LTS: Đây là một đề tài được thảo luận tại Đại Hội lần thứ 26 của Tổng Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH/Úc Châu, Adelaide ngày 27.12.2019, mà diễn giả là Ls Lưu Tường Quang.
* * *
Kính thưa Ls Võ Minh Cương, Chủ tịch Tổng Hội và quí vị đại biểu từ các Tiểu Bang và Lãnh Thổ Úc Châu,
Tôi xin cảm tạ Thư Mời của Ban Tổ Chức Đại Hội và kính chúc Đại Hội thành công. Trong bài thuyết trình nầy, tôi xin giới hạn vào 3 lãnh vực mà Bắc Kinh đã và đang theo đuổi: đó là kế hoạch văn hóa, kinh tế thương mại và hệ thống kết nối toàn cầu gọi là Vành Đai và Con Đường (BRI). Tất nhiên, Bắc Kinh còn phối hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm tại Biển Đông cũng như khai thác lợi thế của một quốc gia thượng nguồn Sông Mekong trong âm mưu bá quyền tại Đông Nam Á, đặc biệt là đối với Việt Nam.
Toàn cảnh Đại Hội – Đại Biểu toàn quốc và khách mời
Quyền Lực Mềm là gì?
Nhóm chữ Sức Mạnh Mềm hoặc Quyền Lực Mềm (Soft Power) đã được Giáo sư Joseph S. Nye Jr., thuộc Viện Đại Học Harvard tại Mỹ, tạo ra vào cuối thập niên 1980 để phản ánh khả năng của nước nầy đối với nước kia trong việc thuyết phục nước kia hành xử theo đúng ý muốn của nước này mà không phải cưỡng ép bằng võ lực.
Theo Giáo sư Joseph Nye, một quốc gia thành công cần cả quyền lực cứng (hard power, sức mạnh quân sự) cũng như quyền lực mềm (soft power). Trong giới ngoại giao, chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Úc, Ông Alexander Downer, một nhóm chữ mà họ thường sử dụng với ý nghĩa tương tự là “track-two diplomacy – tức là đường lối ngoại giao song hành thứ nhì.
Trong vài trường hợp tế nhị, track-two diplomacy có thể hữu hiệu để “mở đường” cho sinh hoat ngoại giao qui ước/diplomacy. Thí dụ điển hình là xảo thuật ngoại giao bóng bàn (ping pong diplomacy) hồi đầu thập niên 1970 đã dẫn đến bang giao song phương giữa Washington và Bắc Kinh. Đặc tính của quyền lực mềm là tính thuyết phục chớ không phải sức mạnh cưỡng bức.
Bắc Kinh thành lập Viện Khổng Tử /Confucius Institute hồi năm 2004 và trực thuộc Văn Phòng Hội Đồng Quảng Bá Hán Ngữ Quốc Tế (Office of the Chinese Language Council International) gọi tắt là Hanban mà từ Hán Việt là Hán Biện. Hán Biện, với một ngân sách khoảng 10 tỉ dollars mỗi năm theo Epoch Times, là một bộ phận của Bộ Giáo Dục Trung Quốc.
Cần nói rõ là Khổng Tử và Khổng Giáo đã bị bôi bác dữ dội trong chế độ cộng sản Trung Quốc như là một học thuyết phản động, đặc biệt là trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá/Cultural Revolution (1966-1976) – một thập niên đầy biến động khi Mao Trạch Đông tái lập vị trí lãnh đạo độc tôn và đặt tư tưởng Mao làm nền tảng cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Ngày nay, Ông Tập Cận Bình theo gót Mao Trạch Đông trong vị trí lãnh tụ độc tôn và đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến Pháp Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trung Cộng phục hồi vị thế của Khổng Tử không phải vì họ bỗng dưng hâm mộ Đạo Khổng mà vì họ cần sử dụng Khổng Tử như một phương tiện tiếp thị và tuyên truyền ở nước ngoài.
Bên ngoài Hoa Lục, Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập ngày 21.11. 2004 tại Seoul (Hán Thành), thủ đô Nam Hàn. Trong số các quốc gia dân chủ phương Tây, ba nước Mỹ, Anh và Úc, theo thứ tự này, có nhiều Viện Khổng Tử nhất. Nhưng tính về mặt dân số và số lượng các viện đại học, thì chúng ta phải coi Úc Châu có nhiều Viện Khổng Tử hơn cả hai quốc gia lớn nói tiếng Anh.
