- Đằng Bưu
Bài viết về luật sư Cao Trí Thịnh dưới đây được đăng trên Amnesty International, tác giả là luật sư, nhà hoạt động nhân quyền Đằng Bưu, giảng sư thỉnh giảng của trường Luật Havard, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.
Cao Trí Thịnh là một luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, anh đã bị tra tấn, bắt cóc và giam giữ. Gần đây nhất vào tháng 8/2017, một lần nữa anh lại bị mất tích và bặt vô âm tín từ đó.
Năm 2004, tôi chú ý tới một bức thư ngỏ gửi đến Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc, kêu gọi chú ý tới vấn đề của Pháp Luân Công, một nhóm tín ngưỡng ở Trung Quốc. Bấy giờ, người tập Pháp Luân Công đã bị đàn áp trên diện rộng được 5 năm, nhưng không ai dám lên tiếng giúp họ. Phải là một người luật sư thực sự rất dũng cảm mới dám công khai nói về vấn đề này, và đó là lúc tôi ghi nhớ tên anh: Cao Trí Thịnh.
Phong trào nhân quyền ở Trung Quốc lúc đó chỉ mới bắt đầu những bước đi đầu tiên. Các luật sư nhân quyền hoạt động năng nổ trên toàn quốc chỉ vỏn vẹn trên dưới 20 người. Tôi đã rất háo hức mong gặp được Cao và may mắn gặp anh trong vòng một vài tuần sau khi bức thư ngỏ được công bố. Anh cao lớn, tràn đầy sinh khí và sắc mặc hồng hào. Tôi nhớ rằng anh rất thân thiện và hài hước và giọng cười của anh rộn vang cả căn phòng. Điều làm anh giận dữ nhất chính là tình trạng không có công lý [trong xã hội Trung Quốc]. Chúng tôi trò chuyện tới tối khuya và rất nhanh sau đó, chúng tôi đã cùng nhau hợp tác trong các vụ việc việc về nhân quyền.
Vụ việc đầu tiên là của Thái Trác Hoa, một mục sư trong một nhà thờ tại gia ở Bắc Kinh. Ông và các thành viên trong gia đình đã bị bắt vì lý do kinh doanh trái phép sau khi tổ chức in ấn Kinh Thánh. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến phong thái cũng như tài hùng biện của Cao Trí Thịnh trước tòa. Tòa án không tôn trọng quyền hợp pháp của mẹ mục sư Thái khi không cho bà đến tham dự phiên tòa, và Cao đã tranh luận tại phiên tòa để thuyết phục chủ tọa. Sau đó, Cao và tôi thường xuyên tham gia các hoạt động ở các nhà thờ tại gia ở Bắc Kinh và thậm chí sau này anh ấy còn được rửa tội.
Một trường hợp khác mà chúng tôi nhận đó là vụ việc ở mỏ dầu tỉnh Thiểm Tây. Vào thời điểm đó, luật sư nhận vụ này là Chu Cửu Hồ đã bị bắt giam vào Trung tâm Giam giữ Ngọc Lâm, Thiểm Tây. Chúng tôi tới đó đại diện cho anh ấy và chụp ảnh ở cổng ra vào trước khi rời đi. Không lâu sau, hơn chục cảnh sát vũ trang đuổi theo và thẩm vấn chúng tôi vì đã chụp những bức ảnh đó. Họ nghĩ họ sẽ làm chúng tôi sợ, nhưng chúng tôi đã kinh qua kiểu thẩm vấn như vậy, nên kiên quyết phản bác lại. Sau đó, Cao than thở rằng, “Đây là cách mà họ đối xử với luật sư của các vụ kiện, anh có thể tưởng tượng họ làm gì những con người đang sống ở quanh đây không?”
Trên đường về, chúng tôi ghé qua nhà của Cao ở huyện Giai và ngồi xổm trong sân để ăn mì. Tôi không bao giờ quên ngôi nhà trong hang của anh ấy, người em trai lầm lì của anh ấy và vùng đất khô cằn sỏi đá ở xung quanh chúng tôi.
Một thợ mỏ trở thành luật sư
Cao Trí Thịnh xuất thân cơ hàn. Bố anh qua đời khi anh lên 11 tuổi. Và năm 16 tuổi, anh được nhận vào học ở một trường danh giá nhưng phải bỏ cuộc vì không đủ tiền học phí. Trước khi trở thành luật sư ở tuổi 31, anh đã làm rất nhiều công việc như đi hái thảo dược trên núi, làm công nhân mỏ than, làm bộ đội và đi bán rau, hay lao động chân tay trong một nhà máy xi măng. Anh ấy đã trải qua mọi khó khăn khổ ải và thấu hiểu sâu sắc sự bất công và bất bình đẳng ở Trung Quốc.
Sau khi trở thành một luật sư, Cao đã đặt ra cho mình vài nguyên tắc. Một là, một phần ba các vụ kiện của anh phải dành cho những nhóm người có thu nhập thấp. Anh nói: “Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Tôi biết người nghèo cảm thấy thế nào, nên tôi biết mình phải làm gì… nhưng khi giúp đỡ người khác, ta không nên nghĩ rằng đó là vì mục đích từ thiện.”
