Gian lận thương mại thời COVID-19 “kiểu Trung Quốc”

  • Yang Jianli, Aaron Rhodes

Trung Quốc lấy tiếng là “viện trợ” nhưng phần lớn là mang hàng triệu khẩu trang và thiết bị y tế đem bán cho các quốc gia trên thế giới trong đại dịch COVID-19. Nhưng trong các sản phẩm mang tính chất khẩn cấp và thiết yếu này, có rất nhiều sản phẩm là không dùng được. Điều này một lần nữa nhắc nhở thế giới về thói quen gian lận thương mại kiểu Trung Quốc.

Gian lận thương mại thời COVID-19 "kiểu Trung Quốc"
(Ảnh minh họa: Wikipedia)

Sản phẩm kém chuẩn

Khi toàn Châu Âu phải đối mặt với đại dịch COVID -19, chính phủ các quốc gia tại châu lục này đang từ chối sự hỗ trợ của Trung Quốc, trong đó gồm cả việc không nhận các thiết bị y tế, khẩu trang và các thiết bị khác từ Trung Quốc. Nhìn chung, cả Châu Âu đang quay lưng lại với Trung Quốc.

Cách cư xử của Trung Quốc với các quốc gia trên thế giới trong đại dịch là một điều không có gì ngạc nhiên. Theo những báo cáo từ các quốc gia như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hà Lan, hàng nghìn bộ mẫu thử và khẩu trang y tế của Trung Quốc đều kém chuẩn hoặc không sử dụng được. Cũng có những cáo buộc rằng Trung Quốc đã nhận hàng viện trợ và bây giờ đi bán lại cho các quốc gia khác lấy tiếng là “hỗ trợ”.

Gần đây, chính phủ của các quốc gia Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc cũng đã chỉ trích rằng Trung Quốc bí mật thu mua số lượng lớn các thiết bị y tế từ hai quốc gia này, và sau đó lại gửi bán lại các thiết bị lỗi và hỏng trên danh nghĩa “viện trợ nhân đạo”. Những quốc gia mà Trung Quốc đã gửi “hàng viện trợ” bao gồm có Ý, Pháp, Hy Lạp, Serbia, Tây Ban Nha, Pakistan, Lào, Thái Lan, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Philippines, Ai Cập, Nam Phi, Iraq, Ethiopia, Kazakhstan, Belarus Cuba và Chile.

Cộng hòa Séc: Phản ứng của Thị trưởng Prague

Cộng hòa Séc là một trong nhiều quốc gia Châu Âu nhận được các test thử virus, và các thiết bị y tế khác từ Trung Quốc từ đầu năm 2020. Nhưng Thị trưởng thành phố Prague, ông Zdenek Hrib cho rằng: “Đây không phải là quà tặng nhân đạo hay viện trợ gì cả. Theo quan điểm của Trung Quốc, nó là một thương vụ.”

Việc các nước trên thế giới ra sức bài trừ các thiết bị y tế không đạt chuẩn từ Trung Quốc đã khiến cho các dự án kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh của Trung Quốc tại Châu Âu sụp đổ về mặt chính trị.

Một vài tuần trước, chính quyền Cộng hòa Séc đã tịch thu một lô hàng thiết bị y tế trong một nhà xưởng bởi vì một nhà bán lẻ ở Séc đã ra sức bán lô hàng này cho chính phủ với giá cắt cổ giữa lúc bùng phát đại dịch. Các hộp hàng trong nhà xưởng được dán nhãn “Hàng hỗ trợ nhân đạo của Hội chữ Thập đỏ Trung Quốc cho quốc gia Ý.” Kiện hàng bao gồm 680.000 mặt nạ, 28.000 mặt nạ chống độc, và khoảng 100.000 khẩu trang.

