Luôn miệng đả kích cộng sản, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại hành xử y hệt những lãnh tụ cộng sản.
Trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 24.9.2019, ông Trump đã diễn tả chủ nghĩa xã hội như là thứ đã “huỷ hoại các quốc gia và xã hội”. Trước mặt hàng trăm nguyên thủ quốc gia cùng hàng ngàn viên chức cao cấp tháp tùng, ông Trump lớn tiếng khẳng định nhà lãnh đạo sáng suốt cần đặt lợi ích của dân tộc mình, quốc gia mình lên trên hết: “Thế giới tự do cần phải củng cố các nền tảng dân tộc. Chúng ta không thể xóa bỏ hay thay thế chúng. Hãy nhìn xung quanh hành tinh này, chúng ta có một sự thật trần trụi: nếu quý vị muốn tự do, vậy thì hãy tự hào về quốc gia mình, nếu quý vị muốn dân chủ, hãy bảo vệ chủ quyền của mình. Và nếu quý vị muốn hòa bình, hãy yêu quý dân tộc mình…Tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Tương lai thuộc về những người yêu nước. Tương lai thuộc về các quốc gia độc lập và có chủ quyền, những người bảo vệ công dân của mình, tôn trọng biên giới và vinh danh sự khác biệt vốn khiến các quốc gia đặc biệt và độc nhất”.
Ông Trump cũng nhắc đến tình hình ở Venezuela rồi nói về “bóng ma của chủ nghĩa xã hội”:
“Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà các nước chúng ta phải đối mặt là bóng ma của chủ nghĩa xã hội. Nó là thứ đã phá hủy các quốc gia và hủy hoại các xã hội. Những sự kiện diễn ra ở Venezuela nhắc cho chúng ta rằng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải là vì công lý, không phải vì bình đẳng.”
Nhưng trên thực tế, càng ngày Trump càng chứng tỏ rằng ông ta là hiện thân của những lãnh tụ cộng sản. Đó là việc Trump mạt sát những giới chức dám làm “khó” mình qua việc tiết lộ những thông tin mà ông ta muốn chôn kín, đặc biệt là là từ khi bị Hạ viện tiến hành cuộc điều tra luận tội sau tiết lộ của một viên chức được CIA biệt phái qua Toà bạch ốc.
Đảng cộng sản nào cũng vậy, luôn đồng hóa mình, đồng hóa cái chế độ sắt máu và bần tiện của nó với dân tộc, với tổ quốc. Thành thử bất cứ ai phê phán chế độ, phê phán lãnh tụ đảng, sẽ bị xem là “đánh phá đất nước” hay “quay lưng với dân tộc”. Họ Trump cũng vậy. Ông ta đồng hóa mình với nước Mỹ nên những ai chống lại ông ta, tiết lộ những thông tin ông ta muốn giấu kín đều bị ông ta chụp mỹ là phản bội.
Dẫu Trump chưa sử dụng đến từ “phản quốc” nhưng chỉ từ “phản bội” ông ta hằng sử dụng cũng hoàn toàn sai. Những viên chức như thế gia nhập nền hành pháp là để phụng sự nước Mỹ, người đóng thuế Mỹ trả lương để họ giúp việc tổng thống trong những khuôn khổ mà Hiến pháp Mỹ đã ấn định chứ không phải trả lương để họ “ngu trung” với bản thân ông tổng thống.
Khi nói ra sự thật họ không phản bội ai cả.
Chỉ có ông Trump, khi dẫm lên hiến pháp Mỹ, ông ta đã phản bội lời thề mà ông ta đã tuyên đọc khi nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Ôn cố tri tân, nhân chuyện Trump, ta hãy nhắc lại câu chuyện “phản bội” của kẻ khiến ông Richard Nixon bị luận tội và phải từ chức tổng thống.
Kẻ phản bội Mark Felt?
Trong bài trước (Donald Trump: Từ “Ukraingate” nhớ lại “Watergate”) người viết đã nhắc lại vụ tai tiếng chính trị khiến ông Nixon dở dang sự nghiệp chính trị do hành động vi can thiệp vào bầu cử và hủy diệt bằng chứng. Sự sụp đổ này có sự đóng góp rất lớn của Cục phó FBI Mark Felt qua việc tiết lộ thông tin cho tờ The Washington Post.
Vì cứng cổ, không ngoan ngoãn biến FBI thành một công cụ chính trị cho chính quyền Nixon, Felt bị ông tổng thống nà cho ra rìa, cho làm cục phó suốt đời nhất định không cho lên cục trưởng.
