Minh Thanh
Theo nhiều thông tin, Hoa Kỳ – quốc gia bị tổn hại nặng nề nhất bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán, sẽ yêu cầu chính quyền Bắc Kinh bồi thường vì đã gây ra thảm họa toàn cầu này. Một số kế hoạch khả thi tiến hành để đạt được mục tiêu đòi bồi thường đang được triển khai. Bắc Kinh đang chịu áp lực lớn chưa từng có từ trước tới nay.
Theo VOA, vào ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì đã không thông báo về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán một cách kịp thời và chính xác, và ông cũng đề cập tới chính quyền Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tối hôm đó, khi trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng thống Trump đã nói: “Chúng tôi sẽ có một đề xuất rất sớm”. Ông nói rằng đề xuất này có “liên quan đến WHO, và sau đó là Trung Quốc”.
Trước đó, Hoa Kỳ đã đóng băng khoản hỗ trợ tài chính khổng lồ dành cho WHO. Đây là một lần nữa chỉ trong vòng 1 tuần ông Trump ám chỉ sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường.
Đại dịch đã khiến nền kinh tế Mỹ trong quý đầu năm nay giảm 4,8%, 20 triệu người bị thất nghiệp và vô số người phải ở trong nhà. Mỹ đã có hơn 1.130.000 ca xác nhận nhiễm virus và hơn 65.000 ca tử vong. Cơn thịnh nộ đối với chính quyền Bắc Kinh vì đã giấu giếm thông tin bệnh dịch đã khơi mào cho một loạt các kế hoạch mang tính trừng phạt. Sau khi im lặng, Nhà Trắng đã bắt đầu bày tỏ thái độ.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố rằng họ sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường
Theo tin trên trang web chính thức của Nhà Trắng, tại cuộc họp giao ban tại Nhà Trắng hôm thứ Hai (27/4), một phóng viên đã hỏi: “Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết người Mỹ đổ lỗi cho Bắc Kinh gây ra sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán. Tổng thống thấy thế nào và làm thế nào để Bắc Kinh chịu trách nhiệm?”
Tổng thống Trump nói: “Có nhiều cách để buộc họ phải chịu trách nhiệm. Bạn có thể biết rằng chúng tôi đang thực hiện một cuộc điều tra rất nghiêm túc. Và chúng tôi không hài lòng với chính quyền Trung Quốc. Chúng tôi không hài lòng với tình hình này vì chúng tôi nghĩ rằng đại dịch virus lẽ ra đã được chặn sớm, và nó sẽ không lan ra khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi nghĩ lẽ ra phải như thế. Do đó, chúng tôi sẽ thông báo cho bạn kết quả điều tra tới thời điểm thích hợp, nhưng chúng tôi đang điều tra nghiêm túc”.
Một phóng viên sau đó hỏi: “Đức đưa ra hóa đơn yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại 130 tỷ Euro. Chính phủ Mỹ sẽ xem xét làm như thế?”.
Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi có thể làm dễ dàng hơn. Chúng tôi có cách làm mọi thứ dễ dàng hơn thế này. Đức đang nghiên cứu, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, hơn nữa chúng tôi đang nói về khoản tiền bồi thường nhiều hơn của Đức”.
Ông nói tiếp: “Chúng tôi chưa xác định số tiền cuối cùng. Đó sẽ là rất lớn. Nếu bạn nhìn toàn thế giới, ý tôi là, đây là sự phá hoại trên phạm vi toàn thế giới. Đây không chỉ là sự phá hoại đối với Hoa Kỳ, mà đây là cả thế giới”.
Hôm 29/4, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng xác nhận kế hoạch của Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường. Ông nói trong cuộc họp báo: “Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi rất rõ ràng, là giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong cuộc khủng hoảng này, chúng tôi thấy mình là nạn nhân trực tiếp của đại dịch này, nó đến từ Vũ Hán, Trung Quốc”.
“Chúng tôi cần thời gian để đánh giá làm thế nào để truy cứu trách nhiệm cho kẻ gây ra những mất mát về tính mạng và khối tài sản khổng lồ của hàng ngàn người Mỹ, không chỉ của cải của người Mỹ, mà cả thiệt hại kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra”, ông nói.
