Trong tháng 9 vừa qua, có 2 sự việc xảy ra ở Hà nội đáng để ý: “Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sanh của Cụ Thượng thơ Bùi Bằng Đoàn” và “Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai trường”. Nhưng rất tiếc Cỏ May tôi đã không kịp có vài lời thưa qua với bạn đọc vào lúc đó do một “sự cố” kỹ thuật của laptop mang theo đi Hòa Lan. Nay xin nhắc lại, nghĩ vẫn chưa phải là trễ lắm. Vả lại thể loại truyện này vốn là truyện dài nhiều hồi của đảng và Nhà nước ta ở Hà nội.
Theo thông tin chánh thức sáng ngày 16 tháng 9, tại Trung Tâm Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chánh phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sanh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 – 19/9/2019), có cả 1,000 đại biểu tham dự.
Theo Ban Tổ chức, Lễ kỷ niệm là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh một “lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước”. Việc tổ chức lễ kỷ niệm gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với Quốc hội Việt Nam… Trước đó, lễ dâng hương kỷ niệm 130 năm Ngày sanh cụ Bùi Bằng Đoàn được tổ chức vào lúc 7h ngày 15/9 tại Khu Lưu niệm Nhà thờ Thiệu Đức Đường, thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nơi Cụ sanh trưởng.
Ngoài phần nghi lễ truyền thống và chánh thức, còn có thêm chương trình văn nghệ ca múa và trình diễn một tiểu phẩm “Tận trung với nước” của Lê Thế Song và đạo diễn là NSND Trung Hiếu, do các nghệ sĩ Nhà hát kịch Hà Nội biểu diễn.
Một buổi lễ vô cùng trọng thể để ca ngợi và tưởng nhớ công đức một vị Quan Đại thần triều Nguyễn đã có “công lớn với Cách mạng Cộng sản”. Nhưng điều này có thật sự nói lên cách ứng xử của đảng và Nhà nước Hà Nội là uống nước nhớ nguồn, ăn ở có tình có nghĩa hay không? Hay nhằm mục tiêu nào khác trong lúc này?
Cộng sản chỉ có mục tiêu, không có ơn nghĩa
Đó là văn hóa Cộng sản. Thắc mắc với ơn nghĩa là thứ tình cảm ủy mị của giới tiêu tư sản. Chính những người trí thức Cộng sản hiện đang ở tại Việt nam cũng không nghĩ đảng Cộng sản và Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm sanh nhựt cho Cụ Thượng thơ là muốn bày tỏ đạo nghĩa, sự biết ơn đối với vị quan dưới thời thực dân cai trị mà can đảm tìm mọi cách để bên vực nhơn dân, luôn luôn đứng về phía nhơn dân.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Cộng sản vẫn thích những chuyện như mít tinh, tuyên truyền, kỷ niệm… và nay tổ chức lễ sanh nhựt Cụ Bùi Bằng Đoàn cũng chỉ là một kiểu tuyên truyền, chớ hoàn toàn không nhằm tranh thủ trí thức đâu.
Cùng lúc, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai – nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương nhận định “việc tổ chức kỷ niệm là chính quyền muốn quay về quá khứ để họ ru ngủ mọi người rằng lãnh đạo Chính phủ đã từng có việc kết nối được với giới thượng lưu, trí thức. Họ tưởng họ đưa những vấn đề như thế thì xã hội thấy là họ cũng đang có chủ trương tìm đến trí thức, đến những người yêu nước không phải Cộng sản. Đấy chỉ là dân túy, là mị dân thôi. Vấn đề hiện nay là họ có dám đối thoại với các trí thức trong và ngoài nước đang đau đáu về vấn đề sửa đổi cái chế độ này để nó bớt tham nhũng, bớt độc tài, bớt tàn ác với dân, hay không?”
Ông nói thêm rằng “ngay cả những nhân vật trong triều đình hoặc những nhân vật trí thức cao cấp một thời mà họ thuyết phục được thì sau này họ cũng loại trừ, cũng gạt bỏ mà thôi”.
Điều này được Nhà báo Ngô Nhật Đăng viết trên facebook cá nhân của ông hôm 17/9/2019 rằng, sau đại hội tháng 2/1951 của đảng CS, Hồ Chí Minh thông báo đổi tên thành đảng Lao động và phát động phong trào “Chỉnh huấn” gồm: chỉnh quân, chỉnh phong và chỉnh đảng. Mở màn cuộc đấu tố “chỉnh huấn trí thức”, phát súng đầu tiên là nhằm vào cụ Bùi Bằng Đoàn.