Tại Úc, Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập tại Viện Đại Học Tây Úc / University of Western Australia hồi năm 2005. Viện Khổng Tử ngày nay sinh hoạt tại 14 viện đại học lớn của Úc kể cả Viện Đại Học Melbourne (cũng từ năm 2005) và Viện Đại Học Sydney (từ năm 2007). Ngoài ra còn có những lớp dạy tiếng Quan Thoại tại 60 cơ sở giáo dục trung học.
Quyền lực mềm về mặt văn hoá – Viện Khổng Tử tại cộng sản Việt Nam
Viện Khổng Tử đầu tiên và duy nhất cho đến nay tại Việt Nam được chính thức gắn biển và khai trường ngày 27.12.2014 tại Viện Đaị Học Hà Nội (thành lập năm 1959). Buổi lễ nầy đặt dưới quyền chủ tọa của Ông Yu Zhengsheng / Du Chính Thanh, Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ Tịch Chính Hiệp Trung Quốc (tức là ‘Hiệp Thương Chính Trị’ gọi tắt, cơ quan cố vấn của Đảng Cộng Sản Bắc Kinh) và Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Trong số 3 quốc gia Đông Á ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhất là Khổng Giáo, thì Việt Nam là nước mà Viện Khổng Tử được thiết lập ít nhất và chậm nhất.
Trong chế độ độc đảng độc tài khép kín như Việt Nam hiện nay, chúng ta chỉ có thể suy đoán: (a) lập luận rộng rãi cho chế độ có thể là vì Hà Nội lo ngại nguy cơ văn hoá vận và tình báo Bắc Kinh qua Viện Khổng Tử, hay (b) là vì Bắc Kinh đã có mạng lưới tình báo Hoa Nam đầy dẫy tại Việt Nam ở mọi cấp chính quyền và trong mọi giai tầng xã hội nên họ không cần phải thành lập nhanh và nhiều Viện Khổng Tử, hoặc (c) cả hai lý do nầy.
Ngoài Viện Khổng Không Tử, Bắc Kinh còn thiếp lập Cung hữu nghị Việt-Trung và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khánh thành ngày 12.11.2017 sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một học giả Hán-Nôm, lo ngại rằng Trung tâm Văn Hóa Trung Quốc cùng với Học viện Khổng tử là những kênh mà Chính phủ Bắc Kinh dùng để tuyên truyền có lợi cho Trung Quốc”.
Nhận xét của giới trí thức Việt Nam như Ts Nguyễn Xuân Diện rất xác đáng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng tự nó, các cơ sở Trung Cộng nói trên có thể đồng hóa dân tộc Việt Nam khi mà một ngàn năm Bắc Thuộc đã không làm được.
Quyền lực mềm về mặt giao thương – Trung Cộng chi phối kinh tế cộng sản Việt Nam
Việt Nam đă và đang lệ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng về mặt kinh tế, mặc dầu Việt Nam là thành viên của hai Hiệp Định Tự Do Thương Mại FTA quan trọng. Đó là CPTPP và RCEP.
Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện / Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP) được manh nha tại Jakara, Indonesia hồi năm 2011 và chính thức phát động tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Asean ở Phnom Penh, Cambodia hồi năm 2012 và bao gồm 10 nước Asean + 6 (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc Châu và New Zealand). Do Trung Cộng chủ động và không có Mỹ, RCEP nhằm đối trọng Hiệp Định TPP (nay là CPTTP và không có Mỹ). RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2020 nhưng không có Ấn Độ và Mỹ.
Trung Cộng là đối tác số 1 của Việt Nam về mặt nhập khẩu và là đối tác số 2 (sau Hoa Kỳ) về mặt xuất khẩu. Nhưng Việt Nam luôn luôn bị thất thu (trade deficit – mà từ ngữ trong nước gọi là nhập siêu) đối với Trung Cộng.
Theo dữ liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử thương mại, giao thương hai chiều giữa cs Việt Nam và cs Trung Quốc đã lên đến mức 106.7 tỉ Mỹ Kim hồi năm 2018 mà Việt Nam bị thất thu 25 tỉ Mỹ Kim. Mức độ thất thu này mỗi ngày một gia tăng. Trong 10 tháng đầu của năm 2019, giao thương hai chiều giữa hai nước đã lên đến 73 tỉ Mỹ Kim, gồm 49 tỉ Mỹ Kim nhập cảng so với 23.89 tỉ xuất cảng, tức là thất thu 25 tỉ Mỹ Kim.
