Gần đây thủ tướng Việt Nam lập lại những lời kêu gọi thay đổi “thể chế”, nếu không thì Việt Nam không vươn lên được. Ông ta lại còn thòng thêm một câu khiến mọi người không khỏi suy nghĩ, đó là “Đừng sợ dân giàu các đồng chí à”.
Cộng sản Việt Nam nhiều lần nói về thay đổi thể chế. Nhưng chưa bao giờ giải thích thay đổi thể chế, theo ý họ, là thay đổi cái gì. Tuy nhiên câu thòng thêm “Đừng sợ dân giàu các đồng chí à”, gợi cho chúng ta cái suy nghĩ rằng ông Phúc kêu gọi thay đổi về thế chế chính trị. Thể chế chính trị đây là gì, mà có thể làm dân giàu? Chỉ có thể là thế chế dân chủ tự do mới có thể làm dân giàu nước mạnh. Và ông Phúc muốn nhắn với các đồng chí của ông rằng “đừng sợ phát triển tư bản chủ nghĩa các đồng chí á”. Nếu đó là sự thật, thì ông Phúc đang suy nghĩ thế nào về cái thể chế mà Việt Nam có thể theo?
Quý vị có nhận xét gì về thể chế chính trị tại Singapore? Một nền kinh tế tư bản phát triển, một hệ thống tư pháp tương đối độc lập, một chính quyền nổi tiếng trong sạch và hiệu quả, tiêu chuẩn sống cao và hệ thống chính trị không chấp nhận đa nguyên đa đảng?
Có thể nói rằng Singapore là mô hình của chủ nghĩa tư bản toàn trị. Một mô hình của một thể chế chính trị mà trong tương lai có thể sẽ phát triển mạnh tại đa số các nước châu Á, trong đó có Ấn độ, Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển khác.
Khi còn là sinh viên Luật, một giáo sư tiến sĩ luật gốc Trung Quốc của trường đại học Western Sydney đã bảo với chúng tôi rằng “Trung Quốc hiện nay còn tư bản hơn cả Hoa kỳ”. Theo tôi nhận xét đó rất phiến diện. Bởi lẽ chủ nghĩa tư bản của Hoa kỳ là điển hình của chủ nghĩa tư bản đại nghị của phương Tây, trong khi chủ nghĩa tư bản đang phát triển ở Trung Quốc chính là chủ nghĩa tư bản toàn trị. Quy mô phát triển kinh tế với tốc độ kinh khủng ở Trung Quốc không thể được sử dụng để kết luận rằng Trung Quốc “tư bản” hơn Hoa kỳ. Có một sự khác biệt căn bản về “chất” chứ không phải về “lượng” giữa chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong khi đó tại Việt Nam, một nhà văn cộng sản nổi tiếng của chế độ là nhà văn Nguyên Ngọc, đã phát biểu rằng “Việt Nam đang phát triển một loại chủ nghĩa tư bản man rợ”. Trong một mức độ nào đó tôi đồng ý với nhà văn Nguyên Ngọc bởi lẽ giai đoạn phôi thai của chủ nghĩa tư bản toàn trị rất có thể là rất man rợ.
Sự suy yếu của hệ thống tư bản chủ nghĩa của châu Âu và Hoa kỳ cùng với sự sụp đổ không cứu vãn được của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu khiến nhiều quốc gia đang phát triển cần phải có một lựa chọn. Chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản chắc chắn đã trở thành những bóng ma của quá khứ. Nhưng những cơn khủng hoảng triền miên của Hoa kỳ và Châu Âu khiến chủ nghĩa tư bản phương Tây cũng không còn hấp dẫn như cách đây một hay hai thập kỷ nữa.
Sự suy yếu của chủ nghĩa tư bản phương Tây nằm trọn trong một sự giải thích đơn giản là người dân của Hoa kỳ và các nước Châu Âu đã mất lòng tin vào cơ cấu chính trị và xã hội tại những quốc gia này. Có thể không hoàn toàn đúng khi nhận xét rằng quyền lực của Hoa kỳ đã tiêu tan trên phạm vi toàn thế giới, nhưng điều không thể chối cãi là ảnh hưởng của Hoa kỳ đối với các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, đã giảm mạnh trong thập niên vừa qua.
