Trong những ngày từ năm cũ 2019 chuyển qua năm mới 2020, rừng đã cháy tại phân nửa nước Úc. Lửa nổi lên tại sáu tiểu bang NSW, Victoria, Nam Úc, Tây Úc, Queensland và Tasmania. Cho đến nay 26 người thiệt mạng, gần 2,000 ngôi nhà bị thiêu rụi và hơn 10 triệu mẫu tây rừng thành tro bụi. Diện tích đám cháy năm nay ở Úc tương đương với diện tích của Nam Hàn hay một phần ba diện tích của Việt Nam.
Chỉ riêng ở NSW, hơn 2,700 lính chữa lửa đã xông vào chốn bừng bừng để ngăn chận cơn giận của bà Hoả. Ấy là chưa kể đến 3,000 quân trừ bị được lệnh điều động vào biển lửa tại cả ba tiểu bang NSW, Victoria và Nam Úc. Có những thị trấn bị coi như ‘không cứu được, undefendable’. Thí dụ như Batlow. Batlow là tên của thị trấn nắm ở phía Nam thủ đô Canberra và cũng là nơi sản xuất những trái táo Batlow thơm lừng ở Úc. Có những thị trấn không có nhà nào không bị xây xát như Balmoral, nằm về phía Nam Sydney.
Như thể sơn hà nguy biến, Úc phải huy động quân đội trừ bị. Theo thỉnh cầu của chính phủ, toàn quyền Úc đã ký lệnh triệu tập 3 ngàn quân trừ bị để xông vào ngọn lửa và tiếp tay di tản dân chúng ra khỏi vùng khói lửa. Hải quân Úc được lệnh đưa tàu chiến neo ngoài khơi để di tản dân chúng vì con đường độc đạo dẫn ra khỏi thị trấn bị lửa cắt đứt. Thủ tướng Scott Morrison coi đây là việc làm ‘chưa từng có’ trong lịch sử Úc. Nhưng nhận vơ này đã bị cựu thủ tướng Kevin Rudd cải chính. Theo đó, nguyên thủ tướng Kevin Rudd đã điều động quân trừ bị Úc tiếp cứu tiểu bang Victoria khi xảy ra trận hoả hoạn vào thứ Bảy Đen (Black Saturday) năm 2009. Dù cải chính, ông Kevin Rudd vẫn lịch lãm chừa ra một khe hở để vuốt mặt đương kim thủ tướng Úc: ‘I’m not sure what Mr Morrison is saying is true, tôi không chắc lời thủ tướng nói có đúng không’.
Dân thành phố hửi khói
Lửa năm nay cháy dữ dội trong những cánh rừng sâu và lan vào nhiều thị trấn ở Úc. Dân chúng tại các thành phố lớn ở Úc chưa bị lửa cháy nhưng đã phải hửi khói. Khói nặng nhất là thủ đô liên bang Canberra. Trong tuần lễ kéo dài từ Tết Tây 2020, AirVisual tôn Canberra và Sydney lên hạng nhất trong số các thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới. Khí ở Canberra còn dơ hơn cả Delhi, Karachi and Beijing và Hà Nội.
Thông thường chỉ số ô nhiễm đạt mức 250 là bị coi là nguy hiểm (hazardous). Thế mà chỉ số này đã đạt mức 2,500 ở Sydney và lên cao hơn 4,000 và có khi đạt mức 4,650 ở Canberra. Vậy là 5 triệu dân Sydney phải thở không khí nguy hiểm gấp 10 lần và gần nửa triệu dân ở Canberra phải hít thở không khí ô nhiễm gấp 20 lần mức nguy hiểm. Riêng ở Melbourne, khi Cổ Nhuế viết bài thời sự này – dù phần lớn lửa rừng đã được chận lại – khói mù vẫn bao phủ thành phố ngày bốn mùa. Những nơi bị coi là ‘nguy hiểm, hazardous’ là Melton, Macleod, Mooroolbark, Alphington, Box Hill, Dandenong, Brighton, Brooklyn, Footscray và Coolaroo. Bác sỹ y tế trưởng của tiểu bang Victoria — Brett Sutton – cho biết: khi trời trở lạnh, bụi khói sà sát đất hơn. Vậy là không khí bị ô nhiễm nhiều hơn. Bầu không khí mùi mịt đang đe doạ giải quần vợt Australia Open. Nghe đâu đã có tay vợt té xỉu trên sân.
