Bây giờ là đầu tháng 10 năm 2019. Tính ra là gần nửa thế kỷ từ ngày mất nước tháng Tư năm 75. Thời gian đã quá lâu rồi. Chuyện chính trường Hoa Kỳ còn đang nổi sóng. Nói đến chuyện tranh luận về cuộc chiến điêu linh ngày xưa xem chừng như “Cung đàn lạc điệu”. Nhưng rồi cũng phải nói thôi. Ông mục sư King là người da đen duy nhất có riêng một ngày tưởng niệm trong Quốc lễ Hoa Kỳ. Chính ông King đã nói câu danh ngôn rất lý thú. Đại khái ông nói rằng chúng ta phải trách nhiệm về những điều nói ra. Nhưng cũng trách nhiệm cả về những chuyện biết mà không nói. Vì vậy câu chuyện sau đây tôi phải nói. Số là anh em Mũ Đỏ vừa tổ chức họp mặt lần thứ 39 tại Nam CA. Đại úy Nhảy Dù Phan Nhật Nam không tham dự. Nhưng ông Nam lại viết thư giải bày điều đáng tiếc là đại hội có sự hiện diện vị tướng Mũ Đỏ duy nhất là ông Trần Quốc Lịch. Xem ra có vẻ làm tủi hổ vong linh các tử sĩ Nhảy Dù. Đặc biệt là các chiến hữu đã từng có mặt trong các đơn vị ông Lịch chỉ huy suốt 18 năm theo binh chủng Nhảy Dù. Lý do ông Nam cho biết vào những ngày sau cùng của tháng Tư Quốc Hận, ông Lịch còn đang bị tù chờ ra tòa án quân sự vì những trách nhiệm xấu khi làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh. Một cách văn vẻ, Đại úy Nam nói rằng có nhiều chiến binh trong Lữ đoàn 2 không còn sống để có mặt trong các Đại hội Mũ Đỏ hàng năm. Những người lính đã chết cho cấp chỉ huy lên tướng: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”. Ông Nam trích dẫn binh nghiệp của Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch và nhắc đến danh tính một vài tử sĩ. Đọc được tài liệu của ông Nam giải bày đăng trên báo, tôi cho là điều rất đáng tiếc. Chuyện của ông Lich bị tù quân kỷ còn có nhiều uẩn khúc mà không ai biết rõ. Mặt khác, trong chiến tranh, người lính nào cũng nghĩ đến các chiến hữu đã hy sinh. Không phải chỉ có riêng ai. Nhưng câu chuyện đáng tiếc còn tiếp theo. Ngay sau khi bài viết của Đại úy Nam phổ biến. Trên diễn đàn Mạng khắp nơi các bạn Mũ Đỏ lên tiếng bênh vực ông Lịch mắng mỏ trách cứ ông Nam với những lời lẽ nặng nề. Tôi có nói riêng đôi lời với ông Lịch và các bạn Mũ Đỏ. Nay thấy cần lên tiếng thêm để bày tỏ những tin tức ghi nhận được từ trước năm 1975. Như Mục sư King nói. Ta trách nhiệm về cả những điều không nói. Vì vậy xin nói như sau.
Chuyện Trần Quốc Lịch.