Tại Hội trường, Hồ Chí Minh mặc cái áo nâu, không thèm cài nút áo trên và nút dưới, phanh cả ngực và bụng, một cách thô bỉ, xấc láo.
Hồ nói:
– Một điểm nữa. Nghe nói các ngành, các cá nhân ôn lại, xét lại những việc mình đã làm trong hồi Pháp thuộc, thấy thằng Pháp xấu xa và làm nhục mình. Đặc biệt anh em thấy việc nó đối đãi, giáo dục mình là nhục nhã hơn. Nhưng thấy thế vẫn chưa triệt để. Thấy nhục là một bước, phải tiến lên bước nữa: THẤY TỘI CỦA MÌNH. Vì Pháp nhồi sọ, mua chuộc nên mình đã đối đãi với nhân dân như thế nào, điều ấy anh em chị em chưa nghĩ tới. Thấy mình nhục đã đành, còn phải thấy tội nữa. Xin lỗi cụ Bùi. Có tiếng cụ Bùi: “Không dám, xin cụ cứ nói”.
Hồ tiếp:
Ví dụ: Thời trước cụ làm thầy giáo thì không có gì là tham ô, lãng phí của nhân dân, vì dạy bao nhiêu giờ lĩnh bấy nhiêu tiền.
Nay xét lại:
Lúc đó dạy thì dạy gì, đào tạo người thì đào tạo cho ai? Vì “tôn sư trọng đạo”, cụ ở địa vị ông thầy, nên được lớp trí thức trọng cụ, dân cũng trọng cụ. Nhưng ông thầy lúc ấy nói gì? Nói chống Tây thì nó đá đít. Dù muốn hay không, cũng phải nói đế quốc, phong kiến là tốt. Như thế là có thể có tội với nhân dân rồi. Tôi nghe ở đây có đến 4 đời là học trò cụ, như thế là tứ đại nô lệ”.
Chỉnh huấn trí thức, nạn nhơn đầu tiên được Hồ chọn là Cụ Bùi Bằng Đoàn mà trước đó, ngày 17/11/1945, Hồ viết thư mời Cụ ra giúp cách mạng “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”.
Cũng như khi phát động Cải Cách Ruộng đất, Hồ chọn một người đóng góp cho Cộng sản người và của là Bà Nguyễn thị Năm để đấu tố “Địa chủ ác ghê” làm gương. Những người hết lòng với Cộng sản bị đấu tố mới thể hiện rõ tính giai cấp và tinh thần chuyên chính.
Vậy mà ngày nay, đảng và Nhà nước Cộng sản lại rùm beng tổ chức lễ kỷ niệm sanh nhựt thứ 130 cho Cụ Bùi Bằng Đoàn.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”; “Bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân”.
Thế mà hiện nay, khi trí thức đứng về phía nhân dân thì chẳng những không được chánh quyền trọng dụng mà còn bị lên án chống đảng, chống nhơn dân. Cả nhơn dân khi nói tiếng nói thật lòng vế quyền lợi của họ, về bảo vệ đất nước cũng bị đảng và nhà nước khủng bố, trù dập, tù đày vì cho họ thuộc thế lực thù địch.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận xét rằng cho đến bây giờ, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn “điếc” không muốn nghe bất cứ góp ý nào để thay đổi chế độ, vì chế độ này cho họ cái quyền “cướp bóc” của dân, nhất là với chính sách đất đai sai lầm. Ông nói thêm: “Hiện nay họ đang có cái chủ thuyết sai lầm và họ muốn kiên trì với nó. Cái chủ thuyết đó lâu nay đã cho họ cướp bóc dân. Nếu họ vẫn khư khư giữ cái chế độ có khả năng cướp bóc nhân dân như thế, thì làm sao họ có thể có tình cảm và ý chí để đối thoại tử tế với những con người vì dân vì nước thật sự được!” (Theo rfa)
Trở lại trường hợp Cụ Bùi Bằng Đoàn. Thử nhận xét lời của Chủ tịch Quốc Hội Kim Ngân về Cụ có đúng với Cụ như thế không?
Đúng là “bất luận trong hoàn cảnh nào, Cụ cũng luôn luôn đứng về phía nhơn dân, hết lòng bảo vệ người dân” bởi Cụ là người ái quốc thật sự. Nhưng chắc chắn là Cụ không bao giờ có thể “đến với sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Đảng”. Điều này là sự thật.
