A – CÔ BÉ MỚI DỄ THƯƠNG LÀM SAO !
Càng nhớ tới cô bé tôi càng thấy bồi hồi, sung sướng. Bây giờ thì lại phải xa cô bé rồi, nhưng những phút giây sống cạnh cô bé như vẫn còn vấn vít quanh tôi khiến tôi muốn mãi ngợp hồn vào thế giới thần tiên ấy.
Con tàu đã ra khỏi cửa sông Nhà Bè và khu Rừng Sát, hướng về hải lộ đi Đà Nẵng. Lại gần một tháng lênh đênh nữa rồi đây. Nhưng chuyến đi này tôi không còn thấy buồn da diết như những lần trước. Vì tôi còn vương vấn những niềm vui trọn vẹn chưa mờ nhạt, vì tôi vừa mới rời khỏi thế giới thần tiên và chưa bắt gặp một nỗi buồn nào. Mới đây thôi.
Tôi mở nắp túi áo, tìm điếu thuốc và chiếc quẹt lửa. Điếu thuốc thật ngon. Thật ngon… như cô bé vậy.
B –
Trong đời lính không gì đẹp và “hấp dẫn” bằng những “cú” đi phép. Khi cầm mảnh giấy có chữ ký và con dấu đỏ chói trong tay, anh chàng may mắn cảm thấy lòng phơi phới như mở hội. Anh chàng thật trịnh trọng mà cũng thật vội vàng chào “xếp” một phát, rồi ù té chạy ra khỏi văn phòng đơn vị. Trông anh chàng hấp tấp lạ. Chứ sao! Thời giờ lúc này thật là quý, để mất thì quả phí phạm biết mấy, đáng đem đánh đòn.
Đời lính có những niềm vui nho nhỏ đó. Nhất là lính biển. Bao nhiêu ngày lênh đênh trên mặt nước, chỉ có sóng và gió, và nắng, và trăng. Và nhiều thứ khác. Nhưng có tài thánh cũng không bói ra được nắm đất. Để rồi mãi tới khi tới một nơi nào định đến, thì đất ở đó không phải là đất… nhà mình. Vì đất ở đó không có người con gái và ngôi nhà mà mình mong ngóng. Vậy tờ giấy phép đối với tôi giá trị biết chừng nào. Bẩy ngày phép, tất cả thời gian ấy phải dành cho cô bé ba phần tư mới được, một phần còn lại để… ngủ, ăn, uống, tắm rửa và cạo râu. Cùng những thứ linh tinh khác.
C –
Cô bé tên là Mỵ. Vũ – thị – thùy – Mỵ. Nhưng cô bé chẳng thùy mị chút nào cả. Vì cô bé lém và tinh nghịch lắm. Nhưng cô bé mới dễ thương làm sao. Cô bé thế nào? Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tưởng tuợng ra sao thì tưởng tuợng. Cho nó đẹp và thơ mộng theo ý mình. Vì cô bé của tôi, tôi biết riêng tôi là đủ rồi. Cần gì tả ra đây cô bé đẹp tuyệt vời, cái mũi dọc dừa, cái miệng trái tim như các nhà văn lãng mạn, hay phải trầm trồ là cô bé có bộ ngực no tròn, da trắng nõn nà theo kiểu mấy ông viết phóng sự.
Chỉ cần biết là cô bé hợp với mẫu người con gái mà tôi thích. Nên tôi yêu cô bé, thế thôi. Vả lại cái sự cô bé đẹp hay xấu đâu có quan trọng lắm. Vì khi ta đã yêu tức là chuyện chọn lựa đã xong rồi. Với lại ai cũng chọn người yêu đẹp cả thì người xấu để ai yêu. Và mình có đủ thẩm quyền chọn người đẹp hay không đã ?
Tôi yêu Mỵ, cái ấy là chắc rồi. Bây giờ thì Mỵ là của tôi, tôi vững tin như thế. Tôi không còn lo sợ cô bé yêu người khác hay không yêu tôi như hồi trước nữa. Cái thưở làm quen cô bé, rồi tán tỉnh, rồi… “dụ khị”, rồi tỏ tình… quả thật là “vất vả”. Nhưng cái gì hiếm, và khó khăn mới có giá trị. Điều cần nhất là khi được rồi phải biết giữ. Chủ quan quá, mất lúc nào chẳng hay. Vẫn biết cô bé ngoan, không vì xa vắng tôi… yêu người khác nhưng tôi vẫn kỵ mấy anh chàng chưa đi lính, ngày ngày lái vespa hoặc honda kè kè theo tán tỉnh, hoặc đã quen, lấy cớ đến chơi với anh cô bé mà chỉ cốt để có dịp “cuỗm” mất cô bé của tôi. Biết đâu đấy. Mồm mép mấy anh chàng đó dẻo như kẹo… kéo,tấn công chớp nhoáng không chịu được.
Tin cô bé, nhưng tôi vẫn lo sợ vu vơ. Nên quyết định phải cưới cô bé, càng sớm càng hay. Lỡ mất cơ hội thì ân hận suốt đời. Công lao khó nhọc làm quen, tán tỉnh để rồi được yêu đâu phải nhỏ. Thật tôi phục tôi làm sao, cái lần đầu đã “cả gan” làm quen được với cô bé.
