Khi ứng viên Tổng thống Mỹ tin vào chủ nghĩa xã hội

Kết quả cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ Mỹ vào ngày 22.2.2020 tại tiểu bang Nevada cho thấy TNS Bernie Sanders đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu của đảng này. Phải chăng các ủng hộ viên của đảng Dân Chủ đang dọn cỗ cho ôn Donald Trump xơi? Phải chăng họ không biết gì về kết quả bầu cử mới đây tại Anh?

Với nhiều nhà bình luận Mỹ, chọn lựa Bernie Sanders là một chọn lựa điên rồ, được ăn cả ngả về không hay nói theo một câu ngạn ngữ Việt Nam là “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái, đảng Lao Động Anh đã thất bại thê thảm vì đầu óc “xã hội chủ nghĩa” của nguyên lãnh tụ Jeremy Corbyn. Cử tri Mỹ thì cũng như cử tri Anh, không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa này và một cuộc thăm dò gần đây chỉ ra rằng, hơn một nửa cử tri Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một tổng thống theo “Xã hội chủ nghĩa”

Ông Sanders thường tự mô tả mình là một nhà “Dân chủ Xã hội” (Democratic Socialist) chứ không phải thứ “xã hội chủ nghĩa” từng tồn tại ở Liên Sô và Đông Âu. Ông cũng biện minh rằng tính chất “xã hội chủ nghĩa” này khác với các loại có cùng tên tại các nước cộng sản đã bị giải tán hay vẫn còn tồn tại. Vậy thì sự thật thế nào? Để tìm hiểu vấn đề này, chúng ta phải tìm hiểu về nhân vật chính trước đã!

Bernie Sanders là ai?

Bernie Sanders sinh ngày 8.9.1941 tại Brooklyn, New York, cha mẹ là người Do Thái, tốt nghiệp cử nhân chính trị tại Đại học Chicago năm 1964 và từng làm nhiều nghề khác nhau trước khi gia nhập chính trường như giáo viên, thợ mộc, viết báo, làm phim.

Trong những năm tháng sinh viên Sanders đã gia nhập “Liên đoàn Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa” (Young People’s Socialist League), là tổ chức thanh niên của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Mỹ (Socialist Party of America), hình thức tương tự tổ chức “Đoàn” của “Đảng” tại Việt Nam. Thời gian này Sander rất xông xáo trong phong trào phản chiến, chống lại sự tham dự của Mỹ tại Việt Nam.

Image
Sander, người cầm biểu ngữ bên phải trong cuộc biểu tình phản chiến

Năm 1968 Sander đến định cư ở Vermont, một tiểu bang bậc trung của Mỹ và ráo riết dấn thân vào chính trị nhưng thất bại và mãi đến năm 1981 mới được bầu làm Thị trưởng Burlington, thành phố đông dân nhất của Vermont. Sau đó Sander tái đắc cử thêm ba nhiệm kỳ thị trưởng nữa để xây dựng danh tiếng nhằm tiến xa hơn, đắc cử vào Hạ viện vào năm 1991. Sau 16 năm nhiệm chức dân biểu, năm 2006 Sander đắc cử vào Thượng viện và năm 2016 tái đắc cử với 71% số phiếu phổ thông.

Trong vai trò thượng nghị sĩ, Sanders nổi bật khi chống lại chính sách mở rộng việc giảm thuế cho giới thu nhập cao của TT Bush. Sanders cũng ráo riết chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ, phản đối cuộc chiến Iraq và mạnh mẻ ủng hộ giới đồng tính.

Nhưng trái lại Sander lại bỏ phiếu ủng hộ quyền sử dụng súng, điều mà ông biện minh là “do nguyện vọng của cử tri”.

Năm 2016 Sander ra tranh cử Tổng thống nhưng bị loại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ và nay lại tiếp tục giấc mộng dở dang với một hành trình “khác dấu – ngược chiều” với ông Trump, tức đi theo con đường dân túy. Cái khác là nếu ông Trump đi bên cánh hữu thì ông Sander đi bên cánh tả.

“Tả dân túy”

Muốn hiểu hành trình ngược chiều của Sander, phải hiểu hệ thống chính trị Mỹ, hệ thống dựa tên hoạt động của hai đảng chính.

