Trung Cộng lên 70 tuổi

Thứ Ba 1.10.2019 vừa qua đánh dấu Trung Cộng lên 70 tuổi. 70 tuổi là hiếm hoi (cổ lai hy, như một lời thơ của Đỗ Phủ) nên Trung Cộng ăn mừng lớn chưa từng thấy.

Trung Cộng đã rầm rộ ăn mừng với cuộc diễn binh (Hà Nội gọi là diễu binh) lớn chưa từng thấy. Trên khán đài chễm chệ cái ông một mông ngồi đủ ba ghế tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Hoa, chủ tịch nước và chủ tịch hội đồng tướng lãnh trung ương. Ba ghế đó được kể theo thứ tự lớn nhỏ. Vì ở bển lớn nhất là đảng Cộng Sản. Đảng lớn hơn nước. Thật vậy, lễ kỷ niệm 70 năm đã bắt đầu với những chiếc trực thăng rước ba lá cờ tung bay trên trời. Đi đầu cờ đảng Cộng Sản. Rồi đến cờ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và cờ của quân đội nhân dân. Vì thế cần sửa lại cho chính danh, thứ Ba 1.10 là lễ của đảng Cộng Sản Trung Hoa 70 năm cướp được chính quyền.

Những năm kháng Nhật

Đảng Cộng Sản Trung Hoa nhem nhúm từ năm 1920 ở Thượng Hải với Chen Duxiu (陳獨秀, Trần Độc Tú) làm thủ lãnh. Chính ông này cũng là bí thư đầu tiên của đảng. Lúc đầu, Cộng Sản và Quốc Dân đảng Trung Hoa cùng có chân trong Đồng Minh Hội để đánh đổ nhà Thanh (Qing). Nhà Thanh đã sụp đổ sau cách mạng Tân Hợi năm 1911. Năm đó Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen) của Quốc Dân đảng trở thành tổng thống lâm thời và nước Cộng Hòa Trung Hoa ra đời. Nhưng Cộng Sản không phục nên rút ra khỏi thành phố mà dựa vào lớp bần nông ở nông thôn để cướp chính quyền.

Năm 1931 khi Nhật Bản đổ quân vào Trung Hoa, chiếm Mãn Châu và lập ra Mãn Châu Quốc. Nhật giao Mãn Châu Quốc cho vua Phổ Nghi (nhà Thanh) và dần dần lấn chiếm nước Trung Hoa. Ngày 7.7.1937, quân Nhật đánh vào Lư Cầu Kiều (Lugouqiao Bridge) mở đầu cho tám năm Trung Hoa nếm mùi nô lệ ngoại bang. Nhật Bản đã chiếm từ Bắc Kinh, Thượng Hải cho tới Nam Kinh. Trong thời gian này, hai đảng Cộng Sản và Quốc Dân đã hợp tác để đánh đuổi quân Nhật. Cộng Sản mở ra nhiều trận đánh Nhật ở vùng nông thôn sâu bên trong nội địa Trung Hoa; còn Quốc Dân đảng nhắm vào quân Nhật ở phía Bắc. Sau khi Nhật Hoàng đầu hàng vào tháng Tám, 1945, Trung Hoa mới thoát khỏi đô hộ nhưng lại rơi vào nội chiến giữa đảng Cộng Sản và đảng Quốc Dân.

Thật ra, suốt 22 năm (từ năm 1927 cho đến 1949) đảng Cộng Sản và Quốc Dân đảng luôn luôn tranh giành quyền cai trị. Tháng Giêng năm 1949, quân Mao bao vây thành quách Bắc Kinh do quân Tưởng kiểm soát. Sau 40 ngày, quân Tưởng yếu thế và đầu hàng. Tưởng Giới Thạch lui binh về đảo Đài Loan chờ ngày quang phục.

 

Nước Trung Hoa mới ra đời

Ở phía bên kia eo biển Đài Loan, vào ngày 1.10.1949 Mao Trạch Đông đứng tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, tuyên bố dời đô từ Nam Kinh về nơi đây và cho ra đời nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Mao gọi đây là nước ‘Trung Hoa mới’. Nhưng phương Tây không công nhận quyền cai trị của đảng Cộng Sản tại lục địa. Mãi cho tới năm 1971, Bắc Kinh mới đặt chân vào tổ chức Liên Hiệp Quốc. Và đồng minh được coi là một trong năm nước thắng thế chiến thứ nhì – Đài loan – bị đuổi.

