. Trên dĩa là xấp giấy trông như cuốn cẩm nang “How to eat’ dành cho Dummies (cỡ Cổ Nhuế!). Sau dĩa là hai cái muỗng nĩa đặt xéo đầu lên nhau. Rồi bảng tên dựng dưới chưn ngọn đèn… Huê Kỳ. Ối cha sinh mẹ đẻ ơi! Lại thấy chiếc đèn Huê Kỳ như thủa Sài gòn cúp điện liên miên. Chắc nội tướng Melania đến từ xứ Cộng Sản nên có kinh nghiệm và lo xa đó thôi. Ở bên trái dĩa là hai cái nĩa. Bên phải, hai cái muỗng nằn hai bên con dao cùn. Chả biết thò tay lấy cái nào trước. Rồi tới ly thì ôi thôi! Hình như mỗi người được tới sáu cái ly. Ly sắp thành từng cụm bên phải và bên trái. Chả biết cụm nào là của mình? Ngộ nhỡ cầm nhầm ly của Kissinger thì khốn. Chả biết lấy ly nào để uống thứ gì? Nào là rượu trắng, rượu đỏ, rượu port và nước lạnh, nước ấm… Nhìn vào bàn tiệc này xong, chắc là bọn người mới giàu lên phải ghi tên đi học làm sang quá đa.
Nâng bi, bợ dĩa nhau
Khi nâng ly trong quốc yến, Thủ tướng Úc nói ‘To 100 years of mateship and to 100 more. To the people of these United States, to the President and his magnificent First Lady. And may God bless America. Đánh dấu trăm năm tình bạn và thêm trăm năm nữa. Mừng người dân tại Hiệp Chúng Quốc, mừng tổng thống và đệ nhất phu nhân. Xin Chúa chúc lành cho Mỹ quốc’. Hiển nhiên, khi tiệc tùng người ta tìm cách ‘nâng bi, bợ dĩa’ nhau – chữ của Chu Tử. Ông Scott Morrison không ra ngoại lệ khi chêm vào buổi tiệc so sánh Donald Trump với Tổng thống Teddy Roosevelt. Theo ông Scott Morrison cả hai xuất thân từ New York và xứng với nhau vì đều dám ra ngoài khuôn phép. Cả hai không chỉ dám nói mà còn dám làm nữa.
Trong khi đó, chủ nhà trích lời nữ ký giả Mary Gilmore (bà cô cố nội của ông Scott Morrison) khi nâng ly ‘very special people and a very, very special country. Chúc mừng người dân rất đặc biệt và đất nước rất đặc biệt’.
Được mời dự quốc yến là hân hạnh lớn. Được tổng thống mở quốc yến khi đến Mỹ quốc là tuyệt đỉnh của hân hạnh. Giáo sư chính trị học Zareh Ghazarian tại Đại học Monash (Vic., Úc) cho rằng: Dự quốc yến là cơ hội vô đối cho Thủ tướng Scott Morrison củng cố liên lạc với ông Donald Trump. Thật vậy, hai ông Trump và Morrison đã nhiều lần gặp nhau nhưng toàn là gặp trong hội nghị có quá nhiều tai to mặt lớn. Những lúc đó, có lẽ ông Scott Morrison cũng chỉ là một trong những ‘ngọn đèn’ trên thế giới mà thôi. Dự quốc yến là cơ hội hai ông Trump và Morrison thấy thế giới này chỉ có ‘đôi ta’ là đáng kể thôi. Thật vậy, như ký giả Andrew Probyn (đàn ABC Úc) đi theo ông Scott Morrison trong chuyến Mỹ du này, nhận xét: ‘Chắc là ông Donald Trump thấy mình lẻ loi nên cần có bạn. Donald Trump chọn Scott Morrison làm ‘bestie, bạn thân’ để khoả lấp những lúc bị hất hủi trong các hội nghị quốc tế’.
Úc được lợi nhờ thương chiến Mỹ-Trung Cộng
Trong chuyến đi kéo dài một tuần lễ này, Thủ tướng Úc đã lên chương trình bàn với Tổng thống Mỹ ít nhất bốn vấn đề lớn: Úc tham gia vào liên quân bảo vệ eo biển Hormuz, chiến tranh thương mại với Trung Cộng, hợp tác trong chương trình thám hiểm không gian và Úc xuất cảng đất hiếm sang Mỹ.
