Một dân tộc bị lợi dụng

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích nặng nề vì đột ngột rút quân khỏi miền Bắc Syria, bỏ mặc lực lượng đồng minh người Kurd, cả những chính trị gia Cộng Hòa vốn đứng về phe Trump cũng lên tiếng chỉ trích.

Biện minh cho quyết định của mình, ông Trump cho rằng việc duy trì lực lượng Mỹ tại bắc Syria quá tốn kém. Tuy nhiên trên thực tế chiến phí cho lực lượng Mỹ tại đây chỉ chiếm 0.5% tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ, không đáng là bao. Kể cả nếu chiến phí tại đây quá cao, hành vi của ông Trump có thể xem như là một sự phản bội trắng trợn.

Nhưng đây không phải là lần đâu tiên người Kurd bị phản bội. Lần này họ bị phản bội sau cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, những lần trước họ cũng bị phản bội như vậy, như trong cuộc chiến chống lại Saddam Hussein.

Người Kurd và cuộc chiến chống IS

Năm năm trước, ngày 11.9.2014, đứng ngày kỷ niệm 11.9, giữa lúc các đơn vị biệt kích SAS của Úc chuẩn bị tiến vào lãnh thổ Iraq để tiến hành công tác huấn luyện các đơn vị người Kurk, nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc diễn văn trước toàn dân Mỹ và thế giới, vạch rõ một chiến lược toàn diện để làm suy yếu và rồi tiêu diệt (IS). Lúc đó ông Obama khẳng định sẽ tiêu diệt tận gốc IS trong một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thông qua một cuộc chiến hoàn toàn khác cuộc chiến đã xảy ra tại Iraq, Afghanistan.

Trong chiến lược đó, liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo sẽ tận diệt IS bằng chiến lược bốn gọng kềm:

  1. Tiến hành những chiến dịch không kích có lớp lang và hệ thống nhắm vào quân khủng bố, bất kể chúng ở đâu.
  2. Tăng cường hỗ trợ thiết bị, huấn luyện và thông tin tình báo cho những lực lượng đang đối kháng với IS.
  3. Ngăn cản khả năng tấn công của IS thông qua việc tấn công vào hệ thống kinh tài, chống lại ý thức hệ và ngăn chặn không cho các chiến binh đổ vào vùng Trung Đông và không cho các chiến binh từ Trung Đông thâm nhập ra bên ngòai.
  4. Tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho công chúng tại các vùng chiến sự.

Trong bốn gọng kèm trên đáng chú ý nhất là gọng kèm số hai: “các lực lượng đang đối kháng với IS” mà các chuyên viên của SAS Úc đảm nhận vai trò huấn luyện, hướng dẫn.

Để tiêu diệt IS một cách hiệu quả thì phải sử dụng đối thủ đáng gờm nhất của nó. Hiện tại, lực lượng đáng sợ nhất của IS là các tổ chức của người Kurd, trong đó đáng chú ý nhất là PKK, tên viết tắt của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd.

Lúc đó lực lượng PKK đã liên thủ với lực luợng dân quân Peshmerga và tỏ ra hữu hiệu trong việc ngăn chặn đài tiếng của IS tại miền Bắc Iraq trong thời gian qua. PKK đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải cứu dân tị nạn người Yazidi, bị IS bao vây tại núi Sinjar, Nineveh, phía tây Iraq. Họ bảo đảm an ninh cho lối thoát từ núi Sinjar đến Syria. Hàng nghìn người đã đến nơi an toàn và trở về vùng Kurdistan của Iraq. Binh lính PKK cũng được tăng phái đến Kirkuk, phía bắc Iraq, để hỗ trợ lực lượng tự vệ Kurd.

Vấn đề ở đây là PKK bị Mỹ và cả Úc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

PKK

PKK là tên tắt củalà “Partiya Karkerên Kurdistan”, có nghĩa là “Đảng Công nhân người Kurd”, ra đời từ năm 1978 với ý thức hệ kết hợp của chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa dân tộc Kurd, theo đuổi mục tiêu dân tộc, thành lập một quốc gia của mình từ một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq, trong đó phần chính là vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1984 PKK tiến hành chiến tranh vũ trang nhắm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với đa số chiến binh là người Kurd sống tại vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và bị chính phủ Thổ đặt ngoài vòng pháp luật.

