- Gia Huy
Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ các dữ kiện xung quanh nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Những nỗ lực tuyên truyền mưu mô của Trung Quốc được cho là đã thúc đẩy quan điểm cứng rắn của châu Âu.
Liên minh châu Âu đã kêu gọi Trung Quốc hợp tác điều tra về nguồn gốc của virus corona, gia tăng sức ép ngoại giao lên Bắc Kinh.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra một ngày sau khi trợ lý chính sách đối ngoại của bà, Josep Borell, xác nhận rằng Trung Quốc đã cố gây áp lực lên châu Âu về bản báo cáo miêu tả chi tiết các chiến dịch thông tin sai lệch của chính phủ Trung Quốc.
Đầu tuần này, chính phủ Thụy Điển cũng cho biết đã lên kế hoạch đề nghị châu Âu mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona mới và cách thức xử lý đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bắc Kinh đã gạt đi những lời đề nghị về một cuộc điều tra quốc tế, thay vào đó kêu gọi “phi chính trị hóa” một vấn đề nước này cho rằng mang tính khoa học. Tuy vậy, sự từ chối của Bắc Kinh đã khiến ngày càng có thêm nhiều quốc gia mong muốn làm sáng tỏ chuyện này.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có nên hợp tác với Ủy ban châu Âu để tìm hiểu xem COVID-19 đã xuất hiện như thế nào không, bà Von der Leyen trả lời trên CNBC hôm 1/5 rằng “Tôi nghĩ điều này rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Ý tôi là, nó rất quan trọng đối với toàn thế giới.”
“Bạn sẽ không biết được lần tới khi nào virus sẽ bùng phát, do đó tất cả chúng ta đều muốn có được kinh nghiệm và thiết lập được một hệ thống cảnh báo sớm thực sự hiệu quả, và cả thế giới cần phải đóng góp vào điều đó,” bà cho biết.
Bà Von der Leyen cũng bác bỏ lo ngại rằng một cuộc điều tra như vậy sẽ khiến quan hệ với Trung Quốc xấu đi, bởi đây là vì lợi ích của tất cả mọi người và tất cả các quốc gia đều cần chuẩn bị tốt hơn cho lần tiếp theo.
Hoa Kỳ đang đề xuất một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhìn thấy bằng chứng rằng virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ cho biết họ đang cố gắng xác định xem liệu có sự liên kết giữa phòng thí nghiệm và virus hay không, nhưng đã kết luận virus không phải nhân tạo hoặc được biến đổi gen.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng kêu gọi sự minh bạch hơn từ Trung Quốc, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, mặc dù những lời kêu gọi của họ chưa thẳng thắn như thông điệp cứng rắn của bà Leyen đối với Trung Quốc.
Văn phòng của ông Macron đã bác bỏ những tuyên bố của Mỹ rằng virus có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán. Washington đã đưa ra khả năng này sau khi người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Quân đội Mỹ đã tạo ra virus.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết chính những nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc tại châu Âu đã khiến châu Âu cứng rắn hơn.
“Nếu Trung Quốc không cố nói với chúng tôi rằng họ đã làm tốt hơn hay hệ thống độc tài của họ ưu việt hơn, thì châu Âu không cần phải chỉ trích Trung Quốc trong giai đoạn này,” người này cho biết.
Trước đó, Bộ Nội vụ Đức tiết lộ Trung Quốc muốn Đức nhận xét tích cực về cuộc chiến chống dịch của Bắc Kinh, nhưng Berlin đã từ chối và nói rằng họ tin sự minh bạch là quan trọng trong việc chống dịch.
Cùng thời gian này, một số nghị viên đảng Bảo thủ của Anh đã lập một nhóm để xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây đã hoạt động tích cực trên mạng xã hội nhằm chống lại những luận điệu cho rằng nước này nên chịu trách nhiệm về đại dịch.
Gia Huy (theo SCMP)