Pháp lệnh HCM 67 và nguồn gốc mất nước ngày nay

Một phiên Tòa án nhân dân tại Hà Nội năm 1960 xét xử “bọn gián điệp, phản cách mạng phá hoại hiện hành: Nguyễn Hũu Đang và Thụy An”, …

Phiên Tòa này nổi tiếng vì những người bị xử là những nhà báo và văn nghệ sĩ, trí thức. Riêng nữ sĩ Thụy An, trong tù, để phản kháng bản án 15 năm tù, đưa tay tự móc bỏ một con mắt, vì bà chỉ cần một con cũng đủ nhìn thấy cái đảng Cộng sản của Hồ Chí Minh, đã làm cho đảng Cộng sản hoảng sợ, vẫn không dám nhắc tới chuyện nhà văn Thụy An.

Nhà báo Nguyễn Hũu Đang, chủ nhiệm Nhân Văn và Giai Phẩm, bị 15 năm tù, 5 năm quản chế, nhưng mãi tới năm 1992 ông mới được trở về Hà Nội. Khi ra tù, ông ở nhờ trong một cái mái lá bên hông một trường học trong làng quê. Để sống, ông đi lượm bao thuốc lá đem đổi với trẻ con lấy cóc, nhái, rắng rít, ăn. Ông đào một cái hố ngay bên ngoài để phòng khi sắp chết, lăn ra đó nằm yên nghĩ. Ông là người hưởng ứng cách mạng nhiệt tình, được Hồ Chí Minh ủy nhiệm đứng ra tổ chức lễ đài cho ngày tuyên bố Việt Nam Độc lập 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội.

Ngày nay, sau 59 năm, ở Việt Nam vẫn có những phiên Tòa án, cũng nhân dân, cũng tuyên bố những bản án với tội danh tương tợ. Bà Nga bị Tòa án Hà Nam phạt 9 năm tù ở và 5 năm quản chế vì tội “xuyên tạc đường lối chính sách của đảng và Nhà nước, tuyên truyền những luận điệu phản động, nhằm mục đích chống Nhà nước XHCN” trên facebook, youtube, trả lời các đài phát thanh ngoại quốc, …

Cùng tội danh “phản động, chống Nhà nước XHCN, …”, nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An, bị công an bắt, nhốt, đưa ra Tòa xét xử, nhưng phiên Tòa dời lại. Thật tình thì ông Tĩnh chỉ dạy học trò âm nhạc của ông hát bài hát rất bình thường “Trả lại cho dân” trong đó có những lời như “Trả lại đây cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người, quyền được nhìn được nghe, được nói ». Mà những quyền này đã từng được Hồ Chí Minh khẳng định “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (hcm toàn tập 2010).

Những tội danh như “phản động, chống Tổ quốc, chống Nhà nước nhân dân, …” nay vẫn không thay đổi vì do pháp lệnh căn bản của Hồ Chí Minh năm 67 qui định, tuy ngày nay, những phiên Tòa có thay đổi về hình thức cho dễ coi hơn, ra vẻ văn minh hơn nhưng thực chất, vẫn gồm toàn đảng viên Cộng sản, bản án vẫn tiền chế. Vì đó là chơn lý XHCN nên không bao giờ thay đổi!

Từ Pháp lệnh Hồ Chí Minh 67 tới Hình luật ngày nay

Hồ Chí Minh ban hành Pháp lệnh vì chế độ không có Luật. Chế độ đảng trị. Phạm văn Đồng, có lần trả lời tại sao không có trường Luật “Có trường Luật, dạy Luật và học Luật, thì làm sao cai trị cho được?”. Ông nói rất đúng và rất rõ cho thấy ông là người có học và có hiểu biết. Hiểu biết bản chất của chế độ. Sau 75, ở Sài gòn, có người đề nghị cho mở lại trường Luật, Lê Duẩn phản đối “Ta có chế độ “phê” và “tự phê” không phải hơn luật của bọn tư sản hay sao?”. Đúng là câu trả lời của tên du đảng, dốt, chỉ biết cầm mã tấu.

Việt Nam ngày nay đã có luật vì phải quan hệ với thế giới văn minh nhưng vẫn giữ chế độ Pháp quyền vì Pháp quyền là thứ vũ khí, là sức mạnh cho phép nhà cầm quyền khủng bố dân chúng một cách chánh thức, một cách công khai. Hơn nữa, Pháp quyền chỉ nhằm bảo vệ đảng Cộng sản cầm quyền, không nhằm bênh vực quyền lợi của người dân. Nó khác với chế độ Pháp trị là chế độ cai trị bằng luật pháp. Nhà nước không được đứng trên luật pháp vì trong chế độ Pháp trị, Công lý pháp lý với Công lý lý tưởng là một!.

“Pháp lệnh” của Hồ Chí Minh từ 1967 di hại cho tới ngày nay vì nội dung được chuyển qua qua những Điều luật 78, 79, 88 của Bộ Hình hiện hành được nhà cầm quyền XHCN ở Việt Nam dùng xử phạt những thanh niên yêu nước, lương thiện, chống Tàu xâm lược Việt Nam, cướp đất, cướp biển Việt Nam, những người đòi Dân chủ, Nhơn quyền như đòi đảng cộng sản tôn trọng các quyền tự do căn bản, …

.

