“So many times we lose our patience; me too, and I apologize for yesterday’s bad example.”
Người thốt lên câu ấy là Đức Giáo Hoàng Francis. Nhiều người nghe hay đọc được câu xin lỗi ấy vào buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới 2020. Tuy Ngài không nói rõ là xin lỗi vụ gì nhưng hầu như ai cũng biết về câu chuyện mà Ngài gọi là “bad example” ấy.
Bản tin phổ biến trên nhiều tờ báo thuật lại rằng, vào đêm cuối năm 31/12 tuần rồi, sau khi đến thăm khu triển lãm hoạt cảnh mừng Chúa giáng sinh được dựng lên trong khu di tích ở quảng trường St. Peter, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) đánh một vòng chào đón, thăm hỏi giáo dân và khách hành hương nơi đây theo truyền thống mỗi năm. Ngài vui vẻ vẫy tay chào đón, ban phép lành cho người khuyết tật và các trẻ em. Sau khi vươn tay vỗ vỗ vào má một em bé, lúc Ngài vừa quay lưng lại với đám đông thì một phụ nữ từ sau rào cản bất ngờ nhoài người ra chộp lấy bàn tay phải của Ngài và kéo mạnh Ngài quay ngược về phía mình. Người phụ nữ làm động tác lắc, giật cánh tay Ngài trong lúc miệng liên tiếp thốt ra những câu gì đó. Cú chụp bắt và giật lắc cánh tay khá mạnh bạo khiến vị Giáo Hoàng 83 tuổi sững sờ và hẳn cũng làm tay Ngài bị đau nữa nên phản ứng của Ngài là dùng bàn tay trái đập mạnh vào tay người phụ nữ để giải thoát bàn tay mình, trong lúc lớn tiếng hét vào mặt người phụ nữ. Khi rút tay được khỏi bàn tay nắm chặt của người phụ nữ, Ngài quay ngoắt đi, mặt đỏ lên và nét mặt Ngài chuyển từ trạng thái tình cảm hiền hòa, vui vẻ sang cáu kỉnh, bực bội.
Video clip ghi lại diễn biến này truyền đi rất nhanh, hầu như ai cũng xem được.
Chuyện xảy ra đêm giao thừa Tây thì sáng hôm sau, vào ngày Tết dương lịch ĐGH đã ngỏ lời xin lỗi về hành vi mà Ngài gọi là “mất kiên nhẫn” của mình trong bài giảng chào mừng năm mới 2020.
Vì sao lại phải xin lỗi?
Nhiều người cho rằng ĐGH không cần phải xin lỗi. Người cần xin lỗi phải là người phụ nữ khiếm nhã ấy hoặc phải là những cận vệ của Ngài vì đã không phản ứng kịp thời khiến Ngài phải rơi vào tình huống xấu ấy.
Những ai quý trọng và bênh vực ĐGH đều tỏ sự cảm thông với Ngài, cho rằng Ngài cũng chỉ là người phàm trên thế gian này thôi và những phản ứng của Ngài rất là “người”. Trong lúc yêu cái đẹp, cái tốt thì Ngài cũng ghét cái xấu, cái ác và cũng biết thể hiện những tình cảm yêu ghét ấy khiến người đời càng cảm thấy gần gũi với Ngài. Con người chứ có phải là thánh nhân đâu, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi, điều đáng nói là đến lúc bình tâm lại thì biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm.
Ngược lại, cũng không ít người lên tiếng chê trách, thậm chí mỉa mai, cho là Ngài chỉ đạo đức giả, nói một đàng làm một nẻo, trong lúc vẫn khuyên dạy giáo dân mọi điều ngay lành, phải tu tâm dưỡng tánh, phải biết tĩnh tâm để cải thiện bản thân, vậy mà đến khi đụng chuyện thì tâm Ngài cũng không “tĩnh” nổi. Một bậc chân tu đạo cao đức dày như Ngài lẽ ra phải có cái tâm phẳng lặng, vượt lên trên mọi thói tật, tính khí của thế gian thường tình.
Lại thêm điều trớ trêu là, bài giảng ngày đầu năm mới đi cùng với lời xin lỗi thành khẩn của ĐGH Francis lại mang nội dung lên án mọi hình thức bạo hành đối với phụ nữ, trong đó Ngài đưa ra nhận định sâu sắc rằng, cách ta đối xử với phụ nữ ra sao chính là thước đo nhân tính của ta.