Trong vụ Watergate, khi tiết lộ thông tin, Felt đã chọn Woodward, một ký giả trẻ phụ trách tin địa phương của tờ Washington Post mà mình từng có “duyên” quen biết trước. Những tin tức mà Felt cung cấp cho tờ này đã khiến Toà bạch ốc tức giận và ngờ vực lung tung: đây phải là một nhân vật quyền lực bên trong FBI
Đến tháng 10.1972 thì Nixon và một số cố vấn đã tỏ ý nghi ngờ Felt nhưng Nixon vẫn bán tín bán nghi. Tuy nhiên đội ngũ cố vấn của Nixon không chỉ nghi ngờ một mình Felt mà danh sách này còn Alexander Haig, George Bush, Henry Kissinger v.v… Trong số này Alexander Haig là người bị bàn ra tán vào nhiều nhất vì quan hệ với Woodward: khi đến Toà Bạch ốc báo cáo hay nộp tài liệu thì viên trung úy này đã nhiều lần trực tiếp báo cáo với Haig, lúc đó là phụ tá của Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.
Mãi đến ngày 31.5.2005 thì bí mật này mới sáng tỏ sau khi Felt kể lại sự thật cho tạp chí Vanity Fair để rồi ngay sau đó tin tức đuợc lan truyền đi khắp thế giới qua mạng Internet. Tờ báo giải thích rằng ông Felt muốn nói ra sự thật vì “cảm thấy gần đất xa trời”, rằng ông phải kể sự thật để mọi người hiểu đúng về ông.
Con gái của Felt khẳng định bố mình là anh hùng và đã làm điều đó vì “nghĩa vụ” với đất nước chứ không có ý định hạ bệ Nixon. Ngoài cô con gái thì người hồ hởi phấn khởi ca ngợi Felt nhất có lẽ là cựu thượng nghị sĩ George McGovern, là ứng cử viên đã bị Nixon đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1972. Khi Felt lên tiếng thú nhận vào năm 2005, McGovern đã thừa gió bẻ măng để “ôn cố tri tân” với đương kim Tổng thống Bush: “Chúng ta cần một người nào đó ở cấp cao cho chúng ta biết sự thật về những gì đã diễn ra. Chúng ta biết được là chúng ta đã bị ‘bẫy’ để sa vào cuộc chiến Iraq…. Tôi ước ao có một Deep Throat mới trong chính quyền hiện nay. Cuộc chiến hiện nay tại Iraq, theo tôi, còn tệ hại hơn những gì cố TT Nixon đã làm. Tôi cho rằng ông Nixon đáng bị truất quyền vì đã bao che những việc làm vi phạm pháp luật.”
Nhưng các cựu phụ tá Nixon đã lên tiếng gọi ông Mark Felt, nhân vật thứ hai của FBI vào lúc xảy ra vụ tai tiếng Watergate, là kẻ phản bội. Trong khi đó tờ The Washington Post nhận định rằng nếu Felt giữ im lặng thì Nixon đã thành công trong vụ “lạm quyền được xem là nghiêm trọng nhất so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong lịch sử.”
Lúc đó Leonard Garment, một cố vấn tại Toà bạch ốc cho nói rằng ông Felt đã giữ kín chuyện này suốt 31 năm qua vì “cảm thấy hổ thẹn về những gì mình đã làm”. Còn Pat Buchanan – phụ viết diễn văn của Nixon, bộ trưởng truyền thông dưới thời Reagan và nhiều lần ra tranh ghế ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà, đầu tiên thì cho rằng Felt là kẻ “phản bội” nhưng sau đó rút lại ý kiến: “Ông ta không phải là anh hùng, không phải là kẻ phản bội mà chỉ là một tên luồn lách nham hiểm (con rắn)”.
Trong khi đó thì cựu đại tướng – ngoại trưởng Alexander Haig nhận định: “Có ai muốn sống ở một nước mà phó giám đốc của FBI – người có quyền tham khảo những hồ sơ tối mật về một nửa dân số Mỹ – cảm thấy thoải mái tiết lộ ra ngoài vì ông ta có những mục đích cao hơn hay không? Với tôi đó là một điều đáng sợ.” Theo Haig thì nếu Felt cảm thấy điều đó là không đúng, ông ta có thể từ chức và làm bất cứ điều gì mình muốn. Đằng này ông ta vẫn cố bám vào chức vụ vừa thì thọt tiết lộ tin tức thì không đúng chút nào!”
