Phạm Đức Đồng Hùng
Cha ông ta có câu “Mạnh gì gạo, bạo vì tiền” và với nhiều quốc gia thì tiền này chính là dầu lửa, được mệnh danh là “vàng đen”. Tiền bạc đem lại quyền lực, quyền lực lại đẻ ra… chính trị, chính vì thế mới có chuyện lao đao và thậm chí phá sản.
Hiện tại chúng ta đang làm “ngư ông đắc lợi” theo đúng câu chuyện ngụ ngôn ““Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” khi cuộc chiến sản lượng dầu mà Saudi Arabia tung ra để dạy cho Nga bài học. Nga học được gì chưa thấy, đã thấy giúp người chạy xe trên toàn thế giới hưởng được giá xăng rẻ và nếu đà này tiếp tục, giá xăng sẽ còn hạ thấp hơn rất nhiều. Trong phiên giao dịch đầu tuần qua (9.3.2020) , giá dầu thô thế giới có lúc đã giảm tới 30% khi từ 45 Mỹ kim một thùng xuống còn 31.02 Mỹ kim. Giá dầu thô đã hạ xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua qua và là đợt giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.
Nhưng liệu chúng ta sẽ an nhàn làm “ngư ông đắc lợi” được bao lâu? Chúng ta vẫn nghe nói rằng thời đại ngày nay là thời của nhiên liệu sạch, xanh, của xe hơi chạy điện v.v.., thế mà vẫn có kẻ đánh nhau vì thứ nhiêu liệu là thủ phạm gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Vậy thì cuộc chiến này có vô duyên quá hay không?
Cần nhớ rằng thế giới hiện đại này xây dựng trên nền tảng của nhiên liệu hóa thạch. Nhân loại khó mà dứt bỏ những ràng buộc của thứ nhiên liệu này trong một sớm, một chiều.
Cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ nhất khởi phát vào năm 1770 tại Anh sau khi James Watt cho ra đời động cơ hơi nước đầu tiên, mà nền tảng để khai sinh ra động cơ này là than đá. Nhu cầu máy hơn nước đã nảy sinh do nước Anh cạn… rừng: người Anh đốn củi để đốt lấy than luyện thép và đốn mãi thì hết rừng và sản lượng thép tụt giảm. Nước Anh giàu than đá nhưng dùng than đá thì sắt sẽ giòn, dễ vỡ và năm 1709 nhà phát minh Abraham Darbyn khám phá ra rằng có thể dùng than cốc để thay than củi trong luyện kim. Than cốc là than đá được nung trong môi trường thiếu không khí để loại bỏ những tạp nhất, nhất là lưu huỳnh, khiến than khi đốt không có mùi khó chịu, có thể dùng để nấu ăn hay sưởi ấm trong nhà . Nhưng than đá lại nằm sâu trong lòng đất, đào xuống là bị ngập nước và do đó cần có một thứ máy bơm mạnh và máy bơm của James Watt có thể đảm đương công việc của 200 thợ tát nước!
Đến cuối thế kỷ 19 thì dầu mỏ xuất hiện, làm thay đổi thế giới sau khi James Young tại Anh phát minh ra kỹ thuật lọc dầu vào năm 1850 và 9 năm sau Edwin Drake tại Mỹ phát minh ra phương pháp khai thác bằng cách khoan giếng dầu. Năm 1800 cả thế giới chưa thấy một tạ dầu thô thì vào năm 1900 thế gới đã khai thác đền 20 triệu tấn và 90 năm sau, năm 1990 đã đạt sản lượng 3 tỷ tấn, số liệu gần đây nhất vào năm 2018 là 4.47 tỷ tấn.
Vói mức độ khai thác dầu như thế thì lẽ ra kỷ nguyên than đá phải chấm dứt từ lâu. Thế nhưng đến tận hôm nay, những nước như Úc vẫn tiếp tục còn trông cậy vào than đá, tòa án tại tiểu bang NSW hiện đang còn xét xử những chính trị gia với cáo buộc tội hối lộ trong việc cấp giấy phép khai v.v.. Do đó nhân loại sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào dầu lửa trong một thời gia rất dài nữa và chính vì thế mà các cuộc chiến liên quan đến dầu lửa sẽ còn tiếp tục dài dài.