D –
Năm nay cô bé lên Đệ Nhị, Trưng Vương. Nhưng năm ngoái, lần đầu gặp cô bé tôi đoán cô bé chỉ học lớp Đệ Tứ. Hôm đó tôi đến cổng trường đón Kim, cô bạn gái nhỏ từ “ngày xưa”, định rủ (chiều nay thứ bẩy) đi xi nê. Nhưng không gặp. Hình như Kim tan học sớm, hoặc không đi học. Tôi đứng ngẩn ngơ ngó mặt từng cô gái đang bước qua khung cửa trường mở nhỏ. Không có Kim, tôi thất vọng vừa lững thững bước đi thì nghe tiếng cười khúc khích bên cạnh. Tôi quay sang bắt gặp ba cô gái nhìn tôi bấm nhau cười. Một giọng nói vang lên trong đám ba mái đầu chụm nhau :
– Anh chàng ăn thịt thỏ rồi chúng mi ạ.
Tôi bực mình tròn mắt tìm thủ phạm. Nhưng biết dọa cô nào đây. Tôi chợt chú ý đến cô bé đứng giữa. Cô bé có vẻ tinh nghịch nhưng đượm vẻ dễ thương khiến vừa nhìn đã phải chú ý ngay.
Ba cô bé đi ngang qua mặt tôi, lững thững tiến về đường Thống Nhất. Tôi nhìn họ, chợt nảy ra một ý nghĩ bâng quơ. Tôi cũng bước theo gần sau lưng ba cô gái. Những câu nói cố tình vang lớn cho kẻ đi sau lưng nghe vẫn tiếp tục :
– Trông kìa, anh chàng bắt đầu “những bước chân âm thầm” rồi đó.
– Sao lại đi theo tụi mình nhỉ ? Chắc anh chàng định mượn tà áo trắng để tự an ủi một tí đấy.
– Chị tôi ác quá, để anh tôi thất thểu thế kia !
Mỗi câu lại điểm theo những tiếng cười ròn rã. Các cô Trưng Vương nổi tiếng là lém, tôi biết rõ từ hồi còn đi học.
– Ba “con bé” này hỗn thật. Dám trêu anh, anh sẽ trêu lại cho đến tận nhà xem có sợ không nào.
Nghĩ thế tôi chọn lấy một “nạn nhân”: cô bé có vẻ tinh nghịch và dễ thương! Ba người đủng đỉnh đi đến ngã tư Mạc Đỉnh Chi thì tách ra. Cô bé tinh nghịch về một mình. Bắt đầu sờ sợ một tí rồi thì phải. Tuy thế cô bé vẫn làm bộ tỉnh, liếc nhìn tôi một cái ra vẻ “cóc sợ” rồi ôm cặp trước ngực đếm bước. Thỉnh thoảng lại đá nhẹ những chiếc lá vàng lăn dưới gót chân. Thỉnh thoảng lơ đễnh bước chân sáo vài bước rồi giật mình chậm lại.
Tôi vẫn lẽo đẽo theo sau. Cô bé hình như không còn chú ý đến việc có một kẻ đi theo mình. Có lẽ quên phứt mất là khác, nhưng đến khi về tới trước cửa nhà cô bé ngẩng lên nhìn chung quanh vẻ tự nhiên, thoáng ngạc nhiên khi thấy tôi đi cách đó không đầy năm bước. Ý hẳn cô bé tự hỏi, anh chàng ngớ ngẩn này định làm gì đây nhỉ. Tôi mỉm cười với cô bé, nụ cười hơi ngượng ngập và ngẩn ngơ. Cô bé quay ngoắt đi, bước chân vào cửa. Nhà cô bé đây. Đường Phan Đình Phùng. Cách đây mấy năm tôi có một thằng bạn không thân mấy cũng ở đường này, và cũng ở khu này, lâu ngày tôi quên mất, vì trong tôi, ngôi nhà nó chẳng có chút gì đáng để ghi nhớ.
Tôi đứng lặng nhìn theo cô bé. Mất hút cô bé rồi, buồn ghê. Tự dưng tôi thấy thích cô bé lạ. Mình phải làm quen cô bé mới được.
Bước chân qua ngưỡng cửa nhà cô bé rồi tôi thấy tôi liều lắm, ẩu lắm. Nhưng chả sợ. Thằng bạn tôi ở quanh quẩn khu này, đó là lý do để tôi hỏi thăm.
Cửa bỏ ngỏ. Tôi bước vào. Một hình dáng thon nhỏ, áo cánh lụa trắng, quần trắng, guốc trắng, đang lom khom bên chiếc tủ lạnh. Cái đầu nghiêng khuất sau cánh cửa, hơi nhích động theo từng nhịp tay lùa trong đó.
