Xuân Lan
Bắc Kinh đã gửi các chuyên gia và các thiết bị y tế tới nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Tuy vậy, các nhà phân tích cho biết có nhiều mối lo về động cơ đằng sau sự “trợ giúp” của Trung Quốc.
Khi các nhân viên y tế trên toàn cầu vật lộn để kiếm đủ giường bệnh và các thiết bị y tế trong đại dịch COVID-19, các cường quốc đã nhanh chóng tham gia vào cuộc đua cứu trợ, từ Trung Quốc tới Đức, Mỹ, hay Liên minh châu Âu.
Tuy vậy, những nỗ lực của Trung Quốc – mà truyền thông nhà nước gọi là “giải pháp đấu tranh với đại dịch của Trung Quốc” – đã gây phản ứng trái ngược. Các nhà phân tích cho rằng “chính sách ngoại giao khẩu trang” của họ sẽ khó gây được thiện cảm đối với phương Tây.
Viện trợ quốc tế
Hai tuần trước, khi Ý nổi lên trở thành trung tâm mới của đại dịch, Bắc Kinh đã gửi đội chuyên gia y tế và hàng tấn hàng thiết yếu đến nước này. Khi đó, tình hình dịch bệnh đã dịu đi ở Trung Quốc.
Các nước khác cũng đề nghị giúp đỡ những nơi bị tác động mạnh do khủng hoảng. Các bệnh viện ở Đức đang tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm Viêm phổi Vũ Hán trong tình trạng nguy kịch từ Ý và Pháp.
Quân đội Mỹ ở châu Âu cho biết họ đã chuyển nhiều thiết bị và dụng cụ y tế – gồm giường bệnh, chăn ga và giá treo bình truyền dịch – từ căn cứ ở thành phố cảng Livorno tại nước Ý tới vùng Lombardy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cũng thông báo khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD cho nhiều quốc gia, gồm cả Iran.
Hôm 26/3, Uỷ ban châu Âu cho biết sẽ phân bổ 38 triệu Euro (tương dương 41,7 triệu USD) cho khu vực y tế và thêm 373 triệu Euro hỗ trợ các nước Balkan hồi phục kinh tế xã hội, nhằm tái khẳng định cam kết đoàn kết với khu vực này trong cuộc chiến chống đại dịch.
Trung Quốc và “ngoại giao khẩu trang”
Trên thế giới, hơn 3 tỷ người đang sống trong các điều kiện bị phong toả để hạn chế sự lan rộng của virus corona.
Trung Quốc sau khi thông báo đã khống chế được dịch bệnh, bắt đầu gửi hàng cứu trợ tới các nước ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Đây không phải lần đầu Trung Quốc cứu trợ nhân đạo trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng theo các quan chức ở Bắc Kinh, đây là chiến dịch hỗ trợ lớn nhất kể từ năm 1949.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui hôm 26/3 tuyên bố Bắc Kinh đã cung cấp gói cứu trợ khẩn cấp – gồm các bộ xét nghiệm và khẩu trang – cho hơn 83 nước, xuất phát từ việc “Trung quốc đồng cảm và mong muốn cung cấp những thứ có thể cho những nước đang cần.”
Ông cũng nói Trung quốc muốn chia sẻ kinh nghiệm chống đại dịch của họ với thế giới.
Tuy vậy, lời đề nghị của Trung Quốc lại gây lo ngại ở phương Tây. Các ý kiến chỉ trích cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách chuyển sự chú ý ra bên ngoài sau khi đã tìm cách che đậy sự việc ở Vũ Hán, khiến quốc tế chậm phản ứng và từ đó gây ra đại dịch toàn cầu.
Ông Marcin Przychodniak, một nhà phân tích tại Học viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, cho biết những nước tiếp nhận hàng cung ứng, cụ thể ở khu vực Trung và Đông Âu, có thể đánh giá cao sự ủng hộ của Bắc Kinh, nhưng có nhiều mối lo về những động cơ tiềm tàng về chính trị và kinh tế ẩn sau điều đó.
