Theo tin tức của Đại Học RMIT 3/2/2020, một sinh viên dân tộc Cơ Tu, Việt Nam, vừa nhận bằng Tiến sĩ Quản trị tại Lễ tốt nghiệp năm 2019 của Đại học RMIT với đề tài nghiên cứu về tiếng nói và sự hòa nhập của người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở môi trường công sở.
Đây là nghiên cứu thuộc nhóm đầu tiên trong làn sóng nghiên cứu trên khắp thế giới xoay quanh chủ đề tiếng nói và sự hòa nhập của người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở môi trường công sở. Trong quá trình thực hiện luận án Tiến sĩ, ông Alăng Thớ đã trình bày một phần kết quả nghiên cứu tại sáu hội nghị và hội thảo quốc tế.
Ông Thớ cho biết: “Kết quả nghiên cứu chỉ ra những rào cản và yếu tố giúp nâng cao tiếng nói cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và giúp họ hòa nhập hơn trong môi trường làm việc, điều sẽ mang lại lợi ích cho chính người lao động và chính phủ. Những nghiên cứu này sẽ góp phần thiết lập và thực hiện các chính sách công đối với đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng của họ”.
Ông Alăng Thớ sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông tại vùng núi thuộc tỉnh Quảng Nam. Suốt thời niên thiếu, ông không biết đến tivi, đài phát thanh hay đèn điện. Ngày còn nhỏ, ông từng phải bơi qua sông để đến trường ở trung tâm thị trấn. Vì những trở ngại về mặt địa lý như vậy, rất nhiều bạn bè đồng trang lứa với ông đã bỏ học để phụ giúp gia đình.
“Mặc dù bạn bè đều bỏ học, tôi vẫn phấn đấu học cho xong vì tôi luôn ước mơ làm cán bộ. Tôi chưa hồi nào chấm dứt ước mơ của mình,” ông Thớ chia sẻ. “Hơn nữa, mỗi lần đi học, tôi tìm thấy niềm vui và cái mới để khám phá. Cho nên dù mưa gió, tôi vẫn không dám bỏ học vì sợ ngày đó có những cái hay thầy cô giảng dạy mà mình không biết.”
Ông Thớ tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng và công tác tại cơ sở Kontum của trường từ đó. Năm 2012, ông hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân, Đài Loan. Ông nhận Học bổng Chính phủ Úc để làm luận án Tiến sĩ tại Đại học RMIT ở Melbourne vào năm 2015. Đây là thời điểm ông bắt đầu nghiên cứu về bình đẳng và hòa nhập của người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở môi trường công sở.
Là người dân tộc Cơ Tu đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ từ một trường đại học ở Úc, ông Thớ đã truyền cảm hứng để đồng bào mình theo đuổi hành trình như ông đã trải qua: “Họ có thể làm những điều tôi từng làm, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ trong tương lai”.