Tôi gây một tiếng động, hình dáng đó xoay lại và đứng thẳng lên. A, vẫn cô bé. Xinh quá, ngộ nghĩnh ghê. Cô bé đang ngậm một miếng chả lụa giữa đôi môi nhỏ và một tay không bận giữ cánh tủ lạnh thì cũng đang cầm một quả xoài xanh. Bắt quả tang cô bé đang ăn vụng nhé. Tôi không nói, nhưng ánh mắt tôi nói thay. Mặt cô bé đỏ au lên như gấc chín và mắt cô bé tròn xoe, đôi môi sững sờ không kịp phi tang miếng chả lụa. Cô bé đứng ngây người ra nhìn tôi không chớp mắt. Tôi phác một cử chỉ muốn bật cười trước tình trạng đó. Cô bé như chợt tỉnh, nhả vội miếng chả lụa ra tay và ấp úng hỏi khẽ :
– Ông… ông vào đây làm gì thế ?
Ơ, hay nhỉ, sao lại ông ? Lúc nãy gọi tôi là anh chàng cơ mà? Thôi tôi biết rồi, những cái lém lỉnh ranh mãnh của cô chỉ có khi ở trong tập đoàn, khi cô chỉ một mình thì cô lại trở về bản tính nhút nhát trời sinh cho cô, phải thế không ?
Tôi không đáp ngay, tiến đến cạnh cô bé. Dù không muốn, giọng nói tôi sao mang đầy âm điệu ngập ngừng :
– Cô bé, tôi định hỏi thăm…
Cô bé kinh ngạc thì phải. Quen bao giờ đâu mà hắn dám gọi mình là cô bé nhỉ ? Anh chàng này gan thật.
– Ông hỏi gì ?
Lần này không phải giọng nói trong trẻo dễ thương của cô bé nữa, mà là một giọng bà già có tuổi. Mải nhìn cô bé, tôi không biết đến một khuôn mặt già nua hiện diện từ lúc nào, bên cạnh. Tôi vội sửa lại dánh điệu kính cẩn :
– Thưa cụ, con định hỏi thăm cô em đây một chút việc…
Cô bé lườm tôi một phát, nguýt thêm một cái nữa rồi tất tả bỏ chạy vào trong, tay vẫn khư khư cầm hai thứ quà ăn vụng. Úi dà, cái nguýt sao mà dài thế. Mà… dễ thương làm sao.
Tôi hỏi :
– Thưa cụ có phải đây là nhà anh Nguyễn không ?
– Vâng, ông cần hỏi gì em nó ?
Ồ, may quá. Tôi hỏi cho có chuyện vậy mà nhằm đúng chỗ, nhà thằng bạn ngày xưa đây rồi.
– May quá, con cứ lo… nhầm nhà. Con là bạn anh Nguyễn ạ, trước kia con có đến chơi luôn, sau đi lính mấy năm rồi con quên mất số nhà.
Bà cụ ra chiều vui vẻ :
– Thế à, mời cậu ngồi chơi, em nó đi học sắp về tới.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế salon dài. Bà cụ gọi lớn, thói quen của các gia đình hiếu khách miền Bắc :
– Mỵ ơi, rót nước con !
Cô bé dạ lớn, âm thanh nửa ngoan ngoãn, nửa ngổ ngáo. Tôi hí hửng chờ đợi lúc cô bé bưng nước mời khách. Hẳn là thú vị lắm. Nhưng mãi chẳng thấy người với nuớc ra trình diện gì cả. Bà cụ hỏi han tôi dăm ba câu xã giao và đổi tiếng ông ra anh. Tôi trả lời thật cẩn thận và cân nhắc nên hợp ý bà cụ lắm. Thế là tôi đã “thâu lượm được kết quả khả quan ngay từ phút xuất quân”. Tôi ngồi trả lời cầm chừng, một tai lắng nghe bà cụ hỏi, tai kia lắng nghe tiếng thì thào to nhỏ và tiếng cười khúc khích ở nhà trong. Tôi cố phân biệt để tìm giọng cười của cô bé.
Ngồi mãi mà thằng bạn cứu tinh không về tới tôi đành đứng lên. Trong lòng tiếc hùi hụi. Nhưng thôi, càng có cơ hội trở lại lần thứ hai. Tôi liếc vào nhà trong. Hai ba mái đầu thập thò sau tấm màn cửa, và cô bé đang lè lưỡi ra trêu tôi. Tôi mỉm cười quay đi, không quên nháy một bên mắt trêu lại.
Buổi đầu làm quen cô bé là thế đó.
Đến thăm thằng bạn – không, đến thăm cô bé chứ – lần thứ hai, cô bé chịu nói chuyện với tôi.
Lần này thì có Nguyễn ở nhà. Nó “vồ” lấy tôi tha thiết như bạn thân. Tôi không lạ gì điều đó, vì ngày xưa Nguyễn khoái đọc văn tôi, những tác phẩm lỉnh kỉnh mà tôi nặn được thưở còn đi học.
Nguyễn đang học năm thứ ba dược khoa. Nó hỏi thăm về đời sống của những chàng lênh đênh với vẻ thích thú làm như biển hấp dẫn chẳng kém gì nàng “Ái Liên trong truyện thần kỳ”.
Tôi cố tình hỏi về gia đình nó. “Thằng bé” (tôi có thói quen gọi mấy “cậu” chưa đi lính là thằng bé vì họ còn sữa lắm, chưa biết đời sống nhà binh thật sự là thế nào) ngay thật kể vanh vách hết cả.
