Thu Hằng
Phải chăng Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) chỉ công bố những gì Bắc Kinh đã duyệt trước liên quan đến đại dịch Covid-19, khiến hơn 264,000 người chết và hơn 3,77 triệu người bị nhiễm trên khắp thế giới, tính đến ngày 07/05/2020. Sau gần 5 tháng khủng hoảng, WHO chỉ đưa được một tuyên bố, có vẻ độc lập vào ngày 01/05, kêu gọi Bắc Kinh mời các chuyên gia của tổ chức và các đối tác quốc tế đến tham gia điều tra về nguồn gốc động vật của virus corona.
Quá trình phát triển của “Tổ Chức Y Tế Thế Giới là lịch sử giữa các cuộc chiến chống dịch và các tranh giành ảnh hưởng”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Chloé Morel trên trang The Conversation (30/03/2020). Từ ảnh hưởng gần như độc quyền của Mỹ trong thời gian đầu hoạt động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (thành lập năm 1948), đến sự chia sẻ ảnh hưởng giữa Mỹ và khối Liên Xô, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc bắt đầu bị “lép vế” so với Ngân Hàng Thế Giới từ thập niên 1980, do định chế này cũng đầu tư vào sức khỏe và thương mại, cho các nước vay vốn để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trung Quốc chiếm ghế của Đài Loan trong WHO
Năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức thay thế Trung Hoa Dân Quốc, tên gọi chính thức của Đài Loan, ở Liên Hiệp Quốc, cũng như ở tất cả các cơ quan thuộc định chế này, trong đó có Tổ Chức Y Tế Thế Giới, dù Đài Loan là thành viên từ năm 1947 đến 1970. Yêu cầu từ năm 1997 của Đài Bắc được tham dự Đại Hội Đồng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới với tư cách là quan sát viên đã được chấp nhận vào năm 2008, với tên gọi “Đài Bắc Trung Hoa” khi chính phủ Bắc Kinh lúc đó tỏ ra hòa dịu hơn.
Trung Quốc đổi giọng, kịch liệt yêu cầu loại hoàn toàn Đài Loan khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới vào năm 2016, khi bà Thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Tiến, trở thành tổng thống Đài Loan. Bà Thái Anh Văn trở thành người cản đường cho chính sách một nước Trung Hoa thống nhất, trong đó Đài Loan là một tỉnh. Thêm một gáo nước lạnh cho Bắc Kinh khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống ngày 11/01/2020 và tiếp tục chiến lược kinh tế và chính trị riêng.
Năm 2003, Đài Loan chống dịch SARS thành công và hiện là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới khống chế được dịch Covid-19, nhờ các biện pháp phòng ngừa được áp dụng ngay từ cuối năm 2019 : kiểm soát thân nhiệt người từ Vũ Hán vào Đài Loan, tầm soát, cách ly, theo dõi người nhiễm và người nghi nhiễm…
WHO phớt lờ cảnh báo của Đài Loan, ra sức bảo vệ Trung Quốc
Ngay từ ngày 31/12/2019, Đài Loan cũng là nước đầu tiên cảnh báo Tổ Chức Y Tế Thế Giới về nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới từ người sang người. Tuy nhiên, do sức ép của Trung Quốc, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc phải chờ đến ba tuần sau, ngày 20/01/2020, mới cảnh báo thực tế này. Đến ngày 10/04, Tổ Chức Y Tế Thế Giới chấp nhận nói dối để bảo vệ Bắc Kinh. Theo thư điện tử trả lời RFI, Tổ Chức Y Tế Thế Giới xác nhận nhận được các cảnh báo đề ngày 31/12/2019 từ một quan chức cấp cao Đài Bắc nhưng “không nêu khả năng truyền từ người sang người”. Để phản đối việc WHO “cố tình lờ” cảnh báo, Đài Loan công bố những bức thư trên, trong đó nêu rõ khả năng virus lây nhiễm từ người sang người.
Trả lời thông tín viên RFI Adrien Simorre tại Đài Bắc (26/03), giảng viên Jean-Yves Hertebise, đại học Fu Jen, nhận thấy Bắc Kinh đã “thao túng” WHO : “Tổ Chức Y Tế Thế Giới đơn giản là chỉ theo những thông tin chính thức của Trung Quốc mà không bao giờ chất vấn về độ tin cậy, tin vào sự minh bạch và tính khách quan của những thông tin đó. Chưa hẳn là WHO đã nói dối, nhưng tổ chức này đã tin Trung Quốc mà không áp dụng nguyên tắc đề phòng”. Nói một cách khác, theo cáo buộc của nhà nghiên cứu Pháp Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), khi trả lời nhật báo kinh tế Les Echos ngày 05/05, “Trung Quốc đã không tôn trọng những cam kết khi gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới”.
