- Phan Anh
Trong gần 20 năm, Không quân Mỹ đã tập trung vào chống khủng bố trong các vùng không phận khá thoải mái. Giờ đây, khi Mỹ chuyển từ chống khủng bố sang các cuộc chiến tiềm năng với những đối thủ nặng ký, quốc gia này đang phải áp dụng bài học kinh nghiệm được rút ra từ Thế chiến II: chế tạo số lượng lớn máy bay không người lái giá rẻ nhằm áp đảo các lực lượng phòng không tiên tiến của đối phương.
Kratos XQ-58A Valkyrie là một máy bay chiến đấu không người lái đang thử nghiệm, nó khó bị phát hiện trên radar và có thể được liên kết trực tiếp với máy bay F-35 để phi công có thể điều khiển như một máy bay yểm trợ. Bên cạnh những ưu điểm đó, máy bay Valkyrie có giá thành thấp và chính điều này có thể thay đổi chiến thuật không chiến của Mỹ.
Rõ ràng, Mỹ có lực lượng không quân lớn nhất thế giới nếu xét về tổng số máy bay quân sự; thành phần và kích cỡ của lực lượng này đã thay đổi đáng kể từ những ngày cuối của Thế chiến II. Vào thời điểm đó, Mỹ có khoảng 300.000 máy bay chiến đấu. Ngày nay, quốc gia này chỉ có khoảng 13.400, trải rộng trên nhiều lực lượng quân sự khác nhau.
Lý do dẫn đến việc thay đổi này là do sự tiến bộ của công nghệ, làm tăng đáng kể khả năng chiến đấu và chi phí của máy bay ngày nay. Đồng thời, sự phát triển trong sản xuất hàng không đã tạo ra một hệ thống Không quân ưu việt hơn và dẫn đến sự thay đổi chiến thuật chiến đấu nói chung. Thời Thế chiến II, số lượng máy bay là yếu tố giúp quyết định thắng bại. Trong các trận chiến ngày nay, công nghệ mới là thứ tạo nên sự khác biệt, chứ không phải số lượng.
Nhưng chỉ dựa vào yếu tố công nghệ là không đủ. Cụ thể, khi các đối thủ cận kề như Trung Quốc và Nga trang bị các hệ thống phòng không tiên tiến hơn, máy bay của Mỹ có khả năng phải đối mặt với các không phận nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Vì các máy bay chiến đấu của Mỹ có giá lên tới 80 triệu USD/chiếc, dù cho chúng có khả năng tàng hình (trước radar) hay không, tổn thất sẽ rất đáng kể nếu xảy ra cuộc chiến trên quy mô lớn. Đó là lý do chiến thuật có thể phải quay trở lại tập trung vào số lượng lớn máy bay, thay vì các tiện ích công nghệ được trang bị cho từng chiếc. Và đó là khi những chiếc máy bay như XQ-58A Valkyrie của hãng Kratos có thể thực sự phát huy tác dụng.
Các máy bay Valkyrie có khả năng mang được ít nhất 2 quả bom có đường kính nhỏ và có thể bay hơn 3.000 km, nhưng quan trọng hơn, Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch kết nối các máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) với những chiếc F-35 và F-15EX mới thông qua liên kết dữ liệu mã hóa để hoạt động như máy bay yểm trợ. Đây là sáng kiến có tên chương trình Skyborg. Các liên kết này, cùng với công nghệ AI được tích hợp trên máy bay, sẽ cho phép phi công máy bay chiến đấu điều khiển máy bay yểm trợ không người lái, thậm chí đưa chúng đi do thám trước để gửi thông tin về cho phi công.
Điều đó có nghĩa là các máy bay Valkyrie sẽ có thể chiến đấu với các mục tiêu trên mặt đất thay thế cho máy bay có người lái và thậm chí có thể hy sinh để bảo vệ máy bay có người lái trước tên lửa.
“Chúng tôi có thể chấp nhận rủi ro với một số hệ thống để giữ cho các hệ thống khác an toàn hơn,” Will Roper, Tiến sĩ, trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách việc thu mua, công nghệ và logistics cho biết trên tờ Defense News vào năm 2019.
Hiện tại, máy bay chiến đấu dựa vào bộ cảm biến để xác định mục tiêu và các mối đe dọa tiềm tàng, nhưng với Chương trình Skyborg, máy bay không người lái có thể bay về phía trước để phát hiện mục tiêu và chuyển dữ liệu trở lại cho phi công. Điều đó sẽ cho phép các máy bay tấn công hoặc né tránh các mối đe dọa từ khoảng cách xa hơn.