.

Bản Pháp lệnh HCM 67 đó đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua, và do Trường Chinh ký ngày 30/10/1967 trước khi trình lên chủ tịch nước. Hồ Chí Minh ký và ban hành ngày 10/11/1967 để áp dụng “Trừng trị các tội phản cách mạng”.

Ngày nay, Pháp lệnh của Hồ Chí Minh không còn hiệu lực, bởi nó đã được thay thề bằng các điều luật của Bộ luật Hình sự Việt Nam, do Nông Đức Mạnh ký và ban hành năm 1999 đang có hiệu lực.

Giờ đây, ta thử đem so sánh vài điều của Pháp lệnh Hồ Chí Minh 67 với các Điều luật của Bộ Hình luật Nông Đức Mạnh 1999 để thấy những điều luật này có phải là sản phẩm như con đẻ của Hồ hay không?

 Điều 1 Pháp lệnh HCM 67:

Tội phản cách mạng là tội chống lại Tổ quốc, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, phá hoại công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phá hoại quốc phòng, phá hoại sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.”

Nội dung Điều 1 này được viết lại thành điều 78 của Bộ Hình luật Nông Đức Mạnh 1999:

Điều 78NĐM 99 Tội phản bội Tổ quốc

« Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.”

Ở Điều 1 Pháp lệnh HCM 67, Hồ Chí Minh đã định nghĩa “Tội phản cách mạng” và đồng nhứt tội danh này với “Tội chống lại Tổ quốc, chống lại chánh quyền dân chủ nhân dân, phá hoại công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội….” làm một. Không thấy ông định nghĩa thế nào là “chống”. Cách viết mơ hồ, dụng ý bỏ ngỏ để công an dể suy diển và tùy tiện áp dụng.

“Yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước, là yêu Tổ quốc”? Hay rõ hơn “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”? Việt Nam từ lúc bị điều kiện hóa đó mà đã trở thành một “Bộ phận của Quốc tế XHCN” hay “Một Bộ phận của Quốc tế Cộng sản”. Chính họa mất nước đã thật sự bắt đầu từ đây. Từ cách hiểu tổ quốc này.Và những người Việt Nam bày tỏ lòng yêu nước Việt Nam, bảo vệ đất nước thoát ra khỏi cái phe XHCN, đều bị Tòa án xử phạt bằng điều luật 78 này. Có ác ôn không?

Điều 4 Pháp lệnh HCM 67. Tội âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân

Kẻ nào thành lập hoặc tham gia tổ chức phản cách mạng nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị, kinh tế và xã hội đã được Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định thì bị xử phạt như sau:

a) Bọn chủ mưu, cầm đầu, xúi giục, bọn hoạt động đắc lực thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình;

b) Bọn tham gia thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì kẻ phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.”

Điều 4 này chính là điều 79 trong Bộ luật Hình sự Nông Đức Mạnh 99. Mời dọc lại:

Điều 79 NĐM 99. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

“Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

Dưới thời Hồ Chí Minh, chánh quyền được gọi là “chánh quyền dân chủ nhân dân”; đến thời Nông Đức Mạnh, “dân chủ” đã biến mất, chỉ còn “chánh quyền nhân dân”.

Nhưng “nhân dân”, mà nhân dân nào? Người bị công an nhân dân khủng bố, ăn cướp tài sản, bị Tòa án nhân dân xử phạt tù, …. họ có phải là nhân dân không.

Điều 15 Pháo lệnh HCM 67. Tội tuyên truyền phản cách mạng

“Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phạm tội như sau:

1. Tuyên truyền, cổ động chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;

2. Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, phao đồn tin nhảm, gây hoang mang trong nhân dân;

3. Tuyên truyền cho chính sách nô dịch và cho văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc;

4. Viết, in, lưu hành, cất giấu sách, báo, phim, tranh, ảnh hoặc mọi tài liệu khác có nội dung và mục đích phản cách mạng;

Sẽ bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm”

Điều 15 Pháp lệnh HCM 67 này đã ứng đúng vào Điều 88 Luật Nông Đức Mạnh 99:

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

-1 Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

-2 Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”

Tới đây, tưởng chúng ta đã thấy rõ Pháp lệnh “Trừng trị tội phản cách mạng” của Hồ Chí Minh 67 chính là nguồn gốc của mọi khủng bố, đàn áp sắt máu những người yêu nước lương thiện chống lại chánh sách độc tài đảng trị, chống lại nạn ăn cướp của đảng và Nhà nước Cộng sản. Và quan trọng hơn hết, mang tính sanh tử cho toàn dân Việt Nam, xin nhắc lại, đó còn là nguồn gốc mất nước cho giặc Tàu cộng ngày nay mà đảng và nhà nước cộng sản Hà Nội đang không làm gì khác hơn là chờ tới ngày giờ để hợp thức hóa.

Tránh được thảm nạn mất nước, cứu được nước, chỉ có cách là toàn dân ý thức được quốc nạn, cùng mạnh dạng đứng lên giành lại quyền làm chủ đất nước của chính mình, thật sự vứt đi cái Chủ nghĩa Xã hội. Đừng mong đợi một cường quốc nào khác hơn.

Nguyyễn thị Cỏ May

Related posts