Jack Ma, tỉ phú hàng đầu Trung Quốc, thường được tạp chí Forbes liệt kê là một trong những người “quyền lực nhất thế giới” trong những năm gần đây, có thực sự là một người khổng lồ?
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1988, Jack dạy tiếng Anh với thu nhập 12 USD/tháng. Sau đó Jack chuyển sang kinh doanh và thành lập Alibaba vào năm 1999. Ngày 18/09/2014, Alibaba của Jack Ma đã thực hiện vụ phát hành cổ phiếu lớn nhất lịch sử trên thị trường chứng khoán Mỹ, thu về 25 tỉ USD.
Ngày 31/01/2015, Reuters cho biết, “Ban Quản lý Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (SAIC) đã xuất bản một cuốn sách trắng, nói rằng nhiều sản phẩm bán trên Alibaba là hàng giả, hàng cấm…”. Sách phát hành ngay sau một báo cáo kết quả kinh doanh không thuận lợi, làm cho cổ phiếu Alibaba rớt 14% chỉ trong hai ngày, tương đương 30 tỉ USD.
Sự nghiệp của Jack Ma thăng tiến như diều trong suốt triều đại của Giang Trạch Dân, bao gồm cả thời kì Hồ Cẩm Đào nắm chức vụ cao nhất nhưng chịu ảnh hưởng của Giang. Đến năm 2012, ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao của chính quyền Trung Quốc và nắm được thực quyền. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” không chỉ thanh trừng các quan chức, mà bao gồm cả giới doanh nhân cùng phe Giang Trạch Dân.
Alibaba có quan hệ rất lớn với công ty đầu tư Boyu Capital của Giang Trí Thành, cháu trai trưởng của Giang Trạch Dân. Theo CNBC, Boyu đã đầu tư vào Alibaba 400 triệu USD từ năm 2012. Giang Trí Thành còn đầu tư vào các công ty con của Alibaba, công khai và ẩn danh theo những cách thức cực kì phức tạp. Cho nên Alibaba bị kẹt giữa cuộc đấu đá quyền lực đang diễn ra tại Trung Quốc.
Thông tin từ Reuters tiếp tục đưa, không biết bằng cách nào, sách trắng biến mất khỏi trang web của SAIC, thay vào đó là thông báo SAIC và Alibaba “đang làm việc với nhau trong công cuộc chống hàng giả”. Theo điều tra của The New York Times, Alibaba thực ra còn có các “nhà đầu tư chiến lược” khác, như con trai cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo… Vậy nên Alibaba có thể tạm thời vượt qua được sự vụ đầy rủi ro này. Cũng trong năm 2015, một video lan truyền trên mạng có đoạn Jack Ma nói với một người bạn rằng “vừa suýt chết vì bị trúng độc”.
Jack Ma “nghỉ hưu”
Tháng 11/2018, Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc cho biết Jack Ma là một đảng viên, một chi tiết mà giới kinh doanh quốc tế sẽ cảm thấy e ngại khi hợp tác. Ngày 10/09/2019, Jack Ma tuyên bố chính thức từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch Alibaba. Ngày 20/09/2019, chính quyền tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập Cận Bình từng làm Bí thư, tuyên bố đưa 100 quan chức đến 100 doanh nghiệp trọng điểm như Alibaba, Geely…. Như vậy, ngoài các chi bộ đảng thì nay, trong các doanh nghiệp tư nhân như của Jack Ma, có thêm “đại diện quan chức nhà nước”.
Mặc dù Jack Ma tuyên bố quyết định nghỉ hưu không phải là một “ý nghĩ nông nổi”, càng không phải là bị áp lực nào đó. Nhưng Jack Ma “nghỉ hưu” đúng vào độ tuổi 55 sung sức, cho thấy câu chuyện đằng sau đó không đơn giản như ông nói.