Qua 70 năm, người dân sống trong đất nước rộng 9 triệu rưỡi cây số vuông đã phải chịu nhiều thí nghiệm. Những năm đầu, Cộng Sản nói nhiều đến một nước Trung Hoa mới (Tân Trung Hoa). Nước Trung Hoa mới cắt đứt với lịch sử ngàn năm đã có từ thủa Tam Hoàng Ngũ Đế (thế kỷ 21 trước Công nguyên). Khi lên một tuổi, nước Trung Hoa mới coi trời bằng vung gởi chí nguyện quân qua Bắc Hàn làm nghĩa vụ quốc tế. Rủi thay! Hơn 100 ngàn chí nguyện quân ấy bỏ thây ở xứ người mà tham vọng tràn xuống phía Nam bán đảo Triều Tiên của Mao không thành. Khi thiếu hai năm để đánh dấu sinh nhật 10 tuổi, Trung Cộng lại điên đảo với chiến dịch chống hữu khuynh. Năm sau, Mao đẩy cả nước vào Bước Nhảy vọt Vĩ đại. Bước Nhảy vọt kéo dài bốn năm từ năm 1958 đến năm 1962 không giúp cho kinh tế Trung Cộng tiến được một bước ngắn ngoài việc ‘chia đều nghèo đói cho toàn dân’ và giết chết ít nhất 30 triệu người vì không có gì nhét vào miệng.

Mồ mả của người dân vừa xanh cỏ, Cộng Sản lại đẩy người sống sót vào cuộc Cách mạng Văn hóa. Đợt cách mạng này kéo dài 10 năm: từ năm 1966 đến 1976. Mao nói đại cách mạng văn hóa xoá sạch tàn dư ‘phong kiến’ nhưng thật ra đại cách mạng này lập ra một thứ phong kiến mới. Đó là người có thẻ đảng. Hiện nay 90 triệu người có thẻ đảng nắm quyền sinh sát 1 tỷ 400 triệu người dân.

Trung Cộng vẫn còn đói, còn khát và còn bị thế giới hất hủi nếu năm 1972 tổng thống Richard Nixon không đặt chân lên Bắc Kinh ăn dim-sim và vịt Bắc Kinh với Chu Ân Lai. Sau bữa tiệc này, tư bản ồ ạt đổ tiền vào Trung Cộng tưởng là bóc lột sức lao động của tỷ dân đói meo. Nào ngờ vào năm 1977 Đặng Tiêu Bình không ke ‘mèo trắng mèo đen’ mở tung cửa cho nông dân có quyền làm chủ đất, công nhân đổ xô sắp hàng xin việc ở của công ty ngoại quốc và ngàn nhà máy địa phương sản xuất ra tỷ tỷ hàng nhái. Bằng ba con đường trên, từ một nước Trung Hoa mới (dưới quyền sinh sát của Mao) chỉ với 650 triệu miệng ăn mà không đủ thực phẩm, nay tiến lên một nước Trung Hoa ‘ mới hơn’ với 1 tỷ 400 triệu dân mà ai ai muốn ăn gì cũng có. Đó là lời Li Deshui, một cán bộ trong bộ kế hoạch của Trung Cộng.

Thật ra, Trung Cộng ngày nay chỉ giúp chừng hơn phân nửa dân số (khoảng 750 triệu) giảm đói xoá nghèo. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng thu nhập ở Trung Cộng cách biệt ghê hồn giữa người nghèo và giai cấp trung lưu. Nghèo chỉ được $996 Mỹ Kim mỗi năm. Trung lưu được đến $12,055 Mỹ Kim – nghĩa là gấp 12 lần. Được gọi là trung lưu ở Trung Cộng ngày nay chỉ có 400 triệu người. Dư lại 1 tỷ vẫn còn nghèo.

Đến năm 1985, lần đầu tiên Trung Cộng bán hàng qua Mỹ nhiều hơn mua hàng của Mỹ. Và đây là cái cớ cho tổng thống Mỹ mở ra chiến tranh mậu dịch với Trung Cộng như hiện nay.