Các chính phủ tại châu Âu đã phải “hợp tác trực tiếp với chính quyền Trung Quốc để có thể được đặt mua các mặt hàng y tế,” ông Przychodniak nói.
“Có nhiều khả năng tồn tại những điều kiện ràng buộc kèm theo, như đồng thuận với cách tuyên truyền của Trung Quốc về “lãnh tụ vĩ đại và thành công của hệ thống chính trị” đã giúp Trung Quốc chiến thắng virus,” ôngPrzychodniak nhận xét.
Trước đó, ông Josep Borrell, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, đã cảnh báo về chiến dịch áp đặt quyền lực mềm của Bắc Kinh, nói rằng châu Âu “nhất thiết phải nhận thức được yếu tố địa chính trị, bao gồm việc áp đặt ảnh hưởng của Trung Quốc” đằng sau những hỗ trợ hào phóng.
“Ngoại giao khẩu trang” dường như không giúp Trung Quốc cải thiện về hình ảnh
Miwa Hirono, một chuyên gia về cứu trợ nước ngoài của Trung Quốc tại Đại học Ritsumeikan ở Nhật Bản, cho biết không như gói cứu trợ y tế mà Bắc Kinh cung cấp cho Tây Phi trong dịch Ebola từ 2014 -2016, chính sách “ngoại giao khẩu trang” lần này của Trung Quốc được liên kết với giả thuyết “Trung Quốc đang cố gắng nắm lấy vai trò lãnh đạo thế giới bằng cách cải thiện hình ảnh của họ và thúc đẩy quyền lực mềm của họ thông qua việc cung cấp khẩu trang.”
Tuy nhiên, bà Hirono cho rằng cách giải thích này không phản ánh hoàn toàn động cơ của Bắc Kinh.
Bà nói, “Nhiều nước khác cũng đề nghị giúp đỡ như vậy. Mỗi nước đều muốn cải thiện hình ảnh của họ, không phải chỉ có Trung Quốc. Dù những lo ngại này có hợp lý đến mức nào, việc gắn mọi điều Trung Quốc làm với tham vọng lãnh đạo thế giới mà không xem xét tới bối cảnh và lịch sử hỗ trợ nhân đạo sẽ khiến chúng ta quên mất bản chất các hành động của Trung Quốc.”
Nga cũng nằm trong số nước cung cấp vật tư y tế hỗ trợ nhân đạo. Nước này đã gửi 14 máy bay quân sự cùng chuyên gia và vật tư y tế tới Ý. Đại sứ Nga tại Washington cũng nói họ sẵn sàng giúp Mỹ trong cuộc chiến với virus.
Cuba dù trong nhiều thập kỷ nằm dưới lệnh cấm vận của Mỹ, cũng gây chú ý khi nhanh chóng gửi một đội bác sĩ và y tá tới Ý. Họ cũng gửi các nhóm y tế tới Venezuela, Suriname, Jamaica và Grenada.
Hàn Quốc đã quyên góp hơn 15.000 bộ xét nghiệm cho Philippines, trong khi Đài Loan cho biết mỗi tuần sẽ gửi 100.000 khẩu trang cho Mỹ. Các quan chức Đài Loan cũng kêu gọi quyên góp một triệu khẩu trang cho Paraguay, một trong những đồng minh của Đài Loan ở Nam Mỹ, sau khi Bắc Kinh đưa ra đề nghị tương tự.
Do vây, theo bà Hirono, những đề nghị hỗ trợ từ Bắc Kinh dường như không ảnh hưởng nhiều tới việc cải thiện hình ảnh của họ ở nước ngoài.
“Trong ngắn hạn, những nước nhận khẩu trang và thiết bị y tế sẽ đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung Quốc,” bà nói.
“Nhưng về lâu dài, thật khó tưởng tượng các nước vốn có quan ngại về cách cư xử của Trung Quốc tại trường quốc tế, như vấn đề nhân quyền, công nghệ và [việc tạo ra] bẫy nợ, sẽ đột nhiên quên đi những vấn đề đó và chấp thuận quyền lực mềm của Trung Quốc, đơn giản vì Trung Quốc đã cho họ khẩu trang,” bà Hirono nhận định.
Xuân Lan (theo SCMP)