Có thể chính quyền Tập Cận Bình sẽ âm thầm “quốc hữu hoá” một số doanh nghiệp, nhưng có thể đó chỉ là các động thái tăng cường kiểm soát những doanh nghiệp sân sau của đối thủ Giang Trạch Dân. Dù với mục đích gì thì trong một thể chế không có pháp quyền thực sự, các chủ doanh nghiệp có là một gã khổng lồ đi chăng nữa, cũng có thể thành tí hon chỉ trong một đêm. Jack Ma là một điển hình cho tiến trình đi lên của một doanh nhân Trung Quốc ngày nay, năng động, thành công nhưng cũng chỉ là một công cụ nhỏ bé trong tay chính quyền.
Chuyện xung quanh Alibaba còn nhiều phức tạp
Quá trình đi lên của các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ tại Trung Quốc, dù có lớn mạnh, thì xét ở góc độ nào đó cũng không được vẻ vang cho lắm. Họ thường bắt đầu bằng cách sao chép phương thức dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó kết hợp với chính quyền tạo ra các rào cản ngăn trở đối thủ trên sân nhà. Kết cục là, đối thủ nước ngoài hoặc là bị lép vế trong kinh doanh phải rút về, hoặc là bị cấm cửa khỏi thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp này nghiễm nhiên trở thành các doanh nghiệp chi phối của đất nước hơn 1 tỉ dân, tích luỹ được lợi nhuận nhanh chóng và trở thành các gã khổng lồ. Alibaba được coi như là sự tổng hợp mô hình của 3 tên tuổi lớn về kinh doanh công nghệ của Mỹ: Amazon, Ebay và Paypal. Alibaba hiện đã mở rộng sang các lĩnh vực khác. Các tên tuổi của Trung Quốc khác như Baidu, Wechat, Taobao… cũng cơ bản đi theo con đường tương tự.
Quá trình quốc tế hoá Alibaba còn phức tạp hơn. Do quy định của chính quyền Trung Quốc, một công ty công nghệ như Alibaba không được trực tiếp niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, do vậy họ phải lách luật để có thể huy động được tiền từ các nhà đầu tư Mỹ. Một công ty có tên gọi Alibaba Group Holding Limilted (AGHL) được thành lập tại quần đảo trốn thuế Cayman, là dạng công ty lợi ích thay đổi (V.I.E, variable interest entity). AGHL kí hợp đồng với Alibaba tại Trung Quốc để hưởng lợi theo lợi nhuận của Alibaba, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ mua cổ phiếu của AGHL chứ không mua trực tiếp của Alibaba. Nói nôm na là AGHL được ví như cái bóng của Alibaba, và các nhà đầu tư Mỹ chỉ mua được cái bóng của Alibaba chứ không mua được một Alibaba thật.
Như vậy, ngay cả nhiều nhà đầu tư tại Mỹ cũng có số phận mong manh như bất cứ ông chủ nào tại Trung Quốc. Chỉ cần một động thái nhỏ từ chính quyền Trung Quốc, một thoả thuận giữa Alibaba và AGHL sẽ trở nên vô hiệu. Các nhà đầu tư Mỹ không thể trông đợi toà án tại Trung Quốc bảo vệ lợi ích cho họ, bởi vì quyết định của toà án cũng do chính quyền chỉ đạo.
Jack Ma đã và vẫn đang đi thuyết giảng khắp thế giới, nhưng có nhiều điều Jack không thể nói ra. Tất nhiên, khán giả có một tâm lý, rằng những gì người thành công nói thì đều tuyệt vời. Nhưng với Jack, có thể vào một ngày không đẹp trời, một chỉ thị không chính thức nào đó yêu cầu truyền thông Trung Quốc không được đưa tin về Jack Ma. Tệ hơn, có thể làm Jack biến mất không dấu tích. Khi đó, người ta sẽ chỉ còn nhớ tới Jack như một kỉ niệm, một kỉ niệm buồn cho số phận của những doanh nhân từng là những người khổng lồ tại Trung Quốc.
Đại Nghĩa