Thì ra Thùy Mỵ là cô bé con ngày xưa, khi tôi còn đi học và đến chơi nhà Nguyễn, thường bò lê bò càng trước nhà chơi lò cò, thỉnh thoảng còn đưa tay quẹt cái mũi thò lò tèm lem, mỗi khi mẹ củng cho mấy cái vì hư lại khóc thút thít.
Con gái chóng “nhớn” thế đấy.
Cô bé bỗng xuất hiện trước khung cửa. Gật đầu một phát ra dấu chào tôi. Ánh mắt cô có vẻ ranh mãnh như ngầm bảo : anh ghê lắm nhé, định theo “tán” em gái bạn nhé, tôi “méc” anh Nguyễn thì anh “chít”.
Nguyễn vồ vập :
– À đây rồi. Con nhỏ “chuột chít”. (Hỗn danh của cô bé hồi nhỏ, cái thưở còn mặc quần thủng đít. Cũng như các nhà khác gọi những chú nhỏ, cô nhỏ là dế, là út, là chút chít, là hột mít, là sầu riêng, là… đủ thứ, tùy theo sáng kiến và phát minh của bọn người lớn). Một độc giả trung thành của nhà văn Anh Vũ đó. Mỵ lại đây anh giới thiệu.
Tôi mỉm cười ra cái điều “hân hạnh”. Lối chào thường có của những tên được “đời” nhắc nhở đến. Cô bé nói với tôi :
– Thì ra nhà văn Anh Vũ đây ạ. Hân hạnh quá, tôi thích đọc văn ông lắm ạ.
Giọng cô bé có vẻ trào phúng, châm chọc ; “nhà văn” trả đũa ngay :
– Rất ân hận.
Nguyễn cười hô hố :
– Khá quá, khá quá. Chào theo lối đó được lắm. Nhưng thôi, nên dĩ hòa vi quý đi. Anh Vũ là bạn anh, Mỵ không nên bắt nạt anh ấy nữa.
Nói với tôi :
– Con bé gớm lắm đấy. Thằng nào yếu, trêu vào tay nó thì cứ gọi là vỡ mặt.
Cô bé đỏ mặt, dẩu môi :
– Anh Nguyễn kỳ lắm. Đề nghị anh bỏ cái tên chuột chít và cái lối giới thiệu giết người đó đi nhé. Nguời ta hiền thấy mồ mà!
Cô bé điệu quá chừng.
E –
Thế là chúng tôi quen nhau. Cô bé không còn “làm bộ” với tôi nữa, cô bé trở thành “em gái của anh Vũ” lém, ngoan, hiền mà cũng nhõng nhẽo một cây.
Chả biết cô bé nghĩ gì. Cô bé lúc nào cũng nhí nhảnh và “phá” như trẻ con. Đời em còn đẹp lắm đó em ! Thế, cứ thế đi ! Đừng để mất tuổi thơ nhé em.
Nhưng tôi thì chả muốn cô bé là em gái mãi. Tôi lớn rồi chứ bộ, tuổi tôi đủ để có quyền tìm một người yêu nhỏ, một an ủi cho những chuỗi ngày vô vị. Thành ra ông anh cứ nhăm nhăm chờ dịp để “bắt” cô em gái từ bỏ thế giới tuổi thơ, để tập làm người lớn, để chập chững đóng vai người yêu là lính biển. Để biết thế nào là nuớc mắt đắng cay, là nụ cuời héo hắt mỗi khi người yêu biền biệt chưa về. Để cứ mãi phải mong nhớ và đợi chờ, rồi em sẽ thở than :
– Gớm, sao mà nhớ thế !
Sẽ chẳng ai trách được tôi không thành thật. Ai cấm được tình yêu đừng đến, ai giữ được tình yêu đừng đi? Thế nên một hôm nào đó, tất nhiên là cơ hội đến. Và dịp thuận tiện cũng sẵn đây, trên trời có nắng nhạt, có mây lạc lõng trôi hoang, có lá vàng lác đác trải lối đi… nghĩa là phù hợp với một cuộc tỏ tình. Cô bé ngày nhỏ hẳn là thích chơi bày hàng cùng bạn bè, giả mua giả bán và giả làm cậu làm mợ với trẻ con hàng xóm? Tôi bèn nắm lấy tay cô bé, rủ rê nàng: “Thôi chúng mình chả chơi làm anh em nữa, làm “anh”… mệt và buồn lắm. Chúng mình làm – vợ chồng nhé em?”.
Dĩ nhiên đó là mục đích của tôi, nhưng phải diễn tả quanh co mãi, chứ nào nói thẳng được ngay đâu ? Mà ai lại nói thẳng như thế được bao giờ ?
Mặt cô bé đỏ gay lên, như ngày nào cô bé ăn vụng, ngậm miếng chả lụa ngang môi bị tôi bắt gặp. Cô bé ấp úng chẳng nói được lời nào.
Tôi nghiệp em quá. Anh đã làm xáo động tuổi thơ của em? Dù trả lời anh hay không, tối nay hẳn là em sẽ thao thức mãi?
