Nhân câu chuyện người Họa sĩ Trịnh Cung từ Việt Nam, (nơi thai nghén toàn “Đỉnh Cao Trí Tuệ” của loài người) về thăm Little Saigòn, tuyên bố là những sáng tác của những nghệ sĩ đang trưng bày tại Viet Art Center này toàn là loại tranh tào lao, tranh chép, tranh chợ, hầm bà lằng, đáng vứt đi, rồi vùi dập cô Phương Thảo, chủ nhân Trung Tâm Viet Art Center, lớp đàn em, thuộc hàng con cháu của ông, là vô kiến thức, mù tịt về nghệ thuật, cần phải đi học lại một lớp về Hội Họa để có khả năng thưởng thức và phân loại những tranh sáng tạo với những tranh rác rưởi, Ông ngang nhiên phê phán: Viet Art Center là một cái tên quá nổ,cần phải đổi lại tên mới vì nó sẽ chết, chỉ vì sẽ không được những nghệ sĩ thứ thiệt như ông ủng hộ vv…
Tôi không quen ông Trịnh Cung. Hình như ông là họa sĩ thuộc môn phái Lập Thể… Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi vẫn ghét gọi môn phái Cubisme qua tiếng Việt là Lập Thể. Tôi nghĩ: Nên gọi nó là Môn phái “Khối Thể” thì đúng hơn.
Hai khuôn mặt tiêu biểu cho môn phái Cubisme vẫn là Pablo Picasso và Georges Braque. Cả hai, vào khoảng năm 1912 đã nghe người họa sĩ bậc đàn anh của họ là Paul Cézanne (tuổi đời hơn họ tới 43 tuổi) áp dụng những hình ống, hình tròn và hình chóp nhọn, vào những hình vẽ của họ, để tạo chiều sâu thứ ba, trong nét hội họa thường phẳng lì. Giai đoạn thứ 2 của phái Lập Thể còn chủ trương Dán và Ghép những vật dụng tìm trong cuộc sống hằng ngày để tạo thêm mầu sắc, hình thể và chiều sâu… Trước khi bước vào môn phái riêng biệt này, họ đã phải tinh suốt tường tận về môn hội họa cổ truyền, từ đường nét, mầu sắc tới bố cục.
Bạn mến,
Bạn có biết là tôi đã có cái may được gặp Pablo Picasso, ông Tổ của họa sĩ Trịnh Cung không?… Đồng thời tôi cũng đã tìm thấy ở con người thiên tài đa dạng này một điểm chung mà các Thiên Tài thứ thiệt đều có, đó là sự Khiêm Tốn trong cách sống và lòng Thành Thật với chính mình.
Tôi qua Pháp năm 1970. Học thêm về Kiến Trúc tại Họa Thất Zavaroni, trước khi chuyển qua Họa Thất Le Maresquier. Môn Kiến Trúc được giảng dạy ngay trong Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris, có rất nhiều môn học như Hội Họa, Điêu Khắc, Đồ Gốm, Kính mầu (Vitraux) vv… Sinh viên Kiến Trúc học chung với các sinh viên Mỹ Thuật… Trường có cửa trước nằm trên đường Bonaparte, thuộc khu Saint Germain Des Prés. Cửa sau đâm thẳng ra Sông Seine, thuộc Bến Malaquais. Đi khoảng 200 thước về tay mặt sẽ gặp Institut de France, trụ sở của những Ông Hàn Lâm Viện, những khối óc vĩ đại của nước Pháp. Trước mặt Hàn Lâm Viện là một chiếc cầu bằng sắt lát gỗ, chỉ dành cho bộ hành đi qua Bảo Tàng Le Louvre: Pont des Arts.
Cầu Mỹ Thuật, là nơi hẹn hò của các SV đủ mọi ngành. Họ tới đây để hóng mát, tắm nắng hay tán gái… Tôi đã từng lê lết tại cầu này. Sau này, tôi mới biết những danh họa như Picasso, Matisse, Salvador Dali cũng đã lê lết và để lại biết bao kỷ niệm trên chiếc cầu này.
Mỗi năm, khi hết mùa học, tôi thường lấy xe lửa xuống Côte d’Azur, vừa để nghỉ hè, vừa để làm việc kiếm tiền cho khóa học tới. Gia đình bà Cô ruột tôi có một tiệm ăn tại Cannes, thành phố điện ảnh xa hoa.
