Việt Luận: Chúng tôi được biết là ông sẽ đến Úc và có buổi nói chuyện với đồng hương tại Sydney vào ngày 10 tháng 11, ông có thể cho biết mục đích của chuyến đi Úc lần này và chủ đề của buổi nói chuyện?
Lý Thái Hùng: Xin cảm ơn Báo Việt Luận đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Tôi sang Sydney lần này với mục đích là tham dự buổi họp báo vào chiều ngày 11 tháng 11, do Cộng đồng người Việt Tự do Liên bang Úc và Cộng đồng người Việt Tự do Tiểu bang NSW tổ chức, nhân sự kiện Cộng sản Việt Nam đưa Chiến hữu Châu Văn Khảm ra tòa cùng với một số người khác liên quan đến tội danh “khủng bố” chỉ vì tham gia vào đảng Việt Tân.
Việt Luận: Là tác giả của quyển sách vừa được xuất bản “Đông Âu và Việt Nam 30 năm nhìn lại”, ông có thể cho biết tại sao ông ra mắt cuốn sách vào thời điểm này và theo ông các tổ chức đấu tranh của người Việt trong và ngoài nước có thể học hỏi những gì từ các nước Đông Âu trong công cuộc giải thể chế độ Cộng Sản?
Lý Thái Hùng: Tháng 2 năm nay, nhân dịp chuẩn bị soạn một bài nói chuyện đánh dấu 30 năm cuộc Tổng tuyển cử tự do đầu tiên tại Ba Lan, dẫn đến sự thắng lợi bất ngờ của Công Đoàn Đoàn Kết vào tháng 6, 1989, tôi mới có dịp gom lại một số bài phân tích đã từng viết trong các năm qua về biến cố Đông Âu, và chợt nẩy ra ý muốn tóm lược các biến cố lịch sử này, cùng so sánh những thành quả của các quốc gia đã thoát ách cộng sản 30 năm về trước với hiện tình Việt Nam ngày nay như một bài học giá trị cho dân tộc chúng ta về nhu cầu dân chủ hóa đất nước.
Sau 30 năm thay đổi, dưới ánh sáng của tự do dân chủ và kinh tế thị trường, phải nói là 8 quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu đã phục hồi nhanh chóng và ngày nay, họ đã trở thành những nước công nghiệp tiên tiến trong khối Liên Âu.
Trong khi đó, Việt Nam vào năm 1989 cũng ở vào hoàn cảnh tương tự như 8 quốc gia Đông Âu: nghèo nàn, lạc hậu và bị thế giới cô lập. Thay vì đi theo con đường Dân Chủ – Thoát Soviet của tám quốc gia Đông Âu thời đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy Trung Cộng làm mẫu mực, tiếp tục xây dựng ảo ảnh “xã hội chủ nghĩa” với nền chính trị độc tài chuyên chế, mà chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của CSVN cũng còn phải thú nhận là “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (2013). Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội, ngày 13 tháng 4, 2016 đã chính thức tuyên bố rằng “mục tiêu công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020 là không thể đạt được,” dù đã hơn 3 thập niên mở cửa kinh tế và nhận được hằng trăm tỷ Mỹ kim đầu tư ngoại quốc.
Điều này cho thấy là cải tổ kinh tế, tuy có làm thay đổi đời sống con người về phương diện vật chất, nhưng đã không thể nào tạo một chuyển đổi to lớn trong xã hội và phát huy được tiềm lực mạnh mẽ của toàn dân nếu không cải tổ chính trị, với bối cảnh sinh hoạt chính trị dân chủ đa nguyên, trong đó chính quyền phải tôn trọng ý chí của người dân qua những cuộc tuyển cử tự do và công bằng.