Theo như điều tra, cảnh sát đã tìm ra chủ nhân của nhà xưởng này là một Hoa Kiều có ảnh hưởng tại Prague, Zhou Lingjian. Thú vị hơn nữa, Zhou là đồng sở hữu công ty CITE CARGO Sped kết nối với CTE International, vốn là doanh nghiệp đã bán 580.000 khẩu trang cho một công ty “ma” ở Séc và giám sát Hiệp hội Đồng hương Thanh Điền ở Séc. Công ty này cũng điều hành tờ Chinese Times, một kênh truyền thông nổi bật nhất trong cộng đồng người Hoa ở Prague.

Thương vụ gian lận tại Vương Quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ

Tiếp sau vụ việc trên, người ta phát hiện ra rằng các thiết bị y tế mà Trung Quốc viện trợ nhân đạo cho Cộng hòa Séc vào tháng 3/2020 đều bị lỗi không sử dụng được. 80% bộ xét nghiệm COVID-19 đều cho kết quả dương tính giả. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát hiện ra rằng các bộ kiểm tra virus có nguồn gốc từ Trung Quốc đều có chất lượng kém và dẫn tới tỷ lệ xét nghiệm sai là 65-70% và Tây Ban Nha cho biết rằng 80% thiết bị y tế có nguồn gốc từ Trung Quốc là hàng lỗi.

Truyền thông Vương Quốc Anh cũng cáo buộc ĐCSTQ trục lợi trong khủng hoảng. Họ phát hiện ra rằng Trung Quốc đã nhúng tay vào việc tạo ra khủng hoảng thiếu hụt đồ bảo hộ cá nhân (PPE), bằng cách trưng dụng các công xưởng khắp Trung Quốc vốn được dùng để sản xuất số lượng lớn PPE xuất khẩu. Ví dụ như hai nhà máy của công ty sản xuất thiết bị an toàn JSP, Vương Quốc Anh đã bị chính phủ Trung Quốc “trưng dụng” để sản xuất thiết bị bảo hộ dùng một lần cho các cơ quan trung gian của chính phủ Trung Quốc.

Úc: Nguồn cung y tế tới từ Trung Quốc

Những văn phòng tại hải ngoại của Tập đoàn Greenland, Úc Châu, vốn được hậu thuẫn bởi Chính phủ Trung Quốc, đã thu mua 3 triệu khẩu trang, 700.000 bộ quần áo bảo hộ và 500.000 đôi găng tay, với mục đích mà họ đã viết trong một thư ngỏ đăng trên Sydney Morning Herald rằng là để “hỗ trợ giảm thiểu lây lan của virus vốn đã gây nên sự thiếu hụt nguồn cung y tế nghiêm trọng ở Trung Quốc”

Theo báo cáo trên tờ Herald, tập đoàn Greenland chuyên về bất động sản cao cấp ở Sydney và Melbourne, đã vắt kiệt nguồn cung các thiết bị chống COVID-19. 3 triệu khẩu trang y tế, 500.000 đôi găng tay và số lượng lớn nước rửa tay tại Úc Châu, và các quốc gia khác, nơi có trụ sở của Greendland, đã được thu mua.

Mặc dù việc thu mua số lượng lớn này hoàn toàn hợp pháp, nhưng những kiện hàng này đã được chuyển đến Trung Quốc, trong đó có cả những sản phẩm mà công dân Úc hay các chuyên gia y tế của Úc cũng khó để mà mua được. Tương tự, cơ quan phản gián Cộng hòa Séc đã báo cáo rằng vào tháng 1/2020, Đại sứ quán Trung Quốc tại Prague đã thu mua số lượng lớn vật liệu y tế của Séc, và gửi về Trung Quốc ngay sau đó.

Tây Ban Nha: Thiết bị hỏng

Nhiều lần đại diện của Trung Quốc đã bị buộc phải tuyên bố rằng trong số hàng cung cấp có hàng bị lỗi, nhưng họ đẩy trách nhiệm đó cho các công ty sản xuất. Ví dụ, trong một tuyên bố vào ngày 26/3/2020, Đại sứ quán Trung Quốc ở Madrid đã nói rằng Chính phủ Tây Ban Nha đã mua một lô hàng lỗi các dụng cụ xét nghiệm COVID-19 từ một công ty không có giấy phép, được gọi là Công ty Công nghệ Sinh học Thẩm Quyến Bioeasy.