Cô tôi rời VN hồi 16 tuổi, trước Đệ Nhi Thế Chiến 2. Cô qua Pháp nghỉ hè với một gia đình Pháp, rồi ở lại luôn. Cô lập nghiệp, lấy chồng, sinh 2 người con cũng ở thành phố Cannes này… Tiệm ăn nằm trong một con đường nhỏ, nhưng bước 3 bước là ra tới đường La Croisette, đại lộ chính của thành phố Điện Ảnh, của những minh tinh, của những khách sạn 5 sao.
Một hôm, vào đúng ngày nghỉ của quán ăn, cô tôi dặn dò: “Cô nhờ con tới nhà một người khách quen, lấy một tấm hình mà người ta đã hứa từ lâu… Con biết Pablo Picasso không?”. Tôi sửng sốt. Hóa ra, Picasso cũng là khách hàng của gia đình. Cô tôi nói tiếp: “Cô có xin ông ký vào cuốn sổ vàng của tiệm, nhưng ông nói sẽ biếu cô một tấm hình vẽ, có chữ ký luôn… Nhưng phải tới nhà ông ấy lấy…”
Cô đưa cho tôi một hộp giấy, trong đó có một gói trà mạn sen, 2 chiếc bánh hạnh nhân sản xuất tại Lyon, để vừa uống trà, vừa ăn bánh, món tráng miệng hợp khẩu của ông.
Tôi lấy xe bus lên vùng Le Cannet, một vùng đồi nằm gác đầu lên thành phố Cannes, nhìn xuống biển. Đổi xe bus qua miền Vallauris. Đi sâu vào trong núi. Leo vài con dốc thì tới biệt thự của ông Picasso, lại thuộc về vùng Mougins, nằm yên tịnh giữa một đồi thông. Cửa kín bưng, nhưng bấm chuông chỉ 2 phút sau, giai nhân trong nhà đã ra mở cửa. Họ cho biết là cô tôi có gọi báo tin và họ đã biết là tôi sắp tới. Tôi theo chân người gia nhân qua một khoảng sân rộng được lát đá và đổ sỏi, chung quanh trồng loại thông “lọng” (Pin Parasol) và cây oliviers. Tiếng ve sầu nỉ non, mùi phấn thông ngào ngạt làm tôi nhơ tới những cảnh đã được tả trong những tác phẩm của Marcel Pagnol, văn sĩ chuyên viết về miền Nam nước Pháp.
Tôi không vô phòng khách, nhưng được đưa thẳng vào khu nhà dưới, xưởng làm việc của chủ nhà. Một loại nhà kho, la liệt những khung hình, đủ loại đồ gốm. Ông Picasso từ trong bước ra, tươi cười nói với tôi: “Xin lỗi, tôi đang giở tay…”
Ông vui vẻ chỉ những đống bát, lọ, bình, bình to, bình nhỏ, toàn đồ gốm: “Đấy, đam mê hiện tại của tôi là những thứ này”. Ông bỗng hỏi tôi: “Tu veux un Pastis?” (Cậu dùng Pastis không?)
Pastis là một loại rượu mạnh, rút từ hạt hồi (anis, mà mình thường dùng để nấu Phở) pha với nước đá, chất rượu trở thành trắng đục, uống không quen có mùi bọ xít, nhưng uống quen rồi, rất thơm, đã khát và hình như rất nhuận trường. Đây là loại nước giải khát cố hữu của người dân miền Nam nước Pháp…
Ông Picasso đã ngoài 80, nhưng vẫn còn tràn đầy sinh lực, ông mặc quần đùi, gần như ở trần, trên mình chỉ có tấm tablier (áo che làm việc), vừa để tránh bụi, vừa để chùi tay. Tôi ngạc nhiên là ông biết rất nhiều về tôi, có lẽ vì bà cô đã nói qua về tôi, trước khi tôi từ Paris xuống đây giúp việc tại nhà hàng. Ông hỏi thăm về trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris. Ông đã rời Paris từ thời Đức Quốc Xã xâm chiếm và về ẩn dật tại khu làng Mougins này. Quả thật, theo như cô tôi nói, suốt thời loạn ly của Đệ Nhị Thế Chiến, Côte d’Azur là nơi an bình ít bị ảnh hưởng của chiến tranh.
Ông Picasso “cậu, tớ” (tutoyer) với tôi một cách tự nhiên. Hai thế hệ cách nhau cả 60 tuổi, vậy mà mỗi khi khoe một đồ vật, ông vẫn chăm chú hỏi ý kiến tôi: “Cậu nghĩ thế nào?” (Qu’est – ce que tu en penses?).