Thứ nhất là Đảng Cộng hòa Mỹ (Republican Party) thường được viết tắt là GOP, xuất phát từ “Grand Old Party”). Tư tưởng đầu tiên của Cộng Hòa được thể hiện qua khẩu hiệu “free labor, free land, free men” (“lao động tự do, đất đai miễn phí, con người tự do”). “Free labor” nói đến viễn cảnh của tầng lớp trung lưu sau khi giã từ tầng lớp lao động để tạo ra các công ty nhỏ. “Free land” (“đất đai miễn phí”) chỉ đến chính sách tạo cơ hội cho các công ty bằng cách phân phát đất đai chính cho người dân. Với hai sự phát triển này, Đảng Cộng hòa cho rằng việc bãi bỏ chế độ nô lệ “free men” là điều không thể tránh khỏi.

Từ thập niên 1860 đến thập niên 1950, Cộng Hoà được xem là có khuynh hướng tự do hơn, trong khi Dân Chủ được xem là bảo thủ. Nhưng cuộc Đại khủng hoảng kinh tế 1929 đã làm thay đổi.

Lúc đó Tổng thống Franklin D. Roosevelt của Dân Chủ đưa ra chính sách New Deal, bao gồm việc xây dựng hệ thống An sinh Xã hội, các dự án tạo việc công ăn việc làm. Chính sách này đã giúp Mỹ đứng vững sau cuộc khủng hoảng. Nhưng sau đó là Đệ nhị thế chiến và Roosevelt đã chứng tỏ thiên tài của minh khi đối phó với hai cuộc khủng hoảng liền kề nhau.

Kể từ đây triết lý chính trị của hai đảng đã có sự thay đổi triệt để: Dân Chủ nghiêng về phía tả, trong khi Cộng Hoà càng thiên hữu.

Tuy vậy, tùy tình hình, thí dụ những năm xáo trộn của cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 60 do phong trào dân quyền và chiến tranh Việt Nam, cả hai đảng đều bày tỏ lập trường trung dung và để các phái bảo thủ, ôn hoà và tự do trong nội bộ đảng tạo ảnh hưởng đồng đều nhau. Với Dân Chủ, sau khi Lyndon Johnson (Dân Chủ) chiến thắng trongcuộc bầu cử tổng thống năm 1964, cánh tả kiểm soát đảng Dân Chủ và nhiều đảng viên bỏ theo Cộng Hoà vì chống đối Đạo luật Dân quyền năm 1964. Phái tả và hữu bên trong Dân Chủ kèn cựa cạnh tranh với nhau cho đến năm 1972 thì thế thắng nhiên về cánh tả.

Trong khi đó thì phái hữu chiếm ưu thế hẳn trong Cộng hòa khi Ronald Reagan được đảng đưa cử ra ứng cử rồi chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử năm 1980.

Hữu hay bảo thủ là ngược với tả. Một cách chung chung, từ “cánh tả” (left wing) hay cấp tiến được dùng để chỉ những khuynh hướng chính trị có tính xã hội, muốn tạo ra những thay đổi để hướng tới một quan hệ bình đẳng hơn. Những đảng cánh tả cầm quyền thường có khuynh hướng tiêu pha nhiều hơn cho các chương trình xã hội và để làm như thế thì thường bành trướng các cơ quan chính phủ, tăng thuế, trong đó tăng nặng nhất là giới nhà giàu.

Cánh hữu là từ dùng để chỉ những người có khuynh hướng chính trị trái ngược với cánh tả. Với đường lối bảo thủ, bảo vệ các truyền thống xã hội, chủ trương giảm thuế: thí dụ đảng Tự Do tại Úc, đảng Bảo Thủ tại Anh, đảng Cộng Hoà tại Mỹ v.v… Chính quyền bảo thủ chủ trương giữ một chính quyền nhỏ, ít can thiệp vào nền kinh tế và chủ trương giảm thuế cho giới nhà giàu. Theo họ thì giảm thuế là để khuyến khích giới kinh doanh này bỏ vốn ra đầu tư, và có như vậy thì công chúng mới có công ăn việc làm nhiều, kết quả cuối cùng là chính phủ sẽ thu thuế nhiều hơn.

Tuy nhiên trong những năm trở lại đây thì cứ đến mùa bầu cử thì cả hai phía đều ra sức vận dụng công lực để chạy về điểm giữa. Bên hữu cố chứng tỏ với cử tri rằng mình đang tiến về hướng tả trong khi phe tả thì cố chứng tỏ mình đang xuôi về phía hữu, và họ đụng nhau chan chát ở khoảng giữa. Lý do đơn giản là họ muốn “xin” phiếu của thành phần trung lưu, là thành phần đông nhất nhưng lại không quá nghiêng về phía hữu mà cũng không nghiêng về phía tả. Đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là đặc điểm của tất cả các cuộc bầu cử trong thời gian qua. Trong các cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ thời gian qua thì các ứng cử viên Cộng Hoà cố giả tiếng của các đảng viên Dân Chủ trong khi ứng cử viên Dân Chủ thì giả giọng Cộng Hoà.