Hẳn nhiên rồi, cô bé không trả lời câu hỏi của tôi :
– Bé có thương anh không ?
Nhưng cô bé vẫn cứ để bàn tay bé bỏng mịn màng nằm trong bàn tay to lớn của tôi. Và khi đứng lại dưới một vòm cây, cô bé không phản đối khi tôi kéo cô bé đứng sát vào mình.
Một thỏa hiệp tình yêu được ký kết rồi đấy.
F –
– Tình yêu là thế đó hả anh ?
Có lẽ cô bé định hỏi tôi như thế. Phải rồi, tình yêu như vậy đấy, nhưng còn nữa em ạ. Còn nhiều nữa… hay lắm, ngộ lắm và “lắm chuyện” không chịu được.
Lần thứ hai đi chơi với tôi, cô bé lại nghe tôi hỏi :
– Mỵ có thương anh không ?
Mặt cô bé lại đỏ lên, nhưng cô bé không còn im lặng nữa. Có lẽ vì cô bé nghĩ : mình chưa nói nhưng mình đã tỏ cử chỉ đồng ý rồi chứ bộ. Nên cô bé lí nhí trả lời, khi tôi năm lần bảy lượt đòi nghe:
– Kỳ… quá à!
Các cô, cô nào chả thế. Nói chuyện tỏ tình thì nhút nhát làm sao nhưng khi yêu rồi, yêu mạnh can không nổi.
Tôi làm bộ ngạc nhiên:
– Thế nào, cô bé? Sao lại kỳ? Thương anh không thì nói?
Đôi mắt chớp chớp, cô bé gật gật đầu. Rồi nhé, em bằng lòng rồi nhé. Rồi nhé, anh chiếm được tim em rồi nhé. Anh sẽ ngủ yên trong ấy và chẳng chịu ra nữa đâu!
Yêu anh hả? vậy thì hôn anh đi! Cái hôn đầu tiên trong đời con gái đó, phải không em? Không phải, em đã nhiều lần hôn. Nhưng là hôn trên trán, trên má người thân. Và ngược lại em cũng đã nhiều lần được hôn như thế. Như ba em hôn thương lên má em hôm nọ, khi có mặt anh em cố tình khoe với ba cái Bảng danh dự mới được.
A, nhưng lần này không phải chỉ là cái hôn đó đâu. Phải đổi tên những cái hôn đó đi, đó là những cái “mi mi”, những cái “thơm”.
Còn đây mới thực sự là những cái hôn. Vì cái hôn này chứa đựng cả một trời tình yêu trai gái, ngon ngọt và thơm, cùng nhiều vị khác nữa. Nụ hôn môi em ạ!
Cô bé đọc được những ý nghĩ này của tôi không nhỉ. Công viên trưa mùa Hạ vắng vẻ lắm, đừng sợ. Cô bé trốn tránh đôi mắt dã thú của tôi. Nhưng tôi xoay vai cô bé lại, ngón tay trỏ nhẹ nâng cằm cô bé lên. Và tôi thật chậm, thật chậm cúi xuống. Đôi mắt cô bé mở to lên, thật to như hai hòn bi nhìn một khuôn mặt đam mê đang nhích lại gần nhãn cầu mình.
Và làn môi chạm làn môi, xoắn lấy nhau. Cô bé chợt rùng mình, rèm mi rủ thấp kín đôi tròng đen lay láy.
Nụ hôn vội vàng, vì bỡ ngỡ và lo ngại những cặp mắt qua đường tọc mạch. Nhưng chả có ai vào công viên giờ này nữa đâu em ạ; trừ hai đứa mình. Men tình yêu cũng đã thấm rồi phải không cô bé, nên chi những cái hôn sau tiếp nối nhau quá, dài quá và … ngon quá.
Thỉnh thoảng cô bé mở trộm đôi mắt tò mò nhìn mặt tôi. Có phải đôi mắt em muốn hỏi:
– Hôn môi là thế đó hở anh?
Ừ, hôn môi là thế đó. Nhưng lần đầu tiên nên cô bé vụng về lắm. Răng cô bé chạm phải răng tôi và cái lưỡi ngỡ ngàng tìm nơi trú ẩn. Anh không chỉ cho em đâu, rồi tự nhiên em sẽ biết, cũng như anh tự biết lấy, nào có ai chỉ hộ? Mà anh cũng chả rõ anh “biết” tự bao giờ
G – K – L –
1. Hôm nay anh bị ốm, không đến đón cô bé đi chơi như đã hứa. Lại giận anh rồi phải không? Nhưng đó không phải là lý do để dỗi không ăn cơm, gắt gỏng với người nhà và đóng cửa ở lỳ trong buồng như mọi lần đâu nhé! Và cũng không nên đi chân đất, cố tình quên mặc áo lạnh buổi sáng thức dậy đi học. “Mặc kệ, cứ làm cho bị cảm để … giận anh”. Không nên thế. Bé giận anh nhưng bé vẫn yêu anh chứ, phải không?
Buổi sớm trời lạnh và nhiều sương lắm đó em. Em cứ nhìn vào đám cây trong Thảo Cầm viên trước cửa trường xem. Mờ mịt chẳng thấy lối đi. Độc lắm đấy em ạ. Yêu anh thì đừng quên lời anh dặn.