Rất chân thật. Lúc đầu tôi còn dụt dè ái ngại, nhưng ánh mắt và nụ cười của ông đã trấn an tôi dần dần và tôi đã đưa ra nhiều góp ý rất riêng tư á đông của tôi. Ông gật gù lắng nghe lớp trẻ, khác văn hóa, khác ngôn ngữ, khác lối nhìn về nghệ thuật.
Ông đã bỏ vẽ tranh trên vải. Ông đang đam mê đồ gốm, có lẽ vì đồ gốm gần gũi với điêu khắc, trong đó sự sáng tác được khai thác cả 4 chiều: Phía mặt, phía ngang, phía sau và phía trên.
Đã có lúc ông hỏi tôi về tranh của ông, tôi trả lời, tôi không hiểu tranh Trừu Tượng và cách nghĩ của Môn Phái Lập Thể. Tôi nói tôi thích giai đoạn “Tiền Lập Thể” của ông hơn, hồi mà những nét vẽ còn mang nhiều sắc thái Thần Thoại Hy Lạp, hay thời dùng mực đen để vẽ những người đấu bò Tây Ban Nha. Ông mỉm cười ôn tồn: “Cậu rất thành thật. Đáng quý. Tranh Lập Thể không dễ hiểu. Người đời khen tranh cũng chỉ vì tôi đã thành danh… Par snobisme! (vì học làm trưởng giả). Cậu thích giai đoạn vẽ tranh Đấu Bò vì tôi đã vẽ như người Á Đông, đưa khoảng trắng vào trong bố cục, và cọ chỉ đi một một đường, theo cảm xúc “… Ông bỗng la lên một cách hồn nhiên: “Merde, j’ai oublié une chose!” (Chết cha! chút xíu nữa quên mất một chuyện!..)
Ông chạy vô trong tủ, lấy ra một ống carton cứng, từ trong đó ông rút ra một tờ giấy bản. -“Đây là quà của tôi cho cô của cậu”… Tôi trải tờ giấy bản ra: một bản vẽ to hơn loại giấy viết thơ thường, trên đó thấy một ngọn cỏ, được kéo nhanh bằng một nét cọ, từ cánh trái chéo lên góc mặt, nét quệt sắc sảo, tinh vi. Điểm khởi và đểm dứt của nét cọ rất hài ḥòa. Rồi trên nhánh cỏ, vài nét chấm phá mộc mạc cho thấy hình thù của một con cào cào đang nằm yên hưởng lạc.
Tất cả đều vẽ bằng mực tầu, theo nét thủy mạc…Picasso đã dùng ngay sở trường hội họa Á Đông để làm quà tặng cho người Á Đông. Hình ảnh con cào cào nằm trên ngọn cỏ, tượng trưng cho “cái Tôi” khiêm tốn mà ông đã tự đặt mình vào. Thế giới phù phiếm của danh vọng mà ông đang có, cũng chỉ là một ngọn cỏ đang đong đưa trước gió…
Lại nghe một câu hỏi cố hữu của ông: “Qu’est-ce que tu en penses?” (Cậu thấy thế nào?) Tôi nhìn ông, mỉm cười nói nhỏ như buột miệng: – “C’est superbe!, Mr Picasso” (Tuyệt vời, ông ơi!..)
Chúng tôi cùng phá lên cười, thích thú. Cả hai vẫn biết mình khác biệt nhau nhiều quá: một bên, tuổi hạc đã quá cao, tên tuổi lại lẫy lừng, một bên thì vẫn còn là thư sinh, 2 bàn tay trắng; một bên đã nặng trĩu Văn Minh Âu Châu, một bên còn đặc sệt tinh thần Á Đông.