Trích đoạn trong tuyên bố của họ như sau: “Bộ Công thương của Trung Quốc đã đưa cho Tây Ban Nha một danh sách các nhà cung cấp đã được chứng nhận trong đó không hề có tên Công ty Công Nghệ sinh học Thẩm Quyến Bioeasy. Công ty Công Nghệ sinh học Thẩm Quyến Bioeasy chưa được Cục quản lý Sản phẩm y tế Quốc gia Trung Quốc cấp phép bán sản phẩm.”

Đoạn tuyên bố còn thêm rằng đơn hàng không phải là một phần của hợp đồng trị giá 432 tỷ Euro mà Chính phủ Tây Ban Nha đã từng thông báo đã ký với Trung Quốc vào 25/3/2020, trong hợp đồng này có bao gồm việc giao 5.5 triệu bộ xét nghiệm.

Hơn nữa, rõ ràng là những nỗ lực của Tây Ban Nha khi muốn đưa ra sử dụng rộng rãi 640.00 bộ xét nghiệm nhanh được mua từ các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp phải trở ngại khi đơn hàng đầu tiên đã có 9.000 bộ không đáp ứng các thông số kỹ thuật và bị trả lại. Ông Fernando Simon, người đứng đầu Bộ phận Chăm sóc Sức khỏe khẩn cấp của Tây Ban Nha, đã xác nhận rằng lô bộ xét nghiệm đầu tiên được giao cho Tây Ban Nha đã được gửi lại cho nhà cung cấp.

Nepal: “Đừng dùng sản phẩm của Trung Quốc”

Ngay cả ở Nam Á, một quốc gia như Nepal cũng khuyến nghị nếu như không có lệnh của chính phủ, các bệnh viện và trung tâm y tế của họ không sử dụng các bộ xét nghiệm được đặt mua từ Trung Quốc, kể cả các thiết bị y tế. Các báo cáo chỉ ra rằng Nepal đã nhập khẩu các bộ xét nghiệm từ Trung Quốc trong tháng 2/2020.

Tiến sĩ Khem Karki, tham mưu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nepal đã tuyên bố trên truyền thông Nepal rằng tất cả bệnh viện được yêu cầu không sử dụng các bộ xét nghiệm để kiểm tra việc lây nhiễm cho đến khi và chỉ khi họ được Chính phủ cho phép làm như vậy, bởi vì có nhiều báo cáo cho biết thiết bị này không đáng tin cậy.

Những bộ xét nghiệm này được nhập khẩu vào Nepal qua tập đoàn Omni Group, một tập đoàn đã ký hợp đồng với Bộ Y tế và Dân số Nepal để thu mua 75.000 bộ xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc trị giá 60 triệu tiền Nepal. Một chuyến bay chuyên dụng của Nepal Airlines đã tới Trung Quốc để mang hàng về, trong đó có cả những thiết bị hỗ trợ y tế của Quỹ Jack Ma và Alibaba. Hiện tại, Nepal đã và đang sử dụng phương pháp PCR để kiểm tra nhiễm COVID-19, mất 24 giờ để có kết quả.

***

Tự xem mình là lãnh đạo của thế giới, chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã cố biến cơn khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do quốc gia này gây nên và việc đàn áp thông tin, thành những bằng chứng cho thấy sự “ưu việt” của hệ thống chính trị và quản lý công của ĐCSTQ.

Trung Quốc đã cố gắng hết sức tuyên truyền hình ảnh này bằng hàng hóa y tế. Nhưng những nỗ lực vô sỉ của Trung Quốc hòng trục lợi trong đại dịch COVID-19 không giúp ích gì cho việc vớt vát lại tiếng tăm của quốc gia này.

Yang Jianli, Aaron Rhodes, Bitter Winter (bitterwinter.org)
Minh Nhật biên dịch

Related posts