Rút từ bài học Đông Âu của 30 năm trước, tôi nghĩ rằng ngày nào mà Việt Nam không thoát ra khỏi sự khống chế của Bắc Kinh, và không kiến tạo một thể chế dân chủ đa nguyên thì ngày đó Việt Nam vẫn không thể phát triển lành mạnh, bền vững, và luôn luôn bị các thế lực ngoại xâm đe dọa. Sự bất mãn của người dân trước những bất công xã hội và nạn tham ô nhũng lạm chính là sức mạnh chấm dứt các chế độ độc tài, nhất là một tập đoàn “hèn với giặc, ác với dân” như CSVN khiến đất nước đang gặp nguy cơ Hán hóa và biển đảo bị xâm lược. Ngọn lửa đấu tranh cần được nuôi dưỡng và lòng kiên trì là yếu tố quyết định để khép lại trang sử đen tối của dân tộc.
Việt Luận: So với cuốn sách trước của ông “Đông Âu tại Việt Nam”, cuốn sách này có gì khác?
Lý Thái Hùng: Tập sách “Đông Âu tại Việt Nam” xuất bản năm 2006 nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất là trình bày về diễn biến đấu tranh gian khổ để giành lại tự do dân chủ của người dân tại 8 quốc gia Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, Albania, Romania, Nam Tư và Đông Đức như thế nào. Thứ hai là tôi đưa ra một số nhận định rằng những diễn biến từng xảy ra ở Đông Âu sẽ lập lại ở Việt Nam khi hội đủ bốn yếu tố: 1/Đấu đá cùng cực tại thượng tầng lãnh đạo; 2/Kinh tế suy thoái dẫn đến rối loạn xã hội; 3/Sự bất mãn của quần chúng lan rộng với phong trào phản kháng bùng nổ; 4/Các sức ép về dân chủ và nhân quyền từ các quốc gia tự do lên chế độ độc tài, vì lịch sử cũng chỉ là sự lập lại khi nó có cùng một bối cảnh tương tự.
Tập sách mà tôi mới xuất bản “Đông Âu và Việt Nam: 30 năm nhìn lại” thì đặt trọng tâm vào việc phân tích: vì sao 8 quốc gia Đông Âu đã có những phát triển vượt bực, và trở thành những quốc gia công nghiệp tiên tiến trong khối Liên Âu, trong khi đó, Việt Nam trong cùng một thời gian, không còn chiến tranh, với những khởi điểm giống nhau, cùng đẩy mạnh đổi mới kinh tế, mở rộng đầu tư ngoại quốc, nhưng Việt Nam dưới “định hướng của xã hội chủ nghĩa” đã biến thành một xứ “tư bản hoang dã”, cạnh tranh theo quy luật “mạnh được yếu thua.”
Điều tai hại nhất của Việt Nam trong 30 năm đổi mới chính là sự giàu có nhanh chóng của giới đại gia, xã hội Việt Nam đã hình thành thêm một thế lực mới đi song song với thế lực Đảng quyền (gồm những cán bộ lãnh đạo cao cấp trong đảng và nhà nước) và Tư bản Đỏ (gồm những con em, thân nhân, bà con cán bộ) là các Nhóm Lợi ích, và ở Trung Quốc là Tư bản Bè phái, tức “Crony Capitalism”).
Đây là nhóm người có đặc trưng liên quan đến những người có chức, có quyền về mọi khía cạnh, kể cả nhân sự, tài chính, ngân sách, công an, quân đội, đất đai, hầm mỏ, rừng và biển. Họ cấu kết với nhau thành những nhóm theo từng lãnh vực, có chung mục tiêu lợi ích, và thao túng quyền lực để bảo vệ quyền lợi của nhóm. Ngoài ra, những nhóm lợi ích này không chỉ nuôi dưỡng mà còn khuyến khích tham nhũng, tạo thành những nhóm quyền lực đan xen chằng chịt trong hệ thống.