Bị đánh bật ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, PKK lui về cố thủ tại vùng rừng núi phía bắc Iraq và dùng đó làm căn cứ chống lại quân đội Thổ. Cuộc chiến giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng vũ trang PKK kéo dài từ năm 1984 đến đã khiến gần 31,000 người kể cả hai phía thiệt mạng.

Chiến thuật sở trường của PKK cũng là chiến thuật của al-Qaeda với cách đánh bom tự sát, đánh bom bằng xe hơi tấn công vào các mục tiêu dân sự và các địa diểm du lịch. PKK cũng tiến hành các họat động bắt cóc du khách Tây phương mà vụ gần nhất là tháng Sáu khi một du khách Anh bị bắt nhưng sau đó được trả tự do.

Để có tiền họat động, PKK tiến hành các họat động buôn bán ma túy, tống tiến, buôn người, rửa tiền, mãi dâm và kể cả kêu gọi hay cưỡng bức cộng đồng Kurd lưu vong đóng góp.

Chính vị vậy nên PKK bị Liên hiệp quốc, NATO, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu xem là một tổ chức khủng bố. Tên gọi ‘PKK’ thường được sử dụng thay thế lẫn nhau cho tên của cánh vũ trang, Lực lượng Vũ trang Nhân dân (HPG), tên cũ là Quân đội Giải phóng Quốc gia (ARGK).

Từ năm 2012, PKK đàm phán với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt cuộc xung đột và ngày 23.3.2013, PKK chính thức tuyên bố ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhà lãnh đạo PKK đang bị tù giam ra lệnh dừng chiến dịch đòi quyền độc lập.

Từ lâu, PKK và Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) đã tranh giành quyền lãnh đạo cộng đồng người Kurd ở Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Tuy nhiên trước mối đe dọa khẩn bách IS, hai tổ chức này cùng bắt tay để chống lại kẻ thù.

Lịch sử của người Kurd

Tộc Kurd là một giống người Ấn-Âu ngụ trên vùng núi Taurus và Zagros chạy dọc biên giới của Armenia, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ.

Hiện tại người Kurd có khoảng từ 25 triệu – 35 triệu sống phân tán tại các vùng núi ở 4 quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ (13 triệu -19 triệu người), Iran (6 triệu – 8 triệu người), Iraq (4 triệu – 5 triệu người) và (Syria 1 triệu – 1,5 triệu người). Ngoài ra, một số cộng đồng người Kurd sống tại Azerbaijan, Armenia, Lebanon và các quốc gia châu Âu.

Vì thuộc nhóm dân cư đông, khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa với những quốc gia mình cư ngụ, người Kurd đã trở thành mối lo ở cả 4 quốc gia này. Chỉ tính tại Thổ Nhĩ Kỳ: cho tới năm 2002 nước này vẫn còn cấm người Kurd sử dụng ngôn ngữ của họ, không đề cập đến tên gọi của ngôn ngữ này trên văn bản chính thức và ghi “tiếng miền núi” thay vì “tiếng Kurd”.

Lịch sử của người Kurd bắt đầu từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, theo Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism) nhưng đến thế kỷ thứ 12 thì bị người Hồi giáo xâm lăng và cưỡng bức cải đạo, với 3/4 theo Hồi giáo Sunni. Ngôn ngữ Kurd không giống với ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả Rập nhưng lại giống với ngôn ngữ Ba Tư và Armenia.

Người Kurd đã từng có một quốc gia của mình cho đến khi bị đế quốc Ba Tư (Iran) và đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) xâu xé. Đến năm 1514 thì vùng này thuộc về đế quốc Ottoman (cốt lõi là Thổ Nhĩ Kỳ), là một đơn vị hành chính dành cho người Kurd. Kể từ đó cho đến khi Đệ nhất thế chiến bùng nổ, đa số sắc dân Kurd sống ở tỉnh Kurdistan trong lãnh thổ của Đế quốc Ottoman.

Ottoman là đồng minh của Ðức và bị bại trận trong Đệ nhất thế chiến. Theo kế họach do Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đưa ra và Anh tán thành, Hiệp định Sèvres 1920 công nhận một quốc gia Kurdistan độc lập. Tuy nhiên do Thủ tướng Anh Lloyd George đã khờ dại phó thác việc thi hành Hiệp ước cho Hy Lạp để khi Hy Lạp gây hấn với Thổ trong hai năm, rồi đại bại trước thiên tài quân sự Mustapha Kemal, do đó trong Hiệp định Lausanne năm 1923 phe Đồng Minh phải chấp nhận nhiều điều khoản của Thổ, trong đó có việc không xây dựng quốc gia Kurd.