Thậm chí, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đi xa hơn khi lên án những bình luận kỳ thị chủng tộc mà ông tự nhân là “nạn nhân”. Tuy nhiên, ngày 09/04, chính quyền Đài Bắc yêu cầu đích thân tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải xin lỗi vì những lời cáo buộc vô căn cứ và nhấn mạnh : “Chúng tôi là một đất nước trưởng thành, sống trong một nền dân chủ tiến bộ và chúng tôi không cần phải xúi giục người dân tấn công đích danh tổng giám đốc WHO và lại càng không đưa ra những bình luận phân biệt chủng tộc”.
WHO bị cáo buộc ưu tiên chính trị hơn sức khỏe cộng đồng
Sau tiết lộ về những lời cảnh báo của Đài Loan bị WHO phớt lờ, tổng thống Mỹ lên án cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc “ưu tiên chính trị hơn sức khỏe cộng đồng”, đưa ra những lập trường “rất có lợi cho Trung Quốc”. Từ đó, Hoa Kỳ liên tục bảo vệ quan điểm : Vì Trung Quốc thiếu minh bạch, làm mất “khoảng thời gian quý báu cho thế giới” và vì bênh vực Bắc Kinh, “những hành động của WHO đã lấy đi sinh mạng của nhiều người”.
Vấn đề mời Đài Loan tham dự, với tư cách là quan sát viên, phiên họp hàng năm của Đại Hội Đồng Y Tế, dự kiến diễn ra ngày 18-19/05/2020, chưa bao giờ lại được chú ý như hiện nay, trong khi những năm trước đề nghị để Đài Loan tham dự thường bị WHO bỏ ngoài tai vì sức ép của Trung Quốc. Lời đề nghị gần đây nhất, được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra ngày 06/05. Trung Quốc, thường xuyên khẳng định “không chính trị hóa vấn đề y tế” nhưng kiên quyết bác bỏ vai trò quan sát viên của Đài Loan từ năm 2016.
Đối với chính quyền Đài Bắc, bất công ở chỗ Đài Loan là một trong những nước phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất thế giới, nhưng lại không được tham gia lập chiến lược điều phối trên quy mô thế giới của WHO. “Đài Loan đã cho thấy bằng chứng tốt nhất để họ xứng đáng có vị trí trong Tổ Chức Y Tế Thế Giới”, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Pháp Stéphane Corcuff.
Tedros Adhanom Ghebreyesus : Con rối trong tay Bắc Kinh ?
Nếu như Đài Loan xứng đáng có vị trí trong WHO, thì “đây lại không phải là trường hợp của tổng giám đốc” Tedros Adhanom Ghebreyesus, vẫn theo chuyên gia về Trung Quốc Stéphane Corcuff.
“Bác sĩ Tedros”, 55 tuổi, người Ethiopia, được Trung Quốc ủng hộ để trở thành tổng giám đốc WHO vào năm 2017. Từ đầu mùa dịch, ông thường xuyên ca ngợi chính phủ Trung Quốc “đưa ra những biện pháp chưa từng có để dập dịch, bất chấp những hậu quả nặng nề về xã hội và kinh tế do các biện pháp này gây ra đối với người dân Trung Quốc”. Năm tháng sau, dân số nửa thế giới phải chịu chung số phận.
Theo Le Point, tổng giám đốc WHO chỉ là chức vụ có tiếng nhưng không có thực quyền. Tuy nhiên, điều chắc chắn là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết, không chỉ vì Bắc Kinh đã ủng hộ chính trị gia Ethiopia vào chức tổng giám đốc WHO năm 2017 .
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), được Le Point trích dẫn, “Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Ethiopia. Từ năm 2005 đến 2019, tổng đầu tư của Trung Quốc chiếm 8% tổng đầu tư vào vùng Nam Sahara ở châu Phi. Ethiopia đứng hàng thứ hai các nước nhận được đầu tư của châu Phi”.
Cuối cùng, “bác sĩ Tedros”, khi còn trẻ, từng là thành viên của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Tigray (FLPT), một tổ chức cách mạng Cộng sản được Trung Quốc hậu thuẫn. Từ khi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trở thành tổng giám đốc WHO, tổ chức này từ bỏ khuynh hướng Mác – Lê-nin nhưng không cắt đứt liên lạc với người anh cả Trung Quốc.
(Tổng hợp từ RFI, The Conversation, AFP, Le Point, Courrier International)