Bây giờ Saudi gây chiến với Nga bằng cách hạ giá dầu. Năm 1991 cuộc chiến Vùng Vịnh 1991 bùng phát cũng là do giá dầu. Trước đó, Saddam Hussein giận dữ cho rằng vì Kuwait tăng sản lượng khai thác nên dầu bị hạ giá, dẫn đến việc Iraq thất thu nên năm 1990 Iraq xua quân xâm chiếm Kuwait. Thế là Mỹ phải bảo vệ nguồn dầu của mình, vận động cả thế giới đánh lại Iraq. Bây giờ Saudi Arabia không thể xua quân đánh Nga nhưng đánh bằng cách tăng sản lượng, thi gan giảm giá dầu để cùng nhau… mất tiền, xem ai có gan chịu đựng lâu dài hơn ai!
Mà Saudi Arabia đã từng đánh Nga như thế cách đây 6 năm, cho Nga chừa cái tật cậy có dầu!
Khi Nga cậy có dầu
Tính theo trữ lượng đã thăm dò thì Nga giàu dầu lửa hàng thứ 7 trên thế giới với 80 tỷ thùng và dầu là nguồn thu chính yếu của quốc gia này. Theo các sử gia thì nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô còn có ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng giá dầu của thập niên 1980. Liên Xô bị sụp vì phá sản khi theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang do Mỹ khởi xướng nhưng nếu nhìn lại sẽ đó cũng là thời mà giá dầu bị hạ giảm, gây thất thu lớn cho Liên Xô.
Liên Xô sụp, ông Boris Yelsin lãnh đạo nước Nga thì dầu vẫn rẻ, dẫn đến tình trạng siêu lạm phát và cuộc khủng hoảng kinh tế 1998 tại Nga. Khi Vladimir Putin thay thế Boris Yelsin vào năm 2000 thì kinh tế Nga hãy còn èo uột, trước đó phải sống cầm hơi dựa vào các khoản tín dụng của Tây Phương. Để sống còn ông Putin cũng không thể làm khác ông Yelsin là bám theo Tây phương, sốt sắng bày tỏ tình đoàn kết “trên mức cần thiết” với Mỹ ngay sau vụ khủng bố 11.9.2001. Đường lối ngọai giao này lại tiếp tục giúp Nga cầm hơi cho đến khi giá dầu tăng vọt mà đỉnh điểm là năm 2007, dầu vượt qua ngưỡng 100 Mỹ kim một thùng. Dưới sự lãnh đạo của Putin, kinh tế Nga chẳng phát triển bao nhiêu mà chủ yếu là hút dầu lên bán. Trong những năm qua tiền bán dầu lửa và khí đốt chiếm trên 50% ngân sách quốc gia và giá dầu càng lên bao nhiêu, tư thế lãnh đạo của ông ta sẽ càng huy hoàng bấy nhiêu.
Tháng Năm năm 2008 Nga trở thành nước chủ nhà tổ chức giải ca nhạc Eurovison, một cuộc thi mà các nước Âu châu tổ chức từ năm 1956 với mục đích chống lại sức xâm lăng của văn hóa phổ thông từ Mỹ. Năm 2008 cũng là năm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng đây cũng là năm của khủng hoảng năng lượng và bằng tiền dầu lửa, Putin đã giúp người Nga không bị mất việc hàng lọat và việc này làm ông ta cảm thấy tự tin hơn trước một Âu châu “bệnh họan”.
Ngày 14 tháng 10, 2009, Putin đề nghị tái lập cuộc thi hát “Intervision” của các nước thuộc khối Hợp tác Thượng Hải, gồm Nga, Trung Quốc, các nước Trung Á như Uzbeek, Tadjik, Kazakh, Kyrgyzstan. Theo ông ta thì cuộc thi này là để “gia tăng các mối liên lạc văn hóa” để đối đầu với cuộc thi hát nổi tiếng thường niên của lục địa châu Âu mang tên Eurovision.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy tham vọng được thổi bùng bằng giá dầu tăng của Putin, một tham vọng đã đẩy thế giới trở lại thời kỳ Chiến Tranh Lạnh qua khi trắng trợn xâm lược Ukraine vào tháng Ba năm 2014.
Đó là năm Putin nhận ra lời nguyền dầu lửa của mình, tuy nhiên đầu tiên phải nhìn lại lời nguyền Venezuela.
Mạnh vì gạo, phá sản vì dầu
Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, khoảng trên 300 tỷ thùng.
Thời vàng song sủa nước này là những năm 2006, 2007 khi kinh tế tăng trưởng và Trung Quốc tung tiền ra mua dầu về dự trữ dường dài, người chạy xe quanh thế giói ai cũng méo mặt khi giá xăng tăng vùn vụt.