Khi tiến về trung tâm như thế, cả hai còn tìm cách mua phiếu cử tri bằng đường lối chính trị “dân túy” (populism). Nói một cách đơn giản thì đây là đường lối chính trị bình dân, thu phục sự ủng hộ của công chúng bằng cách khai thác tín ngưỡng, sự bất an, sự bất mãn hay lòng tham của công chúng.

Trong lịch sử đã có nhiều thí dụ về đường lối chính trị dân túy. Khi đảng cộng sản khêu gợi sự căm thù địa chủ cũng như lòng tham của bần cố nông với tài sản của những thành phần này, họ đã áp dụng đường lối dân túy. Khi Adolf Hitler khai thác sự bất mãn của dân Đức trước những thương gia và chủ nợ Do Thái cùng “tín ngưỡng” về sự siêu việt của chủng tộc Đức, ông ta đã là một nhà chính trị dân túy. Những nhà chính trị dân túy như ông Hugo Chavez (đã quá cố) tại Venezuela cũng là nhà chính trị dân túy khi tuyên bố đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của người nghèo, của những người bị áp bức và sử dụng tài nguyên dầu lửa để ban bố quyền lợi cho họ.

Đến một lúc nào đó thì công chúng sẽ nhận ra, tuy nhiên các chính trị gia không cần biết đến chuyện ấy. Quan tâm của họ là thành công trước mắt, là đắc cử và chuyện này có thể thấy ở chính sách đối xử với người tỵ nạn.

Và hiện ông Sander cũng làm như vậy với những lời hứa:

  • Hệ thống y tế “Medicare cho toàn dân “
  • Xóa nợ y tế và nợ sinh viên
  • Miễn phí toàn bộ hệ thống Cao đẳng công lập, đại học, trường dạy nghề

Nhưng vấn đề là tiền đâu thì ông Sander tuyên bố “Để hạ hồi phân giải”. Nói thì dễ mà làm thì khó, tuy nhiên ông Sander vẫn chưa đạt đến giai đoạn “làm” mà chỉ “nói” và ông cũng nói không xong. Vì đã “nói” đến chính sách y tế và giáo dục đại học miễn phí, tất phải dự liệu những con số thu chi để bảo đảm một ngân sách vững bền.

Nói dễ làm khó nhưng trước mắt, chỉ khoản “nói” thôi, đã thấy khó cho ông Sander.

Trước mắt’, ông còn phải gỡ khó vụ “Trăng mật tại Nga”.

Cộng sản – Không là cộng sản

Sander tại Liên Xô năm 1988

Ngày 2.2.2020, trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News, Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc TNS Sander là cộng sản: “Tôi nghĩ ông ta là cộng sản… Tôi nghĩ đến chủ nghĩa cộng sản khi tôi nghĩ về ông Bernie [Sanders]. Bây giờ, quý vị có thể nói chủ nghĩa xã hội, nhưng chẳng phải ông ta đã làm đám cưới ở Moscow sao?” ông Trump nói thêm.

Người dẫn chương trình đã xen ngang lời ông Trump để đính chính rằng ông Sanders chỉ đi nghỉ tuần trăng mật tại Liên Xô. Lúc này ông Trump nói thêm:

Tôi nghĩ Berine là kiểu người xã hội chủ nghĩa, nhưng vượt trên cả một người xã hội chủ nghĩa [thông thường]. Ít nhất ông ta đúng như những gì ông ta tin tưởng.”

Một tuần sau, cũng trên đài Fox, ông Sanders đã lên tiếng để bác bỏ cáo buộc của ông Trump.

 “Tôi không vui khi phải nói điều này, chúng ta đang có một vị tổng thống là kẻ nói dối bệnh hoạn. Ông ta nói dối. Trên thực tế tôi không làm đám cưới tại Moscow. Chỉ tham gia vào việc sáng lập chương trình kết nghĩa với thành phố Yaroslavl khi tôi là thị trưởng và phái đoàn không chỉ có mình tôi, có cả đảng viên Cộng Hòa. …

Rõ ràng, tôi không phải là cộng sản. Tôi cho rằng Tổng thống [Trump] biết sự khác biệt [giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân chủ xã hội (democratic socialist.)]. Có lẽ ông ta không biết điều đó.”