Chiều thứ bảy anh sẽ đến đón bé đi chơi. Nhé!
2. Tôi có đủ uy tín để xin phép ông bà cụ cho cô bé đi chơi. Nhưng phải thỉnh thoảng thôi. Đằng này vì “kết” nhau quá nên cứ mỗi buổi chiều thứ bảy tôi lại đến “đón lén” cô bé đi. Vội vội vàng vàng. Lén lút. Nói dối, cớ nọ cớ kia.
Nhưng mà thú vị lắm. Lén lút, nói dối cũng thú vị hơn là được phép hẳn hoi. Cũng như ăn vụng, ăn lén ngon hơn ngồi vào bàn tử tế. Nhưng lần đi chơi này, thời gian sao đi mau quá.
3. Cô bé “bắt nạt” tôi đủ điều. Anh phải thế nọ, anh phải thế kia. Hành động đó có thể hiểu là cá tính độc đoán ở một người vợ tương lai. Những khi yêu chẳng ai không chấp nhận điều đó, vì những cái “phải” đó âu yếm quá.
– Anh phải viết cho em mỗi ngày một lá thư đó nghe, không thôi em giận anh à!
– Anh phải ăn uống đều đặn, lỡ gầy ốm là biết tay em đó.
Dữ vậy, cô bé. Bão tố, sóng to anh chẳng ngán. Súng đạn quân thù anh chẳng kinh. Anh chỉ sợ, chỉ nể… vợ anh thôi.
M –
Cô bé mới mười bảy tuổi, chưa tròn đủ tháng. Tình yêu đến với cô bé hẳn là mới lạ và bất ngờ lắm, và cái thiên tính tự nhiên của phái yếu đã dạy cho cô bé biết rằng yêu thì phải ghen. Và ghen là một hình thức bộc lộ tình yêu vậy.
Cô bé ghen dữ lắm. Thật là một chuyện bất ngờ khiến tôi lần đầu tiên, đứng trước thái độ đó phải ngẩn tò te ra không ngờ cô bé… dữ đến thế. Một buổi sáng tôi đón cô bé vào giờ tan học. Mười lăm phút trước giờ chuông reo sao mà dài thế. Tôi đứng chờ cô bé giữa đám hàng quà trước trường: xe nước đá đậu đỏ bánh lọc, ổi ngâm, xoài ngâm, cóc ngâm, táo dai, tầm ruộc mắm ruốc, đậu phộng rang để nguyên vỏ, chuối nướng… những thứ quà này rất được các cô chiếu cố vì tính cách đặc biệt của chúng. Bắt đầu là các cô sà vào hàng ổi, xoài, cóc ngâm và của chua. Rồi qua món táo dai ngọt lự, vô cùng hấp dẫn. Sau đó là vài thứ lặt vặt khác rồi tráng miệng bằng một ly đậu đỏ bánh lọc và cuối cùng kết thúc bằng một gói đậu phộng hay tầm ruộc mắm ruốc… đem vào lớp, cất trong ngăn bàn. Vừa nghe vừa nhìn giáo sư giảng. Tay phải ghi chép và tay trái “thoọc” vào ngăn bàn bốc trái tầm ruộc, móng tay “gậy” thêm tí mắm ruốc rồi lén đưa lên miệng, nhai tóp tép…
Dĩ nhiên ăn xong tới giờ ra chơi các cô phải đi rửa tay kỹ lưỡng, để phi tang cái mùi “đáng nể” ấy đi. Thế nên lúc ra về tay các cô vẫn thơm phưng phức để khi về tới nhà sà vào ôm cổ mẹ mà không sợ mẹ chun cái mũi lại, hin hin mấy phát và “théc méc”:
– Con bé này có mùi gì lạ lạ nhỉ?
Tôi đứng nhìn các cô bé tan học sớm, chắc từ một giờ trước, đang “lê la” quanh những hàng quà ấy, cắn xoài rau ráu, nhai táo dai rôm rốp… khiến tôi ê cả răng nhưng lại chảy nước miếng, phải nuốt ừng ực.
Chuông reo. Tôi từ bỏ những ý nghĩ lẩm cẩm về bọn hàng quà để dán mắt vào những bóng dáng yêu kiều đang lách qua khung cửa trường.
A, cô bé của tôi đây rồi. Tôi vội vã bước tới đón. Nhưng một bàn tay nào bất ngờ nắm lấy vai áo tôi. Tôi quay lại. Kim nhìn tôi, cười rạng rỡ.
– Anh đến đón Kim hả?
Tôi choáng người lên – Rõ thật khổ, lần trước đến tìm thì chả gặp, bây giờ … đang bận thì lại đụng đầu nhau. Tôi cười gượng:
– Anh đến thăm Kim, luôn tiện tìm em người bạn có chút việc.
Kim thoáng bực tức nhưng vẫn vui vẻ hỏi:
– Tìm ai, nói tên thử xem Kim có quen không?
Tôi vẫn không rời mắt nhìn cô bé đang tiến lại gần, trả lời:
– À…à…tên Mỵ. Kia rồi, cô ấy kia rồi.
