Thấy lẻ loi

Nghe hai chữ ‘lẻ loi’ có thể bạn đọc nghĩ ngay đến một cụ già vò võ ngồi bên cửa sổ. Cụ nhìn ra dòng đời ‘ngựa xe như nước, áo quần như nêm’. Nhìn nam thanh nữ tú tung tăng mà chẳng ai màng đến cụ. Thật lẻ loi!

Thật ra, người ta không cần đợi về già mới thấy lẻ loi. Mới đây trường đại học Swinburne, tại Melbourne, hỏi thăm 1,520 bạn trẻ từ 12 đến 25 tuổi sinh sống tại tiểu bang Victoria về chuyện có khi nào các bạn ấy thấy mình lẻ loi không. Kết quả: cứ bốn bạn trẻ thì có một thấy mình lẻ loi ít nhất ba ngày mỗi tuần. Trong số bạn trẻ này, lớp người từ 18 đến 25 tuổi lẻ loi nhiều hơn. Cứ ba bạn trẻ thì có một thấy mình lẻ loi ít nhất ba ngày mỗi tuần.

Vậy là đâu có phải bạn già mới lẻ loi. Bạn trẻ cũng thế. Người ta lẻ loi nhiều nhất khi có chuyện trong đời mình. Chuyện vui cũng bị lẻ loi như khi được việc làm mới hay lần đầu được làm cha mẹ. Chuyện không vui cũng bị lẻ loi như khi bệnh hoạn, mất người thân hay chia tay người yêu… Bạn trẻ là thế. Còn bạn già thì lẻ loi khi mặt trời nhú lên. Lẻ loi khi trời đứng bóng. Rồi lẻ loi khi đêm tịch mịch.

Lẻ loi là khi mình thấy cần đến người khác mà không được. Khi vui, cần thêm nụ cười chung vui từ người khác. Lúc buồn, cần một bờ vai để tựa đầu thủ thỉ. Cả hai lúc vui buồn ấy mà không có nụ cười hay bờ vai thì chúng ta thấy lẻ loi.

Có lẽ về lẻ loi thì người ta nói đã nhiều; nhưng làm sao tránh được và rủi rơi vào lẻ loi thì có cách gì thoát ra thì ít người nói. Thiệt tình, khó tìm ra thuốc chữa lẻ loi cũng như không cách nào chế được thuốc chữa triệu triệu chuyện buồn trên thế giới. Trước chuyện buồn người ở bên ngoài nói thì hay lắm; nhưng ai sa vào thì ai ai cũng lẩn bẩn lần bần. Lẻ loi cũng vậy. Dầu sao chúng ta thử tìm nguyên do. Hình như một trong những nguyên do làm cho chúng ta — người trẻ cũng như người lớn tuổi – thấy lẻ loi là mình có ý nghĩ không tốt với người khác. Mình thấy người ta vui cười tung tăng mà tưởng họ không thèm để ý gì đến mình. Mình nghĩ chẳng ai bao giờ tìm tới nắm tay, cất lời chào hay mỉm cười với mình. Nghĩ vậy nên lẻ loi. Ngay cả khi có người đưa tay mở miệng đón ta vào cuộc vui với nhân gian, ta cũng lắc đầu nghi ngại.

Bên cạnh ý nghĩ không tốt ném cho người khác, người lẻ loi còn gậm nhấm ý nghĩ rất tiêu cực về chính mình. Trong đầu cứ vò vò những ý nghĩ ‘tôi xấu, tôi già, tôi vụng về, tôi đang bị hất hủi…’ Thế là xa cách một người sẽ dẫn đến xa cách nhiều người. Bỏ lỡ một nhịp chân nhún nhảy trong một cuộc vui sẽ dẫn đến mãi mãi tách khỏi cuộc vui của nhân gian.

Khi nào đầu ta bớt nghĩ tiêu cực về mình và về người khác thì bớt lẻ loi. Những ý nghĩ tiêu cực làm cho chúng ta ngại ngùng. Vì thế nếu trong đầu chưa xoá bớt ý nghĩ tiêu cực về mình và về người khác thì cho dù ngồi giữa bàn tiệc tưng bừng, nhún nhảy theo điệu nhạc xập xình hay đắm mình thâu đêm suốt sáng ở chốn ‘nhất dạ đế vương’, người ta vẫn thấy lẻ loi.

Lẻ loi trước hết là bệnh ở trong đầu mình. Lẻ loi còn là một trong những nét đặc thù trong xã hội tân tiến. Ở bên Anh có một bộ trưởng được chỉ định lo cho người lẻ loi (Minister for Loneliness). Ở Úc, năm ngoái, chính phủ giao cho bộ trưởng bộ chăm sóc người già (Minister for Aged Care) tìm cách giúp người Úc bớt lẻ loi. Úc đã chi ra $41.1 triệu Đô La để bắt đầu chương trình ‘người trong cộng đồng thăm viếng nhau, Community Visitors Scheme’. Theo đó, chính phủ trả tiền cho các tổ chức cộng đồng tuyển mộ nhân viên thiện nguyện tìm cách gần gủi và kết thân với người lẻ loi. Chắc chắn đang có nhiều người thiện nguyện nói tiếng Việt, hiểu cách sống của người Việt đang tham gia vào chương trình ‘người trong cộng đồng thăm viếng nhau’. Sao ta không mở cửa nhà cho họ vào. Khi mở cửa nhà, người lẻ loi cần thêm mở cửa lòng mình nữa. Nếu không, nhà rộn tiếng người mà lòng của mình vẫn cô quạnh.

Thông thường, con người lẻ loi khi thấy mình không thuộc về nhóm người nào cả. Gia đình, họ hàng thân thuộc và bạn bè là ba nhóm tự nhiên chúng ta thấy mình thuộc về. Rủi bị thiếu mất thì còn láng giềng, hội hè, đoàn thể. Người Việt ở Úc đang có rất nhiều tổ chức để chúng ta thuộc về. Các tổ chức này đón từ trẻ em, thanh niên cho đến cụ già. Lứa tuổi nào cũng có đoàn thể để từng người thuộc về. Mới đây, Úc còn thí nghiệm đưa người trẻ sống gần với người già với hy vọng hai thế hệ chan hoà kinh nghiệm, kiến thức và sức sống cho nhau.

Tất cả những cố gắng kể trên chỉ đạt hiệu quả khi từng người trong xã hội mở rộng tấm lòng: bớt nghĩ tiêu cực về người khác và đẩy lùi những ý nghĩ ‘tôi xấu, tôi già, tôi vụng về, tôi đang bị hất hủi…’ ra khỏi đầu mình.

Việt Luận

Related posts