Cư xử lương thiện với cảnh sát mặc thường phục
Năm 2005, Cao đã viết ba bức thư ngỏ gửi đến các lãnh đạo Trung Quốc, phơi bày việc các cơ quan chức năng tra tấn có hệ thống người tập Pháp Luân Công. Trong khi những người khác chọn cách làm ngơ vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này, thì Cao lại đi khắp Trung Quốc để phỏng vấn những người này và bảo vệ quyền lợi cho họ.
Đầu tiên, chính quyền cho đóng cửa công ty luật của Cao. Sau đó, mùa đông năm 2005, họ bắt đầu thắt chặt tự do cá nhân của anh với khoảng 20 cảnh sát mặc thường phục đi theo anh khắp nơi và khoảng 10 xe ô tô giám sát khu vực gần nhà anh.
“Mỗi buổi sáng tôi nhìn ra cửa sổ, tôi thấy họ cứ phải nhảy lên nhảy xuống để làm ấm mình”, Cao kể lại, “Tôi và vợ tôi thấy thương họ. Vì vậy sáng nay, chúng tôi đã bàn xem làm thế nào để đưa cho họ ít nước ấm.” Rốt cuộc Cao đã mang nước ấm cho các cảnh sát mặc thường phục, không phải để chế nhạo họ, mà vì thực sự quan tâm tới họ. Cao luôn nhắc nhở tôi rằng chính những người thực hiện các chỉ lệnh của cấp trên cũng được xem là nạn nhân.
Vào thời điểm đó, hầu hết các luật sư nhân quyền đều ở Bắc Kinh. Chúng tôi thường bảo Cao Trí Thịnh không nên gây chú ý quá mức, nhưng anh không bao giờ nghe theo. Có thể anh đã biết điều đó là quá muộn hoặc có thể anh thích một cuộc chiến quang minh chính đại.
Anh ấy được nhiều người tôn trọng bởi kiến thức sâu rộng về hệ thống pháp lý và bởi sự chân thành đối với mọi người. Bên cạnh đó, ngoài vô số các giải thưởng về nhân quyền, anh còn được đề cử giải Nobel Hòa bình nhiều lần. Cao Trí Thịnh không phải là “một trong những” luật sư dũng cảm nhất ở Trung Quốc, mà không nghi ngờ gì hết, anh ấy “chính là người” dũng cảm nhất.
Bị bắt cóc
Tháng 8/2006, Cao Trí Thịnh bị bắt cóc. Sau đó anh kể lại rằng:
“Một ngày nọ khi tôi đang đi trên đường và chuẩn bị rẽ vào một góc cua, có khoảng 6 đến 7 kẻ lạ mặt bắt đầu tiến đến trước mặt tôi. Sau đó đột nhiên tôi bị đấm mạnh vào gáy và gục mặt xuống đất. Ai đó túm lấy tóc tôi và nhanh chóng trùm một chiếc mũ màu đen qua đầu tôi.
“Bốn người đàn ông với những cái dùi cui điện bắt đầu đánh vào đầu và khắp thân thể tôi. Không có âm thành gì ngoài tiếng đánh và nhịp thở đầy hốt hoảng của tôi. Tôi quằn quại trên nền nhà vì đau đớn và cố gắng bò đi. Một trong số họ sau đó sốc điện vào bộ phận sinh dục của tôi. Càng cầu xin họ dừng lại họ càng cười tợn và gia tăng mức độ tra tấn một cách khó tin.
“Tôi ngửi thấy mùi khai của nước tiểu khắp mặt, mũi và tóc của tôi. Rõ ràng là ai đó đã đi tiểu lên đầu tôi nhưng tôi không biết rõ là lúc nào họ đã làm điều đó.”
Đọc lại những dòng này của Cao vẫn khiến tôi cảm thấy đau đớn.
Đi tìm Cao Trí Thịnh
Trong suốt 13 năm sau cái ngày bị bắt cóc, Cao Trí Thịnh chưa bao giờ được một ngày yên ổn. Anh hết mất tích, bị giam giữ rồi lại bị quản thúc tại gia. Khi Cao xuất hiện trở lại, trông anh già nua và yếu đuối. Hầu như răng đã rụng hết cả. Tôi nhìn bức ảnh mà nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Nhưng hết lần này tới lần khác, ngay cả sau mỗi lần bị bắt cóc, mỗi lần bị giam giữ và tra tấn, Cao Trí Thịnh vẫn nhất quyết không đầu hàng.
Khi anh bị giam giữ trong một cái hang vào năm 2016, anh biết được tin rằng Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ từ chối xuất bản cuốn sách của tôi. Anh ấy đã viết một bài báo chỉ trích họ và lên án bất cứ tổ chức nào tiếp tay hay cúi đầu trước quyền lực độc tài của Trung Quốc. Ngay cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, anh ấy cũng quyết không giữ im lặng.
Tháng 8/2017, Cao Trí Thịnh một lần nữa lại bị mất tích và bặt vô âm tín từ đó. Người nhà và người thân thích luôn mong ngóng và lo lắng cho anh.
Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm Cao. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ sớm tìm lại được nụ cười lịch sự, sức mạnh phi thường, tinh thần không ngừng nghỉ trong cuộc chiến vì phẩm giá con người và tinh thần bất khuất của Cao Trí Thịnh.
Đằng Bưu, Amnesty International
Minh Nhật biên dịch