Thế nhưng cách đưa tin của Felt có được xem là “anh hùng” hay không?
Một trong những người phản ứng gay gắt nhất là Gordon Liddy, người đã bị bản án 4 năm rưỡi tù trực tiếp tổ chức vụ xấm nhập Watergate đã công kích rằng Felt đã “vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một nhân viên công lực.” Theo Liddy thì nếu Felt nắm được những bằng chứng về những điều sai trái, việc làm thì ông ta phải “mạnh dạn cung cấp cho đại bồi thẩm đoàn, chứ không phải rò rỉ thông tin ra cho một tờ báo mà thôi.”
Tuy nhiên cựu chủ bút Bradlee của tờ Washington Post đã cười nhạo: “Liddy chỉ là một tên vô lại chúng ta thường gặp. Hạng người như thế mà dám đi chê Deep Throat là người vô đạo đức, chuyện này đã khiến tôi phì cười.”
Làm sao để đánh giá đúng hành động của Felt? Phải chăng, Felt muốn ngăn cản, không cho Nixon chính trị hoá FBI? Ông ta chỉ đơn giản muốn trả thù Nixon vì không được làm xếp FBI? Hay Felt muốn sống với không khí gián điệp, cái nghề mà ông ta theo đuổi mấy mươi năm như một tay phản gián chuyên săn lùng gián điệp Đức?
Có lẽ không ai thực sự biết được: có thể động cơ của Fell là tất cả, có thể là một vài phần, hay không thuộc về yếu tố nào cả, và bí mật này chắc sẽ được ông mang xuống suối vàng. Trong khi đó thì những nguời thiên tả, những kẻ “hận Nixon” đều khen ngợi Felt là anh hùng còn những kẻ ngưỡng mộ Nixon thì xem Felt là tên phản bội.
Công tâm mà nói thì Felt chẳng phải là tay chân của Nixon, do đó ông ta chẳng phản bội ai cả. “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, vấn đề chính ở đây là Nixon đã có hành động vi hiến, và để vạch trần hành động của con người quyền lực này thì kẻ trong cuộc phải biết cách hành động sao cho khôn khéo, kín đáo, diễn tả như Buchanan là phải biết “luồn lách”.
Trở lại với ông Trump hiện tại, một người như ông ta mà đi chê kẻ khác là phản bội thì ắt hẳn ông ta đang làm không ít người phì cười!
Khi Trump phản bội
Những ngàyqua ông Trump liên tục bị chỉ trích là phản bội đồng minh khi bỏ rơi người Kurd cho Thổ Nhĩ Kỳ làm thịt, đồng thời đánh mất thế đứng của Mỹ tại vùng Trung Cận Đông và dâng cho Nga một món quà địa chính trị ngoài sức mong đợi!
Có thể ông Trump không hề “phản bội” ai trong chuyện này mà chỉ là ngu dại, mang cách tính toán non kém của con buôn vào vấn đề chính trị địa lý: đóng quân ở đó thì tốn tiền, thôi thí rút quân, đỡ được đồng nào hay đồng đó.
Trên tực tế, vào năm ngoái, Trump từng bị hầu như cả nước Mỹ chỉ trích thẳng là có hành vi phản quốc và đã phải phải chống chế rằng mình là “nói sai”.
Sự việc xuất phát từ cuộc họp báo chung ngày với ông Putin vào ngày 16.7.2018 tại Helsinki (Phần Lan), tại đây một phóng viên đã đặt câu hỏi với ông Trump:
“Cho tới nay, Tổng thống Putin phủ nhận việc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Còn toàn bộ các cơ quan tình báo Mỹ thì kết luận rằng Nga đã nhúng tay. Tổng thống tin ai?
Câu hỏi thứ hai của tôi là, ngay bây giờ, giữa lúc cả thế giới đang chú ý Tổng thống có thể yêu cầu Tổng thống Putin lên án những gì đã diễn ra vào năm 2016 và cảnh cáo ông ta là không bao giờ lập lại lần nữa hay không?”
Bị dồn vào câu hỏi khó, ông Trump trả lời lanh quanh khi nói về sự thất lạc của máy chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân Chủ (Democratic National Committee) và sau đó trả lời”:
“Người của tôi đến báo cáo, Dan Coats (Giám đốc Tình báo Quốc gia) cùng đến với một số nhân vật khác, họ nói họ nghĩ rằng đó là Nga. Tôi hỏi Tổng thống Putin, ông ta vừa nói Nga không làm. Tôi sẽ trình bày như thế này: Tôi không thấy có bất cứ lý do nào để chuyện xảy ra như vậy.”(“I will say this: I don’t see any reason why it would be.”