Kim quay lại rồi thản nhiên:
– Xinh ghê nhỉ. Thảo nào, anh giới thiệu với Kim đi.
Tôi quýnh quáng tay chân. Cô bé đến bên cạnh tôi gật đầu chào Kim. Tôi giới thiệu hai người. Cô bé xã giao ngọt xớt, rồi ra vẻ ngây thơ con cóc cộ, giới thiệu nào là anh Vũ tốt lắm, anh Vũ thương “em gái” anh ấy lắm. (Cô bé giả nhận là em gái tôi). Anh Vũ nhắc tới chị Kim luôn, kể chuyện về chị hoài…
Báo hại tôi cứ đứng thộn mặt ra, nhe răng cười trừ và nhìn Kim rạng rỡ nét mặt. Hai cô bỗng dưng đấu hót với nhau thân mật như quen từ lâu lắm, một lúc sau họ mới chia tay và Kim còn dặn lại khi đã bước đi:
– Nhớ đến nhà Kim chơi nhé, mong Mỵ lắm đó.
… Cô bé lườm tôi một phát… nghiêng thùng đổ nước rồi ôm cặp đi thẳng. Tôi vội ù té chạy theo. Suốt quãng đường về, mặc dù tôi tìm đủ mọi cách gợi chuyện cô bé vẫn làm thinh. Mắt đỏ hoe. Bước chân vào cửa cô bé chỉ nói:
– Anh nhớ đến thăm kẻo chị Kim mong!
Rồi cô bé để mặc tôi ở phòng khách nói chuyện với bà cụ, cô bé nhất định ở lý trong phòng ngủ. Tôi buồn quá thất thểu ra về.
Sau đó tôi phải tốn bao nhiêu giấy mực để kể lể, thề thốt và cam đoan đủ điều cô bé mới chịu cho tôi… “tiếp kiến”. Cái ngày ấy thật là quan trọng. Tôi “sửa sang” nhân dáng cẩn thận, mua túi kẹo “bi” (thứ kẹo hạnh nhân mà cô bé thích) thật lớn khệ nệ mang đến nhà cô bé như anh chàng đi hỏi vợ.
Trước mặt cô bé, tôi lại phải một phen khô nước miếng cô bé mới chịu làm lành.
Tôi lắc đầu than thở:
– Mỵ hành hạ anh ghê quá! Anh thật muốn chết luôn.
Cô bé nguýt tôi một cái rõ dài rồi tinh quái hỏi:
– Mấy ngày vừa qua anh có sướng không anh?
Tôi nhăn nhó:
– Em ác vừa chứ! Người ta khổ sở thế mà còn hỏi móc.
Cô bé cười:
– Thế, để anh biết thế nào là khổ khi anh gây cho người khác như vậy. Anh tưởng em sung sướng lắm sao?
– Nhưng sao em giận dai thế?
– Để cho anh nhớ lâu và … yêu em hơn, nhất là lần sau không dám … léng phéng vớ vẩn nữa.
Tôi nhe răng cười trừ, chẳng biết phải đáp ra sao nữa. Mãi đến lúc ra về cô bé mới nhìn trước nhìn sau rồi “mi mi” lên má tôi một cái thật kêu và nhỏ nhẹ:
– Lần sau em không “hành” anh nữa đâu. Đền anh đấy, thích không?
N –
Cô bé thế nào nhỉ? Giá có ai hỏi tôi như vậy tôi sẽ không tả gì về cô bé cả. Nhưng… tôi phải tả cho tôi nghe, để càng thấy cô bé dễ thương, để càng thấy yêu cô bé điên cuồng hơn. Thì kẻ xa nhà nào chẳng thế, biết làm gì để quên bớt ngày dài nếu không tìm vào mơ mộng, vào kỷ niệm và ru hồn bằng hình ảnh đẹp như mơ… để thấy lòng mình nhớ thương da diết.
Nói như Ly Mai Thanh, một nhà thơ quân đội:
“Đem thương nhớ ra hong làm kỷ niệm”. Tôi đem cả thương nhớ lẫn kỷ niệm pha trộn vào nhau để làm cứu cánh cho những quãng thời gian buồn tẻ.
Cô bé đứng chỉ ngang tới mũi tôi, mỗi lần đi cạnh tôi cô bé phải mang guốc cao gót 10 phân. Nhiều lần tôi để tay lên đầu cô bé và đùa:
– Bé con… Ráng lớn lên tí nữa nhé.
Cô bé bèn có một sự ngúng nguẩy quay đi: “Nghỉ anh ra, không thèm chơi với anh đâu”.
Dáng người cô bé nhỏ nhắn, tôi thường nghĩ cô bé như một con búp bê Nhật Bản, vừa vặn để ôm gọn trong vòng tay tôi. Mắt cô bé tròn và to lúc nào cũng đầy vẻ ranh mãnh. Khi cô bé cười chiếc răng khểnh phía bên phải hợp cùng nốt ruồi duyên dưới môi dưới làm tăng nét duyên dáng. Tôi thường bảo thầm:
– Cô bé, ra đường cười thế thì… anh chết sướng hơn. Các cậu thi nhau ngẩn tò te mà ngắm em.