Những chính trị gia của các nước đang phát triển ở châu Á từ lâu vẫn khẳng định rằng những giá trị dân chủ và nhân quyền của Á châu có nhiều điểm không tương đồng với giá trị dân chủ và nhân quyền của phương Tây. Trên căn bản lý luận đó nhiều quốc gia Á châu cảm thấy rằng một chủ nghĩa tư bản của phương Tây kết hợp với triết lý về giá trị dân chủ và nhân quyền của Á châu có thể là mô hình chính trị lý tưởng của họ trong tương lai.
Từ năm 1917 cho đến những năm cuối của thập kỷ 90, ý thức hệ đã trở thành trung tâm điểm của chính trị toàn cầu. Sự sụp đổ của khối cộng sản thoạt đầu khiến mọi người tưởng rằng chủ nghĩa tư bản phương Tây là mô hình duy nhất đúng của hệ thống chính trị của mọi quốc gia. Tuy nhiên không lâu sau đó nhiều quốc gia đã nhận ra rằng họ có nhiều chọn lựa.
Trái với niềm tin của nhiều người, một nền kinh tế toàn cầu hóa không xóa mờ biên giới giữa những quốc gia. Ngược lại, nhìn qua sự phát triển tại các nước như Trung Quốc, Ấn độ, Nga và các nước trong khối Hồi giáo, người ta nhận ngay ra rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tôn giáo nay đã quay trở lại để thành những động lực chính làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Đây là một trong những lý do khiến các nước đang phát triển càng cố gắng củng cố biên giới quốc gia, kêu gọi chủ nghĩa dân tộc và hướng đến việc xây dựng chủ nghĩa tư bản toàn trị.
Tại những quốc gia như Ấn độ và Brazil, một lần nữa người ta nhận ra rằng chính phủ của những quốc gia này không mặn mà lắm khi đề cao và cổ súy cho nền dân chủ kiểu phương Tây. Ngược lại công dân tại những quốc gia này được kêu gọi quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi quốc gia trong bang giao quốc tế, và đặt ra vấn đề ổn định chính trị để phát triển kinh tế.
Chủ nghĩa cộng sản không chỉ đơn thuần là chủ nghĩa phản dân chủ, mà còn là một thứ chủ nghĩa thù địch. Chủ nghĩa cộng sản còn là chủ nghĩa xâm lược và không chấp nhận sự tồn tại của bất cứ thể chế chính trị nào ngoài chủ nghĩa cộng sản. Ngày nay, sau chiến tranh lạnh, không có bất cứ quốc gia nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc, có ý thức hệ điên cuồng, có quyền lực chính trị và bộ máy quân sự kinh khủng như Liên xô trước đây. Do đó bất chấp sự kêu gọi của nhiều chính trị gia bi quan, người dân phương Tây mặc nhiên chấp nhận chủ nghĩa tư bản toàn trị mà Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang phát triển.
Khi thừa nhận thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, người ta mặc nhiên công nhận thời vàng son của phương Tây đã kết thúc. Trung tâm điểm của thế giới giờ đây không còn nằm ở châu Âu mà đã chuyển sang châu Á. Vậy thì có lý do gì những quốc gia đang phát triển ở châu Á phải xây dựng thể chế chính trị của họ theo mô hình của chủ nghĩa tư bản phương Tây?
Có thể sẽ không có sự khải hoàn của chủ nghĩa tư bản phương Tây ở các nước đang phát triển ở châu Á. Nhưng do ảnh hưởng của những giá trị dân chủ và nhân quyền của chủ nghĩa tư bản châu Âu được truyền bá qua nhiều thế kỷ, sẽ không bao giờ có sự tái sinh của các chế độ độc tài chuyên chính như đã từng tồn tại trong quá khứ.
Từ lâu sự kết hợp dân chủ – thị trường tự do được coi là bài thuốc trị bá bệnh. Nhưng trong cuộc khủng hoảng thị trường tài chính thế giới vừa qua, phải chăng chúng ta đã chứng kiến sự can thiệp mạnh của chính phủ các nước phương Tây vào hoạt động thị trường nhằm để cứu vãn nó? Phải chăng công thức dân chủ – thị trường tự do cũng có những ngoại lệ?
Rõ ràng việc một số chính thể độc tại bị hạ bệ đã làm cán cân nghiên hẳn về các phong trào dân chủ. Nhưng không phải tất cả mọi phong trào dân chủ đều thành công. Hai thập niên sau khi bức tường Bá Linh bị kéo sập, nhiều người đã thất vọng về các phong trào dân chủ ở Á châu. Khi mà dân chủ và nhân quyền là những giá trị đương nhiên ở châu Âu, thì chỉ có một số ít quốc gia tại Á châu được coi là có nền dân chủ thật sự. Một trong những quốc gia này là Nhật bản. Những nổ lực dùng động lực của thị trường tự do để phá tung hệ thống chính trị trung ương tập quyền đã thất bại tại nhiều quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam.
Cho đến hiện nay Trung Quốc và Việt Nam vẫn tuyên bố rằng một nền kinh tế thị trường tự do vẫn có thể hoạt động tốt trong bối cảnh chính quyền ngăn cấm mọi hoạt động chính trị hay các phong trào đòi dân chủ.
Việc Trung Quốc, một quốc gia có truyền thống trung ương tập quyền lâu năm nhất thế giới, trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự chỉ trong một thế hệ đã là một thách thức nghiêm trọng nhất cho mô hình dân chủ tư bản của phương Tây kể từ thời phát xít Đức. Các chính trị gia Trung Quốc đang thuyết giảng trước thế giới chế độ tư bản toàn trị của họ mang lại sự phồn vinh và ổn định nhanh hơn và tốt hơn chế độ tư bản đại nghị của phương Tây. Trong khi cả thế giới cẩn trọng theo dõi những diễn tiến tại Trung Quốc và suy nghĩ về tương lai của nền dân chủ phương Tây thì những chính quyền độc tài như Cuba hay Việt Nam, Bắc Triều tiên luôn luôn dùng Trung Quốc như một lời biện hộ hùng hồn cho chế độ của họ.
Những thành tựu kinh tế hiện tại của Trung Quốc và những nổ lực chiếm lĩnh những thị trường mà phương Tây không thèm lưu ý ở Á Châu và châu Phi, càng làm cho khả năng nhiều nước đang phát triển sẽ đi theo mô hình tư bản toàn trị của Trung Quốc.
Tuy nhiên liệu chủ nghĩa tư bản đại nghị của phương Tây sẽ có cơ hội hồi sinh hay chủ nghĩa tư bản toàn trị chính là câu trả lời cho tương lai của châu Á?
Hãy xem xét một chút về bản chất của chủ nghĩa tư bản toàn trị. Rõ ràng ai cũng thấy rằng có những điểm tương đồng giữa chủ nghĩa tư bản toàn trị và chủ nghĩa xã hội chuyên chính. Đó chính là sự coi nhẹ những giá trị dân chủ và nhân quyền vốn là cơ sở quan trọng cho việc hình hành chủ nghĩa tư bản phương Tây. Phương Tây không coi chủ nghĩa tư bản toàn trị là kẻ thù, nhưng bản thân chủ nghĩa tư bản toàn trị và chủ nghĩa xã hội chuyên chính đều có những nguy cơ sụp đổ giống nhau.
Chủ nghĩa tư bản toàn trị có thể thành công ở Singapore do quy mô về địa lý và dân số của đảo quốc này trong thời gian qua. Tuy nhiên những diễn biến gần đây ở Singapore cho thấy đã có những biến chuyển quan trọng cho cơ hội hình thành và phát triển của những đảng phái đối lập.
Tại Trung Quốc, có thể nói rằng hiện tại quốc gia này là một hình mẫu cho những quốc gia nào tin vào chế độ chính trị độc đảng. Nhưng cả thế giới đang tự hỏi rằng liệu về lâu về dài Trung Quốc có thể tiếp tục chủ nghĩa tư bản toàn trị hay không?
Chấp nhận chủ nghĩa tư bản toàn trị là chấp nhận lý luận rằng một nền kinh tế thị trường và quyền tự do chính trị không có liên quan và chẳng ảnh hưởng gì đến nhau?
Cái mà người ta có thể thấy ngay trong hiện tại ở Trung Quốc là hiện tượng chính trị hóa thương mại và thương mại hóa chính trị. Chính trị hóa thương mại xảy ra khi hoạt động của nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào quyền kiểm soát của đảng cầm quyền. Thương mại hóa chính trị xảy ra khi đảng cầm quyền tham gia vào những hoạt động kinh tế nhằm tạo ra những lợi nhuận riêng cho mình. Những hoạt động này bao gồm hình thành những cơ sở kinh tài riêng của đảng hay quân đội. Sử dụng những thông tin kinh tế do đảng cầm quyền nắm để mang lại lợi nhuận cho cá nhân các đảng viên hay các cơ sở của đảng. Thông qua những hoạt động này giới cầm quyền của những quốc gia theo chủ nghĩa tư bản toàn trị tạo ra những nhóm lợi nhuận có đặc quyền chính trị, có lợi nhuận kinh tế lớn và những nhóm lợi nhuận này đã hình thành một mạng lưới kinh tế, an ninh và chính trị để bảo vệ sự tồn tại của đảng cầm quyền.
Tại Trung Quốc và Việt Nam, là những quốc gia tạm gọi là đang theo đuổi một loại chủ nghĩa tư bản toàn trị, đã có hiện tượng chính trị hóa tội phạm và tội phạm hóa chính trị.
Chính trị hóa tội phạm xảy ra khi mà các hoạt động truy tố và trừng phạt chỉ nhắm vào việc loại bỏ những thách thức quyền lợi chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền, hơn là nhằm truy tố và trừng phạt những hoạt động đe dọa sự an sinh của toàn xã hội. Hoạt động này mang lại hậu quả là đặt đảng cầm quyền trên pháp luật.
Tội phạm hóa chính trị xảy ra khi tất cả những hoạt động chính trị khác với quan điểm của đảng đều bị coi là tội hình sự. Ví dụ điều 88 của bộ luật hình sự nước CHXHCNVN.
Kết quả trước mắt của các hiện tượng nói trên là sự phản kháng càng tăng cao, sự bất ổn xã hội càng lúc càng trầm trọng. Nên nhớ rằng quyền tự do ngôn luận và tự do hoạt động chính trị chính là những van an toàn giúp làm giảm bầu không khí cẳng thẳng và đối kháng trong xã hội.
Sự lên tiếng của những nhà chính trị của Trung Quốc gần đây cho thấy bản thân Trung Quốc tự nhận ra rằng đã có những mâu thuẩn khốc liệt giữa hệ thống chính trị và nhu cầu phát triển và duy trì sự phát triển của nền kinh tế. Đã có những kêu gọi cải cách hay là chết.
Những mâu thuẩn nội tại của Trung Quốc chính là những mâu thuẩn nội tại của chủ nghĩa tư bản toàn trị mà những quốc gia như Việt Nam đang muốn đi theo.
Trong khi đó lịch sử đã chứng tỏ rằng chủ nghĩa tư bản phương Tây có khả năng tự đổi mới, tự hoàn thiện để thích ứng với từng giai đoạn phát triển của xã hội loài người.
Câu trả lời cho tương lai chính trị của Trung Quốc, Việt nam hay các nước đang phát triển có thể không nằm trong việc xây dựng và phát triển chủ nghĩa tư bản toàn trị như họ mong muốn, mà nằm trong sự hồi sinh trong một cơ thể cường tráng hơn của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Ls Lê Đức Minh