Úc là lục địa khô cằn. ‘Đất đỏ và bụi hồng’ là hai đặc điểm của Úc được ghi vào vần thơ của nữ sỹ Dorothea Mackellar. Bước ra khỏi văn thơ dìu dặt ấy, là nhiều hình ảnh kinh hoàng của khô cằn. Ở dưới bóng cây trơ trụi là xác những con bò, con trừu chết khô. Thịt rữa nát. Trơ ra bộ xương. Và ruồi nhặng bâu quanh. Nhiều thửa đất bị nứt nẻ, có thể làm hậu cảnh cho tấm hình chụp rất nghệ thuật. Nhưng trên thửa đất nứt nẻ ấy là khuôn mặt buồn của nông dân. Nông dân Úc không trồng được một cây lúa và phải giết chết đàn súc vật cả chục ngàn con của mình. Khuôn mặt của nông dân Úc cũng chằng chịt những vết nhăn không thua gì mảnh đất nứt nẻ.
Có những nông dân phải rời thửa đất của gia tộc ba bốn đời. Họ nhỏ nước mắt ra khỏi ruộng vườn của cha ông. Ai rán ở lại thì lâm vào khủng hoảng: khủng hoảng tài chính, khủng hoảng gia đình dẫn đến khủng hoảng tâm thần. Vì khủng hoảng không ít nông dân Úc tìm cái chết để tự giải thoát.
Hạn chế dùng nước
Vì thiếu nước, nhiều lần Úc ra lệnh dân chúng hạn chế dùng nước. Người ở thành phố không biết gì tới hạn hán nếu không bị hạn chế dùng nước. Bà con ở phía Đông Nam tiểu bang Queensland chuẩn bị nhận lệnh hạn chế nước vì nước trong đập Wivenhoe đã xuống tới mức thấp nhất kể từ 10 năm qua. Mực nước ở đây chỉ còn 61.8%. Nếu con số này xuống dưới 50% thì chính phủ Queensland phải ra lệnh hạn chế dùng nước. Có lẽ vào giữa sang năm, dân chúng từ Brisbane tới Gold Coast sẽ bị hạn chế dùng nước. Còn người ở miền Trung hay phía Bắc Queensland có thể sẽ bắt đầu hạn chế dùng nước trước lễ Giáng Sinh năm nay.
Hiện nay, người ở Sydney, Blue Mountains và Illawarra đang bị hạn chế dùng nước vì đập của NSW chỉ còn 48% nước. Chính phủ đã ra lệnh người dân hạn chế dùng nước ở cấp 1 (level 1). Theo đó, khi tưới vườn phải cầm vòi có cò bấm mở / tắt nước; chỉ được tưới nước trước 10 giờ sáng va sau 4 giờ chiều. Không được dùng hệ thống tưới tự động. Không được dùng vòi nước rửa sân và lối xe ra vào ga-ra. Chỉ được rửa xe, tàu, nhà bằng thùng nước, vòi nước có cò mở / tắt nước hay máy cao áp (high-pressure cleaning equipment). Bạn đọc muốn biết thêm chi tiết, xin đọc tại https://www.sydneywater.com.au/.
Được biết lệnh giới hạn dùng nước có thể thay đổi và áp dụng tùy nơi. Ở Úc, lệnh giới hạn dùng nước chia ra thành nhiều cấp tùy tiểu bang. Có nhiều cấp nhất là ở tại Queensland. Ở đây có đến 8 cấp (8 levels). Tuy nhiên chỉ áp dụng tới cấp 7 là tối đa. Vào năm 2007, dân chúng tại Kingaroy (cách thành phố Brisbane 210 cây số về hướng Tây Bắc) đã phải sống với lệnh hạn chế dùng nước cấp 7. Theo đó, không ai được tưới vườn, rửa sân hay lối xe ra vào ga-ra nữa. Và cũng có lúc dân chúng tại Brisbane và Toowoomba nhận lệnh hạn chế dùng nước lên đến cấp 6! Còn người ở Melbourne chắc là chưa quên những lệnh hạn chế dùng nước kéo dài từ năm 2006 cho đến 2012. Trong thời gian sáu năm này, chính phủ tiểu bang Victoria liên tiếp kéo lệnh hạn chế dùng nước từ cấp 1 lên cấp 3. Hiện nay, người ở Melbourne vẫn còn sống dưới lệnh dùng nhín nước – nhưng không ngặt nghèo như trước.
