Nhắc tới thủ phủ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là bà con mình ai cũng nhớ tới Hoàng Hạc Lâu, thuộc quận Vũ Xương, từ trên núi cao nhìn xuống dòng Trường Giang đang xuôi chảy.
Thôi Hiệu (704-754): người Biện Châu, tỉnh Hà Nam, đậu tiến sĩ niên hiệu Khai Nguyên (725) đã đến đây làm bài thơ: ‘Hoàng Hạc Lâu’
Và nhà thơ Tản Đà của chúng ta với bản dịch trác tuyệt là:
“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa.
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”
***
Nhà thơ Thôi Hiệu vốn sống dưới thời Đường Huyền Tông, đất nước thanh bình thạnh trị, dân ấm no. Rồi Đường Minh Hoàng lên ngôi thì đất nước Trung Hoa đi vào điêu tàn, dân tình khổ sở lầm than vì vua quan lo ăn chơi xa hoa trụy lạc.
Theo ý người viết, đây là một bài thơ ‘chính luận’ tuyệt tác; nên nó sống suốt cả mấy ngàn năm; cho dù đất nước Trung Hoa đã thay đổi biết bao triều đại thăng trầm trong lịch sử từ phong kiến tới thời Cộng Sản.
Nói tới Vũ Hán là phải nhắc tới bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Nhưng bây giờ và ngàn sau nói tới Vũ Hán là phải nói tới cơn đại dịch ‘coronavirus’ 2019-2020 và Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng.
Cũng như nói tới Bắc Kinh là phải nhắc tới ‘Tank man’ một chiến sĩ tự do vô danh dám ngăn hàng đoàn chiếc xe tăng rời Quảng trường Thiên An Môn trong cuộc đàn áp đẩm máu sinh viên Trung Quốc đòi tự do ngày Lục tứ năm 1989.
‘Tank man’ và Bác sĩ Lý trong những biến cố trọng đại của đất nước Trung Hoa ngày nay, cả hai sanh ra không ai muốn làm anh hùng mà chỉ là một con hạc vàng trong bài Hoàng Hạc Lâu của nhà thơ Thôi hiệu.
Sống bình thường nhưng sống thanh cao, sống có tâm như cánh chim Hạc khao khát được sải cánh tự do bay giữa bầu trời cao và rộng.
“Hạc vàng đi mất từ xưa.
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay!”
Cho dù Bác sĩ Lý Văn Lượng đã mất rồi nhưng tôi tin vào tương lai của đất nước Trung Hoa sẽ được tự do để cho nhân dân toàn thế giới bớt âu lo về ‘Giấc mộng Trung Hoa’ của Hoàng đế Tập Cận Bình.
***
Bác sĩ Nhãn khoa Lý Văn Lượng làm việc ở Bệnh viện Trung tâm thành phố Vũ Hán chữa trị một bệnh nhân bị tăng nhãn áp. Bệnh nhân cũng bị sốt nên được Bác sĩ Lý cho đi làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi. Tất cả các chỉ số khác rất giống với những gì mà Bác sĩ Lý đã biết về ‘coronavirus’ vốn đã gây ra bệnh viêm phổi cấp ‘SARS’.
Bác sĩ Lý Văn Lượng sau đó đã gởi tin nhắn trên ‘WeChat’ cho 150 đồng nghiệp, trong đó có những người là bạn học cũ ở trường Y Khoa, nhằm cảnh báo về một căn bệnh nhiễm trùng phổi bí ẩn.
Sau nầy, trả lời giới truyển thông trong và ngoài nước, Bác sĩ Lý Văn Lượng cho biết là:
“Kèm theo tin nhắn là một kết quả xét nghiệm; vì tôi muốn nhắc nhở các bạn học của tôi, những người làm việc ngay trên tuyến đầu chống dịch bệnh phải biết mà tự bảo vệ mình. Vì tôi lo ngại rằng sẽ có một đợt dịch bệnh mới sẽ bùng phát”
“Tôi cũng nhấn mạnh rằng tin nhắn không nên lan truyền ra ngoài nhóm, bởi tôi có thể gặp rắc rối với chánh quyền; vì ngay thời điểm đó Thành ủy Vũ Hán đang họp đảng bộ bầu bán cho nhiệm ký 5 năm tới mà số người tham dự lên tới 40 ngàn đảng viên, một thời điểm rất ‘ nhạy cảm về chánh trị”
“Thật đáng sợ! ‘SARS’ đang trở lại à?” một người nhận tin nhắn đã hỏi, khi nhắc đến đại dịch viêm phổi ‘SARS’ khởi phát ở Trung Quốc năm 2003 khiến khoảng 800 người thiệt mạng.