Trước khi dự quốc yến, hai ông Donald Trump và Scott Morrison đã gặp nhau. Trong đó, hai bên nói đến chiến tranh thương mại với Trung Cộng. Chiến tranh thương mại là chuyện ông Donald Trump thích nói tới và Thủ tướng Scott Morrison cũng muốn rõ trắng đen. Khi Thủ tướng Úc có mặt bên trong Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ đã nói ‘Trung Cộng là mối đe dọa cho thế giới’. Nói thế xong, ông Donald Trump chỉnh lại cho nhẹ tí tẹo ‘in a sense, theo một nghĩa nào đó’.
Ông Donald Trump lại không nói gì đến tai hại do cuộc chiến này gây ra cho Úc nhưng hứa… mai kia… mốt nọ ‘trade war’ này trở thành ‘trade deal’ thì cũng sẽ làm lợi cho Úc, à nghe. Ông Donald Trump thẳng thừng ‘Tôi thích những con số… tôi nhìn vào những con số và thấy Úc làm ăn khấm khá đó. Úc sẽ còn hưởng lợi to lớn hơn khi có thỏa thuận’.
Trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, đừng tưởng Úc hoàn toàn theo chân Mỹ. Mỹ vẫn là đồng minh lớn nhất; đồng thời Trung Cộng lại là bạn hàng xộp nhất của Úc. Úc phải đu giây giữa hai phe. Úc đi với Mỹ nhưng không ngưng ‘nị hảo’ với người mua quặng mỏ hào sảng. Những đòn tăng thuế quan tung ra từ Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đang phá nát hệ thống tự do mậu dịch toàn cầu. Dựa vào hệ thống này, kinh tế Úc đang lớn mạnh. Nhưng Úc chưa bị lạc đạn, có vẻ còn hưởng lợi là đàng khác.
Mới đây, Tổng trưởng kinh tế Josh Frydenberg hí hửng tuyên bố: ngân sách liên bang Úc đã ‘thăng bằng’ và sang năm ngân sách sẽ chuyển qua thặng dư. Đây là chuyện chưa từng xảy ra tại Úc từ 11 năm rồi. Một phần giúp cho ngân sách Liên bang Úc được thăng bằng là nhờ ơn ông Donald Trump. Ổng đánh thuế 25% khí đốt hoá lỏng xuất cảng sang Trung Cộng. Thế là công ty đa quốc gia khai mỏ khí đốt ở Úc thu về bộn tiền. Tiền nhiều để làm gì? Xin thưa: để đóng thuế.
Người ta lo rủi kinh tế Trung Cộng không phát triển mạnh như trước (hay là sụm bà chè luôn) thì ngành khai mỏ Úc cũng dẹp tiệm. Chuyện này có thể xảy ra. Nhưng trước mắt, kinh tế Trung Cộng có chậm lại nhưng cũng chậm lại là những chuyến tàu chở đầy nông sản từ Hoa Kỳ sang. Vì ít mua thực phẩm từ Hoa Kỳ, Trung Cộng đang làm quen với nông gia Úc. Những thứ như bông vải, trái cây, và đậu của Úc đang được Trung Cộng ngắm tới. Ngay đến dầu ăn, thịt bò và thịt heo Úc cũng được lên ‘menu’ Trung Cộng. Khi Hoa Kỳ làm khó khăn cho sinh viên Trung Cộng thì cô cậu sẽ đáp những chuyến tàu xuôi về Nam tìm tới đại học Úc để cầu học. Cái gì Trung Cộng không mua được từ Hoa Kỳ thì tìm đến cửa hàng ‘Made in Australia’. Thủ tướng Úc mong muốn thế giới sửa béng luật thương mại quốc tế cho phù hợp với một nước Trung Cộng đã phát triển mà cứ bị coi là đang phát triển.
Rõ ràng, ông Donald Trump nhìn vào những con số kể trên mà kết luận ‘Úc đang làm ăn khấm khá’. Trong những con số đó, chắc là ông Donald Trump khoái nhất con số cho thấy cán cân mậu dịch Mỹ-Úc đang thặng dư. Số thặng dư nghiêng về phía Mỹ. Huraah! Huraah vì dưới triều Donald Trump nước nào làm cho Hoa Kỳ bị thâm thủng mậu dịch thì coi chừng, à nghe. Coi chừng hạng nhất Trung Cộng. Ngay cả Việt Nam cũng đang cuống quuýt vì số thâm thủng mậu dịch với Mỹ ngày càng thu hẹp.
