Nỗi lo từ cuộc cãi vã về tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng

Từ Nguyên Trực
2020-04-24

Thời gian vừa qua, biển Đông liên tục “dậy sóng” bởi các hành động hung hăng nối tiếp hung hăng của Trung Cộng. Trung Cộng vẫn đang thể hiện là một “tay chơi” kiên nhẫn và đầy mưu mẹo. Những vấn đề nội bộ của Trung Cộng cũng nóng bỏng khi quốc gia này đang đối mặt với những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội từ trong nước đến ngoài nước. Trong bối cảnh đó, tung ra vài chiêu tại biển Đông là dư luận cả thế giới im bặt vì đã dồn hết chú ý vào đó.

Sự kháng cự của các quốc gia ASEAN có lúc tưởng chừng như vô vọng, nhưng lại được “bơm” bởi một số tuyên bố khích lệ từ các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ. Dư luận Việt Nam đang nức lòng khi lần đầu được thấy tận mắt các Công hàm của Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc phản đối các lập luận của Trung Cộng. Tuy nhiên, niềm hưng phấn ấy không giữ được lâu.

Ngày 17/4/2020, Trung Cộng tung một Công hàm nhiều ý nghĩa khác nhau cho Việt Nam. Một số chuyên gia lo lắng khi nhận được tín hiệu đe doạ sử dụng vũ lực từ Trung Cộng. Ngoài ra, cũng có chuyên gia nhận thấy rằng, trong Công hàm này, Trung Cộng lại tiếp tục đưa một “cái áo mới” là Tứ Sa chồng lên ái áo cũ “đường lưỡi bò” cho lập luận hòng chiếm cả biển Đông của Trung Cộng.

Nhưng dư luận Việt Nam dửng dưng trước điều đó, mà tất cả lại đổ dồn về một vấn đề khác. Đó là việc Trung Cộng lại tiếp tục khơi lại luận điểm Việt Nam đã chính thức công nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Tây Sa (Tức Hoàng Sa) và Nam Sa (Tức Trường Sa) thông qua cái mà Trung Cộng gọi là “Công hàm năm 1958” do ông Phạm Văn Đồng – Thủ tướng Việt Nam khi đó ký tên trực tiếp.

Những tranh luận ồn ào về văn bản này lại được dịp bùng lên. Và rất nhanh, như mọi cuộc tranh luận khác, cuộc tranh luận đã nhanh chóng trở thành một cuộc cãi vã. Là cãi vã bởi vì, chẳng ai muốn nghe ai, chẳng ai đếm xỉa gì đến lập luận, mà chỉ cố gắng tìm cách thể hiện. và áp chế quan điểm của riêng mình, còn ai nghe hay không mặc kệ.

Cãi vã đầu tiên là liên quan đến tên gọi của văn bản này. Phía Trung Cộng gọi nó là Công hàm (Tiếng Anh gọi Công hàm là Notes hoặc Công hàm ngoại giao: Notes Verbales), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trong một số văn bản gửi lên Liên Hợp Quốc gọi nó là Thư (Tiếng Anh: Letters). Một số người khác thì gọi nó là Công thư, hàm ý là một thư của Chính phủ, khác với thư của cá nhân.

Cãi vã thứ hai và nhiều nhất là việc nội dung văn bản này có ràng buộc Việt Nam như phía Trung Cộng tuyên bố là đã cấu thành sự công nhận chính thức của phía Việt Nam với chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo này. Một số học giả Việt Nam ở trong nước và hải ngoại ra sức phân tích rằng, văn bản này không hẳn đã khiến Việt Nam “thua trắng” nếu ra Toà án quốc tế phân xử.

Tuy vậy, cuộc cãi vã vẫn bùng lên và chưa đến hồi lắng dịu. Trong bài này, tác giả không tập trung vào phân tích tính pháp lý của văn bản vì nhiều người đã trình bày. Và ngay trong nhiều văn bản chính thức của Phái đoàn Thường trực Việt Nam gửi lên Liên Hợp Quốc cũng thể hiện những nội dung đó rồi.

Một số luật gia trẻ tuổi thấy bùng lên cơ hội muốn thể hiện khả năng bản thân, thông qua việc phản biện và phê phán các lập luận trước đã đưa ra để “trấn an” công luận. Một số nhà nghiên cứu khác cũng lên tiếng chê bai ông Phạm Văn Đồng, ý muốn nói rằng “đáng đời thằng bán nước”. Cá biệt có nhà nghiên cứu còn cho rằng, tất cả những lập luận bảo vệ Việt Nam như vậy, ông ta đã thấy trước và chỉ có cách theo lập luận của ông ta mà thôi.

Điều rất ngạc nhiên của người viết khi chứng kiến cuộc cãi vã “kinh khiếp” này. Cũng sẽ có người nói rằng, với tinh thần khoa học thì phải mổ xẻ điểm yếu, điểm mạnh của mỗi bên, để có được những sức mạnh pháp lý cần thiết. Thế nhưng, nếu nói về khoa học, có mấy người nào chịu khó đọc tất cả các lập luận của các bên để đưa ra một cái nhìn khách quan, nhiều chiều nhưng phải được đặt trên tổng thể các lập luận đó. Xin nhắc rằng, lập luận về chủ quyền của mỗi bên đều là một tập hợp nhiều luận điểm khác nhau, được hỗ trợ bởi nhiều luận cứ và các bằng chứng lịch sử pháp lý, thế nhưng dường như dư luận Việt Nam, kể cả một số người được cho là nhà nghiên cứu, vẫn chỉ nhìn vào một luận điểm duy nhất với tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, vậy thì điều đó có thực sự đã có cái nhìn khoa học? Nếu chỉ nhìn vào một phần mà không nhìn vào tổng thể thì có khác gì “thầy bói mù sờ voi”. Vậy thì làm sao mà đã có thể khẳng định được mạnh yếu trong lập luận của mỗi bên?