Lúc đó nguyên tổng thống Chavez Hugo của Venezuela rất là phách lối và tự đắc, mơ tưởng đến việc thiết lập một trật tự thế giới mới dựa trên cán cân quyền lực của các nước xuất cảng dầu lửa. Giá dầu càng tăng, ông Hugo ta càng ưỡn ngực ra thách thức thế giới, thậm chí còn phởn lên đòi thiết lập một trật tự mới của thế giới. Thái độ của lãnh tụ thiên tả này không khác gì một anh nhà nghèo bỗng dưng trúng số, bắt đầu ăn to nói lớn, không biết thực chất mình là ai và xem thiên hạ bằng vung. Phần lớn dầu của Venezuela nằm sau trong lòng biển mà nước này lại không có một kỹ nghệ khai thác dầu tương xứng và rất cần vốn đầu tư.
Thậm chí một nước nghèo như Việt Nam cũng bị Venezuela mang mác “anh em xã hội chủ nghĩa” ra lừa, rót vào đây gần hai tỷ đô la mà chẳng được gì. Tháng Ba năm ngoái Hà Nội đã mở hồ sơ vụ này khiến Nguyễn Tấn Dũng nay về hưu vẫn chưa yên trong khi Đinh La Thăng đang ở tù nhưng còn nơm nớp sợ, không khéo phải ra tòa lần nữa và phải lãnh thêm án tù.
Sự vụ bắt đầu năm 2007 khi giá dầu lên cao, Nguyễn Tấn Dũng cho phép Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PVN) do Đinh La Thăng lãnh đạo đầu tư vào Venezuela. Sau đó liên doanh Việt – Venezuela ra đời, mang tên ““Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2”, với tổng vốn đầu tư 12.4 tỷ Mỹ kim, trong đó:
– 60% liên doanh đứng ra vay (5.8 tỷ) kim
– 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3.1 tỷ
– PVN tham gia 40% với là 1.241 tỷ Mỹ kim
Ngoài ra PVN phải đóng “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu Mỹ kim, thành ra tổng vốn của P VN phải bỏ ra là 1.825 tỷ Mỹ kim.
Nhưng sau đó dự án dẫm chân tại chỗ và Việt Nam mất trắng gần 2 tỷ Mỹ kim!
Bám người có tóc thề nhưng Venezuela lại bám kẻ trọc đầu như Việt Nam. Chỉ chi tiết này thôi đã thấy thực trạng của kỹ nghệ dầu lửa nước này như Hugo vẫn cứ mơ tưởng hão huyền.
Đầu tiên tháng 5 năm 2007 Hugo rút chân ra khỏi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB: có tiền rồi, chả cần đến hai định chế này. Sau đó thì ông ta chơi trò “phóng tài hòa mãi nhân tâm”, xúi giục các quốc gia châu Mỹ La tinh tách khỏi quỹ đạo của Mỹ. Hugo tung tiền ra ve vãn thành lập khối ALBA, quy tụ các quốc gia thành một khối kinh tế, xã hội và quân sự để chống lại “Khu vực Tự do Mậu dịch châu Mỹ” AAFTA do Mỹ chủ xướng. Tuy nhiên, giấc mộng của nhà lãnh đạo hợm mình này không thành vì chỉ có ba nước Cuba, Nicaragua và Bolivia ủng hộ, và họ chỉ ủng hộ vì được Venezuela hào phóng chi tiền viện trợ.
Hugo còn mơ tưởng việc thiết lập trục Iran-Venezuela và vận động khối OPEC – tức Tổ chức các nuớc xuất cảng dầu lửa – để chống Mỹ. Phát biểu trong ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh OPEC vào ngày 17.11.2007, Hugo cảnh cáo Mỹ rằng “giá dầu thế giới có thể tăng lên mức từ 150 đến 200 Mỹ kim một thùng” nếu Mỹ vẫn “cứng đầu thực hiện cuộc chiến chống lại Iran”. Hugo còn kêu gọi OPEC đoàn kết để chống lại những cuộc xâm lược vì mục đích dầu lửa, tuyên bố: “Mọi cuộc chiến đều bắt nguồn từ dầu lửa. Ngày nay, OPEC chúng ta đã mạnh và cần phải hiệp lực để tự bảo vệ mình”.