Về phía người phụ nữ có hành động kỳ quặc ấy, có vẻ chị ta hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt. Hành động lôi kéo, xô đẩy một ông cụ trên 80 tuổi bình thường đã khó chấp nhận, huống hồ đây lại là một vị giáo chủ của một tôn giáo lớn có biết bao tín đồ trên khắp thế giới. Người thì cho là chị này mắc bệnh tâm thần, người thì cho là chị ta tham lam, muốn giành lấy hết ơn phước từ ĐGH.
Người phụ nữ ấy là ai, đến nay vẫn chẳng ai rõ tung tích, chỉ biết là người Á châu, không rõ đến từ đâu và cũng không rõ vì sao chị ta lại có hành vi lạ lùng đến như vậy. Trong vài giây của video clip ấy người ta thấy chị đưa tay làm dấu thánh giá với một với vẻ sùng kính và cũng nhận thấy nét mặt chị khá căng thẳng trong lúc ĐGH bước gần đến chỗ chị đang đứng.
Không rõ người phụ nữ ấy nói gì với ĐGH trong lúc nắm chặt bàn tay Ngài, chỉ thấy vẻ mặt chị lộ vẻ thành khẩn, thống thiết. Có thể là lời khẩn cầu Thiên Chúa chúc phúc cho Ngài hoặc lời thỉnh cầu gì đó của riêng chị. Nhiều phần là ĐGH không nghe được những lời ấy vì Ngài đang chú tâm vào việc làm sao để mà giải thoát được bàn tay tội nghiệp của Ngài. Cũng không nghe ai thuật lại những lời Ngài to tiếng với người phụ nữ khi cố giằng tay mình ra khỏi bàn tay đang nắm chặt tay mình. Chắc không phải là lời lẽ ôn tồn như “What’s your problem, lady?” hoặc câu chúc “Happy New Year!”
Khi một người bạn hỏi tôi nghĩ sao về hành động bất thường của người phụ nữ ấy, tôi có hơi ngần ngại đưa ra ý kiến. Không phải vì tôi nhớ đến lời Chúa dạy, “Ai không muốn mình bị phán xét thì đừng có phán xét kẻ khác.” Hoặc câu nói khá phổ biến của chính ĐGH Francis, “Tôi là ai mà đi phán xét người khác.” Lý do là tôi từng có những lần xét đoán con người qua các sự kiện hoặc tận mắt chứng kiến hoặc được thuật lại, và sau đó không ít lần nhận ra là mình đã xét đoán… lầm. Làm sao không lầm được, khi mà một kẻ sát nhân hàng loạt hay kẻ phạm những tội ác tày trời khó ai dung thứ được, thế nhưng từ thầy, cô giáo ở trường học, đến anh em bạn bè, đến đồng nghiệp, đến hàng xóm láng giềng và những ai từng quen biết kẻ tội phạm khi được hỏi đến đều sững sờ và cho là chuyện khó tin vì kẻ ấy vốn hiền lành tử tế, rất thân thiện và hay giúp đỡ người khác.
Cũng vì vậy, tôi cố tìm cách lý giải hành động táo bạo bất ngờ của người phụ nữ bị không ít người “ném đá” ấy để may ra có thể hiểu được và cảm thông được. Chị ta có thể là một tín đồ cuồng nhiệt, hết lòng ngưỡng mộ ĐGH Francis, xem Ngài như một thần tượng lớn và khao khát được diện kiến; hoặc hơn thế nữa, được bắt tay Ngài một lần duy nhất trong đời. Chị ta có thể đến từ một nơi nào rất xa chỉ để mong được như vậy. Thế nhưng, thật rủi ro là khi ĐGH vừa bước đến gần và khi chị ta vừa cung kính làm dấu thánh giá vừa hồi hộp, háo hức để “chờ đến lượt mình” thì Ngài lại bất ngờ… quay lưng đi. Chị ta dễ gì chịu thua mà phải bằng mọi cách chụp bắt ngay cái khoảnh khắc “một lần là trăm năm” ấy bằng cách… chụp bắt lấy bàn tay của Ngài. Nói khác đi, tôi cho là người phụ nữ ấy bị kích động đến mức không kềm chế được hành động của mình trước một thần tượng quá lớn, vì cũng không nhận thức được đấy là hành vi bất kính.
Hai mặt tấm gương soi
Nếu nói rằng phản ứng và cách hành xử của ĐGH rất “người” thì hành động của người phụ nữ ấy cũng rất “người” vậy, nhất là chị ta chỉ là phàm nhân chứ nào có tu tập gì. Tôi chắc đêm ấy chị ta khó mà ngủ được vì mang nặng cảm giác bẽ bàng khi bị chính thần tượng mình yêu cuồng hất hủi, làm cho xấu hổ.
