Trương Văn Dân
Hàng năm, vào đầu mùa xuân nắng ấm, làn sóng du lịch tràn về Ý, có khi gây ùn tắc hàng trăm cây số trên xa lộ, thế nhưng năm nay cảnh này đã không còn diễn ra, và hầu như tất cả các đường phố hay đường cao tốc toàn châu Âu đều vắng bóng người.
Lệnh phong tỏa đã biến Lễ Phục Sinh mà thánh đường vắng vẻ. Đức Giáo hoàng Francis đã phải cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh một mình với ít người phụ lễ chứ không còn đám đông hơn 100.000 tín hữu chen chúc ở Tòa Thánh Vatican như những năm qua.
Biết cả thế giới đang hoang mang, sau lời chúc Phục Sinh an lành ngài còn gửi đi thông điệp: “Đừng lo lắng hay đầu hàng sự sợ hãi, đây là thông điệp của hy vọng.”
Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều điều tưởng như bất di bất dịch: Khởi phát từ Trung Quốc và chỉ trong vòng 3 tháng mà lây nhiễm lan ra hơn 200 quốc gia với gần 2 triệu ca nhiễm và hơn 120.000 người chết .
Cả thế giới kinh hoàng, và không thể không đặt câu hỏi: vì đâu nên nỗi?
Có hai từ phổ biến được tìm thấy trong các trang tin quốc tế là đại dịch và suy thoái toàn cầu. Chúng nhắc đến nguyên nhân sâu xa, xuất phát từ sự kiêu ngạo của con người, mà hệ quả là quá trình công nghiệp hóa không kiểm soát và sự phát triển kinh tế hoang dã đã phá hủy sự cân bằng tinh tế của hệ sinh thái ở nhiều nơi trên thế giới. Dân số tăng trưởng chưa từng thấy và nền y học hiện đại đã biến loài người thành một loại ung thư tự nhiên: chúng ta rất đông, chúng ta tiêu thụ quá nhiều và chúng ta phá hủy tài nguyên nhanh hơn khả năng sinh sản.
Trong suốt bao nhiêu năm với sự điên cuồng “phát triển” loài người đã làm cạn kiệt tài nguyên, giết chết các sinh vật, biến trái đất thành một nơi ô nhiễm và bầu trời không thể hít thở… Chúng ta sống như một con rắn đang cắn đuôi mình để sống. Và cái đuôi càng ngày càng ngắn. Chúng ta vô tư sống như không hề biết có một tương lai.
Hiện nay trong mắt chúng ta đã không còn hình ảnh dòng sông tươi mát, trên bầu trời không còn thấy đàn chim sẻ bay qua, dưới nước không còn thấy đàn cá tung tăng bơi lội nhưng chẳng còn ai quan tâm, con người mơ mộng hồn nhiên của một thời giờ chỉ chăm bẳm nhìn vào màn hình điện thoại.
Nhà văn Aye Rand đã từng viết: “Tính đặc trưng của con người là, khi các con thú tìm cách tồn tại bằng hòa mình vào môi trường xung quanh, con người lại tồn tại bằng cách thay đổi môi trường xung quanh theo ý mình.” Lòng tham và dục vọng tập thể đã biến con người thành những gã thợ săn tham lam và xem đồng loại là con mồi cần triệt hạ.
&
Con người đã từng muốn thay đổi thế giới ư? Giờ là lúc vỡ lẽ là thế giới sẽ thay đổi con người. Thiên nhiên đang mệt mỏi vì sự hiện hữu của chúng ta. Trái đất đang nóng lên. Băng tan. Nước biển dâng. Hạn hán. Cháy rừng. Bão tố. Động đất. Dịch bệnh. Những năm sau này còn có sự ô nhiễm trầm trọng từ sóng điện từ.
Tổ chức WWF cho hay là do sự hủy diệt các khu rừng đã làm sự lây lan của đại dịch, chẳng hạn như bệnh từ coronavirus mà chúng ta đang gặp phải. “Nơi cây cối bị chặt và động vật bị giết, vi trùng nơi đó bay lên như bụi bay lên từ đống đổ nát” Tác giả David Quammen[1] đã viết như thế trong quyển Spillover: Animal Infections and the Next Human Pandemic.
Trong những ngày bị cách ly, có lẽ nhờ quen với việc đọc sách nên tôi gần như đang tận hưởng quãng thời gian rảnh rổi, xem đó như một đặc ân được tách mình khỏi nhịp sống hối hả của thành phố. Mọi người đều ở nhà, thành phố vắng vẻ và yên tĩnh. Buổi sáng một người bạn cũ gọi thăm: “Tao may mắn sống ở miền quê, lúc này đang hưởng thụ mùi vị của thiên nhiên ở quanh nhà và tao tin là khi đại dịch chấm dứt chúng ta sẽ ý thức hơn về môi trường và cuộc sống của mình. Vì nếu chúng ta tiếp tục tiêu thụ vô tội vạ như hiện nay thì loài người sẽ phải đối mặt với những vấn nạn mà các thế hệ trước chưa bao giờ gặp phải.”
Nghe bạn nói, tôi hiểu ra là đại dịch cũng đem đến cho chúng ta nhiều thứ. Nó nhắc chúng ta học những điều cần phải học, trân quý những giá trị hiện thực, vui sống với những gì mình có và hiểu rằng quyền lực, sức mạnh, sắc đẹp và tài sản không còn giá trị nếu không thể mang khí trời để mình hít thở.
Đại dịch đến như để cười vào mũi chúng ta là “sự vĩ đại của các bạn có kích thước nhỏ hơn một con virus!”
Ngay trong đêm chủ nhật Phục sinh, dưới vòm thánh đường lộng lẫy nhất của ở thành phố Milano đã xảy ra sự kiện duy nhất và độc đáo: “giọng hát tuyệt vời nhất thế giới” mệnh danh “thiên thần mù” Andrea Bocelli đã cất lên cùng một nghệ sĩ chơi đàn organ của nhà thờ Duomo, không có thính giả nhưng được kết nối toàn cầu.[2] “Từ trái tim của một thành phố bị tổn thương, một giọng hát lừng danh sẽ mang thế giới lại gần nhau. Ngày Phục Sinh và âm nhạc cho niềm hi vọng.” Các bài thánh ca được anh chọn lọc như “Ave Maria” của Bach/ Gounod, “Santa Maria” của Mascagni, bài Thánh ca nổi tiếng “Panis Angelicus” của César Franck… và cuối cùng là “Amazing Grace”như một lời tạ ơn được anh hát lên để truyền một thông điệp về tình yêu, sự chữa lành và niềm hi vọng cho nước Ý và toàn thế giới. “Tiếng hát của tôi sẽ như một lời cầu nguyện và tôi muốn tất cả chúng ta sẽ cùng cầu nguyện.”
Nhờ được truyền trực tuyến nên hàng triệu bàn tay trên toàn thế giới có thể siết chặt, cùng nhau ôm ấp trái tim đang bị tổn thương của Trái đất. Âm nhạc sẽ mang lại cho ta niềm hy vọng, và hy vọng sẽ chữa lành mọi vết thương… và từ Milano thông điệp đoàn kết đã được gửi đi, về một sự phục hưng mà tất cả chúng ta đều hy vọng.
Milano 13/4/2020
[1] Nhà văn chuyên viết về khoa học môi trường, cộng tác viên thường xuyên cuả National Geographic, Harper’s, Rolling Stone, New York Times Book.
[2] https://www.youtube.com/watch?v=huTUOek4LgU