Một số vùng đất khác của người Kurd nằm dưới sự ủy trị của Anh và Pháp rồi sau nhiều biến cố đã bị sáp nhập vào Iraq và Syria theo một số hiệp ước. Sự phân chia này liên quan đến sự phân chia tài nguyên và chi phối dầu hỏa giữa các cường lực thuộc địa khác biệt và để đền ơn các lãnh đạo Ả Rập thân đồng minh hơn là cho các sự phân phối tộc dân.

Sau Đệ nhị thế chiến, với sự hậu thuẫn của Liên Xô, người Kurd ở Iran tuyên bố độc lập nhưng nhanh chóng bị quân đội Iran dập tắt.

Vùng lên và bị lợi dụng

Cũng từ đó đến nay người Kurd đã luôn theo đuổi mục tiêu độc lập hoặc tự trị nhưng không nhận được sự ủng hộ của bất cứ chính phủ địa phương nào. Họ chỉ có thể lợi dụng tình hình rối ren của “nước chủ nhà” để vùng lên với sự hỗ trợ mang tính chất lạm dụng của bên ngòai.

Lần đầu là cuộc chiến Iran- Iraq từ 1980 đến 1988.

Năm 1980 Saddam Hussein ra lệnh tấn công Iran và do bận mãi đánh nhau với Iran, Hussein không thể kiểm soát vùng biên giới của mình. Người Kurd bèn lợi dụng cơ hội này và với sự viện trợ vũ khí của Iram, đã nổi dậy đẩy Iraq phải vào thế nhượng bộ, ký hiệp ước đình chiến với Kurd. Tuy nhiên sự nổi dậy lan sang cả lãnh thổ của Thổ và chính phủ Thổ phải gây áp lực buộc Iraq phải kiểm sóat người Kurd, bằng không sẽ khóa ống dầu, là đường ống mà Iraq đặt trên lãnh thổ Thổ để xuất cảng dầu.

Năm 1986-87, Thổ áp dụng hiệp định 1978, theo đó với Iraq cho phép Thổ vượt biên giới truy kích quân du kích Kurd, nhưng các cuộc oanh kích không có hiệu quả và đó là một lý do khiến trận chiến Iran-Iraq kéo dài và tốn kém cho Iraq đến $500 tỉ.

Khi cuộc chiến Iran – Iraq gần kết thúc, Hussein ra lệnh thả bom hơi ngạt ở tỉnh Halabja do người Kurd và Iran chiếm khiến 5,000 người chết. Sau chiến tranh, Saddam còn hành hình hàng ngàn người Kurd, san bằng 4,000 làng Kurd.

Trong cuộc chiến Iraq lần thứ nhất vào năm 1991, người Kurd ở miền Bắc Iraq lại vùng lên thế nhưng sau đó bị Saddam Hussein đàn áp dữ dội. Việc này khiến sau đó Mỹ phải thiết lập vùng cấm bay ở cả phía bắc và phía nam Iraq.

Mãi cho đến cuộc chiến Iraq lần thứ hai vào năm 2003, người Kurd đã lợi dụng khỏang trống quyền lực trong cảnh xáo trộn của Iraq sau khi chế độ Hussein sụp đổ để xây dựng chính quyền tự trị của mình cho đến nay.

Nhưng rồi thì nổi lên mối đe dọa IS và đó lại là một cơ hội khác của người Kurd.

Nếu Thủ lĩnh tinh thần của IS là giáo sĩ người Iraq Abu Bakr al-Baghdadi thì hai phó thủ lĩnh trực tiếp điều hành là Abu Ali al-Anbari và Abu Muslim al-Turkmani, vốn là hai sĩ quan cao cấp trong chính quyền Saddam Hussein. Điều này ngụ ý rằng cả hai đã thuộc về một chế độ tàn sát thậm tệ người Kurd và dưới màu cờ IS, họ sẽ còn đàn áp dữ dội hơn.

Để sinh tồn, người Kurd phải chống lại IS bằng bất cứ giá nào và do đó trở thành con cờ qúy giá trong chiến lược diệt IS của Mỹ.

Dùng khủng bố chống khủng bố?