Nhưng mọi khác biệt về Văn Hóa và Tư tưởng đều biến mất, không ranh giới, sau ly Pastis thứ 3. Ông xin lỗi, vô trong mặc một chiếc áo ấm rồi kéo tôi ra phía vườn. Cả 2 nhìn xuống sườn đồi. Ánh chiều đã chênh chếch. Thung lũng miền Mougins phía dưới đã cắt thành 2 mảng tương phản, phần nắng chát chúa buổi chiều như đang nhận chìm phần bóng mát…Tự nhiên chúng tôi bắt qua chuyện Triết Lý Đông Phương, ông hỏi tôi thích ai nhất, tôi trả lời, với bản chất nghệ sĩ, tôi thấy Lão Tử đi sát với Thiên Nhiên, đi sát với Bản Năng con người nhất. Ông trả lời: “Một Lão Tử thụ động có nói ‘Muốn tránh thất bại thì đừng nên bắt đầu’. Nếu tôi đã nghe theo lão già này, thì giờ này đã không có Môn Phái Lập Thể, không có Picasso. Hồi đó, chúng tôi đã gặp nhiều chê bai, nhưng chúng tôi đã bắt đầu và đã không gặp thất bại”…
Ông Picasso đang bỏ vẽ trên vải và nhảy vào lãnh vực đồ gốm. Đồ gốm sẽ cho ông rờ mó được những khối, những tảng, những hình thù mà Phái Lập Thể đã chủ trương. Trên đồ gốm, sẽ có những nét vẽ, nét khắc mà ông thích. Lửa, hơi nóng sẽ mang lại những mầu sắc kỳ diệu trên men gốm, không đoán trước được.
Ông lại đang đi ngược lại Lão Tử, đang bắt đầu một trò chơi mới khác. Ông dẫn tôi tới một góc vườn đầy chum vại, có cái bị bể, có cái méo mó. Ông sắp xếp chúng một cách hài hòa, rồi trồng hoa trong đó, rất sáng tạo. Tôi góp ý, nên dọn lại một góc sát đó để thảnh thơi ngồi hóng gió mát hay ngắm trăng. Ông kêu lên thích thú: “Lại Lão Tử nữa rồi!”…
Tôi cáo từ ông, để kịp bắt chuyến xe bus cuối trở về lại dưới Cannes. Ông cười đáp: “Tài xế tôi sẽ đưa cậu về. Ở thêm chút nữa đi.”
Cô tôi đã nhận được một bức vẽ. Tôi cũng nhận được một món quà: Danh họa Picasso đã đưa cho tôi một cái tách nhỏ, bằng đất sét còn thô sơ, chưa nung lửa, trên đó ông vừa mới thảo, nét mực vẫn còn ướt: một vừng trăng, một cánh hoa và một chấm nhỏ. Ông cắt nghĩa: Thiên, Địa và Picasso. 3 điểm vẽ kết hợp thành một tam giác, cân xứng, hài hòa: Thiên, Địa, Nhân. Tôi muốn bật khóc. Tôi thấy tôi bỗng trở thành nhỏ bé hẳn đi, hơn cả trước khi bước chân vào đây, trước một “cây cổ thụ” sừng sững… Sự khiêm tốn của ông làm tôi rối loạn. Ông còn Á Đông hơn cả một người Á Đông. Ông đã cho tôi một bài học: Thiên Tài sẽ trở thành Vĩ Nhân nếu sống được trong sự Khiêm Tốn và lòng Thành Thật với chính mình. Ông đã biết hạ mình xuống thành con châu chấu, thành một điểm nhỏ trong vũ trụ, để từ đấy con người của ông tự được nâng cao hơn, uy nghi, lẫm liệt. Vĩ Nhân khác tiểu nhân ở chỗ đó…
Mùa hè năm đó, tôi chỉ gặp lại ông đôi ba lần tại quán ăn. Ông bị ung thư nhiếp hộ tuyến. Ông trông yếu hẳn đi. 2 năm sau, 1973, ông qua đời. Thọ 91 tuổi. Những đồ gốm, trò chơi dang dở của ông được biếu trọn cho Viện Bảo Tàng thành phố Antibes, nằm giữa Cannes và Nice, sát bờ biển Méditerranée. Năm 83, khi tôi di dân qua Mỹ, chiếc đĩa Thiên Địa Nhân chưa được nung của tôi đã bể vụn trong đám hành lý. Nhưng một chiếc đĩa khác bằng cẩm thạch, đĩa tinh thần, vẫn còn được ấp ủ trong lòng tôi. Mãi mãi trọn vẹn.