Anh Lịch cùng chúng tôi 300 thanh niên miền Bắc giã từ Hà Nội bay vào Sài Gòn tháng 3 năm 1954. Theo học khóa Cương Quyết số 2 tại trường Võ bị liên quân Đà Lạt. Đây là 2 đại đội của khóa Tư Phụ trừ bị Thủ Đức gửi lên học trường võ bị hiện dịch. Trần Quốc Lịch và tôi cùng một vài anh em hiện nay còn sống đều thuộc trung đội 21 đại đội 6 sinh viên sỹ quan. Tất cả đều cùng đợt tuổi 20 giã từ Hà Nội. Chúng tôi còn sống đến ngày nay đều trên 85 tuổi. Thời gian cuối năm 1974, trung tướng Đồng Văn Khuyên vào những buổi xế chiều từ văn phòng của ông trên nhà lầu bộ Tổng Tham Mưu thường ghé xuống văn phòng Patfinder của tôi để hỏi chuyện về quân viện Hoa Kỳ. Sau chuyện công vụ chúng tôi nói về khóa 1 Thủ Đức của ông Khuyên Nam Kỳ và khóa Cương Quyết Bắc Kỳ của anh em chúng tôi. Những chuyện tôi say sưa nhắc lại và tướng Khuyên cũng rất thú vị lắng nghe. Chuyện trung tá tiểu đoàn trưởng công binh Nghiêm Kế bị bắt tù binh trận Tân Cảnh giải ra Bắc. Sau hiệp định Paris trung tá Nguyễn Thế Nhã Nhảy Dù ra đón bạn cùng trung đội 21 được trả tù binh trên sông Thạch Hãn. Nhã đã nói rằng Kế ơi Kế, sao số phận mày lại khốn nạn thế này. Qua năm sau, Nguyễn thế Nhã tử trận khi làm trung đoàn trưởng của sư đoàn 1 bộ binh. Chúng tôi chôn cất đại tá Nhã ở nghĩa trang Sài Gòn. Nghiêm Kế khóc mà nói rằng: Nhã ơi Nhã, sao phần số mày lại khốn nạn thế này. Tôi lại kế tiếp cho ông tướng tham mưu trưởng liên quan rằng hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Khi tôi ra thăm các bạn cùng khóa đánh trận Quảng Trị có sự hiện diện của 3 đại tá chỉ huy 3 lữ đoàn cùng là anh em ra đi từ trại Ngọc Hà Hà Nội năm 1954. Đại tá Phạm văn Chung lữ đoàn trưởng TQLC giữ tuyến sông Thạnh Hãn. Đại tá Trần Quốc Lịch lữ đoàn trưởng nhảy dù và đại tá Ngô văn Định lữ đoàn trưởng TQLC thay nhau tấn công Cổ Thành. Trước đó lữ đoàn Mũ Đỏ của anh Lịch đã đánh trận long trời lở đất tiêu diệt cả sư đoàn địch ở phía Tây Quảng Trị. Nhưng lính dù cũng hy sinh hàng trăm người. Nhân vui câu chuyện tôi hỏi tướng Khuyên về trường hợp Trần Quốc Lịch đang bị giam tại Chí Hòa. Sau 18 năm nhảy dù từ trung đội trưởng lên đến đại tá Lữ Đoàn Trưởng với trên 30 huy chương và toàn thăng cấp mặt trận. Về Tư lệnh Sư đoàn 5 lên chuẩn tướng mà sao lại ra nông nỗi như vậy. Từ Sư đoàn 5 Lịch bi thuyên chuyển về làm Chánh Thanh Tra Quân Đoàn 4 tại Cần Thơ. Rồi lại bị thanh tra trung ương điều tra và giam giữ. Trong chỗ tình cảm, tướng Khuyên cho biết trong hoàn cảnh cha Thanh tố cáo mọi người tham nhũng từ ông Thiệu trở xuống, hồ sơ Trần Quốc Lịch là một trường hợp điển hình cần đưa ra làm gương. Đại tá Lịch nhận Sư đoàn 5 tháng 9 năm 1972 đến tháng 11 lên Chuẩn tướng nhiệm chức. Một năm sau tháng 11-1973 