Thích ứng đời sống với nạn thiếu nước
Ngoài ra, Úc còn áp dụng nhiều biện pháp khác để thích ứng đời sống với nạn thiếu nước. Nhiều thị trấn chung quanh thủ đô Liên bang Canberra đang sống nhờ những xe bồn từ Canberra chở nước đến. Đó là những nơi như Queanbeyan-Palerang, Yass Valley và Snowy Monaro. Chính Lãnh Thổ Thủ Đô cũng khá nguy ngập vì cạn nước. Nước trong đập chỉ còn ở mức 53% và mỗi ngày một thấp hơn. Trong khi đó thị trấn Murrumbateman nằm giữa Canberra và Yass lại chỉ có nước dùng nhờ ống dẫn dài 19 cây số từ Yass về.
Một biện pháp khác để có nước dùng là nới đập lên cao hơn. Canberra đã làm thế cách đây bảy năm. Năm nay, Yass cũng nới đập nước cao thêm 3 mét nữa. Trong khi đó, NSW đang vận động nới đập nước Warragamba thêm 14 mét nữa.
Thêm một biện pháp khác nữa là hạn chế người dùng nước. Thí dụ: vì không có nước nên thị trấn Bungendore chỉ giới hạn dân số tới mức 5,000 người mà thôi. Cũng vì không có nước nên Úc đất rộng không thua gì Hoa Kỳ nhưng không sao tăng dân số lên mức 300 triệu như ở bển.
Biện pháp gì thì vẫn không ngoài từng người sống tại đất khô cằn này biết tiết kiệm nước. Thật vậy, theo Giáo sư Roberta Ryan, thuộc đại học Kỹ thuật Sydney, gia đình ở Úc đang phí phạm 80% nước! Tính trung bình một người sống ở Sydney dùng mỗi ngày 210 lít nước. Trong khi đó, người ở Melbourne chỉ dùng đến 2/3 số nước như thế. Cùng một lúc, người ở thị trấn nhỏ như Orange – nằm về phía Tây Sydney – mỗi ngày chỉ dùng 133 lít nước.
Sau cùng, Úc phải nghĩ tới tái chế nước. Dù sống trên đất nước khô cằn, dường như phần lớn người Úc vẫn ngại khi dùng nước tái chế. Vào năm 2006, dân chúng tại thị trấn Toowoomba phía Bắc thành phố Brisbane, Qld. đã bỏ phiếu chống lại dùng nước tái chế, dẫu cho nơi đây đang bị hạn hán hoành hành. Trong khi đó, từ 10 năm qua lâu dân chúng tại thành phố Perth, Tây Úc đã dùng lại nước tái chế này. Hội đồng thành phố này dự trù đến năm 2030, sẽ có 45% nước tại đây là… tái chế. Cũng thế nhiều nơi trên thế giới đang phải dùng nước tái chế. Đó là những Singapore, Essex, California, New Mexico, and Virginia, vân vân. Rồi ra, người Úc phải xài nước tái chế vì những khu vực mới như Pitt Town, Barangaroo và Green Square ở Sydney đều tái chế lên đến 70% nước.
Cứu nạn hạn hán
Hạn hán đã trầm trọng đến độ thủ lãnh đối lập Anthony Albanese kêu gọi thành lập ‘chính phủ chiến tranh, war cabinet’. Nhớ lại, Việt Nam chiến tranh ròng rã hơn 25 năm mà chỉ có nội các Nguyễn Cao Kỳ mang tên nội các chiến tranh. Riêng ở Úc, vào năm 1939 khi nổ ra đại chiến thế giới, chính phủ R. Menzies thành lập ‘nội các chiến tranh’ gồm có thủ tướng và năm tổng trưởng khác. Sau đó, khi chính phủ Menzies đổ vào năm 1941 chính phủ Lao Động do thủ tướng John Curtin cầm đầu cũng thành lập nội các chiến tranh (gồm có thủ tướng và bảy tổng trưởng khác). Ngày nay, trước nạn hạn hán khủng khiếp, Thủ tướng Scott Morrison đã từ chối lời kêu gọi của thủ lãnh đối lập Anthony Albanese.