Một khoảnh khắc ngắn sau, ông Trump nói tiếp:
“Tôi rất tin tưởng giới tình báo của tôi, nhưng tôi cho quí vị biết hôm nay Tổng thống Putin đã mạnh mẽ và cực lực phủ nhận chuyện này”.
Cả nước Mỹ đã giận dữ phản ứng trước thái độ yếu phé và hùa về phía kẻ thù của ông Trump, không chỉ là truyền thông và đảng đối đầu Dân Chủ mà cả đảng Cộng Hòa.
Thượng nghị sĩ John McCain lúc đó còn sống và ông cùng TNS Jeff Flake kịch liệt chỉ trích thủ lĩnh của đảng, ông John McCain tuyên bố rằng Trump đã thực hiện “sự lựa chọn có ý thức để bảo vệ bạo chúa” và đạt được “một trong những màn trình diễn đáng hổ thẹn nhất của một tổng thống Mỹ”.
Trong khi đó cựu Giám đốc CIA John Brennan cho rằng hành vi của ông Trump là “phản quốc” và hành vi này có thể khiến ông Trump có thể bị luận tội.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, TNS Chuck Schumer, cho rằng cần phải triệu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhóm an ninh quốc gia đi cùng ông Trump qua Phần Lan ra điều trần trước Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ của phe Cộng Hòa chiếm đa số tại Thượng viện tuyên bố: “Người Nga không phải là bạn của chúng ta và tôi hoàn toàn tin tưởng và khả năng đánh gia của các cơ quan tình báo chúng ta.”
Trước đó, Thượng nghị sĩ McConnell đã công khai phản ứng với thái độ “chống Âu châu” và chống NATO của Trump khi “Các nước châu Âu là bạn của chúng tôi, và người Nga thì không”.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thuộc đảng Cộng Hòa tuyên bố: “Tổng thống phải chấp nhận rằng Nga không phải là đồng minh của chúng ta”.
Cả Dân biểu Newt Gingrich, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trum: “Đây là sai lầm nghiêm trọng nhất từ khi ông ta nhậm chức tổng thống và nó phải được đínhc hính ngay lập tức.”
Hơn 27 tiếng đồng hồ sau đó, ông Trump lên tiếng cải chính trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch ốc chiều 17.7.2018. Lúc này ông Trump cho biết ông muốn nói từ “wouldn’t” mà miệng lại bật ra từ “would”.
Nghĩa là, lúc đó ông muốn nói “Tôi sẽ trình bày như thế này: Tôi không thấy có bất cứ lý do nào để chuyện không xảy ra như vậy.” (I will say this: I don’t see any reason why it wouldn’t be.)
Ông Trump còn tuyên bố thêm: “Tôi chấp nhận kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016”.
Bây giờ, trở lại với giới chức tình báo mà CIA biệt phái sang Tòa Bạch ốc, nhân vật này có phải là kẻ “phản bội” như ông Trump luôn mồm tố cáo hay không?
Rõ ràng là không. Giói chức tình báo đó không phải là đầy tớ, là tay chân, là đệ tử của ông Trump. Làm việc cho CIA, ông ta là giới chức của bộ máy hành pháp, nhận lương của người đóng thuế Mỹ để bảo vệ nước Mỹ.
Khi báo cáo hành vi sai trái của Tổng thống, giới chức đó đã bảo vệ nước Mỹ.
Nhưng còn ông Trump, khi ông ta trì hoãn khoản viện trợ quân sự cho Ukrain mà lưỡng việc Quốc hội Mỹ để phê chuẩn nhằm dọn đường cho cuộc bầu cử năm 2020, ông ta đã thực sự có hành vi kẻ phản bội.
Khoản viện trợ quân sự trên là một trong những biện pháp để bảo vệ nước Mỹ, xây dựng quan hệ đồng minh, kiến tạo nên thế đan xen về địa lý chính trị để kềm chế một đối thủ, nâng cao “sức mạnh mềm” của nước Mỹ. Khi hành động như thế ông Trump đã xem cái ghế tổng thống của mình quan trọng hơn cả quyền lợi của nước Mỹ.
Đó là một hành vi phản bội!
Phạm Đức Đồng Hùng