Các vụ tham nhũng thông qua cấu kết này ngày càng gia tăng; lạm dụng chức, quyền chồng chéo với lợi nhuận; mua chuộc quyền lực, tình dục và che đậy tội phạm; cấu kết giữa quan chức với doanh nhân, giữa cấp trên với cấp dưới; cả một thế giới cấu kết tiền-quyền-lợi trắng trợn nhưng biến hóa huyền ảo giữa các đường dây chằng chịt khôn lường. Đây là loại thế lực, tuy mới phát sinh, nhưng nguy hiểm nhất hiện nay vì nó không chỉ tiếp tay nuôi dưỡng guồng máy tham ô, mà còn ngăn chận tiến trình phát triển lành mạnh và dân chủ hóa Việt Nam.
Việt Luận: Một cách ngắn gọn, ông có thể cho biết tình hình chính trị tại Việt Nam và thế giới hiện nay có những thuận lợi/bất lợi như thế nào trong công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam? Và tổ chức Việt Tân đóng vai trò như thế nào trong sứ mệnh này?
Lý Thái Hùng: Ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính trị đảng CSVN cố che dấu những khó khăn nội bộ, những áp lực từ phía Trung Quốc để giữ bộ mặt ổn định ở bên ngoài hầu có thể tiếp tục duy trì quyền lực độc tôn. Tuy nhiên, những ai quan tâm và theo dõi tình hình đều thấy hai sự kiện sau đây:
Thứ nhất là chính sách đốt lò chống tham nhũng, tuy đưa non 300 cán bộ cấp trung ương và địa phương vào tù trong 3 năm qua, nhưng không nhằm trong sạch đảng mà chỉ là để củng cố phe nhóm của Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị cho đại hội 13 (2021-2026). Sự đột quỵ của ông Trọng khi đến Kiên Giang vào tháng 4, 2019, tuy đã qua cơn nguy kịch, nhưng sức khoẻ ông Trọng đã suy kiệt không thể tiếp tục thêm nhiệm kỳ Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 13; điều này cho thấy một viễn cảnh tranh chấp gay gắt sẽ xảy ra trong nội bộ lãnh đạo trong thời gian tới. Lý do là khi ông Trọng rời cả hai ghế Chủ tịch nước và Tổng bí thư, thì với hiện tượng cá mè một lứa của những người kế quyền, sẽ dẫn đến sự phục thù và tranh đoạt quyền lẫn lợi của những phe nhóm từng bị phe ông Trọng đưa vào lò từ năm 2016 đến nay.
Thứ hai là vấn đề Trung Quốc đang cố tình bành trướng để khống chế hoàn toàn biển Đông qua những hành động xâm phạm thềm lục địa Việt Nam khu vực Bãi Tư Chính, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10, cho thấy là nhà cầm quyền CSVN đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Đối với bên ngoài, thế đu giây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong nhiều năm qua, đang trở thành mũi dao đâm ngược lại Bộ chính trị CSVN vì đã đến lúc Hà Nội không thể chơi trò bắt cá hai tay, khi mà trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một trở nên gay gắt.
Đối với bên trong, sự kiện lãnh đạo CSVN cố tình tránh né không dám chỉ đích danh Trung Quốc trong các phát biểu về tình hình biển Đông đã không chỉ cho thấy sự hèn nhát của lãnh đạo, mà còn tạo sự phẫn nộ rất lớn trong nội bộ đảng và người dân. Hiện nay, đa số dư luận trong và ngoài nước đòi hỏi CSVN phải kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và điều này càng đẩy chế độ Hà Nội rơi dần vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong khi chế độ Hà Nội bị những sức ép chính trị thì ngân sách rơi vào tình trạng cạn kiệt vì thu không đủ chi. Trong vòng 3 năm từ 2019 đến 20121, CSVN đã phải vay khoảng 30 tỷ Mỹ Kim để tiêu xài và trả nợ đáo hạn, điều này cho thấy là những thu hút đầu tư ngoại quốc mà Hà Nội đang cố tình thổi phồng hiện nay, trong thực tế chỉ làm lợi cho giới đầu tư ngoại quốc và giới tài phiệt giàu có, trong khi chính xã hội Việt Nam không hưởng được bao nhiêu vì cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam quá yếu kém. Đa số người dân vẫn sống trong nghèo khổ.