bàn giao cho ông Lê Nguyên Vỹ. Tài liệu an ninh cho biết tìm thấy gạo và thuốc tây trong mật khu xuất xứ liên quan đến Sư đoàn 5 thời kỳ anh Lịch trách nhiệm. Quân đội bèn phạt quân kỷ và lấy lại ngôi sao nhiệm chức của Chuẩn tướng Lịch. Tin đồn bán súng, bán xe và bán cả thiết giáp cho Việt Cộng là đồn láo. Đây là giai đoạn ông Thiệu không thể hy sinh các tướng Quang, tướng Toàn, tướng Nghi nên tạm nhốt các Chuẩn tướng Trần Quốc Lich, Lê văn Tư làm các con dê tế thần. Bên ngoài cả phía cha Thanh và Hoa Kỳ cùng tố cáo tham nhũng. Lại thêm vụ Quỹ Tiết kiệm Quân đội khiển phạt oan uổng biết bao đại tá tại Bộ Quốc Phòng vì tội tham nhũng nhưng sự thực là thanh toán chính trị. Tôi hỏi tướng Khuyên về tương lai ra sao. Ông nói chắc sẽ bị phạt quân kỷ và cho giải ngũ với cấp bậc đại tá. Cả đời nhảy dù gần 20 năm chinh chiến chắc chắn sẽ có sự giảm khinh. Đại tướng Viên cùng gốc Nhảy Dù nên vẫn có tình riêng với gia đình Mũ Đỏ. Đó là chuyện tôi biết về anh bạn cùng trung đội đã từng đeo một sao cho khóa Cương Quyết ra đi từ Hà Nội. Ngày đau thương 30 tháng tư 75 vị Lữ đoàn trưởng anh hùng Mũ Đỏ đánh giặc từ An Lộc mà đánh ra đến Quảng Trị để rồi từ khám Chí Hòa mà bước qua trại tù tập trung Cộng Sản trọn vẹn 14 năm dài. Gia đình Trần Quốc Lịch HO qua Mỹ năm 1991. Suốt 14 năm nín thở qua sông, sang đến nước Mỹ, Trần Quốc Lịch tiếp tục nín thở diện bích để làm thơ Đường Luật. Chiến hữu xa gần dù đồng khóa, đồng tù hay cùng đội Mũ Đỏ đều nói rằng chuyện cũ chẳng cần tìm hiểu giải bày, bạn chẳng nên phơi mặt ra chốn cộng đồng cho rắc rối. Tuy không phải người nhái nhưng bạn Lịch của tôi cũng lặn kỹ được 30 năm dài. Chỉ qua lại giữa chiến hữu. Nhưng rồi năm nay, Nhảy Dù hải ngoại họp lần thứ 39, ông già lữ đoàn trưởng nghe lời chiến hữu ra ngoài phơi nắng với anh em lính tráng và mấy ông tu bíp nhà binh. Ngờ đâu lại bị ông Phan Nhật Nam luộc nhẹ cho một bài vào lúc hoàng hôn cuộc đời. Rất tiếc.
Chuyện Phan Nhật Nam.
Chúng tôi không biết anh Nam trong đời thường nhưng biết rất nhiều qua văn nghệ. Khi Nam viết bài báo về Trần Quốc Lịch là nghĩ đến các chiến binh đã hy sinh trên đoạn đường lên lon của các tướng lãnh. Nam nghe nói đến những chuyện sai lầm tham nhũng của các cấp chỉ huy, các nhà lãnh đạo nên viết lời cay đắng. Tâm trạng đó rất trong sáng hay có đôi chút oán hờn cá nhân cũng là chuyện thường tình. Nhưng anh liền bị các chiến hữu phản đối mạnh mẽ và đến lượt chính anh bị tố cáo vì coi thường kỷ luật trong nhiệm vụ dưới màu áo lính. Quả thực với cá tính đặc biệt và với văn tài xuất sắc trong lãnh vực văn chương chiến sự anh em ta rất nên nghĩ lại. Quân đội và gia đình Mũ Đỏ đã có thừa các đại úy đại đội trưởng anh hùng và tôn trọng quân kỷ. Nhưng