Tuy nhiên Đức vua Abdullah của Arab Saudi – quốc gia sản xuất dầu lửa nhiều nhất thế giới và là đồng minh thân cận của Mỹ – đã phản pháo. Ông khẳng định rằng những kẻ muốn lạm dụng OPEC vào mục đích chính trị đã lầm to vì dầu lửa “không thể là công cụ cho các cuộc xung đột mà phải được sử dụng vì mục đích phát triển thế giới”.
Bây giờ thì Venzuela như thế nào chúng ta đã rõ. May là Hugo đã qua đời và năm 2013, không thấy được cái trận bão mà ông ta đã “gieo gió”.
Hugo hoàn toàn là một tay mơ trong nền chính trị dầu lửa.
Chính trị dầu lửa
Tháng Ba năm 2014 Nga xâm lược Ukrain, đầu tháng Tư năm 2014 nhà bình luận Thomas Friedman nhận định trong bài “Follow the figures of geopolitics” đăng trên tờ New York Time ngày 2.4.2014 rằng Phương Tây có thể thắng Putin bằng cách sử dụng vũ khí kinh tế.
Friedman dẫn lời Michael Mandelbaum, chuyên gia chính sách ngọai giao của Đại học the Johns Hopkins, cho rằng Putin chỉ là một “Davos man” là sản phẩm của thời toàn cầu hoá (Davos: Diễn đàn kinh tế thế giới). Theo tác giả thì nếu không có dầu lửa thì Putin và các ông trùm môi giới quyền lực dưới tay chỉ có thể kiếm tiền bằng cách bán rượu Vodka và trứng cá. Do đó muốn đối phó với Putin thì Tây phương phải phối hợp ăn ý với nhau bằng ngón đòn kinh tế, trong đó Đức phải hủy bỏ việc bán cho Nga các thiết bị cơ khí và xe hơi; Pháp phải cắt giảm hoặc hủy bỏ hẳn việc bán vũ khí sang Nga; Anh phải cấm cửa không cho giới tài phiệt Nga sang London du hí và rửa tiền. Nhưng quan trọng nhất là Mỹ phải gia tăng sản lượng xuất khí đốt và các nguồn năng lượng tái sinh để hạ giá dầu khí, nguồn sống của Nga.
Việc dầu hạ giá năm 2014 có sự liên thủ giữa Mỹ và Saudi Arabia, nuớc chủ chốt có vai trò khống chế trong khối OPEC.
Saudi Arabia cón có mục tiêu địa-chính trị của mình: phải hạ giá dầu đế đánh vào túi tiền của các đối thủ chính trị trong khu vực này là Iran, Syria, Sudan 0và Nhà nước Hồi giáo ISIS. Còn Mỹ muốn dùng giá dầu để kềm giữ Nga và Iran, tiện thể đánh què luôn Nhà nước Hồi giáo (IS).
Năm 2014 giá dầu sụt giảm trên toàn cầu nhưng chỉ ở Mỹ là sụt giá nhiều nhất, việc này xuất phát từ sức mạnh kỹ thuật.
Tháng Ba năm 2014 khi Nga lần đầu gửi quân sang Ukraine, mỗi thùng dầu có giá trên 100 Mỹ kim. Thế nhưng đến đầu tháng 10 thi giá dầu chỉ còn là 81 Mỹ kim, đơn giản là lúc đó Mỹ đã qua mặt Nga, trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới.
Xưa nay để lấy dầu và khí đốt, con người chỉ đơn giản khoan xuống các giếng dầu, đầu tiên thu lấy khí đốt và hút dầu là xong, bỏ lại một số lượng lớn dầu lửa lẫn khí đốt nằm trong kẻ nứt của các phiến đá, các lớp cát pha đất sét, gọi chung là “diệp thạch” (đá có dầu). Trong hàng thập niên, các chuyên gia sư vẫn đau đầu với bài toán làm sao để “tận thu” số dầu và khi này một cách “kinh tế” và đến năm 2008, năm của khủng hoảng dầu lửa, các kỹ sư Mỹ đã đưa ra lời đáp!
Đó là kỹ thuật “nứt vỡ thủy lực” gọi là “hydraulic fracturing” hay “fracking” đã áp dụng trong sản xuất từ. Việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật này giúp sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng đột biến. Xưa nay
Mỹ phải nhập dầu đủ để đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng của minh nhưng nhờ kỹ thuật này khu vực Bắc Mỹ sẽ trở thành một vùng xuất cảng dầu vào năm 2030, và Mỹ sẽ hoàn toàn tự túc về mặt này vào năm 2035.