Hoa Kỳ đang xây dựng một kế hoạch cụ thể khả thi
Tổng thống Trump đề xuất sẽ yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải trả tiền phạt tài chính “đáng kể” cho các quốc gia chịu thiệt hại từ đại dịch, nhưng làm thế nào để buộc Bắc Kinh chấp nhận hình phạt cần phải cân nhắc nhiều.
Theo tin từ Fox News và Washington Post, các nhà lập pháp và quan chức Hoa Kỳ các cấp đã đưa ra các ý tưởng và kế hoạch cụ thể khác nhau để thực hiện trừng phạt Trung Quốc.
Một số nghị sĩ muốn tước quyền “miễn trừ chủ quyền” của chính quyền Bắc Kinh được luật liên bang Hoa Kỳ trao cho, để những người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Hoa Kỳ. Các ý tưởng này đã được đề xuất bởi những nghị sĩ Mỹ theo ‘phái diều hâu’ như Thượng nghị sĩ Tom Cotton, Thượng nghị sĩ Martha McSally và Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn.
Trước đây, Bắc Kinh có thể bỏ qua bất kỳ mệnh lệnh nào của các thẩm phán Mỹ ban hành, nhưng luật trên và vụ kiện sẽ đặt nền móng cho việc tịch thu tài sản của các quan chức Bắc Kinh thuộc các khu vực tài phán của Hoa Kỳ.
“Quá trình đưa ra mệnh lệnh thông qua phán quyết vốn là một chiến thắng, bởi vì các quan chức ở Bắc Kinh sẽ không bao giờ biết khi nào có thể nhận được phán quyết”, một trợ lý của đảng Cộng hòa làm việc tại Thượng viện nói.
Cách làm của tiểu bang Missouri cũng đáng học hỏi. Theo Fox News, vào ngày 21/4, chính quyền tiểu bang Missouri đã đệ đơn kiện chính quyền Bắc Kinh và các cơ quan chính quyền Trung Quốc ở tất cả các cấp, và vụ kiện trực tiếp điểm tên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các quan chức Missouri cho biết, ngoài việc truy tố chính phủ, bằng cách truy tố Đảng Cộng sản Trung Quốc, thông qua việc kiện những người vốn khống chế phần lớn trong đảng, họ sẽ có thể đưa ra yêu cầu mà không chịu hạn chế Luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài.
Ngoài ra, họ tuyên bố rằng vụ kiện của họ cũng phù hợp với một số ngoại lệ nhất định của Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài và có thể đưa ra yêu cầu.
Trong số các đề xuất, một số đã được ấp ủ trong một thời gian dài. Trong một cuộc họp báo vào ngày 29/4, ông Pompeo gợi ý rằng chính phủ sẽ không chùn bước đưa ra trừng phạt tích cực với bất kể hình thức nào.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ nắm chắc thời cơ”.
Bắc Kinh rơi vào khốn cảnh chưa từng có kể từ khi thành lập
Theo nhiều tin truyền thông, các quốc gia hiện đang yêu cầu Bắc Kinh bồi thường bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Ý, Đức, Ai Cập và Ấn Độ. Trong số đó, Ý và Đức đã đưa ra yêu cầu với chính quyền Bắc Kinh nhân danh chính phủ.
Ngoài việc phải đối mặt với khoản tiền bồi thường khổng lồ, các nhà phân tích chỉ ra rằng Bắc Kinh cũng phải đối mặt một cuộc tẩy chay của nhiều quốc gia trên thế giới, như Hoa Kỳ và Đức (đại diện cho Liên minh châu Âu).
Theo VOA, bà Nadege Rolland, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Văn phòng Nghiên cứu Châu Á tại Washington, DC. cho rằng Bắc Kinh đang gặp phải thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập.
Bà nói: “Như chính ông Tập Cận Bình thừa nhận, đây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với Bắc Kinh và là một thách thức chưa từng có. Kể từ khi thành lập, đây là một cuộc khủng hoảng chưa từng có”.
Bắc Kinh đang rơi vào một vòng xoáy của thảm họa và áp lực lớn do chính mình gây ra.
Minh Thanh