“Dịch này không phải ‘SARS’, nó do một chủng ‘coronavirus’ mới gây ra và lây truyền từ người sang người rất rõ ràng; vì cùng ngày nữ bệnh nhân nầy bị sốt, các thân nhân trong gia đình của bệnh nhân cũng bị sốt.”
“Chúng tôi đã báo cáo trường hợp nguy hiểm nầy đến Ban Giám đốc Bệnh viện và mời các bác sĩ cao cấp khác đến kiểm tra rồi cho bệnh nhân này đi kiểm dịch. Việc nhiễm trùng của bệnh nhân nầy lan rộng đã khiến 7 người phải bị cách ly tại khoa cấp cứu.
“Tôi nhấn mạnh rằng đó là một loại ‘coronavirus’ mới cần phải được xác dịnh.
“Sau khi tin nhắn lan truyền, Sở Y tế Thành phố Vũ Hán đã triệu tập tôi và 7 người khác đến một cuộc họp và yêu cầu giải thích lý do tại sao chúng tôi lại chia sẻ thông tin nầy?”
“Ba ngày sau, cả bọn 8 người đều bị Công an thành phố Vũ Hán mời lên làm việc. Họ bắt chúng tôi phải thừa nhận là đã phao tin đồn thất thiệt và phải cam kết không được tái phạm nữa.”
“Tôi không cho đó là tin đồn; vì kết quả xét nghiệm đã xác nhận rõ ràng rằng đó là chủng loại ‘coronavirus’ mới. Tôi chỉ muốn các bạn học cũ nên cẩn thận kẻo bị lây nhiễm từ bệnh nhân nhưng cũng đừng hoang mang hoảng sợ.”
***
Tất cả đều đã trễ, cơn đại dịch nầy sau đó lây lan khắp thành phố Vũ Hán 11 triệu cư dân, rồi lan ra toàn quốc và trên toàn cầu. Số người chết mỗi ngày một nhiều hơn. Số người bị lây nhiễm lên tới hàng chục ngàn. Hàng chục thành phố bị cô lập, nội bất xuất ngoại bất nhập. Dân Trung quốc lên cơn hoảng hốt! Công dân nước ngoài thì được chánh phủ của họ khẩn cấp gởi phi cơ đến để di tản họ về nước.
Rồi Bác sĩ Lý Văn Lượng và thân nhân trong gia đình gồm cha, mẹ và vợ con đều bị nhiễm loại ‘coronavirus’ mới phải nhập viện để điều trị. Trên giường bệnh, nằm trong khoa cấp cứu vì Bác sĩ Lý là người bị bệnh trầm trọng hơn hết. Khi được giới truyền thông trong và ngoài nước hỏi Bác sĩ Lý có cần được giải oan hay không?
Bác sĩ Lý nói: “Có giải oan hay không? Không quan trọng. Công lý nằm trong trái tim của mọi người. Điều quan trọng là mọi người phải biết sự thật. Nếu các quan chức cho tiết lộ thông tin về dịch bệnh sớm hơn, tôi nghĩ tình hình ít tệ hại hơn rất nhiều. Họ cần phải minh bạch và cởi mở hơn!”
***
Tòa án Nhân dân Tối cao tại Bắc kinh đã khiển trách nặng nề Sở Công an thành phố Vũ Hán về hành động bịt miệng, ngăn chặn lời cảnh báo về dịch bệnh của Bác sĩ Lý Văn Lượng.