Của đáng tội! Chỉ có thằng nghèo mới phải hít khí bẩn vì ai có tiền có bạc thì bầu đàn thê tử nhảy lên máy bay … tị nạn khói! Có đi tị nạn khói thì phải đi thật xa vì Sydney, Melbourne, Canberra đều bị khói ám. Và khói ở Úc đã bay sang tận New Zealand. Chắc cách an toàn hơn hết là bay tuốt qua Hà Nội! Dầu sao vào lúc thành phố ở Úc bị phủ khói thì Hà Nội chỉ đứng hạng bảy về cái ngữ không khí dơ mà thôi. Có điều khí ở Hà Nội dơ quanh năm còn khí ở Úc rồi ra sẽ trong lành trở lại.
Vì trời mù mịt và không khí ô nhiễm không thua gì cảnh trong phim Mad Max, ở Canberra nhiều sở bộ của chính phủ đóng cửa (công chức mừng!), hai đại học ở đây cũng cài then khoá cổng (sinh viên khoái!), các trung tâm buôn bán đồng loạt treo bảng CLOSED (người làm ăn méo mặt!). Cùng một lúc, chính phủ phân phát 100 ngàn mặt nạ P2 và N95 và kêu gọi dân chúng ở trong nhà. Xin lưu ý: rủi bạn đọc muốn sắm mặt mạ để giảm bớt ô nhiễm khi thở hít thì cần mua loại P2 hay N95 nghen. Nhưng dường như ở đâu đâu loại mặt nạ này cũng hết sạch. Ngoài ra, khi ở trong nhà bạn đọc đừng bao giờ mở cửa. Nếu bên ngoài khói mù mịt thì lấy khăn nhúng nước chận các khe. Ai kỹ hơn có thể trải nhiều khăn ướt lên sàn nhà. Khăn ướt có thể hút khói. Riêng người có chút tiền bạc thì rinh ngay những chiếc máy gọi là ‘air purfier’ về xài. Các biện pháp trên chỉ giúp cho chúng ta yên tâm tí chút. Còn ai thấy bị bụi khói vật thì phải … khám bác sỹ!
Cớ sự khiến bà Hoả nổi giận
Trong ngày thứ Sáu 10.1.20 trời nóng đến 40 độ và gió thổi dữ dội đến hơn 60 cây số / giờ. Sét đã đánh vào khu rừng ở phía Tây thành phố Sydney. Sét gây ra hai đám cháy Coonabarabran và ở trong rừng sâu tại Blue Mountains.
Trên đây là vài ba cớ sự trực tiếp làm ngọn lửa bùng lên. Còn nói đến hoàn cảnh nào khiến nước Úc phải khốn đốn vì bà Hoả thì câu trả lời tuỳ theo bạn đọc hỏi ai. Hỏi văn phòng khí tượng khí tượng (Bureau of Meteorology) thì câu trả lời: do khí hậu năm 2019 tại Úc đã nóng nhất và khô nhất. Khí hậu khô và nóng này do trời không mưa và rất nóng. Tính trung bình trong năm 2019 Úc chỉ nhận được 37mm nước mưa. Con số này cho thấy năm 2019 đã phá vỡ kỷ lục khô hạn vào năm 1902. Năm đó, Úc bị hạn hạn khủng khiếp vì chỉ được 314.5mm nước mưa. Còn về nóng nực, năm 2019 cũng nóng hơn thuở nước Úc nóng nhất. Úc đã từng nóng nhất vào năm 2013. Vậy mà so với năm đó, năm ngoái còn nóng hơn 0.2 độ. Trong tháng 12 năm ngoái ở Nullarbor, Nam Úc đã nóng đến 49.9 độ. Cũng trong tháng cuối cùng trong năm ngoái, Úc đã chịu trận 6 ngày liên tiếp trời nóng trung bình đến mức 41.9 độ.