Khi Mỹ sản xuất nhiều dầu hơn để tự cung cấp cho mình thì nhu cầu mua thì các thị trường khác lại giảm, và do đó nguồn dầu khí này trở nên ứ đọng, dẫn đến tình trạng giá dầu giảm. Theo các kinh tế gia thì nếu giá dầu sụt chỉ 1 Mỹ kim thôi, Nga thất thu 2 tỷ Mỹ kim. Giá dầu lúc đó đã sụt 19 Mỹ kim, chỉ làm một phép nhân đơn giản ai cũng có thể hiểu cơn đau đầu này và thực tế là lúc đó đồng rúp của Nga đã bị mất gái đến 40%.
Đầu tiên (6.2014) Putin vẫn còn nói cứng, tuyên bố “giá dầu thấp không làm hại được nước Nga”, và “chính phủ Nga đã sẵn sàng đối đầu với tình huống xấu nhất” hay “Chúng ta sẽ không sụp đổ”.
Thế nhưng đến cuối năm 2014 Putin đã phải ký lệnh không tăng lương cho công chức ở văn phòng tổng thống, chính phủ cùng các cơ quan công quyền khác.
Giá dầu xuống khiến thu nhập bị hạ thấp, Nga lại hút thêm nhiều dầu hơn để bù vào khỏan thâm thủng ngân sách bằng số nhiều. Nhưng càng hút dầu nhiều hơn, thì giá dầu càng giảm khiến khối OPEC điên lên.
Sau hai năm đàm phám, năm 2017 Putin chấp nhận đầu hàng, đồng ý với hạn định khai thác tối đa của OPEC để giữ giá dầu trong một thỏa thuận kéo dài ba năm, sẽ hết hạn vào ngày 1.4.2020.
Dầu và Covid-19
Hiệp ước cắt giảm sản lượng dầu thô chưa hết hạn nhưng dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và lây lan khiến sản xuất trên thế giới đình đốn, cả “hạm hút dầu” là Trung Quốc cũng không mua dầu nữa. Tình hình khiến Tổ chức Năng lượng Thế giới cảnh cáo là nếu không điều chỉnh nguồn cung thì sẽ gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung và sẽ có cuộc bán tháo, bán đổ.
Ngày 6.3.2020 trong cuộc họp giữa OPEC với các thành viên của thỏa thuận giảm sản lượng
Saudi Arabia đề nghị mỗi nước cắt giảm sản lượng khoảng 1.5 triệu thùng mỗi ngày để đối phó với nguy cơ giá dầu giảm do tác động của dịch Covid-19, theo đó Nga nâng mức cắt giảm lên 1,5 triệu thùng, chứ không phải 1.1-1,2 triệu thùng một ngày như trong hiệp ước cũ.
Tuy nhiên, Nga thẳng thừng từ chối. Nga đang cần tiền để kích thích kinh tế nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19, do đó càng phải khai thác nhiều hơn. Mặt khác, Nga muốn khai thác nhiều hơn để giảm bớt chi phí bình quân cho mỗi thùng dầu.
Ngay hôm sau Saudi Araiba tung đòn. Ngày 7.3.2020 nước này tuyên bố sẽ bán dầu với giá chiết khấu sâu trong tháng 4, đồng thời dự định tăng sản lượng dầu lên trên mức 10 triệu thùng mỗi ngày và giá dầu bị rợi tự do
Thỏ chết, chó cũng le lưỡi
Nền kinh tế Saudi Arabia có thể sẽ là một trong những nạn nhân lớn nhất nếu giá dầu không thể phục hồi. Dầu lửa đóng góp tới 80% xuất cảng và hai phần ba nguồn thu của quốc gia này.
hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Nhưng ngoài lý do kinh tế, sâu thẳm trong suy nghĩ của Putin còn là lời nguyền lich sử vì Liên Sô từng sụp đổ khi giá dầu hạ. Nhưng khi Putin lên cầm quyền thì giá dầu tăng và đồng tiền dầu lửa đã khiến ông ta mạnh bạo hơn bao giờ hết như đã nói ở trên, nay giá dầu xuống thì ông sẽ đi về đâu?
Giới phân tích cho rằng sớm muộn gì thì Nga và Saudi Arabia cũng phải ngồi lại với nhau bởi ngân sách của hai quốc gia đều phụ thuộc vào dầu lửa.