Làm Nghệ Sĩ thì dễ lắm, ai có máu Văn Nghệ, ai yêu Văn Nghệ, ai thích hát, thích đàn, thích trồng hoa, thích văn chương , thích thiên nhiên cũng có thể được gọi là Nghệ Sĩ. Một danh tước giản dị, có thể gán ghép cho bất cứ ai. Chỉ cần có một tâm hồn nhạy cảm, biết rung động trước cái Đẹp. Ở mức độ cao hơn, những người nằm trong Giới Cầm Kỳ Thi Họa hiển nhiên được coi như những Nghệ Sĩ của đám đông. Nhóm này đông đảo lắm: khó đánh giá, khó xếp hạng, đủ mọi trình độ, đủ mọi khuynh hướng. Tuy nhiên, ai cũng đáng được khích lệ, vì họ phục vụ quần chúng, họ phục vụ chúng sinh. Những gì họ làm, không có cái Xấu hay cái Dở, chỉ có cái Vụng hay cái Chưa Tới mà thôi…
Có Ngài Nghệ Sĩ, họ Trịnh tên Cung, từ quê nhà qua đây thăm con, đã huênh hoang tuyên bố là: địa điểm sinh hoạt nghệ thuật của tư nhân Viet Art Center cao ngạo quá, dám dùng cái tên đầy tham vọng cho những sinh hoạt quá tầm thường, rồi những sản phẩm Nghệ Thuật được trưng bày ở đây đều là sao chép, cóp nhặt, rác rưởi, đáng vứt đi. Ông còn chê chủ nhân là thất học, mù tịt về Nghệ Thuật, nên cắp sách tới trường, học lại căn bản. Ông tự cao tự đại kiểm nhận là trong cái quốc gia 90 triệu dân bên kia, chỉ có 5 người là thiên tài, trong số đó, ông là 1.
Mẹ nó! Tục ngữ Pháp đã có câu: “Con gà trống thường đứng gáy trên đống phân...” (Le Coq chante sur un tas de fumier…) Người dốt thường hay gáy, để chứng minh là mình không dốt. Nhưng giá ông họa sĩ kia đừng tuyên bố gì ở bên này, ông nên trở về gáy trên đống rác của Đỉnh Cao Trí Tuệ bên kia đi, cho phù hợp với câu châm ngôn của Pháp, thì tôi sẽ không đả động gì tới ông.
Viet Art Center, dịch từ tiếng Anh ra, chỉ là một Trung Tâm Sinh Hoạt Nghệ Thuật, của người Việt, cho người Việt, còn hiểu xa hơn nữa, là để đến được với Cộng Đồng Người Việt. Đây không có cao vọng đại diện cho cả một nền văn hóa nước nhà. Trung Tâm chủ trương bất cứ sinh hoạt văn hóa nào, trong mọi lãnh vực, không nhất thiết chỉ là Hội Họa. Người chủ trương của Trung Tâm chỉ là một cô gái trẻ, thuộc thế hệ thứ 2, trí thức, có tinh thần độc lập, cứng đầu như bất cứ một cô gái nào thấm nhuần tư tưởng cầu tiến tại Mỹ, nhưng đầy nghị lực và quyết tâm thực hiện được những gì mình muốn.
Ông Trịnh Cung tự đặt mình vào môn phái Lập Thể hay Trừu Tượng, thì ông cũng chỉ nhái lại con đường mà Pablo Picasso đã đi qua. Ông lấy tư cách gì để phê bình các anh em khác là làm tranh cóp, tranh sao, tranh chép? Chúng tôi, ở Quận Cam này, chưa có dịp lãnh hội những tác phẩm của ông. Làm sao chúng tôi ý thức được thế nào là tranh rác rưởi? Tác phẩm thì ông chưa mang khoe, nhưng ông đã khoe mình mới có được đứa con 7 tháng, ở cái tuổi 70 này… Ông đã mang khả năng của ông ra trình làng, thay thế trí tuệ và tài năng sáng tạo của ông. Trời đã cho con người, vật thụ tạo, một khối óc, vượt lên trên bản năng thông thường của những vật thụ tạo khác, để suy nghĩ, để thăng tiến, để già đi trong sự khôn ngoan và sau cùng để truyền lại cho lớp người sau những thất bại, những khổ đau và nhất là những thành công của mình.
Ông Trịnh Cung với mớ tóc bạc phơ trên đầu, vẫn chưa cho được lớp hậu sinh một bài học nào về khổ đau, về thất bại, về những thành công của chính mình, chưa cho chúng nó được những tư tưởng Nhân Sinh Quan mà ông có thể đặt vào những tác phẩm Lập Thể của ông. Ông chưa dùng khối óc của ông để bắt nó làm việc, ông chỉ già đi với tuổi tác với mớ tóc bạc.
Trần Đình Thục – Nghệ sĩ hạng bét khu Bolsa