Do đó, tuy nắm trong tay một lực lượng công an mật vụ rất lớn và sẵn sàng dùng xã hội đen để đàn áp, răn đe những người yêu nước, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không thể tồn tại mãi trong một xã hội nảy sinh quá nhiều khuyết tật. Các dấu hiệu dẫn đến những khó khăn nói trên đã biểu lộ bản chất bấp bênh của một xã hội phồn vinh giả tạo, trong đó những kẻ giàu có nhờ móc ngoặc hoặc chính thành phần cán bộ cốt cán đang tìm cách đưa con cái và gia đình sang định cư ở nước ngoài.
Cố Tiến sĩ Gene Sharp (1928-2018), một người từng nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động, đã chỉ ra rằng mọi cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản thường trải qua bốn thời kỳ.
THỜI KỲ I: tăng cường sức mạnh của người dân bị áp bức bằng lòng tự tin, vượt sợ hãi và đứng lên phản kháng.
THỜI KỲ II: từ phản ứng cá nhân liên kết thành nhóm, thành các đoàn thể xã hội, các định chế quần chúng.
THỜI KỲ III: làn sóng bất mãn của người dân tạo thành những lực phản đối bùng nổ ở khắp nơi. Và,
THỜI KỲ IV: sự xuất hiện một lực đầu tàu với một chiến lược tổng thể để tạo áp lực mạnh mẽ lên chế độ độc tài.
Tình hình Việt Nam hiện đang ở vào THỜI KỲ III, với nhiều sự phản đối tự phát của người dân đã diễn ra ở nhiều nơi. Giăng biểu ngữ ngay tại chung cư nơi mình ở để phản đối việc làm sai trái của ban quản lý và chủ đầu tư. Tọa kháng trước trụ sở hành chánh để phản đối hay yêu cầu giải quyết nguyện vọng của mình. Tập trung một số người có cùng nguyện vọng tổ chức biểu tình tuần hành để kêu gọi công chúng ủng hộ.
Nói chung, sự phản kháng của người dân ở thời điểm này rất đa dạng, vừa công khai, vừa kín đáo, vừa uyển chuyển, thông minh; đa số tập trung vào nhu cầu xã hội, như thực phẩm bẩn, ung thư, mùi xú uế của rác rưởi, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, cùng với những bất mãn về cách hành xử của cán bộ độc tài, ức hiếp, tham ô.
Đối chiếu với tình Đông Âu cách nay 30 năm, thì Thời kỳ III của Việt Nam hiện nay chính là bối cảnh bùng phát những bất mãn cùng với làn sóng chống đối xảy ra tại Ba Lan khoảng năm 1985, và tại Tiệp Khắc và Đông Đức vào năm 1986.
Kinh nghiệm đưa đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài tại Đông Âu đều cần có ba yếu tố: đấu đá nội bộ bất phân thắng bại, kinh tế khủng hoảng trầm trọng, và bất mãn xã hội cùng với những cuộc phản kháng của người dân lan rộng ở nhiều nơi khiến cho các chế độ độc tài lúng túng đối phó. Việt Nam đang tồn tại cả ba yếu tố nói trên, và sự bùng phát tạo thành sức ép lên chế độ CSVN hiện nay chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thời gian đó không nằm ở phía nhà cầm quyền CSVN mà chính là ở phía những người Việt yêu chuộng tự do dân chủ. Trong tinh thần đó, đảng Việt Tân với đường lối đấu tranh bất bạo động, tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực phản kháng của quần chúng để tạo sức bật mạnh mẽ như các phong trào đòi tự do dân chủ tại các nước Đông Âu cách nay 30 năm.
Việt Luận: Theo ông, người Việt ở hải ngoại có thể đóng góp gì cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam?