 

Diễn binh lớn chưa từng thấy

Từ tháng Sáu năm nay, đảng Cộng Sản ráo riết chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm cướp chính quyền. Thủ đô Bắc Kinh được quét sạch rác rến. Ngay đến rác trên mạng xã hội Weibo lề phải cũng phải dọn dẹp. Chỉ một chút hơi hướng nói xấu đảng, nhà nước là bị bôi xoá. Ngay đến một cái ‘post’ trên Weibo của chủ bút cái loa Hoàn cầu Thời báo (của nhà nước) cũng bị xoá.

Trong tuần lễ trước ngày lễ, bác tài ở Bắc Kinh không được đổ xăng. Ai ở trong những cao ốc gần Thiên An Môn đều bị công an gởi giấy ra chỉ thị: không được đứng gần cửa sổ và phải kéo rèm che cửa cho kín mít. Công an Bắc Kinh siết nhiều biện pháp cho lễ sinh nhật 70 của Cộng Sản Trung Hoa. Thủ đô Bắc Kinh coi như ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’. Ngay cả người đang ở bên trong cũng không được thả diều, chơi khí cầu, bay con drone hay chim bồ câu. Ai dùng walkie-talkie hay máy chuyển tin qua làn sóng ngắn đều bị bắt.

Đánh dấu 70 cướp chính quyền, Cộng Sản cho treo cờ đỏ chi chít ở Bắc Kinh, đặc biệt tại Thiên An Môn. Dưới bầu trời xám xịt vì không khí ô nhiễm, cái ông một mông ngồi ba ghế cao nhất Trung Cộng (và ngồi cho đến chết) Tập Cận Bình đã duyệt binh. Tập Cận Bình mặc áo kiểu Mao đứng trên xe mui trần dán nhãn Cờ Đỏ do Trung Cộng chế, duyệt hàng binh đông đến 15 ngàn cùng với đủ thứ vũ khí dữ dắn nhất. Trong đó, Trung Cộng kéo lê trên đường 580 thứ súng ống. Còn trên bầu trời xám xịt của Bắc Kinh là 160 chiến đấu cơ xé tan màn khói. Trong số vũ khí diễn hành, có hỏa tiễn Dongfeng-41 (Đông Phong-41) mang 10 đầu đạn và dư sức bắn tới đất Mỹ, những chiếc tăng đời mới, những con drone khổng lồ. Ấy là chưa kể chiến đấu cơ DF-17 được nói là thoát khỏi mạng lưới radar của thế giới.

Quan sát cuộc duyệt binh diễn ra vào thứ Ba vừa qua, giáo sư Peter Robertson, thuộc đại học Western Australia nhận xét: khả năng quân sự của Trung Cộng mạnh hơn người ta tưởng và đuổi gần sát Hoa Kỳ hơn người ta tưởng.

Sau diễn binh ‘không nhắm đe dọa nước nào – như lời Tập Cận Bình, chiều tối là màn cá múa vĩ đại tạii Thiên An Môn. Gần 10 ngàn diễn viên tung tăng ở nơi xe tăng đã cán chết sinh viên biểu tình vào năm 1989.

 

Một đất nước xài hàng giả

Nhìn vào hình ảnh ngày lễ vào thứ Ba vừa qua tại Bắc Kinh, người ta không thấy ai là người dân. Chỉ toàn ông lớn, cán bộ, lính tráng và… những con robot nhịp nhàng theo tiếng kèn tiếng trống. Ngay đến những ai còn được coi là người (lính) thì gần như tất cả cao bằng nhau, cân nặng cùng một ký lô bởi vì ở xứ Cộng Sản cao quá hay lùn quá đều là cái tội.

Loa tuyên truyền Cộng Sản nói có đến 100 ngàn người tham dự diễn binh và gala văn nghệ. Tất cả đều biểu diễn mà không có ai thưởng thức. Ngay đến lãnh tụ các nước trên thế giới cũng không ai được mời. Trung Cộng cho báo chí thế giới chụp hình, quay phim nhưng phải thi hành nhiệm vụ trong khuôn khổ. Trong ngày lễ này, phóng viên đài ABC của Úc có mặt tại đại lộ Trường An, Bắc Kinh nhưng không được phép dùng máy chụp hình hay quay phim.