Cuộc cãi vã này nếu chấm dứt thì kẻ thắng duy nhất lại là Trung Cộng. Chỉ một đòn “đàn chỉ thần công” này thôi đã hạ gục bao nhiêu sự hả hê của dư luận Việt Nam chỉ mới được hân hoan vài ngày trước đó.

Nếu các luật gia, nhà nghiên cứu người Việt đang ra sức cãi vã trên Facebook chịu khó tìm hiểu kỹ, thì tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một trong vài “tuyên bố” gây ra một vài sự bất lợi cho phía Việt Nam mà thôi. Tôi ví dụ nhé, còn tuyên bố của Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm năm 1953, Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Việt Nam năm 1965. Thế nhưng, Trung Cộng thích nhất và hay xài nhất chính là tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, cho dù, tuyên bố này mù mờ hơn rất nhiều và chưa chắc đã có pháp lý mạnh hơn so với tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm và của Bộ Ngoại Giao năm 1965.

Vấn đề cần phải nói trong câu chuyện biển Đông hôm nay, không chỉ là chủ quyền của ai? Cái mà Việt Nam có nhiều bằng chứng chủ quyền nhất là Hoàng Sa thì giờ Trung Cộng đã nắm trọn. Lấy lại Hoàng Sa trước một Trung Cộng đầy xảo quyệt và gian manh thì chỉ có thể sử dụng “gươm súng”, vì thế vẫn còn là một tương lai xa vời vợi, cho dù chúng ta vẫn biết rằng chỉ còn 1% hy vọng, chúng ta vẫn phải luôn kiên trì đeo đuổi.

Về Trường Sa thì Việt Nam thông tin chính thức cho biết là đang nắm giữ 21 thực thể, trong đó có 9 “đảo nổi”, 12 “đảo chìm”, tổng cộng là 33 điểm đóng quân. Trong vấn đề chủ quyền tại Trường Sa thì giả dụ, nếu điều tệ hại nhất xảy ra là tất cả các lập luận chủ quyền của Việt Nam bị “vô hiệu” thì theo nguyên tắc “chiếm hữu theo thời hiệu” trong luật quốc tế, được nhắc lại trong Án lệ Pedra Branca năm 2008 thì ai đang giữ cái gì sẽ được tiếp tục giữ cái đó như Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đã phán xử trong Vụ Pedra Branca. Cho dù Malaysia kế thừa chủ quyền từ Tiểu vương Johor, đã thực thi chủ quyền sớm nhất trên Pedra Branca, tuy nhiên vì Singapore đang chiếm hữu nó trong thực tế, chiếm hữu bằng biện pháp hoà bình, nên Singapore được ICJ trao quyền tiếp tục sở hữu Pedra Branca.

Với tình hình hiện nay, Việt Nam “giữ lại những gì mình đang có” đã là đầy khó khăn, chứ giấc mơ “lấy lại những gì đã mất”, thu hồi lại Hoàng Sa và toàn bộ Trường Sa, sẽ là câu chuyện của một tương lai xa vời.

Điều cấp bách đáng nói hơn cả vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ở đây là việc Trung Quốc đang xâm chiếm gần hết vùng biển của Việt Nam, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là những vùng biển mà Việt Nam đương nhiên có quyền hưởng trong việc thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng này. Các tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, băng cháy, các loại hải sản, các tuyến vận tải biển… trên các vùng này phải thuộc về Việt Nam. Thế nhưng, mọi người đang thấy đó, Trung Quốc ngày trước vẽ ra tấm áo “dơ dáy” là “đường lưỡi bò”, bây giờ lại khoác lên tấm áo “Tứ Sa” hòng che đậy cho dã tâm chiếm đoạt các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, vấn đề vùng biển này lại nằm trong quy định của Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (Gọi tắt tiếng Anh là UNCLOS). Và nhờ có UNCLOS, Việt Nam mới có lý do để đòi hỏi các vùng biển của chúng ta, chứ nếu không, chắc chúng ta có khi đã trở thành “nước không có biển” như anh bạn Lào vậy.

Vì thế, nếu giấc mơ nghiên cứu biển Đông với những vấn đề thực sự ảnh hưởng tới tương lai đất nước, thì có bao nhiêu việc phải làm, phải nghiên cứu. Người viết luôn ủng hộ các tranh luận khoa học để tìm ra các lập luận mới bảo vệ đất nước, nhưng cần nghiên cứu và tìm hiểu một cách thật sự khoa học, tránh rơi vào cuộc cãi vã triền miên không có lối thoát. Và trong lúc chúng ta đang cãi vã, thì kẻ thù đang từ từ gặm nhấm biển của chúng ta.

Related posts