Nói chung trong giao thương với 14 thành viên RCEP, Việt Nam thường bị thất thu và tôi e ngại rằng sau khi RCEP có hiệu lực, mức độ thất thu mà Việt Nam phải gánh chịu sẽ cao hơn đặc biệt là với Trung Quốc. Ấn Độ đã lo ngại ngành công nghiệp sản suất bị sụp đổ vì RCEP, thì ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ đi về đâu?
Nếu Mỹ đã tiếp tục làm thành viên của TPP hoặc nay gia nhập CPTPP, Việt Nam có thể có cơ may gia tăng xuất cảng sang thị trường to lớn và giàu mạnh của Hoa Kỳ. Tất nhiên, điều nầy không dễ dưới thời Tổng Thống Donald Trump vì Ông Trump đã đe dọa trừng phạt Việt Nam, nếu Việt Nam không giảm hạ mức độ thặng dư (trade surplus – mà từ ngữ trong nước gọi là xuất siêu).
Theo Báo Thanh Niên, trong 07 tháng đầu năm 2019, Việt Nam thặng dư 24.23 tỉ Mỹ Kim bán sang Hoa Kỳ và thất thu 22 tỉ Mỹ Kim mua từ Trung Quốc.
Thương chiến Mỹ-Trung được cho là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào.
Theo nguồn tin Chính phủ Việt Nam, với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường thất thu (nhập siêu), thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 07 tháng năm 2019, Việt Nam đã chuyển từ thất thu sang thặng dư (nhập siêu sang xuất siêu). Ngân Hàng Thế Giới / The World Bank chia sẻ quan điểm nầy và ước tính rằng nhờ CPTPP mà GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 1.1% vào năm 2030.
Tôi tin rằng tình trạng nầy còn tốt đẹp hơn, nếu CPTPP có Mỹ.
Ấn Độ cũng là một cơ hội đã mất.
Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ được xếp thứ 15 trong khi Ấn Độ là thị trường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lớn thứ 10 của Việt Nam. Nhưng chúng ta phải nói vào thời điểm này, giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ chưa được phát triển đúng mức, mặc dầu hai nước có quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2007 và Ấn Độ coi Việt Nam quan trọng trong chiến lược Hành Động Phương Đông (Act East) mà Thủ tướng Narendra Modi đã phát động vài năm trước đây.
Về mặt con số, giao thương giữa Ấn Độ và Việt Nam chỉ đạt mức 14.2 tỉ Mỹ Kim trong năm 2018. Từ năm 2015, hai nước đã dự phóng giao thương sẽ đạt mức 20 tỉ Mỹ Kim vào năm 2020. Con số nầy sẽ không đạt được, nhất là sau khi Ấn Độ đã quyết định không gia nhập RCEP.
Để có thể Thoát Trung cs Việt Nam trước hết phải giảm bớt lệ thuộc kinh tế vào cs Trung Quốc bằng cách gia tăng giao thương với thế giới bên ngoài Bắc Kinh, đặc biệt là Hoa Kỳ và Ấn Độ (với dân số 1 tỉ 300 triệu người). Đồng thời cs Việt Nam cũng phải từ bỏ chính sách gọi là “Ba Không” để tiến gần hơn với các quốc gia dân chủ phương Tây về mặt an ninh quốc phòng. Chính sách Ba Không nầy nay trở thành “Bốn Không” theo Sách Trắng Quốc Phòng 2019 mà cộng sản Việt Nam công bố hồi cuối năm 2019.
Tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng áp lực kinh tế để kiểm soát Đảng Cộng Sản Việt Nam về mặt chính trị, đặc biệt là khi cộng sản Việt Nam hoặc không có khả năng hoặc không có ý chí chính trị để thoát Trung.