Người dẫn chương trình Wallace tiếp tục hỏi ông Sanders về việc ông nghĩ sao khi có những chỉ trích cho rằng các kế hoạch nghị sự mà ông ủng hộ như “Thỏa thuận mới xanh”, “Chăm sóc Y tế Toàn dân” và xóa nợ cho sinh viên là tốn kém và cực đoan.

Ông Sanders nói: “Trong nhiều khía cạnh, ngày nay chúng ta đang sống trong xã hội chủ nghĩa. Chúng ta có ngân sách chính phủ lớn. Ngân sách chính phủ chi trả tiền cho tất cả các lĩnh vực. Ông Donald Trump, trước khi là tổng thống, khi còn là nhà kinh doanh, ông ta đã nhận được 800 triệu USD tiền ưu đãi thuế và trợ cấp để xây dựng khu gia cư hạng sang tại New York. Khi chính phủ cho quý vị 800 triệu USD ưu đãi thuế và trợ cấp, thì điều đó có nghĩa là gì?”

“Kỹ nghệ nhiên liệu hóa thạch mà sản phẩm của nó đang hủy hoại hành tinh của chúng ta hiện đang nhận được hàng chục, hàng chục tỷ USD tiền ưu đãi thuế và trợ cấp, ngành kỹ nghệ dược phẩm cũng vậy. […] Sự khác biệt giữa chủ nghĩa xã hội của tôi và chủ nghĩa xã hội của ông Trump là tôi tin chính phủ nên trợ giúp các gia đình lao động, chứ không phải hỗ trợ các tỷ phú”.

Tuy nhiên ông Sander lại im lặng về việc ông từng ca ngợi Liên Xô, hết lời đả kích nước Mỹ ngay trên lãnh thổ Liên Xô khi “đế quốc” này đang dẫy chết!

Đó là tháng Sáu năm 1988 khi ông Sander – 46 tuổi, vừa mới lấy vợ – đã dẫn đầu phái đoàn 6 người đến của thành phố Burlington để đến Yaroslavl tại Liên Xô làm thủ tục kết nghĩa. Trong nhiều năm sau đó, những gì thực sự diễn ra trong chuyến đi kéo dài 10 ngày ấy vẫn là một bí mật.

Khi ông Sander ra tranh cử tổng thống vào năm 2016 thì câu chuyện “Sander in Soviet Union” chỉ được hé lộ chút ít nhưng cũng chỉ là một ít thông tin mù mờ do chính ông Sander kể lại. Tuy nhiên đến đầu năm nay, một đài truyền hình địa phương tại Vermont đưa lên mạng Internet một video clip ngắn chỉ vài phút quay lại cảnh ông Sander ở trần ngồi ăn tiệc mừng với các viên chức của Đảng ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Yaroslavl.

Tờ The Washington Post đã tìm kiếm và phỏng vấn 5 thành viên khác của phái đoàn và ai cũng cho biết là ông Sander đã làm họ sửng sốt trên lãnh thổ Liên Xô. Trước mặt khoảng 100 thực khách, và những dãy bàn ê hề thực phẩm và rượu votka, ông Sander đã đứng lên bêu xấu nước Mỹ, chỉ trích chi phí nhà cửa và y tế đắt đỏ của Mỹ và ca ngợi khả năng của Liên Xô khi duy trì được một xã hội với chi phí gia cư rẻ và y tế miễn phí mà không đề cập gì đến chất lượng. Chưa hết, ông Sander còn kịch liệt chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ qua việc can thiệp vào chuyện nội bộ của nước Nga.

Ông David F. Kelley, theo đảng Cộng Hòa, và là thành viên của phái đoàn, cho biết: “Tôi thực sự bực mình và bỏ ra ngoài. Khi anh chỉ trích đất nước anh, anh có thể nói bất cứ những gì anh muốn trên đất nước của mình. Lúc đó Chiến Tranh Lạnh vẫn chưa chấm dứt, cuộc chạy đua vũ trang cũng chưa chấm dứt, và tôi không cảm thấy thoải mái với chuyện này,”

Cho đến nay, ông Sander vẫn từ chối, không chịu trả lời phỏng vấn về chuyện này

Trước đó, năm 1985 Sander đã viếng thăm Nicaragua và nhiệt liệt ca ngợi cuộc cách mạng cánh tả tại đây của Daniel Ortega, cuộc cách mạng mà nguyên Tổng thống Ronald Reagan tìm cách dập tắt. Sander cũng nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng một với nhà độc tài cộng sản Fidel Castro.

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts