Từ thứ Sáu tuần trước, bà Hoả đã tới Úc và hoành hành dọc bờ biển phía Đông từ Queensland cho đến NSW. Đến nay, hơn 300 ngôi nhà ở Úc đã bị thiêu rụi. Hơn 1 triệu mẫu tây rừng bị cháy và ít nhất ba người tử nạn. Ngoài ra, hơn 6 triệu người bị ảnh hưởng. Trong đó, có nhiều bạn đọc Việt Luận.
Thật ra, ở Úc năm nào mà không cháy rừng nhưng năm nay bà Hoả đến Úc sớm hơn và tung hoành dư dội hơn. Bà Hoả tung hoành dữ dội đến nỗi tiểu bang NSW bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, hơn 600 trường học đóng cửa và hàng ngàn người phải di tản. Đặc biệt trong ngày thứ Ba, 12.11.2019, dân chúng tại thành phố Sydney thức giấc với bầu trời đen kịt, không khí nóng nực mà gió lại thổi tung cây cối. Các đài phát thanh và truyền hình liên tiếp cảnh cáo dân chúng chuẩn bị đón bà Hoả.
Ở Úc, chính phủ luôn luôn đặt những bảng báo hiệu mức nguy hiểm cháy rừng. Bảng báo hiệu chia ra làm bảy cấp. Thấp nhất là ‘Moderate, thường’. Rồi đến ‘Low, thấp’; High, cao’; ‘Very high, rất cao’; ‘Severe, nguy kịch’; ‘Extreme, cực kỳ’; và cuối cùng là ‘Catastrophic, tai hoạ đến nơi’. Trong ngày thứ Ba đầu tuần này, tiểu bang NSW rơi vào tình trạng …’tai hoạ tới nơi’! Ngoài ra, ở nơi đâu rủi phải đón bà Hoả, thì chính phủ liên tiếp thông báo cho dân chúng trong vùng biết phải làm gì. Khi lửa nhem nhúm thì chính phủ ‘báo tin, advice’ để dân chúng chuẩn bị. Lửa cháy bùng thì phải ‘watch and act, quan sát và hành động’. Tới lúc nguy hiểm và cần phải di tản thì chính phủ gởi ‘Emergency warning, báo tin khẩn cấp’ để dân chúng thoát thân.
Lửa rừng chưa vào tới thành phố Sydney nhưng dân chúng ở ngoại ô South Turramurra, cách trung tâm buôn bán chính của Sydney chừng 15 cây số về hướng Bắc đã một phen kinh hồn bạt vía vì tưởng ngôi nhà trị giá bạc triệu của mình sắp biến thành đống tro tàn. May mắn, máy bay đã dội những gáo nước vĩ đại để cứu các ngôi nhà này. Vì lửa rừng đã tới mép Sydney, nên vào chiều thứ Ba vừa qua nhiều thợ cày ở thành phố này được về sớm để có giờ trông coi ngôi nhà thân yêu của mình.
Trong đợt cháy rừng hiện nay, người sống trong thành phố may mắn nhiều vì thoát nạn và có cơ hội biết đến rất đông người Úc — như chúng ta — đang sống ở nơi xa xôi. Thiệt tình, nếu không có cháy rừng, có những người suốt đời sống ở đây sẽ chẳng bao giờ nghe nói tới những Annaville, Bellbrook, Bobin, Comara, Hillville, Nimbin, Nimboida, Towallum, vân vân. Ở những nơi rất xa ấy, đang có người Úc sinh sống. Họ làm nghề nông. Họ nuôi súc vật. Họ khai rừng, đào mỏ. Nước Úc giàu có một phần nhờ sức lực của những người sống ở nơi xa xôi này. Chúng ta cần ghi ơn và tiếp tay với họ — đặc biệt trong cơn ngặt nghèo hiện nay.
Cháy rừng là hiển hoạ gần như thường xuyên ở Úc. Năm 2009, cháy rừng ở Victoria đã lấy đi 173 mạng sống và thiêu rụi hàng ngàn ngôi nhà. Năm nay, rừng bắt đầu cháy ở NSW và Queensland và gần như chắc các nơi như Victoria, Nam Úc, và Tây Úc khó thoát được. Chắc là nước Úc phải tìm phương ngăn chận.
Để tìm phương ngăn chận, người ta cần biết những gì bén lửa và nguyên do nào làm cho nước Úc hay bị cháy rừng. Về những vật bén lửa như cây khô, vật dụng không dùng tới để chung quanh nhà thì chính phủ luôn luôn nhắc nhở dân chúng trước mùa hè mỗi năm phải bỏ chúng đi. Đây là điều người dân bản địa Úc đã từng biết và từng làm từ 40 ngàn năm về trước. Từ thủa hồng hoang mộng mơ, dân bản địa đã dành ra những khoảnh thời gian để đốt rừng. Nhờ đó, đất nước này có những khoảng trống ngăn lửa. Hiện tại, có lẽ Úc cũng phải nghĩ đến lập ra những khoảng cách để chận lửa rừng lại. Đó là các hào nước, sân chơi golf, công viên trồng cây ít bén lửa, vân vân.
Về nguyên do sâu xa dọn đường cho bà Hoả đến Úc thì người ta tranh luận. Xuất hiện ý kiến cho rằng tình trạng khí hậu thay đổi gây ra nạn cháy rừng. Ý kiến này cho rằng: trái đất nóng lên tất nhiên dễ cháy hơn. Đang lúc lửa cháy phừng phừng thì phó thủ tướng Úc Michael McCormack gây bão khi cho rằng chỉ có bọn người ba xàm ba láp sống ở thành phố mới nghĩ vậy. Lửa chưa tắt và xác hai nạn nhân cháy rừng chưa yên mổ yên mả thì cựu phó thủ tướng Barnaby Joyce lại ‘ba xàm ba láp’ khi cho rằng: hai người này dám bầu cho đảng Xanh lắm đa! Hai lời nói này chắc là không kiếm thêm phiếu cho đảng Quốc Gia mà cũng chẳng làm vơi chút buồn lòng cho nạn nhân. Ngược lại, một nạn nhân bị cháy nhà đã xỉ vào mặt của thủ lãnh đảng Lao Động Anthony Albanese khi bà cho rằng chính trị gia Úc vẫn khoanh tay khi lửa đang thiêu rụi nhà cửa của dân chúng.
Thật nhiều nguyên do khiến cho Úc hay bị cháy rừng, trong số này không thể loại bỏ tình trạng khí hậu thay đổi. Giáo sư Trent Penman, thuộc đại học Melbourne, cho rằng: cơn cháy rừng đang xảy ra dữ dội ở Úc là hậu quả của mùa mưa kéo dài ở Ấn độ. Các phần ở trên thế giới phải lệ thuộc nhau. Nơi này quá nóng thì nơi kia quá lạnh. Nơi này ướt sũng thì nơi kia khô hoắc. Sống trong một thế giới lệ thuộc nhau: ai còn may mắn chưa bị lửa đốt phải thương cho nạn nhân.
Việt Luận