“Trong tương lai, chúng ta có thể tách chúng ra, đặt bộ phận cảm biến trước phần súng bắn, đặt các hệ thống có người lái sau hệ thống không người lái. Đó là cả một chiến thuật,” ông Roper cho biết trên tờ Defense News.
Tuy có nhiều tính năng ưu việt, nhưng máy bay Valkyrie lại có mức giá tương đối rẻ (so với máy bay chiến đấu dùng động cơ phản lực) – khoảng 2 triệu USD/chiếc. Trong khi các loại tên lửa hành trình Tomahawk của hãng Raytheon có giá khoảng 1,4 triệu USD/chiếc và các máy bay drone chiến đấu như RQ-4 Global Hawk có giá hơn 120 triệu USD, thì mức giá 2 triệu USD của loại máy bay chiến đấu có thể tái sử dụng như Valkyrie là quá rẻ.
Bên cạnh đó, hãng Kratos cho biết thêm rằng Valkyrie còn mang đến một “kiến trúc mở” cho phép họ thay đổi máy bay phù hợp với các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau với những lựa chọn về tải trọng khác nhau. Điều này có thể làm tăng đáng kể số lượng các loại nhiệm vụ mà những máy bay không người lái này có thể hỗ trợ, bao gồm cả các cuộc giao chiến không-đối-không và không-đối-đất.
Việc sản xuất một số lượng lớn các nền tảng máy bay giá rẻ, có thể tái sử dụng sẽ giúp gia tăng đáng kể sức mạnh không quân của Mỹ. Đây là điều rất quan trọng, bởi dù hệ thống phòng không có tân tiến thế nào đi chăng nữa, nó vẫn có hạn chế trong vấn đề chứa vũ khí. Bằng cách sử dụng các máy bay drone với số lượng lớn, Mỹ hy vọng sẽ áp đảo các hệ thống phòng thủ, đó là một trong những lý do chính mà Không quân nước này đang chú trọng vào việc chế tạo ra những chiếc máy bay giá thành rẻ, có thể tái sử dụng.
“Có thể dùng số lượng lớn các loại máy bay với chi phí thấp nhằm áp đảo kẻ địch,” Paul Scharre, nhân viên Trung tâm tư vấn an ninh mới của Mỹ, cho biết trên tờ BBC News vào năm 2019. “Điều này đi ngược với xu hướng nâng chi phí và giảm số lượng máy bay, đã tồn tại trong một thời gian dài.”
Tuy nhiên, không giống như thời Thế chiến II, giá trị của tất cả các máy bay đó có thể được gia tăng thêm nhờ khả năng thu thập dữ liệu tiên tiến giống như Máy bay chiến đấu F-35 tiêm kích phối hợp (JSF) của hãng Lockheed Martin.
Chúng ta phải chờ ít nhất đến năm 2021 mới biết được Lầu năm góc có tiến hành việc sản xuất hàng loạt máy bay Valkyrie hay không. (Bởi đây vẫn còn một nền tảng mới đang được thử nghiệm, vậy nên có thể xảy ra nhiều sự cố.) Nhưng dù quyết định thế nào đi nữa, có vẻ như tương lai của không quân Mỹ sẽ mang nhiều nét giống như chiếc máy bay drone hầm hố mới này của hãng Kratos.
Khi hệ thống phòng thủ trên không tiếp tục phát triển, việc chỉ sử dụng các phương tiện tàng hình là không đủ để chiếm ưu thế trong những cuộc chiến. Lúc này, các phương thức “xưa cũ” – sử dụng các máy bay không người lái giá rẻ với số lượng áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương – dường như là cách duy nhất phát huy tác dụng. Cụ thể, việc dùng nhiều máy bay drone có chi phí thấp thuộc chương trình Skyborg có thể mang lại chiến thắng khi những phương tiện tàng hình bó tay.
Với việc Nga và Trung Quốc được cho là đang phát triển máy bay yểm trợ không người lái của riêng mình, các cuộc chiến trong tương lai có thể được định đoạt nhờ việc áp đảo hệ thống phòng thủ của kẻ địch thông qua số lượng lớn những chiếc UCAV hoạt động theo sự chỉ huy từ các phi công gần đó.
Theo Popular Mechanics,
Phan Anh