Cứng như thái kim
Không rõ, quân đội Mỹ sẽ dựa vào sức mạnh của Úc đến đâu mà tổng tư lệnh quân đội Mỹ lại gọi thủ tướng Scott Morrison là ‘Man of titanium, người cứng như thái kim’! Nhớ lại sau khi Úc gởi quân tham gia chiến dịch Bão Tố Sa Mạc đánh vào Iraq, bắt sống Tổng thống Saddam Hussein và xử tử thì Thủ tướng Úc John Howard đã được tổng thống Mỹ phong tước. Dù cho sau đó, người ta khui ra tình báo Mỹ đã lầm khi cho rằng Saddam Hussein có ‘vũ khí giết người hàng loạt’ cả Mỹ lẫn thủ tướng John Howard vẫn chầy cối. Chắc vì một mực đứng sau lưng tổng thống Mỹ, nên ông John Howard được phong tước ‘Man of steel, người cứng như sắt’.
Nay chiến dịch đánh vào Tehran (thủ đô Iran) chưa mở màn. Mỹ mới gom quân bảo vệ ‘quyền ‘tự do hàng hải’ qua eo biển Hozmuz và Úc chỉ đóng góp tượng trưng bằng một chiến hạm. Mới có thế mà tư lệnh quân đội Hoa Kỳ đã phong Thủ tướng Úc Scott Morrison cái tước còn ‘cứng’ hơn nguyên thủ tướng John Howard. Mai kia mốt nọ, rủi ro tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ra lệnh tấn công vào Tehran mà Úc không tham gia. Lúc đó chả biết tổng thống ‘không nể mặt ai’ Donald Trump có rút lại cái tước ‘cứng như bạch kim’ khỏi danh tính ông Scott Morrison không. Nào ta chờ xem.
Thiên hạ có cảm tưởng ông Scott Morrison đang phò một tổng thống sắp sửa lên đường đánh giặc. Dường như, Cổ Nhuế loạn bàn theo kiểu này thì đã lạc hướng mất tiêu rồi. Đúng ra, ông John Howard trở thành ‘cứng như sắt’ nhờ một lòng với Tổng thống Geroge W, Bush khi uýnh Saddam Hussein. Ngược lại, ông Scott Morrison ‘cứng như thái kim’ vì tự kiềm chế trước tình hình rắc rối từ Iran. Ở Washington vào cuối tuần qua, Thủ tướng Úc đã ca ngợi ông Donald Trump kiềm chế. Nghe thế, ông Donald Trump đã không kiềm chế được nữa mà đưa tay khoác vào vai Thủ tướng Úc!
Bay tới sao Hoả
Về thám hiểm không gian, Úc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với NASA trong chương trình đưa con người trở lại mặt trăng.
Được biết các đây 50 năm, Úc đã đóng vai trò rất quan trọng khi hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng. Theo dự trù, vào năm 2024, con người sẽ đặt chân trở lại Cung Quảng.
Ngoài ra, Úc còn hợp tác với Mỹ trong hai dự án có tên là Project Artemis và Lunar Gateway nhằm đưa con người lên tận sao Hoả rồi bay trở về. Góp vào chương trình, Úc sẽ chi ra $150 triệu Đô La. Ông Scott Morrison nói ‘hợp tác trong chương trình thám hiểm không gian này sẽ tạo ra khoảng 30, 000 việc làm tại Úc’.
Nào các bạn trẻ (đặc biệt con cháu bạn đọc Việt Luận), các bạn đã sẵn sàng bay tới sao Hoả chưa?
Tình trăm năm Mỹ-Úc
Trong tuần lễ ở Mỹ, ngoài hội kiến và quốc yến ở Washington, Thủ tướng Úc và phái đoàn còn đi Ohio. Ở đây tỷ phú Úc Anthony Pratt khai trương nhà máy đóng thùng giấy trị giá nửa tỷ Mỹ Kim. Đặc biệt, ông Donald Trump đã cùng đi với phái đoàn Úc và biến Thủ tướng Úc thành diễn viên phụ cho cuộc vận động tái cử ghế tổng thống.
Đánh dấu tình trăm năm Mỹ-Úc, Thủ tướng Scott Morrison đã mang qua Mỹ và tặng chủ nhà bức tượng Trung sĩ Úc Leslie ‘Bull’ Allen đang khiêng một quân nhân Mỹ bị thương trong Thế chiến thứ nhì ở Papua New Guinea. Được biết, trong trận Mount Tanbu ở New Guinea vào năm 1943, Trung sỹ Úc Leslie đã cứu 12 binh sỹ Mỹ bị thương bằng cách khiêng từng người trên vai.
Tình Mỹ-Úc bắt đầu ở chiến trường cách đây trăm năm và mở rộng qua nhiều lãnh vực khác. Thủ tướng Úc mong tình trăm năm này sẽ kéo dài thêm trăm năm nữa.
Cổ Nhuế