Nếu bạn đọc đọc hỏi chính phủ và ký giả / xướng ngôn viên dưới quyền tỷ phú Rupert Murdoch thì câu trả lời lại là: rừng cháy vì tội đảng Xanh và người yêu hoa lá cỏ cây. Theo đó, vì quá yêu màu xanh những người này đã không cho chính phủ dọn dẹp trước những thứ cây cối và rác rến nên lửa rừng lan vào nhà ở của dân lành. Lãnh tụ đảng Quốc Gia ở NSW, ông John Barilaro đã nói thế. Cựu lãnh tụ đảng Quốc Gia ở cấp liên bang, ông Barnaby Joyce, cũng nói tương tự. Trong thực tế, trong hai năm 2018-19 Victoria đã đốt trước 130 ngàn mẫu tây rừng và cày hơn 12 ngàn mẫu tây để ngăn chận lửa rừng . NSW cũng làm thế với hơn 200 ngàn mẫu tây rừng. Chỉ huy trưởng lực lượng cứu hoả tại tiểu bang NSW, ông Shane Fitzsimmons, đã bác bỏ lập luận vì không đọn dẹp nên năm nay lửa rừng lan vào nhà dân.
Từ khí hậu thay đổi đến cháy rừng
Vì hai tay đã cầm chặt cục than đá do các công ty khai mỏ gởi tặng, thủ tướng Scott Morrison bưng tai trước những lời can ngăn của nhân viên cứu hoả và không màng đến kết quả do khoa học đưa ra. Năm ngoái, một nhân viên từng chỉ huy ngành cứu hoả tại NSW cảnh cáo chính phủ phải ra tay ngăn chận bà Hoả nổi cơn thịnh nộ. Chính phủ này không nghe. Không phải chính phủ liên đảng không nghe các nhà khoa học mà gần như chính phủ nào ở Úc cũng thế. Từ năm 1994, khoa học gia Graeme Pearman, thuộc tổ chức CSIRO của Úc, báo cho chính phủ (lúc đó do đảng Lao Động) thảm hoạ có thể ập xuống nước Úc từ hiện tượng khí hậu thay đổi. Chính phủ không nghe.
Vì coi thường hậu quả của nạn thời tiết thay đổi, chính ông Scott Morrison tưởng rừng năm nay cũng vẫn chỉ cháy như… mọi năm nên thủ tướng cùng gia đình bay tuốt qua Hawaii vui đùa với sóng biển. Thủ tướng và gia đình có quyền nghỉ hè nhưng chuyến du hí không hợp lúc này cho thấy ông ta và liên đảng cầm quyền không màng tới những thay đổi về khí hậu ở Úc. Công tâm mà nói, chính phủ này đang tạo ra nhiều việc làm, đưa nền kinh tế Úc đi lên. Trước mắt, chính phủ rất được lòng dân. Nhưng bề lâu bề dài, việc làm trong ngày hôm nay lại tự đào hố chôn nước Úc. Hãy nhìn vào mấy nước Cộng Sản – còn sống hay đã chết ngắc: ở đó đảng đẩy nền kinh tế đi lên bất kể mạng sống con người thì nói chi đến cây cỏ. Cộng Sản có phát triển kinh tế chút ít thì luôn luôn làm hại đến nhân phẩm và môi sinh. Ngược lại, ở những nước thanh bình nhất, phát triển kinh tế luôn luôn gắn liền với môi sinh. Úc phải học từ chị em New Zealand. New Zealand thà sống thanh thản với trời quang mây tạnh dù phải cấm công ty ngoại quốc khai thác dầu khí ở ngoài khơi nước mình hơn là phải hửi khói. Úc có thể giàu hơn New Zealand nhưng mỗi năm Úc phải chịu trời nóng hơn, nước lụt dâng cao hơn, gió thổi mạnh hơn và cuối cùng, những gì tích góp sẽ bị bà Hoả cuỗm mất.