Lý Thái Hùng: Mặc dù bị đàn áp rất khốc liệt, nhưng phong trào phản kháng tại quốc nội vẫn tiếp tục lan rộng ở nhiều nơi và gây nhiều sức ép lên chế độ CSVN một phần là nhờ sự tiếp sức từ Cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Sự hỗ trợ này có thể nhìn thấy trên một số lãnh vưc:
Thứ nhất là qua mạng xã hội, người Việt tại hải ngoại đã giúp chuyển tải thông tin nhanh chóng phá vỡ sự bưng bít thông tin của CSVN. Nhờ mạng xã hội, những cuộc biểu tình, những chống đối của người dân đã được nối kết với hải ngoại một cách trực tiếp và nhanh chóng, khiến cho bộ máy an ninh và dư luận viên không ngăn chận kịp.
Thứ hai là những hỗ trợ về mặt tài chánh đã giúp cho thân nhân của một số nhà dân chủ, hoạt động xã hội khi bị an ninh bắt giữ và bà con dân oan gặp khó khăn tài chánh trên đường đi tìm công lý, có điều kiện tiếp tục cuộc đấu tranh. Những hỗ trợ này còn gián tiếp tác động lên tinh thần đấu tranh của bà con trong nước rất nhiều là vì họ không thấy cô đơn, cô thế trước sự bố ráp ngày đêm của công an.
Thứ ba là những vận động và kêu gọi sự hỗ trợ, can thiệp của chính phủ, chính giới, các tổ chức phi chính phủ lên tiếng về tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam là những nỗ lực vận động rất quan trọng. Điều quan trọng của những lên tiếng can thiệp từ Quốc tế là giúp cho các nhà đấu tranh và gia đình không thấy cô độc, và sẽ kiên cường đấu tranh, không buông xuôi đầu hàng khi bị cô lập kinh tế.
Thứ tư là những liên kết đấu tranh giữa các nhóm, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, giúp nuôi dưỡng phong trào phản kháng lâu dài. Khi có nhiều người từ hải ngoại về âm thầm liên lạc và trao đổi các kỹ năng đấu tranh sao cho ngày càng hữu hiệu hơn trên các mặt an ninh mạng, truyền thông đa chiều sẽ giúp cho quốc nội giảm đi những bất trắc.
Nói tóm lại, sự đóng góp và hỗ trợ từ hải ngoại rất quan trọng vì đây không chỉ giúp phương tiện, vật chất mà còn giúp tăng cường tiềm năng đối kháng cho những ngưởi dân một càch đa dạng.
Việt Luận: Chúng tôi được biết là ông Châu Văn Khảm sẽ ra tòa tại Việt Nam vào ngày 11 tháng 11 tới, liệu có hy vọng là ông Khảm sẽ được trả tự do sau phiên tòa này không?
Lý Thái Hùng: Nếu như không có gì thay đổi vào giờ chót thì CSVN sẽ đưa Chiến hữu Châu Văn Khảm và hai nhà hoạt động khác là anh Nguyễn Văn Viễn thuộc Hội Anh Em Dân Chủ, và nhà hoạt động xã hội anh Trần Văn Quyền ra xử vào ngày 11 tháng 11, 2019.