Cho đến nay, chính phủ Scott Morrison đã dành ra $100 triệu để cứu nạn hạn hán. Nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ. Đảng Quốc Gia đã đưa biện pháp cứu nạn gồm 10 điểm. Thi hành 10 biệp pháp cứu nạn này Liên bang Úc có thể phí tổn $1.3 tỷ Đô La. Theo đó, các hội đồng địa phương bị hạn hán sẽ được trợ cấp $10 triệu. Ngay đến người không còn muốn sống ở vùng quê nữa cũng cần được chính phủ giúp đỡ khi ra đi, gọi là ‘exit package’. Liên hội Nông gia Úc (National Farmers Federation, viết tắt thành NFF) chưa đề nghị số tiền giúp nông dân rời bỏ thôn quê là bao nhiêu; nhưng ở NSW đã có tiếng đồn trợ cấp này có thể lên đến $150,000 Úc Kim.
Cứu nạn là việc làm không ai phản đối. Tuy nhiên, cần phải cứu đúng người, đúng nơi. Chính phủ chi ra $120 triệu để trao tận tay mỗi hội đồng địa phương bị hạn hán $1 triệu. Đã có những hội đồng địa phương rất đỗi ngạc nhiên khi được chính phủ liên bang trợ cấp $1 triệu Đô La vì hạn hán. Cò nơi như Moyne Shire Council, Vic. đã gởi trả lại, vì cho rằng nhiều nơi khác cần hơn! Đây là nghĩa cử hiếm thấy ở nước khác; nhưng lại để lộ ra khiếm khuyến của chính phủ liên bang khi ban phát trợ cấp không đúng chỗ.
Tất cả biện pháp trên tóm tắt lại trong câu hỏi nhà phát thanh Alan Jones đã nêu ra với Thủ tướng Scott Morrison ‘How does that feed a cow and to keep it alive?, Cái đó có nuôi con bò và giữ cho nó sống không?’
Ngăn chận nạn thiếu nước
Cuối cùng, câu hỏi người ta có thể đặt ra cho người sống ở nơi đây ‘nếu đất nước này hạn hán triền miên, sao chính phủ phủ không tìm cách ngăn chận?’. Do Thái cũng khô cằn không thua gì Úc. Thế mà Do Thái đã đắp những đập nước, đào những ống dẫn nước, tìm ra những thứ cây có thể chịu được đất khô. Từ một nơi khô cằn, Do Thái đã biến thành ‘đất chảy sữa và mật ong’ – như tả trong Kinh Thánh.
Úc cũng có thể xây những đập nước ở sâu trong lục địa rồi dẫn về các thành phố. Úc có thể lập ra những nhà máy tái chế nước. Úc có thể giáo dục dân chúng biết tiết kiệm nước. Úc có thể chuyển mây trời từ đại dương về cánh đồng lúa mì để mưa không không rơi ngoài biển mà thấm nhuần vào đất ở đồng ruộng. Thật ra Úc đã bắt đầu làm những điều trên. Đã có một cơ quan thẩm quyền lo mạng lưới nước (National Water Grid Authority). Nhưng cơ quan này chỉ được ngân sách võn vẹn $100 triệu Úc Kim. Lẽ ra cần đến trăm lần như thế!