Có lẽ thấy lòng dân phẫn nộ, xem chừng ông Scott Morrison đã có chút lay chuyển trước nạn khí hậu thay đổi. Thủ tướng cho biết sẽ lập ra ủy ban điều tra (royal commission) về nạn cháy rừng và ấm ớ cho rằng chính sách của chính phủ có thể chuyển biến (evolve). Lầu đầu tiên ông Scott Morrison không sợ nhóm ‘bài bác nạn thay đổi khí hậu’ mà dám nhắc tới hai chữ cấm kỵ ‘ Climate change’. Đi xa hơn tí, ông Scott Morrison cón dám nối khí hậu thay đổi với cháy rừng. Tuy nhiên, đừng ai vội tin nội đêm về sáng nhóm người bài bác nạn khí hậu thay đổi cũng răm rắp ‘hoán cải’. Chục tờ báo dưới quyền tỷ phú Rupert Murdoch và đài phát thanh 2GB cùng với đài truyền hình Sky với những tiếng nói được đông người Úc nghe theo như Andrew Bolt, Alan Jones không dễ dàng lay chuyển.
Tin thất thiệt
Thất thiệt hạng nhất trong khi lửa bốc cháy ở Úc trong mấy ngày qua là báo chí và đài truyền hình dưới tay tỷ phú Rupert Murdoch. Các báo do News Corp xuất bản như The Australian, the Herald Sun, và The Daily Telegraph … vẫn đăng tin hoả hoạn nhưng đăng cầm chừng. Đài truyền hình Sky thì đưa bình luận chế diễu nạn thay đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều tin thất thiệt lưu hành rộng rãi trên mạng xã hội. Có những nơi tung ra những tấm bản đồ lửa cháy sai be bét. Tiếc hay nhiều người tin như thiệt và share cho bạn bè.
Lửa rừng lan khá nhanh; tin thất thiệt lan ra còn nhanh hơn lửa. Đầy dẫy những tin tức thất thiệt trên mạng xã hội nào là chính phủ hai tiểu bang Victoria và NSW bí mật âm mưu với nhau đốt một hành lang rộng lớn dọc theo đường biển từ Melbourne để Sydney để làm đường xe lửa cực nhanh (very fast train)! Nào là bọn Hồi giáo cực đoan đã ra tay trả thù vì Úc gởi quân tham chiến ở Trung Đông. Nào là tài phiệt Trung Cộng dùng tia laser đốt cháy rừng rậm ở Úc để khai quang đất đai và xin phép xây thành phố mới cho Ba Tàu sang đây ở. Đặc biệt trên mạng Twitter nhiều người tung tin hoả hoạn ở Úc toàn do kẻ phá hoại châm lửa. Ở trển đã có hashtag tên là #ArsonEmergency chuyên cái trò này. Ở đây có tiếng hót cho rằng Úc đã bắt nhốt gần 200 kẻ châm lửa! Con số này cóp lại từ tờ báo uy tín The Australian (do Rupert Murdoch làm chủ). The Australian đưa tin ‘giới chức Úc bắt nhốt gần 200 người tự ý đốt rừng, Authorities in Australia have arrested close to 200 people for deliberately starting the bushfires …’. Trong thực tế cho tới nay, chỉ có 24 người bị bắt vì bị tố đã châm lửa. Nghe đâu trong số này có một người mang họ Truong. Ngay đến mấy cái hagtag có vẻ hiền lành như #AustraliaFire, #BushfireAustralia cũng tung tin thất thiệt. Đại học Queensland cho rằng phần lớn tiếng hót ở nơi #ArsonEmergency đều phát xuất từ những người lấy tên giả.
Dường như người ta đổ tội cho kẻ phá hoại gây ra nạn cháy rừng để làm bằng chứng không phải vì khí hậu thay đổi mà nước Úc nên nông nỗi.
Sự thật là Úc đã cháy một diện tích gần bằng 1/3 Việt Nam. Gần 2,000 nhà ra tro và tiếc hơn hết là 26 người mất mạng. Trên đống tro tàn này người Úc nhỏ những giọt nước mắt thương cho đồng loại và những con Kangaroo, Koala oan mạng. Còn người cầm quyền bắt đầu nhảy bổ vào nhau. Người này đổ lỗi cho người kia. Trên đống tro tàn, người ta cấu xé vì ‘vì đâu nên nỗi?’ và ‘làm gì để sang năm bà Hoả bớt cơn thịnh nộ?’
Cổ Nhuế
Úc đã cháy một diện tích gần bằng 1/3 Việt Nam.