Theo Lê Tùng Sơn, trong Hồi ký, đầu năm 1944, trong Ban Hành chánh của Đồng Minh Hội ở Liễu Châu, gồm có Lê Tùng Sơn, Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh, thì cuối 1945, Cụ Bùi Bằng Đoàn có đề nghị Cựu Hoàng Bảo Đại hãy lập một Tổ chức Quốc gia chống lại Hồ Chí Minh. Cựu Hoàng do dự, thời cuộc diễn biến nhanh, cuối cùng Cụu Hoàng đi Tàu và kẹt luôn ở bên đó cho tới 1948.
Cụ Bùi Bằng Đoàn, sau đó, bị HCM bắt buộc theo Việt Minh, đi kháng chiến. Bùi Tín (con của Bùi Bằng Đoàn) cũng xác nhận chuyện này.
Sau một thời gian, Cụ Bùi Bằng Đoàn giả bệnh, giả điên, xin dinh tê về với Quốc Gia. Hồ Chí Minh buộc lòng phải chấp nhận. Khi Cụ Bùi Bằng Đoàn về đến nhà cũ, thì bà vợ lớn bị Việt Minh giết chết!
Còn hủ tro?
Lễ kỷ niệm sanh nhựt lần thứ 130 của Cụ Bùi Bằng Đoàn diễn ra trong Hội trường khá lớn có cả ngàn người tham dự, với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bang hội dân chúng Hà Nội. Chỉ không thấy nói tới và cũng không thấy có mặt là con dâu, cháu nội và cháu cố của Cụ Thượng thơ, tức bà Bùi Tín, con gái và cháu ngoại của ông bà! Vì liên hệ trực tiếp với Bùi Tín, người mà ngày nay đảng vẫn còn lên án là kẻ phản bội nhơn dân. Phải nói Bùi Tín là kẻ phản đảng mới đúng vì ông đã xé bỏ thẻ đảng từ lâu, đã vứt vào thùng rác 9 huân và qui chương của chế độ trao thưởng.
Ngày nay, đảng Cộng Sản làm lễ kỷ niệm rình rang cho Cụ Bùi Bằng Đoàn nhưng trước đây, họ đã tìm nhiều cách để trả thù Bùi Tín rất đê tiện. Họ cô lập bà Bùi Tín. Mỗi khi bạn bè tới thăm bà ra về, liền bị công an điều tra, bắt làm tờ kiểm thảo. Để rồi không còn ai dám tới lui nữa.
Con gái của ông làm bác sĩ nhãn khoa ở bệnh viện bị hạ công tác, cho đứng bán mắt kiến. Ông phải nhờ bạn bè ngoại quốc can thiệp, sau đó, con gái của ông mới được phục hồi địa vị cũ.
Tang lễ của ông Bùi Tín rất chu đáo, ấm cúng, do bạn bè tổ chức, lo liệu. Người tham dự có hơn trăm người. Theo nghi thức hỏa táng.
Người con gái của ông không được mang hủ tro của ông về Hà Nội thờ. Xin Tòa Đại sứ Hà Nội ở Paris giấy nhập cảnh hủ tro, họ trả lời phải đợi lệnh trên. Và cho tới ngày nay, lệnh trên vẫn chưa có. Hủ tro vẫn còn cất giữ ở Bảo tháp chùa Khánh Anh. Bên ngoài không có tên và hình Bùi Tín nên cũng không lo có ngày công an VC lén tới đánh cắp để trả thù.
Ngày nay, Cộng Sản Hà Nội làm lễ sanh nhựt Cụ Bùi Bằng Đoàn rất long trọng mà vẫn ngăn cấm con cháu của Cụ tới, báo chí của Đảng nhơn dịp này, vẫn lớn tiếng chửi bới Bùi Tín, làm cho nhiều người nhớ lại cái chết của nhà cách mạng ái quốc Nguyễn An Ninh năm 1943 ở Côn Đảo. Lúc đó, ông Ninh bị bịnh kiết nặng. Ở ngoài gởi thuốc vào cho ông, Cộng sản trong tù giựt lấy, giữ lại không cho ông uống để ép ông gia nhập Cộng sản. Ông vẫn từ chối. Khi ông chết, Cộng sản dành làm đám ma cũng khá rùm beng, như để thương tiếc một nhà ái quốc. Xong, họ lập cho ông một tấm mộ bia ghi ông là đảng viên Cộng sản!
Để gọi cho rõ, cho đúng bản chất của Cộng sản trong 2 trường hợp này là gì? Không biết có từ ngữ nào đúng hơn là “Đểu”?
Nguyễn thị Cỏ May