Hẳn ai cũng từng có một đôi lần như thế trong đời, khi rơi vào trạng thái phấn khích quá độ thì hoàn toàn không kiểm soát được lời nói, hành động của mình.
Về phía ĐGH Francis, hẳn Ngài cũng không lấy gì làm hứng thú khi phải xuất hiện trong mắt người đời như là một vị Giáo Hoàng dễ nổi quạu, làm cho hình ảnh Ngài kém đẹp đi phần nào, chưa nói là khiến giáo dân và những người cộng sự của Ngài cũng cảm thấy ngại ngùng khi tiếp cận Ngài.
Đây cũng không phải lần đầu ĐGH Francis tỏ thái độ giận dữ, cáu kỉnh như vậy. Trước đó, trong chuyến viếng thăm 5 ngày ở Mexico vào tháng 2/2016, một nhóm tín đồ cuồng nhiệt ở thành phố Morella cũng đã kéo mạnh tay áo Ngài khiến Ngài ngã chúi vào một cậu bé khuyết tật ngồi trên xe lăn. Không nén được cơn giận, ĐGH trợn mắt, vung tay hét lớn, “Làm cái trò gì vậy? Đừng có cái thói ích kỷ như thế!”
Tự chế là đức tính khó rèn luyện nhất trong mọi đức tính và cũng thể hiện bản lãnh một con người. Các sĩ quan trong quân đội VNCH ngày trước đều biết đến khẩu hiệu “Tự thắng để chỉ huy” trong các quân trường để rèn luyện bản thân và để trở thành một cấp chỉ huy giỏi. Không thắng, không chỉ huy được mình thì mong gì thắng được, chỉ huy được ai.
Trước khi ngỏ lời xin lỗi vì đã không kềm chế được hành vi không lấy gì đẹp mắt của mình, hẳn ĐGH cũng đã nghĩ nhiều về người phụ nữ đường đột chụp lấy cánh tay mình và nhớ đến lời Chúa Giêsu thốt lên trước khi bị treo mình trên thập giá, “Lạy Cha, xin thứ tha cho họ vì họ không biết việc mình làm.”
Vào buổi tối đầu năm ấy, tôi ngồi trông chừng hai đứa cháu nội đang chơi đùa với nhau nơi phòng khách. Trong lúc giành nhau một món đồ chơi, đứa bé gái ba tuổi bỗng xô ngã đứa em trai một tuổi làm cháu khóc thét lên vì đau, mặc dù trước đó tôi đã nhiều lần nhắc cháu gái là phải thương em, nhường nhịn em và không được xô ngã em. Không nén được cơn giận tôi tát nhẹ vào má cháu gái khiến cháu bật khóc, nước mắt nước mũi đầm đìa, dỗ mãi không nín. Ngay lúc ấy, tôi bỗng nhớ đến câu xin lỗi của ĐGH Francis vào buổi sáng và nhận ra là mình cũng đã “lost patience” y như Ngài vậy. Tôi vội vàng dỗ dành và xin lỗi cháu. Không rõ người phụ nữ được Ngài thành khẩn xin lỗi ấy có còn buồn giận Ngài, nhưng đứa cháu gái tôi thì vẫn khóc mãi có lẽ vì không nhận ra được vẻ thành khẩn trong lời xin lỗi của ông nội. ĐGH, ngày hôm trước Ngài phạm lỗi, ngày hôm sau Ngài nhận lỗi. Phần tôi, nhanh chóng nhận lỗi ngay khi vừa phạm lỗi, nhờ rút kinh nghiệm của người đi trước là Ngài. Xin kể mẩu chuyện nhỏ ấy để khoe rằng tôi rất vui khi học được bài học lớn từ một tình huống nhỏ đầy kịch tính của Ngài để cải thiện bản thân mình. Bài học ấy như hai mặt của một tấm gương soi. Mặt bên này đục mờ, lật sang mặt bên kia thì trong veo. Mặt bên này Ngài gọi là “bad example”, lật sang mặt bên kia, Ngài cho tôi cái “good example”.
Không chỉ xin lỗi đứa cháu nhỏ, nếu có chỗ nào không phải trong câu chuyện đầu năm mà tôi muốn được chia sẻ cùng quý độc giả, cũng xin vui lòng nhận nơi tôi “lời xin lỗi đầu năm”.
Lê Hữu