không có Phan Nhật Nam sẽ không có ai Dựa lưng nỗi chết, mang Dấu binh lửa, vượt Ải Trần Gian suốt Dọc Đường Số Một. Sẽ không có ai viết được bản cáo trạng lịch sử về Tù Binh và Hòa Bình. Sau cùng sẽ không có ai dựng được cả Mùa Hè Đỏ Lửa, tác phẩm đã tái bản 30 lần. Dù bị tống ra khỏi Nhảy Dù những cả VNCH không ai đem được Nhảy Dù ra khỏi thân xác Phan Nhật Nam. Trong vai trò của thành viên Ủy Hội Quốc Tế, người thanh niên gốc Huế đã ra thăm Hà Nội trong chiến tranh trên tàu bay Mỹ. Hai năm sau khi đất nước hòa bình anh đã bị cầm tù chạy qua Hà Nội trên xe tải Liên Sô. Là người tù binh cấp úy 14 năm lính nhưng cũng đã được Cộng Sản cầm tù đủ 14 năm với hai lần biệt giam tưởng chừng ở địa ngục ngay trong cõi trần gian. Cộng sản Bắc Việt trân trọng Lữ đoàn trưởng Nhảy dù Trần Quốc Lịch nên cầm chân người thanh niên Hà Nội 14 năm. Rất công bình Cộng sản cũng cầm chân Phan Nhật Nam đủ 14 năm. Chiến công hay tội ác của ông Lịch là trận liệt từ 4 vùng chiến thuật và Hạ Lào Cam Bốt. Chiến công hay tội ác của Phan Nhật Nam là những tác phẩm phóng sự chiến trường đã đưa tên bạn bè của anh, đã đưa những địa danh chiến trường đất nước vào các trang sách bất tử. Trở lại chuyện anh Lịch. Là sinh viên cũng trung đội 21, đại đội 6 của cái khóa Cương Quyết con nuôi của trường Đà Lạt, tôi xin chia buồn chuyện lẩm cẩm phiền phức từ ngày xưa. Tôi có gặp ông Khuyên trước khi ông ra đi. Vị tướng Nam Kỳ hết sức thanh liêm và tử tế. Tôi có khoe rằng cái khóa Bắc Kỳ của chúng mình luôn luôn sạch sẽ ngon lành. Ông hỏi khóa các anh còn được mấy người. Hay dở ra sao? Tôi nói rằng: Niên trưởng ơi. Giờ này còn nói gì xấu tốt. Còn thằng nào, chúng tôi chơi thằng đó.
Trở lại chuyện ông Nam.
Tôi chẳng hề quen biết ông, nhưng gặp Nguyễn Bá Trạc mỗi ngày ở San Jose nên rất quan tâm. Năm 1993 khi Nam ra tù ở Lái Thiêu cơ quan IRCC cử ông phó của tôi là Nguyễn Đức Lâm trong phái đoàn Quốc hội CA về Sài Gòn vận động tự do và đón tù “Cải Tạo” Nam còn nhớ không. Đức Lâm phỏng vấn trực tiếp thu thanh đem về cho tôi phát lại tại Hoa Kỳ. Mới đây lại đọc trên báo thấy viết rằng cậu luôn luôn có can xăng trên xe. Đã có nhiều lần định hỏa thiêu cho mùa hè Hoa Kỳ đổ lửa. Chúng tôi hơn các bạn 10 tuổi. Nên xin can. Ta không thể cưỡng mệnh trời. Giữa anh em. Xấu tốt không thành vấn đề. Còn thằng nào chơi thằng đó. Và xin nhớ cho rằng chiến hữu đã ra di. Dù là tướng lãnh hay chỉ là trung đội trưởng, chúng ta mãi mãi nhớ đến người đã chết. Bao nhiêu chiến binh hy sinh trên con đường Trần Quốc Lịch thăng cấp thì cũng có biết bao nhiêu bạn bè đã ra đi để Phan Nhật Nam hoàn thành các các phẩm trở thành tác giả. Còn thằng nào chơi thằng đó. Hãy sống đến giờ phút cuối cùng.
Giao Chỉ San Jose