Việt Nam trong Sách lược Vành Đai và Con Đường: Ván bài khó gỡ
Sáng kiến Vành Đai Con Đường – Belt and Road Initiative (BRI – Nhất Đái Nhất Lộ) do Chủ tịch Nhà Nước Trung Cộng Tập Cận Bình phát động hồi năm 2013 mà tham vọng là kết nối toàn thế giới từ Hoa Lục đến Châu Âu bằng đường bộ và Hoa Lục với Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Châu Phi và Châu Âu với Đường Tơ Lụa Hàng Hải. Cho đến nay đã có hai Hội Nghị Toàn Cầu tại Bắc Kinh. Lần thứ nhất hồi năm 2017 có sự tham dự của 100 nước và 29 nguyên thủ quốc gia, kể cả Chủ tịch Nước Trần Đại Quang. Ông Tập Cận Bình loan bao một ngân khoản 124 tỉ Mỹ kim cho kế hoạch nầy. Lần thứ nhì vào năm 2019 mà Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và tuyên bố Sáng Kiến Vành Đai Con Đường sẽ đem lại lợi nhuận cho đôi bên Trung Cộng và Cộng sản Việt Nam.
Cho đến nay, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu và Ấn Độ đều không/chưa gia nhập. Sáng kiến này còn bị coi là một kế hoạch bẫy nợ (debt trap) nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Thí dụ điển hình thường được nêu lên là trường hợp Sri Lanka vay tiền Bắc Kinh để xây dựng Cảng Hambatota. Khi Sri Lanka không thể trả nổi món nợ 1 tỉ 300 triệu Mỹ kim, thì Bắc Kinh tiếp thu và quản trị cảng chiến lược nầy tại Ấn Độ Dương.
Việt Nam có vị trí chiến lược tại Đông Nam À mà Bắc Kinh muốn thôn tính. Trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, từ năm 2011, Xa Lộ Cát Linh-Hà Đông Metro là một công trình nằm trong sáng kiến BRI. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang dòm ngó kế hoạch xây dựng Đường Cao Tốc Bắc-Nam từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1940 kms với tổn phí dự trù 15 tỉ Mỹ kim. Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ ‘giao trứng cho ác’ nếu con đường chiến lược nầy được xây dựng bởi Trung Cộng, một diễn tiến rất có thể sẽ xảy ra.
Trong vai trò kết nối, Việt Nam nằm trong Sáng Kiến BRI với dự án được gọi là “Một Trục Hai Cánh”. Trục là hành lang kinh tế nối liền Nam Ninh (Quảng Tây) với Singapore. Và Hai Cánh gồm Cánh Trái là Tiểu Vùng Mekong mở rộng và Cánh Phải là hợp tác kinh tế vùng Bắc Bộ mở rộng. Ngoài áp lực từ phía Bắc Kinh, Việt Nam còn bị vướng mắc trong nội bộ Hiệp Hội Asean, vì Kế hoạch Một Trục Hai Cánh nầy được Asean ủng hộ mạnh mẽ.
Tôi e ngai rằng trong dài hạn, Sáng Kiến BRI là nguy cơ lớn cho nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương cội nguồn chúng ta.
Nhiều nguồn dư luận đề cập đến mật ước Thành Đô 1990 nhưng tôi không tìm được tài liệu khả tín để xác nhận hay phủ nhận nguy cơ mất nước. Nhưng bất kể là có hay không có Mật Ước Thành Đô, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với nguy cơ mất chủ quyền khi cs Việt Nam không thể hoặc không muốn hóa giải/trung hòa (neutralize) quyền lực mềm dưới nhiều hình thức của Bắc Kinh.
Ls Lưu Tường Quang, AO (Adelaide, South Australia 27 Dec 2019)
Tài liệu:
* Lưu Tường Quang, Sách Lược Quyền Lực Mềm của Bắc Kinh và vài trò của Viện Khổng Tử, Tập san nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai-Cửu Long, số 13 năm 2019
* Lưu Tường Quang, Chiến Lược Địa Lý Chính Trị -Từ TPP đến RCEP: Việt Nam mất cơ hội Cải tổ Kinh tế và Thoát Trung, Việt Luận Giải Phẩm Xuân Canh Tý 2020, Sydney Tháng 12 năm 2019.
* Lê Hồng Hiệp, The Belt and Road Initiative in Vietnam Challenges and Prospects, The Newsletter 81, Autumn 2018 (IIAS)
* RFA, Wasington DC, Experts warn of Debt Trap for Vietnam in Belt and Road Initiative as China bids for projects, 22 May 2019
* BBC London, VN ở đâu trong Vành Đai và Con Đường của TQ? 11.05.2017