Khi cười có lẽ cô bé cười cả bằng miệng lẫn bằng mắt, trông duyên dáng lạ lùng.
Cô bé thích mặc quần áo lụa. Mầu mỡ gà và thiên thanh. Sau làn lụa mỏng, bộ ngực cô bé vừa xinh trong tương lai thật nhiều hứa hẹn.
Cô bé chưa biết sơn móng tay và thoa phấn. Tôi bảo đừng bao giờ Mỵ dùng những thứ đó nhé, nó sẽ làm xấu đi nhiều lắm.
Cô bé cười:
– Chị Kim có biết thoa phấn tô son không hở anh?
Thằng bé tịt mật chẳng dám nói năng gì.
Cô bé giống như muôn ngàn cô bé khác, thích ăn quà. Ở trường ăn quà rồi về nhà lại sà ngay vào bếp. Mẹ đang thái chả, cô bé nhón một miếng.
Mẹ nhờ cô bé rửa mấy củ cà rốt rồi gọt vỏ để làm đồ chua. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chưa thái được bao nhiêu mà số cà rốt đã … hao đi một nửa.
Mẹ mắng yêu:
– Con bé này ăn vụng như mỏ khoét ấy thôi.
Cô bé lúng búng nhoẻn miệng cười trừ, cà rốt đầy miệng. Tôi pha trò:
– Bác phải khóa tủ lạnh lại không có nhỏ Mỵ ăn vụng hết chả đấy bác ạ. Hôm cháu đến đây lần đầu, cháu gặp nhỏ Mỵ bốc lấy bốc để…
Bà cụ cười hiền từ, còn cô bé thì ré lên phản đối và đuổi tôi chạy khắp nhà để ngắt để véo lằn cả mười ngón tay trên da thịt.
Vậy mà khi ăn cơm, dạo này tôi thường ăn cơm ở gia đình này, sắp làm tế tử rồi còn gì – tôi gắp tiếp cho cô bé bào chả, nào cà rốt… gọi là tỏ tí ti chăm sóc, cô bé lại nhõng nhẽo kêu:
– Em không ăn đâu. No quá à!
Cô bé điệu quá chừng!
Lát sau rồi đâu cũng vào đấy, nghĩa là chả, cà rốt cũng được thanh toán gọn ghẽ không sót lại tí nào.
Buổi tối hôm qua tôi đến cho cô bé hay sáng hôm nay tầu đi Đà Nẵng. Chở thực phẩm tiếp tế. Chuyến đi này sẽ dài khoảng hơn hai chục ngày. Cô bé buồn buồn bảo:
– Anh đi hoài.
Tôi cười:
– Anh đi em vui nhé. Ở nhà tha hồ mà đi chơi với … bồ.
Giá như mọi lần cô bé đã hét lên, cấu véo tôi bằng thích, nhưng lần này cô bé chỉ nói:
– Nhớ viết thư cho em. Tuần này em thi lục cá nguyệt. Thèm thư anh lắm.
Tôi bồi hồi cảm động. Hai đứa dắt nhau ra khu vườn nhỏ bên hông nhà. Trăng thật đẹp. Chúng tôi ngồi chung một chiếc ghế xích đu của trẻ con. Cô bé bỗng ngước nhìn tôi, mắt long lanh và nếu trời không tối, hẳn tôi bắt gặp đôi má cô bé ửng hồng. Cô bé ấp úng:
– Anh… anh, em muốn…
Tôi thừa đoán cô bé muốn nói gì nhưng vẫn ra vẻ không hiểu.
– Ừ, anh hứa sẽ viết thư cho bé luôn.
Cô bé bỗng mạnh dạn:
– Em muốn được ôm anh vào lòng. Em lạnh…
Tôi mở rộng vòng tay. Tấm thân bé bỏng nằm trọn trong lòng tôi. Tôi cúi xuống. Cô bé ngon như một quả hồng đang chín tới và tôi muốn nuốt ngấu nghiến quả hồng. Nhưng tôi chỉ thật nhẹ, thật dịu dàng đặt lên môi cô bé một cái hôn. Dài và say đắm. Cô bé mở to đôi mắt nhìn trộm tôi, vẫn vẻ tò mò như mọi lần. Trong hai giếng mắt hai mặt trăng vàng tròn trặn soi bóng, sáng long lanh.
Tôi và cô bé ngồi ở đó có lẽ đến khuya lắm. Vì khi ra về tôi nghe người đi đường bảo nhau:
– Sắp đến giờ giới nghiêm rồi đó.
Tôi không về nhà, đi thẳng xuống tầu và ngủ một giấc ngon lành. Tôi thức khi Hoạt vào lay dậy. Hắn tò mò nhìn tôi:
– Tối qua anh chị du dương lắm phải không?
Tôi cười không đáp.
Hắn tiếp:
– Có thì liệu mà giữ, để mất ngồi đó khóc con ạ.
Tối đấm dứ vào mặt Hoạt trước khi lên boong:
– Yên chí, chuyến đi này xong tao sẽ ký hiệp ước “chung thân khổ sai” với cô bé ngay.
Sài Gòn 1966