Bí thư Thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Chu Tiên Vượng nhận lỗi và sẵn sàng từ chức.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, dù e ngại, không muốn; nhưng cuối cùng cũng phải đụng tới Trùm băng đảng Mafia của thành phố Vũ Hán; rồi ngay cả những tay chóp bu tại Trung Nam Hải ở Bắc Kinh khi công khai đòi hỏi về quyền được thông tin; quyền được tự do ngôn luận.
Hành động đòi hỏi rất chánh đáng và quả cảm trong chế độ CS toàn trị là không yên thân rồi.
Quả nhiên, ngày mùng 6, tháng Hai năm 2020, Bác sĩ Lý Văn Lượng từ trần khi tuổi đời còn quá trẻ, chỉ mới vừa 34 tuổi, bỏ lại cha mẹ già, vợ dại đang mang thai và đứa con thơ chỉ mới lên 5 tuổi.
***
Bác sĩ Lý Văn Lượng, lần đầu tiên được tuyên bố là đã chết, sau đó còn sống nhưng nguy kịch và cuối cùng, lại chết, chết tới hai lần. Các thông báo mâu thuẫn, trống đánh xuôi; kèn thổi ngược nầy đã chứng tỏ sự hoảng hốt của bè lũ CS chóp bu đang cầm quyền ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Sự thực là tim Bác sĩ Lý đã ngừng đập vào lúc 9 giờ 30 phút, tối thứ Năm, ngày mùng 6, tháng Hai, năm 2020 trong tiếng khóc lóc tiếc thương của những đồng nghiệp đang đứng trước cửa cách ly của phòng cấp cứu Bệnh viện Trung tâm thành phố Vũ Hán.
Vậy mà mãi tới 3 giờ 48 phút, rạng sáng ngày thứ Sáu, cố ý chờ cho dân Trung Quốc đi ngủ gần hết, Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán mới thông báo trên ‘Weibo’ rằng: “Bs Lý đã chết vào lúc 2 giờ 58 giờ sáng”.
(Ghi rõ giờ và ngay cả từng phút để nhằm mục đích lập lờ đánh lận con đen rằng đây không phải là tin đã được xào nấu lại)
Cả hằng triệu lượt người Trung Quốc phẩn nộ, phản ứng liền lập tức trên trang mạng Weibo:
“Các ông nghĩ rằng tất cả chúng tôi đã đi ngủ ư? Không. Chúng tôi không đi ngủ! Chúng tôi muốn tự do thông tin và ngôn luận”
***
Nhân Dân Nhựt báo, tiếng nói chánh thức của Đảng CS Trung Quốc, tát nước theo mưa, nhỏ những giọt nước mắt cá sấu rằng cái chết của Bác sĩ Lý Văn Lượng đã gây ra “nỗi đau cho cả nước”.
Để xoa dịu sự căm phẩn của người dân Trung Quốc, Bắc Kinh đã cữ người về Vũ Hán để điều tra hậu tử cái chết của Bác sĩ Lý Văn Lượng.
Với lý do là thiệt mạng trong lúc công tác, chánh quyền CS thành phố Vũ Hán đã đem vài trăm ngàn nhân dân dân tệ, khoảng hơn 100 ngàn đô la Mỹ để bồi thường cho gia đình bác sĩ Lý, kể cả tiền chi phí an táng để nhằm xoa dịu sự phẩn nộ đang dâng cao của người dân Trung Quốc.
Đau buồn thay Bác sĩ Lý là một nhân vật chánh trong một bi kịch mà chính ông lại bị nhiễm ‘coronavirus’, bị thiệt mạng; sau khi cố gắng cảnh báo cho những người khác phòng tránh dịch bệnh.
***
Người Trung quốc xưa giờ rất giỏi về nghề xào nấu thức ăn, vang danh thế giới. Chánh quyền Cộng sản Trung quốc ngày nay còn hay còn giỏi hơn nữa trong nghề xào nấu tin tức.
Tin tức nào có lợi cho chế độ thì loan ra; không có thì ‘chế’ ra. Còn tin tức nào không có lợi cho chế độ thì ém nhẹm đi. Bằng ém nhẹm không được thì đem đi xào nấu.
Nên Cố Tổng thống Nguyễn văn Thiệu có nói một câu, không những đúng cho CS Việt Nam mà cho cả CS Trung Quốc là;
“Đừng tin những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm!”
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.