Ban đầu phiến quân IS đã thắng với thế chẻ tre nhưng chiếm thành đã khó, giữ thành còn khó hơn.

Bất ngờ, linh hoạt và tàn nhẫn với đối thủ là những gì mà lực lượng IS đã làm để chiếm cứ phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq nhưng để giữ vững nó không phải là dễ. Càng không dễ khi phải đối phó với một đối thủ cũng bất ngờ, linh hoạt và gan lì không kém là lực lượng PKK của người Kurd.

Những lực lượng như thế này sẽ đáng gờm hơn với vũ khí, phương tiện và thông tin tình báo do Mỹ cung cấp.

Lúc đó IS đã từ thế chủ động tấn công chuyển sang thế bị động phòng ngự. Lý do là tổ chức này đã chuyển mình từ một nhóm vũ trang chuyên phá họai và khủng bố sang một hệ thống chính quyền với các các dịch vụ căn bản như cung cấp khí đốt và thực phẩm cho các công dân của mình.

Trong khi đó, về lý tưởng chiến đấu, người Kurd nói chung và PKK nói riêng có lý do cụ thể hơn, thiết thực hơn là lý tưởng về “nhà nước Hồi giáo” của IS. Vì mặt này, tình hình ngày càng trở nên bất lợi cho giới chỉ huy IS về mặt tâm lý.

Lý do là chiến binh IS lại bị ám ảnh về cuộc đời vĩnh hẵng của mình trên thiên đường.

Cả chính phủ Iraq cũng đã vận dụng để đánh vào tâm lý chiến binh IS càng ngày càng có nhiều nữ binh sĩ được chính phủ Iraq tung ra mặt trận và việc này đã gieo rắc nỗi sợ hãi lên các chiến binh Hồi giáo IS. Những kẻ cuồng đạo này không muốn chết dưới bàn tay phụ nữ,

Các lực lượng người Kurd từ lâu đã khét tiếng từ lâu với các đội du kích nữ của mình.Khi IS trỗi dậy thì nữ giới người Kurd càng tham gia chiến đấu đông đảo hơn: không những chiến đấu để đòi quyền tự trị, họ còn chiến đấu để bảo vệ phẩm giá của phụ nữ trước IS, tổ chức áp dụng luật Hồi giáo một cách khắc nghiệt và phụ nữ không thể nào ngóc đầu lên nổi.

Trong việc này thì PKK của người Kurd là đáng sợ nhất vì có nhiều tay súng nữ.

Điều mà các chính phủ Tây phương lo lắng là nếu muốn chặn đứng IS không thể không bắt tay và viện trợ cho PKK, tổ chức mà từ lâu mình đã liệt vào danh sách khủng bố.

Ông Obama lúc đó cũng lâm vào tình thế của hai cha con Tổng thống Bush trong hai cuộc chiến Iraq cách nhau trên 10 năm: khi đương đầu với thế lực thù địch tại Iraq thì phải tấn công từ hai gọng kìm. Ở phía Nam thì đã có các đồng minh truyền thống là Kuwait, Saudi Arabia, ở phía bắc thì có Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đồng minh đỏng đảnh này hay vòi vĩnh. Chỉ có sắc dân Kurd thiện chiến ở giữa là sẵn lòng, chỉ cần viện trợ và vũ trang. Bây giờ thì, con rắn IS đã xuôi bại nhưng chưa chắc đã bị đánh dập đầu, còn người Kurd đã bị phản bội một cách phũ phàng.

Ông Trump đã phủ tay với người Kurd như thể vứt bỏ một cái vỏ lon sau khi giải quyết được cơn khát nước.

Số phận của người Kurd hôm nay là bài học cảnh tỉnh cho những người Việt “cuồng Trump”, thấy những trò diễn kịch ồn ào của ông Trump mà mừng thầm cho một lãnh tụ chống Trung Cộng toàn cầu.

Nhưng bài học lớn hơn là giành cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ thập niên 1960 nó đã đưa đất nước vào qũy đạo “chiến tranh cách mạng” theo kiểu Mao Trạch Động, tạo một cuộc chiến chỉ làm đất nước suy yếu. Rồi từ thập niên 1990, họ lại đưa đất nước vào con đường phụ thuộc, tin tưởng và thứ tình hữu nghị của gã láng giềng chực nuối chửng mình, muốn như Đế quốc Ottoman đã nuốt chửng đất nước của người Kurd cách đây mấy trăm năm!

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts