Trong tuần qua, ba nơi tại Úc đưa ra ba bộ luật liên quan đến cuộc sống thiết thân của từng người chúng ta.
Ở NSW, hội đồng lập pháp thông qua dự luật phá thai.
Ở Lãnh Thổ Thủ Đô (ACT), người ta được phép hút cần sa mà cảnh sát không bắt bỏ bót.
Ở Tây Úc, ai muốn chết thì cứ chết.
Như vậy, ở Úc người ta muốn làm gì thì làm sao?
***
Nào ta bắt đầu với luật liên quan tới mầm sống trong bụng mẹ.
Phá hay không phá: đây là chuyện lớn vì không những đụng tới mạng sống của một con người đang thành hình trong bụng mẹ là còn ảnh hưởng tới thanh danh, tiền tài, tình duyên và cuộc đời của bà mẹ (và cả gia đình và dòng tộc). Khi tranh luận về luật phá thai, người ta chia làm hai phe chính: pro-life, lo cho mạng sống của thai nhi; và pro-choice, ủng hộ quyền lựa chọn của bà mẹ. Cả hai phe đều đưa ra lập luận rất đanh thép. Tiếc rằng lập luận của hai bên đều vượt khỏi phạm vi của luật pháp.
Luật ‘phá thai’ ở Úc không bắt bà mẹ phải phá như ở Trung Cộng dưới thời chính sách một con. Luật ở Úc cũng không cho phép chọn chỉ sinh con trai hay con gái, chọn màu tóc đen vàng hay mũi dọc dừa cho đứa con sắp chào đời như trào lưu ở một xã hội nào đó.
Luật vừa được thông qua tại hội đồng lập pháp NSW chỉ đưa chuyện phá thai ra khỏi bộ luật hình sự của tiểu bang. Một trong những mục đích của luật pháp là bảo vệ quyền cho người dân. Trước đây, luật truy tố người phá thai là để bảo vệ quyền sống của thai nhi. Nay không truy tố nữa là để bảo vệ quyền lựa chọn của người mang thai và tránh cho việc này gây hại cho sức khoẻ của người phá. Đàng nào, luật cũng nhằm bảo vệ người dân. Ở NSW, trong năm ngày tranh luận, hội đồng lập pháp đã xét tới 102 đề nghị tu chính. Các đề nghị này đều nhắm tới giữ cho người ta khỏi lạm dụng luật phá thai mà sa vào tội hình sự khác.
Luật vừa được ban hành dành cho người mang thai nhiều trách nhiệm hơn. Bà mẹ có thể không bị lôi ra ba toà quan lớn nhưng không tránh được toà lương tâm của chính mình. Gạch bỏ phá thai ra khỏi luật hình sự nhưng khó xoá được nhưng xì xầm dị nghị của xã hội về chuyện này. Bên châu Phi có thành ngữ ‘It takes a village to raise a child, Cần cả làng mới nuôi nỗi một đứa trẻ’. Áp dụng vào luật phá thai mới nhất ở NSW (và đã có ở tiểu bang hay lãnh thổ khác), Việt Luận xin thưa với bàn dân thiên hạ: từng người sống trong xã hội có phần trách nhiệm khi bà mẹ quyết định phá hay không phá.
Khi mầm sống thoát được cửa ải ‘cho phá thai’, đến tuổi biết phì phà thì tìm đến thủ đô liên bang Canberra, ACT. Ở đây cho xài cần sa rồi đó. Nhưng không phải chính phủ cho xài thả dàn đến độ có tiệm bày bán thứ này như ở Colorado, Mỹ. Muốn hút cần sa ở Lãnh Thổ Thủ Đô thì cứ hút, miễn là đủ 18 tuổi và trong người chỉ được mang theo 50 gr và ở nhà chỉ được trồng sẵn hai cây ‘cỏ’ này. Nếu trong nhà có nhiều người ở thì được trồng tối đa 4 cây cần sa, rồi chia nhau thăng vào cõi sương khói. Mà không phải chỉ ở ACT, hút cần sa là hợp pháp ở Bắc Úc và Nam Úc cũng vậy. Nhưng mỗi nơi có những giới hạn riêng. Ai định bụng phì phà thứ này, xin hỏi luật sư, cảnh sát vào mở bộ hình luật địa phương trước. Luật mỗi nơi định những tiêu chuẩn riêng. Bạn đọc đừng than phiền sao luật lệ rắc rối quá, vì Úc là liên bang nên tiểu bang (lãnh thổ) có những tiêu chuẩn riêng. Đến nơi đâu thì theo tiêu chuẩn đó, bởi lẽ làm người không những chỉ cúi đầu làm như luật định mà còn biết thích ứng vào luật của từng nơi. Hơn nữa, làm người không những chỉ là làm đúng như luật định mà còn cư xử thích hợp với nhân tính, nhân cách, nhân đức. Nói khác, làm người không những sống đúng luật mà còn sống ra ‘cái giống người’ như chữ của Tản Đà.
Sau cùng, Tây Úc vừa ra luật ai muốn chết thì được chết. Luật này giống như ở Victoria. Luật ở Victoria đã có hiệu lực từ ngày 19.6 vừa qua. Nhưng không phải ai muốn cũng được vì Vicroria đòi phải đủ 68 điều kiện mới được chết. Một lần nữa, luật pháp tìm cách giữ trật tự trong xã hội, bảo vệ người già nua, bệnh tật nhưng mở cửa nhị tì cho ai đó không còn thiết sống vì quá đau đớn hay không còn thuốc chữa nữa.
Cả ba luật phá thai, hút cần sa và được chết kể trên không phải là luật buộc người dân phải thi hành (law of obligation) mà chỉ là luật quy định trách nhiệm (law of duty). Chúng tương tự như ở Úc đã có nơi ‘cho’ làm điếm, mở sóng bài công khai. Điều này không có nghĩa là người dân ở nơi đó đều ‘làm điếm’ hay ‘đánh bạc’. Luật ở những nơi đó chỉ không còn coi là phạm tội khi mua bán dâm hay chơi trò đỏ đen. Còn chơi hay không chơi thì dành cho trách nhiệm của từng người.
Việt Luận