Tôi thiết nghĩ đây cũng chỉ là phiên tòa ngụy tạo, dùng luật để trấn áp người dân và bảo vệ chế độ độc tài như bao phiên tòa khác, bởi trước khi ra tòa những nạn nhân của chế độ đều đã bị kết án theo nhu cầu chính trị của đảng Cộng sản. Chiến hữu Châu Văn Khảm bị bắt vào ngày 13 tháng 1 năm nay, CSVN gán ghép tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; nhưng đến ngày 9 tháng 7, họ đổi sang tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền”. Sự thay đổi tội danh là tùy tiện vì không có bất cứ chứng cứ gì, và cho đến ngày hôm nay khi đưa ra xét xử vào ngày 11 tới đây, phía công an CSVN vẫn không đưa ra được bất cứ bằng chứng gì cho thấy là Chiến hữu Châu Văn Khảm và những người khác có hành vi khủng bố làm tổn hại cho đất nước hay người dân nào. Họ cố tình dùng yếu tố liên hệ đến đảng Việt Tân để kết án nhằm vào việc cô lập các hoạt động của đảng Việt Tân tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trong đấu tranh bất bạo động thì những hù dọa bắt bớ tù đày là những “vũ khí” của một chế độ độc tài. Nếu bên ngoài hải ngoại, vận động đủ áp lực quốc tế để chế độ đó không thể xử dụng các biện pháp bạo hành như trước đây, và bên trong người dân Việt Nam từng bước không còn sợ các biện pháp này nữa, thì quả thật chế độ không còn gì đáng kể để dựa vào mà trấn áp ước vọng công bằng và công lý của dân tộc. Trong tinh thần đó, những rủi ro mà Chiến hữu Châu Văn Khảm gặp phải cũng là một đóng góp cho công cuộc chung, vì tôi tin là CSVN sẽ phải trả tự do cho ông cùng những người khác. Như chiến hữu Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch Đảng Viêt Tân đã phát biểu là Đảng Việt Tân thách thức nhà nước CSVN đưa ra bằng chứng về những cáo buộc hành vi “khủng bố” trong phiên tòa tới đây. Đảng Việt Tân sẵn sàng kiện CSVN trước toà án quốc tế để trưng bày sự thật.
Nhân cuộc phỏng vấn này, tôi xin thay mặt toàn thể anh chị em đảng viên Việt Tân tại Úc Châu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, bày tỏ lòng cảm ơn sâu xa đến ông Chủ tịch và Ban chấp hành Cộng đồng người Việt tự do Liên bang Úc Châu, ông Chủ tịch và Ban chấp hành Cộng đồng người Việt tự do Tiểu bang New South Wales và các Tiểu bang khác, ông Chủ tịch Hội cựu quân nhân Quân lực VNCH Liên bang Úc Châu và quý đoàn thể, tổ chức, đã tích cực hỗ trợ và tham gia các cuộc vận động cùng với gia đình và anh em đảng Việt Tân để tranh đấu cho Chiến hữu Châu Văn Khảm.
Việt Luận: Ông còn điều gì muốn trình bày thêm với độc giả Việt Luận không?
Lý Thái Hùng: Trong năm 2019 vừa qua, từ vụ che dấu sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ bất ngờ, cái chết đầy nghi vấn của Thứ trưởng Bộ giáo dục Lê Hải An té từ lầu 8 xuống đất, cho đến những né tránh không dám gọi đích danh Trung Quốc trong vụ xâm phạm Bãi Tư Chính và nhất là đổ trách nhiệm cho chính phủ Anh Quốc trong vụ 39 nạn nhất bị chết cóng trong xe thùng container, cho thấy là vận khí của đảng và nhà nước CSVN đang suy tàn một cách cùng cực.
Khi một nhà nước ở trong bối cảnh cùng cực như vậy, dù họ có cố vẫy vùng làm cảnh để lấy tiếng “trong sạch hóa” qua những chiến dịch đốt lò hay gạn lọc cán bộ để sắp xếp lại nhân sự thượng tầng cho đại hội 13, tất cả chỉ là tìm cách kéo dài sự tồn tại được ngày nào hay ngày ấy, trước khi chế độ bị kéo sập bởi sức phẫn nộ của người dân. Tình hình Việt Nam đang lập lại như những diễn biến từng xảy ra ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức cách nay 30 năm, trong đó người dân không những không còn tin vào chế độ, mà cả một phần lớn nội bộ đảng cũng đã nhìn thấy là thiểu số lãnh đạo đảng và nhà nước đang bị Trung Cộng khống chế.
Đây là lúc mà người dân Việt Nam cùng đồng lòng nối kết trong một quyết tâm chung là phải áp lực CSVN kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế, và trong tiến trình áp lực đó đẩy mạnh các cuộc tranh đấu giành lại tự do dân chủ như các quốc gia khác đã làm. Chắc chắn tinh thần chủ động của những tấm lòng yêu nước sẽ dẫn đến những thay đổi rốt ráo, tốt đẹp tại Việt Nam. Xin cảm ơn quý độc giả đã đọc bài phỏng vấn này.