Đánh dấu 70 năm cai trị nước Trung Hoa, đảng Cộng Sản không thể huyênh hoang chủ nghĩa Cộng Sản đã thành công ở đất nước thánh hiền này. Những gì Cộng Sản giáo điều (1949-1978) đã làm cho con cháu Khổng Mạnh chỉ là thiếu ăn, chết đói, thù hằn và thanh trừng nhau. Một lục địa Trung Hoa vĩ đại dưới tay Mao chỉ là ‘một tên bệnh hoạn ở châu Á’ (a sick man of Asia) mà thôi.

Mãi đến khi Trung Cộng – dù vẫn treo cờ búa liềm – nhưng trong thực tế đã bỏ chủ nghĩa Cộng Sản vào sọt rác để học đòi thói tư bản phương Tây, thì tỷ dân ở đó mới có miếng ăn. Càng học đòi tư bản phương Tây thì dân Trung Hoa càng được hưởng thụ.

Ngày nay, Trung Cộng trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới (trị giá $12 ngàn tỷ Mỹ Kim) nhưng không thể huyênh hoang chính chủ nghĩa chết tiệt Cộng Sản cũng giúp cho dân chúng có miếng ăn. Miếng ăn của 1 tỷ 400 triệu dân Trung Cộng hôm nay – nếu có – đến từ sức lao động của người dân đành chịu cho phương Tây bóc lột; đến từ những tháo gỡ thoát khỏi lý thuyết không tưởng của ông Marx cha căng kiết chú nào đó; và đến từ thủ đoạn ăn cắp sáng chế của phương Tây. Với ‘ba dòng thác’ ấy, nước Trung Hoa mới đã thành nền kinh tế chỉ thua đầu sỏ tư bản Hoa Kỳ; và tiếp tục mơ tự lột xác thành ‘nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh’ vào năm 2050. Với họ Tập: ‘There is no force that can shake the foundation of this great nation. No force can stop the Chinese people and the Chinese nation forging ahead, Không thế lực nào có thể làm nền móng đất nước vĩ đại này rung rinh. Không thế lực nào có thể ngăn chận nhân dân và nước Trung Hoa tiến lên.’

Nhưng giấc mơ này đang rạn nứt vì tranh chấp mậu dịch với Hoa Kỳ. Một ngày trước sinh nhật thứ 70 của Trung Cộng, Tổng thống Donald Trump hót lên mạng Twitter ‘Happy Birthday China!’ và đá giò lái ‘We are winning, and we will win, chúng tao đang thắng, và chúng tao sẽ thắng’. Chúc vậy thì thà đừng chúc thì hơn.

Cho dù đến năm 2050 Trung Cộng đạt được giấc mơ hoa ấy, không rõ người dân trong xứ thiên đường ấy có muốn suốt đời mình và đời con cháu bị giam cầm trong chiếc lồng mạ vàng không? Hay là ai có chút tiền thì lũ lượt tìm sang xứ tư bản ‘giãy chết’ để thà sống khổ ở xứ người hơn tiêu xài hàng giả bên trong nước mình.

Thật vậy, trải qua 70 năm dưới quyền cai trị của đảng Cộng Sản, hơn hai thế hệ phải qua những năm sống nhờ tem phiếu, thanh trừng để sống còn, trốn tránh Cách mạng Văn hoá, rồi ồ ạt làm hàng giả mạo. Người ta nó: từng năm một, người Trung Hoa phải đối diện với một nước Trung hoa mới. Điều hôm nay tưởng là đúng, ngày mai có thể bị kết án là ‘hữu khuynh’. Điều hôm qua loa phường nhai nhải nhét vào đầu người dân, ngày mai không ai dám nói như vậy nữa vì bị coi là… phản động. Nhà nước thì treo cờ đỏ nhưng chạy theo tư bản. Người dân thì chẳng còn dám nói lên cõi lòng mình; cứ răm rắp để có cái gì nhét vào mồm. Và cứ thế, cả tỷ người dân đành giả dối để sống.

 Cổ Nhuế

Related posts