Cách đây 80 năm ở Úc đã có nỗ lực uốn nắm giòng sông thay vì chạy ra biển thì đổ nước ngược vào đất liền. Thật vậy, trước những năm 1930, John Bradfield đã tìm cách bẻ giòng nước của ba con sông Tully, Hebert, và Burdekin ở Bắc Queensland không cho chảy ra biển nữa mà nước phải vượt qua rặng Great Dividing Range để tưới đất khô cằn. Kế hoạch vĩ đại của kỹ sư John Bradfield đã thất bại ở Queensland và không thuyết phục được tiểu bang NSW, dù vào năm 1938 kỹ sư này được NSW giao cho nhiệm vụ vẽ kiểu cây cầu nổi tiếng Sydney Habour Bridge. Dù xưa đã từng bác bỏ kế hoạch uốn nắm giòng sông cho chảy vào đất liền của John Bradfield, mới đây tiểu bang NSW đã bí mật thăm dò cách thức uốn nắn giòng sông Clarence ở biên giới với Queensland và những giòng sông Manning, Macleay, và Hunter để tưới ruộng vườn khô cằn ở bên trong lục địa.
Hiển nhiên một đất nước khô cằn như Úc thì cần sắp đặt trước những biện pháp khi xảy ra hạn hán. Úc đã có Natural Disaster Relief and Recovery Arrangements lo khi có thiên tai như lụt hay cháy rừng nhưng xem chừng lơ là trước mối nguy luôn luôn rình rập đất nước này. Đó là hạn hán. Trước đây, Úc đã có chính sách cứu nạn hạn hán (national drought policy). Nhưng bị bỏ bê trong thời gian khá dài. Mãi đến năm 1992, Úc sực nhớ ra chính sách này và giao cho một uỷ ban đặc nhiệm (National Drought Policy Review Task Force) duyệt xét. Thật vậy, trước cảnh khổ của người bị hạn hán, hai chính phủ tiểu bang và liên bang thường đổ trách nhiệm cho nhau bởi vì, dù hạn hán xảy ra khá thường xuyên ở Úc, cả hai chính phủ này đều gọi đây là ‘trường hợp ngoại lệ, exceptional circumstances’.
Mới đây, cả hai phía trong quốc hội Úc đã đồng ý trích ra $3.9 tỷ Úc Kim từ Building Australia Fund để chỉ lo cứu nạm hạn hán. $3.9 tỷ này xung vào quỹ có tên là Future Drought Fund.
Cần đến sáng kiến đột phá
Tất cả những biện pháp trên rất cần thiết hay hữu ích người bị nạn. Tuy nhiên tất cả chỉ là những lớp băng keo dán vào vết thương của nhà nông ở Úc. Từ mấy trăm năm nay, Úc luôn luôn bị hạn hán nhưng hiếm hoi chính phủ nói tới kế hoạch lâu dài để ‘trị’ nạn. Úc chưa có những công trình lớn đối phó với hạn hán vì chưa xuất hiện ‘minh quân’ có kế hoạch trị nước dài lâu đến trăm năm. Đã có minh quân ở Úc nhưng lui tới vẫn chưa qua khỏi hai vĩ nhân Ben Chiffley và Robert Menzies. Kế hoạch lớn ở Úc đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa có gì hơn ống dẫn nước Snowy Mountain đã có từ sau thế chiến thứ nhì.
Người ta chờ đợi sáng kiến đột phá để đối phó nạn hạn hán ở Úc. Sáng kiến này có thể là nông gia Úc không cày bừa trên ruộng vườn nữa mà trồng lúa, hoa quả trong nhà kiếng – như đã bắt đầu ở Tây Úc. Sáng kiến này có thể là không thả rong bò cừu trên cánh đồng khô cằn nữa mà thịt bò, thịt cừu sẽ được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Thứ thịt này đã bắt đầu bày bán trong siêu thị ở Úc. Và cuối cùng vì không còn nhiều nước nữa, người Úc sẽ thay đổi nếp sống cho phù hợp với lục địa khô cằn này. Từ nay tới trăm năm nữa, lối sống của Úc sẽ thay đổi. Rồi thêm triệu triệu năm nữa, chính thân thể của con cháu chúng ta ở đất nước này cũng tiến hoá thành một thứ người mang hình dạng khác hẵn với con người hôm nay.
Cổ Nhuế