Trong tuần qua, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã đến hai nước châu Á. Đó là Thái Lan và Nhật bản. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo hội Công Giáo La Mã. Ngài người Argentina, Nam Mỹ và trở thành Giáo Hoàng từ năm 2013. Hay tin này, nhiều giáo dân Việt Nam đã sang Thái Lan và Nhật Bản. Trong số này, một số người đi từ Thái Lan sang Nhật Bản.
Ở Thái Lan, khi Đức Giáo Hoàng hành lễ tại thủ đô Bangkok thì ban tổ chức dành ra sân vận động Thephasadin cho giáo dân nước ngoài. Người ta thấy áo dài và nón lá Việt Nam chiếm gần hết sân vận động này. Được biết: trong dịp Đức Giáo Hoàng thăm Thái Lan, ước chừng 6 đến 8 ngàn người Việt Nam đã đến đây. Ngoài số người ngồi chật ních trong hơn 50 chuyến bay, còn thêm đoàn xe lên đến 64 chiếc kéo nhau từ Việt Nam qua. Ấy là chưa kể đến nhiều người Việt Nam sống tại Lào, Cambodia cũng tìm đến Thái Lan để không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở.
Có những giáo dân rơi nước mắt khi thấy Đức Giáo Hoàng tiến vào khu hành lễ. Họ khóc vì tận mắt thấy người được coi là ‘đại diện Chúa’ và cũng khóc vì ấm ức sao Đức Giáo Hoàng lại chưa tới Việt Nam. Người mình mừng cho Thái Lan được hân hạnh đón vị chủ chăn đàn chiên đông hơn tỷ người trên thế giới. Đồng thới khó giấu được chút tủi thân cho đất nước Việt Nam.
So với Thái Lan, Việt Nam không thua lý do để đón vị đại diện Chúa. Nếu nghĩ Đức Giáo Hoàng đi đâu thì chắc là để thăm giáo dân thì Thái Lan chưa được 1% dân số theo đạo Công giáo; trong khi đó Việt Nam con số giáo dân không dưới 6 % dân số. Ở Thái Lan đang có ngót 400 ngàn giáo dân ; trong khi ở Việt Nam giáo dân từ 6 cho đến 10 triệu người.
Thật ra, Đức Giáo Hoàng là vị lãnh đạo hơn tỷ giáo dân trong giáo hội Công giáo La mã – đồng thời còn là quốc trưởng của quốc gia Vatican, vì thế Đức Giáo Hoàng đến nước nào thì nhân vật tương đương sở tại ra đón. Ngài có đến đâu thì nơi đó phải mời trước. Năm nay, quốc vương Thái Lan mời Đức Giáo Hoàng đến xứ chùa vàng để đánh dấu 350 năm đạo Công giáo đến Thái. Nếu vì lý do này thì Việt Nam đã đón Đức Giáo Hoàng từ lâu. Nhớ lại cách đây chín năm (2010), giáo hội Công giáo Việt Nam đã từng dành ra một năm để kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên. Lúc đó gọi là giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Từ hai giáo phận này đã nảy nở thành 27 giáo phận đang có ở Việt Nam. Cũng trong năm 2010, giáo hội Công giáo Việt Nam còn đánh dấu 50 năm thành lập hàng giáo phẩm . Xét về con số giáo dân ở châu Á, Phi luật tân có thể chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng Việt Nam lại tự hào là ‘trưởng nữ của giáo hội ở châu Á’ vì là nơi có hàng giáo phẩm đầu tiên.
Hiển nhiên, Giáo hội Công giáo Việt Nam rất mong đón Đức Giáo Hoàng trên mảnh đất thân yêu. Hội đồng giám mục Việt Nam đã ‘đề đạt và vận động’ – như lời tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói với phóng viên đài BBC tại Thái Lan. Dường như, hội đồng giám mục Việt Nam đã ‘‘đề đạt và vận động’ nhiều lần nhưng ‘không thể biết được …. nhà nước Việt Nam có mời’ Đức Giáo Hoàng đến thăm không.
Được biết, đây là lần thứ nhì Thái Lan hân hạnh tiếp Đức Giáo Hoàng. Lần trước, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến đây vào năm 1984. Trong khi đó, chưa một giáo hoàng nào đặt chân lên đất nước Việt Nam. Sao vậy? Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trả lời ‘Không phải do giáo Hoàng hay Vatican không muốn, mà vì lý do xã hội và chính trị chưa cho phép’.
Nhớ lại: trước năm 1975, ở Sài-gòn có khâm sứ toà thánh – tức nhân viên ngoại giao của Vatican tương đương với đại sứ từ các nước khác. Khi Cộng về thành, người ta đuổi khâm sứ toà thánh khỏi Việt Nam. Từ đó đến nay, Hà Nội và Vatican vẫn tiếp tục đàm phán để nối lại liên lạc ngoại giao. Năm 2011, toà thánh cử một nhân viên ngoại giao làm đại diện không thường trú cho Việt Nam. Gần đây, có tin hai bên đạt được thoả thuận lập lại chức vụ đại diện thường trú của toà thánh tại Việt Nam. Hy vọng một ngày không xa Việt Nam cũng có đại diện thường trú của toà thánh như 88 quốc gia khác trên thế giới.
Dù chưa tới Việt Nam, chắc chắn Việt Nam chiếm một chỗ đáng kể trong lòng Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Ở Thái Lan, Đức Giáo Hoàng đã nhắc tới 39 người Việt Nam bị nạn tại Anh Quốc. Khi ngỏ lời với chừng 7,000 bạn trẻ tại Bangkok, Đức Giáo Hoàng nói ‘Thật đau lòng. Tất cả chúng ta cầu nguyện cho họ’. Trước đó, trong một buổi chat ‘online’ từ Vatican Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện riêng với bạn trẻ Việt Nam. Ngài chọn đề tài ‘về nhà’ để hàn huyên với mong ước bạn trẻ Việt Nam lưu lạc sẽ có nhà mà trở về.
Việt Luận